Năm 2022, tại bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris, Pháp, một thanh niên giả làm bà già ngồi xe lăn đã bất ngờ tấn công bức tranh nổi tiếng “Mona Lisa” bằng cách ném bánh kem vào đó, rồi rải cánh hoa hồng bên cạnh bức tranh. Tác phẩm nghệ thuật không bị hư hại bởi vụ tấn công vì đã được bảo vệ bằng kính chắn trong nhiều năm qua. Để giải thích lý do hành vi phá hoại của mình, kẻ tấn công đã hét lên bằng tiếng Pháp một khẩu hiệu… bảo vệ môi trường: “Hãy nghĩ về Trái đất! Có những người đang hủy hoại Trái đất! Tất cả các họa sĩ đều phải nghĩ về Trái đất, đó là lý do tại sao tôi làm điều đó. Hãy nghĩ về hành tinh này!”.
Đây không phải lần đầu tiên Mona Lisa trở thành mục tiêu của bọn tội phạm, những kẻ phá hoại và những người mắc bệnh tâm thần. Năm 1911, bức tranh bị đánh cắp, và chính cuộc điều tra ly kỳ về vụ việc này đã khiến bức tranh thực sự trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Sau khi bức tranh được phát hiện 2 năm sau đó, “cuộc phiêu lưu” của nó vẫn chưa kết thúc. Năm 1956, một du khách đến thăm bảo tàng Louvre đã tạt axit vào tác phẩm nghệ thuật, và cùng năm đó, nó cũng bị hư hại nghiêm trọng do bị một khách tham quan bảo tàng ném đá. Do đó, chính quyền đã lắp đặt kính chống đạn để bảo vệ kiệt tác. Nhưng điều này vẫn không khiến những kẻ điên rồ sờn lòng nản chí: họ đổ sơn, ném tách trà lên bức tranh. May có lớp kính bảo vệ, kiệt tác thời Phục hưng vẫn được bảo tồn ở dạng nguyên bản cho đến ngày nay.
“Mona Lisa” do Leonardo da Vinci vẽ từ thế kỷ 16 là bức tranh về sự huyền bí, nụ cười bí ẩn, những thông điệp và bí mật được mã hóa. Xét về độ nổi tiếng vì những điều bí ản chưa được giải đáp, chỉ có tác phẩm “Tiếng thét” của Edvard Munch và “Cô gái đeo bông tai ngọc trai” của Jan Vermeer mới có thể sánh ngang với bức “Mona Lisa” (sẽ có bài viết riêng về hai tác phẩm này).
“Mona Lisa” chỉ là tên gọi tắt, còn tên đầy đủ của bức tranh là “Ritratto di Monna Lisa del Giocondo”. (Chân dung bà Lisa Giocondo). Trong tiếng Ý, từ “ma donna” có nghĩa là “quý cô của tôi”; dần dần bị đơn giản thành Mona, từ đó bức tranh “chết tên” Mona Lisa.
Được biết, họa sĩ bắt đầu vẽ bức tranh này vào năm 1503 và thực hiện nét bút cuối cùng vào năm 1516. Ông luôn giữ tác phẩm này bên mình cho đến khi qua đời vào năm 1519. Theo di chúc, bức tranh được chuyển giao cho học trò của Leonardo là Salai. Vẫn chưa biết bức tranh đã được đưa đến Pháp như thế nào (rất có thể Francis I đã mua nó từ những người thừa kế của Salai). Vào thời vua Louis XIV, bức tranh được chuyển đến Cung điện Versailles và sau Cách mạng Pháp, Bảo tàng Louvre trở thành “địa chỉ thường trú” của “Mona Lisa”.
Các nhà sử học, nhà phê bình và chuyên gia nghệ thuật đã tranh luận trong nhiều thế kỷ về việc người phụ nữ trong bức tranh thực sự là ai và những bí ẩn khác của bức chân dung.
