Lịch Sử Trung Đông

Tìm hiểu Chế Độ Caliphate của chính quyền Hồi giáo

"Caliphate" (Tiếng Ả Rập: "Khilafat") là một hệ thống chính trị kết hợp yếu tố tôn giáo trong Hồi giáo, có lịch sử trải nhiều thời đại

Nguồn: World History
Tìm hiểu aĐộ Caliphate của chính quyền Hồi giáo

Caliphate” (Tiếng Ả Rập: “Khilafat“) là một hệ thống chính trị kết hợp yếu tố tôn giáo trong Hồi giáo. Theo chế độ này, các vùng đất thuộc đế chế Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi được cai trị bởi một lãnh tụ tối cao được gọi là Caliph (Tiếng Ả Rập: “Khalifa”, nghĩa là người kế vị). Các Caliph ban đầu nắm quyền lực tối cao trong đế chế do nhà tiên tri Muhammad để lại, và còn mở rộng lãnh thổ đáng kể sau khi chinh phục các nước láng giềng.

Họ được lựa chọn bởi một nhóm các thành viên cao cấp – một dạng nghị viện sơ khai, cân nhắc ý nguyện của dân chúng. Bốn vị Caliph đầu tiên được bầu theo cách này, và được dòng Hồi giáo Sunni chính thống gọi là những vị vua Rashidun (những người được dẫn dắt chân chính). Ngược lại, dòng Shia chỉ công nhận tính chính danh của vị Caliph thứ tư – Ali, và cho rằng ba vị đầu tiên là kẻ tiếm quyền.

Mộ của Calip Umar
Mộ của Caliph Umar

Chế độ Caliphate nhanh chóng biến thành thể chế cha truyền con nối khi triều đại Umayyad được thiết lập, đánh dấu sự ra đời của hệ thống triều đại trong thế giới Hồi giáo. Nhà Umayyads sau đó bị lật đổ bởi nhà Abbasid. Tuy vậy, sau khi Baghdad sụp đổ vào năm 1258 CE, các vị vua Abbasid chỉ là vua trên danh nghĩa.

Tình thế này xoay chuyển khi các Sultan của đế chế Ottoman thâu tóm chế độ Caliphate. Họ là những nhà cai trị không thuộc dòng dõi Ả Rập đầu tiên và cuối cùng nắm giữ vị trí này. Chế độ Caliphate kéo dài cho đến tận năm 1924, khi nhà lãnh đạo dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, Mustafa Kemal Pasha (cha đẻ của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại) chính thức xóa bỏ nó.

Hồi giáo Rashidun: Đế chế Hồi giáo đầu tiên

Khi qua đời (năm 632 CN), tiên tri Muhammad không chỉ định người thừa kế. Ông cũng không có con trai, nên mâu thuẫn về vị trí lãnh đạo bắt đầu nảy sinh. Một số người tin rằng Ali – anh họ và con rể của Muhammad (Ali đã kết hôn với con gái của Muhammad, Fatima) – mới là người kế vị hợp pháp. Nhóm người này được gọi là “Shia’t Ali” (những người ủng hộ Ali), và về sau họ trở thành một nhánh riêng biệt của Hồi giáo.

Nhưng người Ả Rập thời đó không quen với kiểu kế vị theo dòng dõi, cho nên đại đa số cộng đồng người Hồi giáo lại ủng hộ một người bạn đồng hành tài giỏi và thân cận nhất của Muhammad – Abu Bakr. Nhóm này về sau trở thành Sunni (những người tuân theo “Sunna” hoặc cách sống của Nhà tiên tri). Abu Bakr được trao tước vị Caliph (người kế vị Nhà tiên tri), và ông cũng nhận được sự ủng hộ chân thành từ một người bạn đồng hành cao cấp và được kính trọng khác của Muhammad – Umar, người sau này cũng trở thành người kế vị của ông.

Abu Bakr (trị vì 632-634 CN) chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo tài năng. Phần lớn các bộ lạc Ả Rập từ chối chấp nhận quyền lực của Caliph, lấy lý do là lòng trung thành của họ chỉ dành cho Muhammad khi còn sống, chứ không phải cho Hồi giáo. Những kẻ bội đạo này còn hùa theo những “nhà tiên tri giả” với các giáo lý mập mờ nữa. Từ kinh đô Medina, Abu Bakr đáp trả mạnh mẽ bằng cách kêu gọi những tín đồ trung thành tham gia kháng chiến dưới ngọn cờ Jihad (Thánh chiến).

