Sử Trung Quốc

Quan Vũ trong chính sử và trong tín ngưỡng dân gian

Quan Vũ được nhân gian thờ kính đại diện cho đức tính tín nghĩa, khác với nhân vật Quan Vũ lịch sử

quan vu la ai

Hành trình đưa Quan Vũ từ một viên tướng trở thành Quan Thánh Đế Quân, đôi năm trước em đã viết loạt bài khá chi tiết rồi, nhưng xem ra thuốc vẫn chưa đủ mạnh, nay gia giảm theo phép quân-thần-tá-xứ để độc giả khỏi lầm.

I. TÓM LƯỢC

Bởi chưng nhiều người ngại đọc dài nên xin điểm vài nét về nội dung loạt bài trên để tiện theo dõi.

– Võ thánh đầu tiên được tôn xưng là Võ Thành vương Khương Thái công (a.k.a Khương Tử Nha, Lã Vọng), vị thứ hai là Nhạc gia gia Nhạc Phi và vị thứ ba là Quan Công.

– Quan Công được đưa vào Võ miếu ở thời Đường Đức tông, tới thời Tống Thái tổ thì bị truất khỏi miếu. Nhưng tới vị vua thứ 6 đời Tống là Thần tông thì ông lại được đưa vào thờ trong Võ miếu và ổn định từ bấy tới nay. Cũng trong khoảng giữa đời Tống thì miếu thờ riêng Quan Công bắt đầu được lập ở các nơi.

– Thời Nguyên, Quan Công được phong vương, có thể thấy tác dụng của các truyền thuyết về ngài trong dân gian, điển hình như trong các vở Nguyên tạp kịch, đã phát huy tác dụng. Quan Công đã thoát khỏi khuôn hình một vị võ tướng và trở thành một biểu tượng của chữ Nghĩa, song song với Nhạc Phi là biểu tượng của chữ Trung.

– Thời Minh, vai trò của Quan Công trở nên ngang hàng với Nhạc Phi, trở thành biểu tượng của trung nghĩa. Các miếu thờ mọc lên ở khắp nơi đồng nghĩa với vị thế của ngài trong tôn giáo trở nên cao vọt, ngài bắt đầu được tôn xưng là Đế quân. Hai người con trai là Quan Bình và Quan Hưng cũng được truy phong tước vương.

– Thời Thanh, vì xưa kia Nhạc Phi kháng Kim nên tới đây bị tước hoàn toàn vị hiệu Võ thánh. Quan Công nghiễm nhiên độc chiếm ngôi tôn. Triều đình một phần muốn lấy lòng người Hán, một phần muốn cổ xúy hai chữ “Trung Nghĩa”, nên địa vị Quan Công trong cả Thanh triều lẫn dân dã được tôn lên tới mức chưa từng thấy. Quan Công trở thành một vị thần bảo hộ cho Thanh triều. Các miếu thờ ngài đều được ban biển “Trung nghĩa thiên cổ”. Thậm chí Hoàng đế Càn Long còn hạ chiếu chê trách Tam Quốc Chí của Trần Thọ dùng quá nhiều thiên kiến cá nhân khi chép về ngài. Rồi đổi thụy hiệu của ngài từ Tráng Mậu sang thành Trung Nghĩa.

II. HIỂU VỀ TỤC THỜ QUAN CÔNG

Có một sai lầm rất phổ biến, đó là đồng hóa Quan Công – người được thờ – với vị tướng Quan Vũ trong lịch sử.

Quan Công trong miếu thờ không phải vị tướng bằng da bằng thịt mà là một biểu tượng. Ban đầu người ta thờ ngài vì kính trọng chữ “Dũng”, tiến tới thờ ngài như thờ chữ “Nghĩa”, rồi cuối cùng thờ ngài như thờ hai chữ “Trung Nghĩa”. Điều này có nghĩa là người dân gạn lọc ra các tính cách của ngài, và bổ sung thêm những đức tính mà họ tin rằng có trong ngài, để biến ngài thành một vị thánh, một biểu tượng để họ gửi gắm lòng tin và hi vọng.

Dĩ nhiên sẽ luôn tồn tại câu hỏi là “tại sao lại là Quan Vũ mà không phải người khác?” Không ai có thể giải đáp hoàn hảo câu hỏi này. Người ta lập miếu và thờ cúng vì rất nhiều lý do. Có khi dân thờ người giàu vì bỏ tiền ra xây miếu, có khi dân lập miếu thờ ai đó vì số phận đáng thương, có khi dân lập miếu thờ vì sự hiển linh hay tác quái. Thực ra thì hiển linh hay tác quái chỉ cách nhau một sợi tóc, ban xuống một cơn mưa ngọt thì gọi là hiển linh, mà giáng xuống một trận mưa đá thì gọi là tác quái. Dẫu sao thì hiển linh hay tác quái đều sẽ được lập miếu thờ cả. Bắt đầu từ một, hai ngôi miếu, dưới tác dụng của tuyên truyền (vì động cơ nào đó), ảnh hưởng của tín ngưỡng sẽ dần dần lan rộng. Tục thờ Quan Công là một trường hợp điển hình như vậy.

Từ thời Đường, miếu thờ Quan Công đã nổi danh linh ứng. Song song là vai trò Hộ pháp già lam mà Phật giáo dành cho ngài khi du nhập vào Trung thổ, hẳn vì muốn dựa danh Quan Công để thâm nhập sâu vào lòng dân chúng. Tiếp sang đời Tống, Quan Công đặt hẳn một chân vào Đạo giáo với danh hiệu Sùng Ninh chân quân do Tống Huy tông ban tặng. Rồi trở thành Đãng ma chân quân, Quan thánh đế quân. Trong dân gian, ngài còn được tôn là một trong các vị Tài thần.

