Jupiter (Mộc tinh) được coi là vị thần đáng gờm nhất, người đứng đầu toàn bộ quần thể thần thoại La Mã. Ngôi đền của ông trên Đồi Capitoline được xây dựng và thánh hiến vào năm 509 trước Công nguyên, ngay sau khi vị vua La Mã cuối cùng, Tarquin the Proud bị lưu đày. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính người La Mã cũng coi đây không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hóa ra họ đã lật đổ vị vua trần thế để có được sự bảo vệ của vị thần sấm sét mạnh mẽ hơn vô cùng. Vợ của Jupiter là nữ thần Juno, nhưng ở Rome thời đó không có đền thờ nào dành cho bà. Điều đáng ngạc nhiên là nó chỉ được dựng lên sau đó cả thế kỷ. Đền thờ Juno trên cùng Đồi Capitoline được thánh hiến lần đầu tiên vào năm 396 trước Công nguyên, cho đến trước thời điểm đó, Thần Jupiter của La Mã vẫn ở một mình.
Điều gì đã ngăn cản người La Mã xây dựng ngôi đền Juno cùng lúc với ngôi đền của chồng bà? Chỉ một điều nhỏ nhặt – Juno đã có nhà riêng của mình, mà theo quan niệm cổ xưa, nữ thần không thể rời đi. Cụ thể là ngôi đền ở Veii, một đô thị Etruscan nằm rất gần Rome. Chỉ sau khi chiếm được và phá hủy thành phố này, thủ tục chuyển giao vị thần mới được long trọng thực hiện, và Juno cuối cùng đã được “định cư” bên cạnh Jupiter. Hóa ra người La Mã đã chiến đấu với Veii chỉ vì mục đích đoàn tụ gia đình cho các vị thần!
Trong vòng 100 năm, bắt đầu từ năm 483 trước Công nguyên, ba cuộc chiến tranh giữa người La Mã và Veii đã diễn ra, tổng cộng 34 năm chiến đấu. Những cuộc chiến này khiến La Mã phải hy sinh mất mát rất nhiều; và kết quả chỉ là sự tàn phá một đô thị khổng lồ, thành phố lớn nhất ở châu Âu. Vào thời điểm đó, có tới 350 nghìn người sống ở Veii; dân số ở Rome lúc đó nhỏ hơn nhiều. Tại sao người La Mã lại cần đến chuỗi cuộc chiến này và làm thế nào họ có thể giành chiến thắng?
Thành phố Veii không chỉ lớn mà còn rất giàu có. Những người Etruscan sinh sống ở đó không thích chiến đấu bằng chính lực lượng của mình. Họ tin rằng việc mua chuộc một số bộ lạc Ý hiếu chiến sẽ dễ dàng và rẻ hơn. Người Veii cung cấp cho đồng minh của mình vũ khí, áo giáp, thực phẩm và tất cả các vật tư cần thiết cho chiến tranh; nền kinh tế hùng mạnh của họ cho phép chi tiêu như vậy. Người Etruscan coi người La Mã là hoang dã và nghèo nàn, không phải là một mối đe dọa nghiêm trọng.
Muốn có được sức mạnh thực sự thì La Mã nhất thiết phải đè bẹp đối thủ hùng mạnh là Veii. Ngoài ra, trong cuộc cách mạng chấm dứt chế độ quân chủ ở La Mã, người Etruscan đã đứng về phía nhà vua. Người La Mã lo sợ rằng một ngày nào đó người Etruscan sẽ lại ủng hộ cuộc phản cách mạng: họ sẽ tìm thấy một người họ hàng xa còn sống sót của vị vua cuối cùng và trang bị cho ông ta một đội quân đánh thuê để đè bẹp nền Cộng hòa non trẻ của La Mã.
Đọc thêm
Trong nhiều thập kỷ, người La Mã định kỳ tàn phá khu vực xung quanh Veii và người Etruscan đã đáp trả tương tự. Bất chấp sự kiên trì vây hãm, may mắn vẫn chưa mỉm cười với người La Mã trong cuộc chiến kéo dài này. May mắn thay cho người La Mã, người Etruscan là một khúc xương khó nuốt không chỉ đối với họ mà còn đối với những người thực dân Hy Lạp ở miền nam nước Ý và người Carthage, những người đã bị họ chặn các tuyến đường biển quan trọng. Bản thân người Hy Lạp và Carthage không muốn chiến đấu với người Etruscan nhưng muốn ủng hộ người La Mã. Người La Mã đột nhiên có tiền không chỉ để hối lộ các đồng minh Ý của họ mà thậm chí còn trả lương cho binh lính đánh thuê. Lần đầu tiên trong lịch sử La Mã, những lính lê dương từng chiến đấu tự do ngày trước giờ đây bắt đầu được trả lương; đặc biệt, kỵ binh (lực lượng tinh nhuệ của quân đội La Mã) nhận được số tiền gấp ba lần so với lính bộ binh.
Đó là vào năm 403 trước Công nguyên, hai năm sau khi bắt đầu cuộc chiến thứ ba chống lại người Veii. Như thường lệ, Veii thuê các bộ tộc Volscians, Falisci và Capenates để chống lại La Mã. Những dân tộc này có quân đội thiện chiến, liên tục gây ra những thất bại nặng nề cho quân La Mã. Cuộc chiến, cũng như những lần trước, diễn ra với mức độ thành công khác nhau, nhưng vào năm 396, sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư mong muốn đặt cược vào chiến thắng của người La Mã đã cạn kiệt.
Nhà độc tài Camillus, ngay sau khi được bổ nhiệm ở La Mã, đã ngay lập tức siết chặt chính sách quân phiệt thời chiến, chẳng hạn ban lệnh xử tử tất cả những người lính La Mã hèn nhát chạy trốn khỏi kẻ thù. Lệnh nhập ngũ được công bố trong toàn quốc; những người trốn quân dịch bị đe dọa tử hình. Quân đội đồng minh của người Latin và Hernics cũng kéo đến tiếp sức cho người La Mã. Dưới sức tấn công như vũ bão của ba đội quân hợp nhất, Veii đã hoàn toàn thất thủ.
Cay cú vì phải mất 100 năm với 3 cuộc chiến hao binh tổn tướng và tổn hao tài lực, vật lực, sau khi giành chiến thắng, người La Mã ra sức giết chóc, cướp bóc, tàn phá Veii, san phẳng thành phố khổng lồ thành bình địa.
Những người dân Veii còn sống sót đều bị người La Mã bán cho các thương gia Hy Lạp và Carthage làm nô lệ, vì bản thân La Mã lúc đó không cần đến số lượng nô lệ lớn đến như vậy.