PHIÊN BẢN CHÍNH THỨC
Đây là bức chân dung của Lisa del Giocondo, người vợ trẻ của nhà buôn lụa nổi tiếng người Florence, doanh nhân Francesco del Giocondo. Người ta biết rất ít về Lisa: cô sinh ra ở Florence trong một gia đình quý tộc. Cô kết hôn sớm và có một cuộc sống bình lặng, chuẩn mực. Francesco del Giocondo là một người rất ngưỡng mộ nghệ thuật và hội họa, thường xuyên có những hoạt động bảo trợ các họa sĩ. Theo các tài liệu lịch sử, người phụ nữ này đang mang thai đứa con thứ hai vào thời điểm Leonardo da Vinci (được cho là) vẽ chân dung bà. Bằng chứng về điều này có thể được tìm thấy trên chính bức tranh: người phụ nữ khoanh tay trước bụng, đây là dấu hiệu điển hình của những phụ nữ đang mong có con. Có giả thuyết cho rằng Leonardo yêu nàng Lisa.
GÁI LÀNG CHƠI?
Có thể nói, người phụ nữ trong tranh dường như không hề có lông mày và lông mi. Ở Ý vào thế kỷ 16, chỉ những phụ nữ thuộc một loại nghề nghiệp… bị coi thường mới có những dấu hiệu như vậy – cụ thể là… kỹ nữ. Những phụ nữ làm nghề này thời đó thích làm sáng lông mi và lông mày, hoặc thậm chí loại bỏ chúng hoàn toàn để vẻ ngoài của họ trở nên quyến rũ hơn. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu duy nhất cho thấy Mona Lisa có thể là một kỹ nữ người Ý. Trang phục và tư thế của cô ấy (nếu đây không phải là tầm nhìn nghệ thuật của tác giả) cho thấy người phụ nữ này có địa vị xã hội hoàn toàn khác.
Theo họa sĩ dồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật đương thời Giorgio Vasari (1511-1574), người ngồi làm mẫu cho Da Vinci vẽ “Mona Lisa” có thể là những người sau đây: Caterina Sforza (đại diện của triều đại cầm quyền thời Phục hưng Ý, được coi là người phụ nữ chính của thời kỳ đó), hoặc Cecilia Gallerani (người tình của Công tước Louis Sforza, người mẫu của một bức chân dung khác do Da Vinci vẽ – bức “Người đàn bà với con chồn”), hay là mẹ của chính Leonardo da Vinci, hoặc chỉ đơn giản là bức chân dung của một người phụ nữ có vẻ đẹp đặc trưng, tiêu chuẩn của thời Phục hưng.
NỤ CƯỜI MONA LISA
Các chuyên gia nhất trí nhận định rằng bố cục của bức tranh là tiêu chuẩn của thể loại chân dung. Nó được vẽ theo tất cả các quy luật hài hòa và tiết tấu: nhân vật được tạo hình theo hình chữ nhật cân xứng, lọn tóc gợn sóng hài hòa với tấm màn mờ và bàn tay gập lại mang đến cho bức tranh một sự hoàn chỉnh trong bố cục đặc biệt chặt chẽ.
Nụ cười của Mona Lisa là một trong những chủ đề được tranh luận sôi nổi nhất cả trong cộng đồng khoa học và những người hâm mộ bình thường tác phẩm của da Vinci. Phải chăng nàng thực sự đang cười mỉm (hàm ý mỉa mai) việc phải ngồi làm mẫu cho họa sĩ vẽ chân dung? Hoặc có thể Leonardo da Vinci đang kể một câu chuyện hài hước nào đó khiến nàng mỉm cười? Hay chỉ đơn giản nàng là một người rất vui vẻ?
Mà biết đâu nàng có lượng cholesterol rất cao? Giả thiết này nghe có vẻ lạ và thoạt nhìn thì không liên quan gì với nụ cười của nhân vật trong tranh. Tuy nhiên, nhà phê bình nghệ thuật từ Sicily, Vito Franco, đã đưa ra kết luận chính xác như vậy.