Như vậy, địa vị của Quan Công đã vượt trên rất xa ông Quan Vũ thời Tam quốc, trước cả khi tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung ra đời. La tiên sinh khi viết Diễn nghĩa không thể lật ngược địa vị của ngài mà bắt buộc phải nương theo những gì dân gian tưởng tượng về ngài, cũng như dựa trên các tích vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của dân chúng. Tức là danh tiếng của Quan Công như quả cầu tuyết lăn từ đỉnh núi xuống, càng lăn thì to lớn, mà không có bất kỳ đá tảng gốc cây nào cản đà lăn nổi. Ngài trở nên vĩ đại là đương nhiên.

III. QUAN CÔNG ĐƯỢC THỜ Ở NƯỚC TA

Một sai lầm phổ biến khác là cho rằng tục thờ Quan Công ở nước ta được những người Minh hương đem sang khi họ tới Đàng Trong.

Điều này chỉ đúng một phần, tức là người Hoa thờ Quan Công, dựng tượng, lập miếu trong hội quán, trong nhà của họ. Nhưng ngoài ra, ta phải nhìn nhận rằng nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc quá gần gụi nhau, sức ảnh hưởng của Nho giáo ở triều đình Đại Việt/Việt Nam không khác gì với triều đình Trung Quốc. Điều này có nghĩa là sức ảnh hưởng của Quan Công – biểu tượng của hai chữ “Trung Nghĩa” – chắc chắn xuất hiện trong chốn miếu đường nước ta.

Năm 1818 thời vua Gia Long, triều đình cho lập miếu Quan Công và miếu Thiên Phi (không rõ ở đâu). Vị Quan thánh đế quân được xếp ngang hàng với bà Thiên Hậu – vị nữ thần bảo hộ cho thuyền bè trên biển. Đây là những miếu do triều đình xây cất và tổ chức tế lễ (Thực lục, đệ nhất kỷ).

Năm 1821 thời vua Minh Mạng, vua cho lập miếu Quan Công trong kinh thành (Thực lục, đệ nhị kỷ).

Năm 1825, vua lệnh định kỳ cúng tế miếu Quan Công cùng các miếu thờ quan trọng bậc nhất như Nam hải Long vương, Thai Dương phu nhân, Thiên Phi… (Thực lục, đệ nhị kỷ)

Năm 1830, vua ngự chế bài thơ “Vân Trường chúc”, sai khắc biển vàng treo ở miếu Quan Công (Thực lục, đệ nhị kỷ).

Năm 1842, thời vua Thiệu Trị, nhắc tới địa phương Nghệ An có nhiều quan viên văn võ dựng miếu riêng thờ Quan Công và tính linh ứng khi cầu đảo (Thực lục, đệ tam kỷ).

Năm 1845, di dời miếu Quan Công và miếu Thiên Phi từ cạnh chùa Thiên Mụ tới ngoài cửa đông kinh thành vì miếu cũ “quy chế hẹp hòi, gỗ nhiều chỗ hỏng nát” (Thực lục, đệ tam kỷ).

Năm 1878 thời vua Tự Đức, nhắc tới việc cầu mưa ở miếu Quan Công (Thực lục, đệ tứ kỷ).

Cũng cần phải nhắc rằng quan Tổng đốc Hà Ninh là Hoàng Diệu khi thấy thành Hà Nội thất thủ đã tự ải ở trước miếu Quan Công, một biểu tượng của “Trung Nghĩa” (Thực lục, đệ tứ kỷ).

Có thể độc giả sẽ nảy ra một nghi ngờ rằng do triều Nguyễn hủ bại nên mới rước một ông Tàu về thờ. Quan điểm này cũng sai lầm nốt. Thời Lê Trung hưng, năm 1740, triều đình đã cho dựng Võ miếu, song song đó lập miếu thờ Quan Công và cho xuân thu nhị kỳ cúng tế hằng năm (Cương mục, quyển 38). Về ý nghĩa của miếu Quan Công, sử không viết trực tiếp, nhưng chúng ta có thể nhận định qua sự kiện năm 1761, cho Lê Lai được tòng tự trong miếu Quan Công (Cương mục, quyển 42). Nếu Lê Lai không phải biểu tượng của Trung Nghĩa, hi sinh thân mình vì chủ, thì phải hiểu Trung Nghĩa thế nào đây?

Không chỉ lập miếu ở kinh thành và các tỉnh Nam kỳ, một số tỉnh Bắc kỳ cũng có miếu thờ ngài. Tiêu biểu như ghi nhận ở mỏ Tụ Long (châu Vị Xuyên) có miếu Quan Công (Kiến văn tiểu lục), Tuyên Quang có miếu Tam Thần (thờ Quan Công, Ngọc Nữ và Tiên Dung) (Thực lục, đệ nhị kỷ, 1835).

IV. TIỂU KẾT

Như các điểm đã nói trên, chúng ta cần rạch ròi phân biệt giữa Quan Công được thờ trong miếu với Quan Vũ trong lịch sử. Quan Công là biểu tượng của Trung Nghĩa, là vị thần nổi tiếng linh ứng tại cả Trung Quốc và Việt Nam đã cả ngàn năm nay. Người ta thờ Quan Công không phải thờ một vị tướng Tàu, mà ấy là thờ hai chữ Trung Nghĩa. Đem so sánh viên tướng Quan Vũ với người khác để chê bai tục thờ Quan Công, không những là hạ thấp phong tục tôn kính Trung Nghĩa của nước ta mấy trăm năm, mà còn thể hiện việc hậu thế không chịu đọc sử sách mà cha ông để lại. Buồn thay!

Nguồn: Sao chép nguyên văn từ post QUAN CÔNG LÀ ÔNG QUAN VŨ, của bạn Nhu Pham.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s