Trần Giáo đường Sophi Hagia được trang trí bằng tên của các caliph dòng Rashidun
Trần Giáo đường Sophi Hagia được trang trí bằng tên của các caliph dòng Rashidun

Quân đội Hồi giáo đã chiến thắng, Abu Bakr thành công trong việc thống nhất toàn bộ Bán đảo Ả Rập. Ông nhận ra các bộ lạc cuối cùng cũng sẽ lại lục đục, nên quyết định hướng các đội quân này đi củng cố lãnh thổ chiếm được từ tay người Ba Tư Sassanian và Đế quốc Byzantine. Mấy cuộc tấn công ban đầu chỉ mang tính chất đột kích, ai ngờ lại biến thành những cuộc chinh phạt toàn diện siêu nhanh. Sau khi Abu Bakr qua đời vào năm 634 CN, người ủng hộ hùng mạnh nhất của ông, Umar ibn Khattab (trị vì 634-644 CN) trở thành Caliph tiếp theo.

Umar tiếp tục các chiến dịch thời Abu Bakr. Các chiến thắng đồng thời tại Trận Al Qaddissiya và Trận Yarmouk vào năm 636 CN đã mở đường cho việc chinh phục phần lớn Đế chế Sassanian và các tỉnh phía đông của Đế chế Byzantine – chủ yếu bao gồm Ai Cập, Syria, và vùng Levant. Umar đã thực hiện nhiều cải cách, lập ra các cơ quan mới như cảnh sát, lương hưu, tòa án, quốc hội, v.v. Nhưng trên hết, ông nổi tiếng là một người kính sợ Chúa và công bằng trong việc thực thi luật pháp. Ông bị một nô lệ người Ba Tư tên Lu’lu ám sát vào năm 644 CN.

Người kế vị Caliph Umar là Uthman ibn Affan (trị vì từ 644-656 CN), ông xuất thân từ gia tộc Banu Umayya giàu có và là người bạn thân của nhà tiên tri Muhammad. Dù rất mộ đạo và hết lòng với đức tin mới, ông lại không được lòng nhiều người. Những vấn đề bị kìm hãm dưới thời Umar – điển hình như chi phí khổng lồ của các cuộc bành trướng – bắt đầu nổi lên, và chúng quá sức cho vị Caliph mới. Thời gian cai trị của ông không thiếu những thắng lợi quân sự, nhưng chi phí đã vượt xa lợi ích từ các cuộc chinh phạt đó. Uthman bị sát hại vào năm 656 CN tại chính nhà riêng bởi những người lính nổi loạn từ thành phố đồn trú Fustat ở Ai Cập, và cùng với cái chết của ông, sự đoàn kết của Ummah Hồi giáo (cộng đồng) cũng sụp đổ.

Muawiyya (thống đốc tài ba của Syria), anh họ của Uthman và cũng là lãnh đạo của gia tộc Umayya, muốn trả thù cho vụ ám sát, nhưng Caliph mới Ali ibn Abi Talib (trị vì 656-661 CN) đã không thực hiện điều này. Hành động trên không chỉ khiến Muawiyya tức giận mà cả nhiều người Hồi giáo khác, dẫn đến một triều đại liên tục chìm trong nội chiến và quá trình bành trướng Empire cũng bị đình trệ. Một quyết định gây tranh cãi khác của Ali là dời đô từ Medina đến Kufa, một thành phố đồn trú ở Iraq ngày nay. Ali cũng chịu kết cục tương tự như người tiền nhiệm; ông bị ám sát bởi một nhóm cực đoan có tên Kharijites vào năm 661 CN, ngay trong lúc đang làm lễ.

Danh tiếng của Ali chỉ thật sự vang dội sau khi ông mất, chủ yếu do vị trí của ông trong hệ tư tưởng Shia. Ông được tôn sùng là người kế vị duy nhất và chính đáng của Muhammad bởi người Shia, trong khi người Hồi giáo Sunni xem cả bốn vị Caliph đầu tiên đều hợp pháp và được dẫn dắt đúng đắn (“Rashidun” trong tiếng Ả Rập).

Đế chế Hồi giáo dưới triều Đại Umayyad

Ngay cả khi Ali còn nắm quyền, Muawiya đã mạnh dạn thách thức uy quyền của ông dựa trên các nền tảng đạo đức. Tận dụng cái chết bi thảm của người anh em họ của mình để tuyên truyền chủ trương, Muawiya thành công trong việc củng cố quyền lực. Sau cái chết của Ali, đối thủ duy nhất của Muawiya (trị vì 661-680 SCN) là con trai cả của Ali – Hasan. Hasan nhường ngôi cho Muawiya để đổi lấy một khoản trợ cấp lớn. Năm 661 SCN đánh dấu sự khởi đầu chính thức của triều đại Umayyad với Muawiya là khalip (vua Hồi giáo) đầu tiên và Damascus là kinh đô mới; quyền lực được chuyển dịch từ Iraq sang Syria, và Medina không bao giờ lấy lại được vị thế chính trị vốn có.