Theo Vito Franco, người phụ nữ trong bức tranh của Leonardo da Vinci rất đam mê các sản phẩm bột mì và mức cholesterol của cô ấy nằm ngoài bảng xếp hạng. Vito Franco chỉ ra rằng có thể nhìn thấy dấu vết tích tụ axit béo dưới mắt La Gioconda và cô ấy thậm chí còn bị xanthelasma ở mắt trái. Nói một cách dễ hiểu, biểu cảm bí ẩn trên khuôn mặt của “Mona Lisa” chỉ là biểu hiện bên ngoài của sự rối loạn trong hoạt động của cơ thể do hàm lượng cholesterol cao trong máu của cô ấy gây ra.
VÌ SAO LÔNG MÀY LÔNG MI BIẾN MẤT?
Kỹ sư và nhà phát minh người Pháp Pascal Cotte gần đây đã quyết định tiến hành phân tích bức tranh cổ của riêng mình bằng cách sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Pascal đã sử dụng một máy ảnh kỹ thuật số có độ phân giải cao và chụp một số bức ảnh để xem xét chi tiết, phóng đại hình ảnh lên 24 lần. Kết quả là ông đã phát hiện ra một nét sơn đậm duy nhất trên đường mi phía trên mắt trái của Mona Lisa. Phát hiện này khiến ông phải suy nghĩ xa hơn: Điều gì sẽ xảy ra nếu ban đầu họa sĩ vẽ cả lông mày và lông mi nhưng vì lý do nào đó mà chúng “biến mất” vài thế kỷ sau đó? Ví dụ, điều này có thể xảy ra khi có một nỗ lực khôi phục bức tranh không thành công. Hoặc, qua nhiều thế kỷ, màu sắc bắt đầu mờ dần. Còn một lập luận nữa ủng hộ giả thuyết này: nghệ sĩ Giorgio Vasari, người sống cùng thời với Leonardo da Vinci, đã để lại những ghi chú cho thấy rõ ràng rằng ban đầu Mona Lisa có lông mày khá dày.
TỶ LỆ VÀNG VÀ PHÉP THÔI MIÊN
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng có rất nhiều hình dạng đồ họa ảnh hưởng đến cảm nhận về bức tranh: ví dụ, khuôn mặt của “La Gioconda” được đặt vừa vặn trong một hình chữ nhật vàng, và một hình chữ nhật khác có cạnh dưới đi qua tay phải của nàng đến khuỷu tay trái, cạnh trên chạm vào đỉnh đầu Mona Lisa.
Đọc thêm
NHỮNG DẤU HIỆU BÍ MẬT
Nhìn vào hình ảnh phóng to từ bức Mona Lisa, Pascal Cotte đã nhận ra một chi tiết rất quan trọng – những con số (và/hoặc chữ cái) mà rất khó nhìn thấy trong mắt của nhân vật. Nhà nghiên cứu người Ý Silvano Vinceti cho biết: “Các biểu tượng này không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nếu nhìn qua kính lúp, bạn có thể thấy chúng”.
Chữ cái: Nhà khoa học phát hiện ra chữ “LV” được giấu trong đồng tử bên trái của Mona Lisa. Đây có thể là chữ ký của chính nghệ sĩ, bằng chữ in hoa tên ông – Leonardo da Vinci. Các biểu tượng ở đồng tử bên phải khó nhận ra hơn. Vinceti có xu hướng tin rằng có đường viền của các chữ cái “C” và “E”. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra lời giải thích cho những dấu hiệu này.
Số 72: những biểu tượng này có thể biểu thị tính hai mặt của bản chất con người, sự thống nhất của các mặt đối lập. Suy cho cùng, con số “7” trong văn hóa Kitô giáo gắn liền với Thiên Chúa Cha. Và số “2” trong Kabbalah biểu thị cả hai giới tính – nam và nữ, cũng như sự kết hợp giữa các nguyên tắc của thần thánh và con người. Một nhà khoa học khác, Giuseppe Papagni, hoàn toàn bị thuyết phục rằng con số “72” trong bức tranh của Leonardo da Vinci là tên được mã hóa của Đấng toàn năng (vào thời Phục hưng người ta tin rằng tên của Chúa bao gồm 72 chữ cái).