Trị vì trong 20 năm, Muawiya đem lại giai đoạn ổn định nhất cho Ummah (cộng đồng Hồi giáo) kể từ sau khi Umar qua đời. Khi cận kề cái chết, Muawiya chọn con trai mình là Yezid (trị vì 680-683 SCN) làm người kế vị. Quyết định này vấp phải nhiều sự chống đối, nổi bật với con trai út của Ali – Hussein. Hussein đã bị sát hại (một vị tử vì đạo trong mắt của cả người Sunni và Shia) cùng với quân đội của mình, phần lớn là thành viên trong gia đình, bởi lực lượng của Yezid trong Trận Karbala năm 680 SCN.

Khalip Abd al-Malik (trị vì 685-705 SCN) khuyến khích sự tập trung hóa trong đế chế và nâng tầm của tiếng Ả Rập, biến nó thành ngôn ngữ chung thống nhất của đế chế. Cũng dưới thời trị vì của ông, Tunis bị chinh phục (vào năm 693 SCN). Dân cư Berber bản địa đã chấp nhận đạo Hồi và theo thời gian họ mở rộng biên giới của đế chế đến Bán đảo Iberia. Tỉnh Iraq nổi loạn (do người Hồi giáo Shia) cũng bị kiềm chế bằng cách đặt dưới sự kiểm soát của một thống đốc tàn nhẫn nhưng trung thành – Hajjaj ibn Yusuf (sống từ 661-714 SCN).

Đế quốc đạt đến lãnh thổ rộng lớn nhất dưới thời con trai của Abd al-Malik – Walid I (trị vì 705-715 SCN). Dưới sự cai trị của ông, nhiều vị tướng tài ba đã chinh phục nhiều lãnh thổ rộng lớn và sáp nhập chúng vào đế quốc. Muhammad ibn Qasim đã thành công trong việc chiếm đóng một phần của nước Pakistan ngày nay (năm 712 SCN), trong khi Kutayba ibn Muslim chinh phục Transoxiana (năm 713 SCN). Tariq ibn Ziyad mở đầu cuộc chinh phục Hispania của người Hồi giáo vào năm 711 SCN và được tiếp sức bởi Musa ibn Nusayr; đến khi Walid qua đời, bộ đôi này đã chinh phục phần lớn Tây Ban Nha.

Trong toàn bộ triều đại Umayyad, chỉ có Umar ibn Abd-Al-Aziz (trị vì 717-720 SCN) nhận được những lời ca ngợi từ các nhà sử học Hồi giáo do lòng mộ đạo và sự sùng kính của mình. Nổi tiếng với cái tên Umar II, ông tận tụy với Hồi giáo và triều đại ngắn ngủi của ông gợi nhớ đến Thời đại Rashidun (thời của các vị vua Hồi được xem là chân chính). Umar II thúc đẩy sự bình đẳng, tạo điều kiện cho việc cải đạo bằng cách giảm thuế đối với người Hồi giáo không phải gốc Ả Rập, chấm dứt việc công khai nguyền rủa Ali, đồng thời dừng các cuộc tấn công vào các vùng lân bang của đế chế. Lập trường kiên định của ông về công lý và đức tin đã khiến ông bị ganh ghét bởi chính gia tộc của mình, và họ đã giết chết ông vào năm 720 SCN. Ông được người Hồi giáo tưởng nhớ cho đến ngày nay như một nhân vật huyền thoại.

Đến cuối những năm 740 SCN, các chia rẽ nội bộ và các cuộc nội chiến liên miên nhằm tranh giành ngôi báu – cùng với những người cai trị kém cỏi – đã khiến đế chế tan vỡ. Nhà lãnh đạo tài ba Marwan nổi lên sau cuộc nội chiến cuối cùng vào năm 744 SCN nhưng cũng là người cuối cùng trong gia tộc của ông trị vì đế chế. Năm 750 SCN, ông bị đánh bại bởi triều đại mới – Nhà Abbasid. Với cái chết của Marwan, quyền cai trị không thể tranh cãi của nhà Umayyad đã chấm dứt – mặc dù họ vẫn giữ được một phần nhỏ trong đế chế cũ của họ: Al Andalus (tồn tại cho đến năm 1492 SCN).

Hồi Triều Abbas: Triều đại Hồi giáo huy hoàng một thời

Nhà Abbasids là hậu duệ của chú nhà tiên tri Muhammad, Abbas, và họ dựa vào mối liên hệ huyết thống này để khẳng định vị thế chính thống trong việc cai trị thế giới Hồi giáo. Sau khi lật đổ nhà Umayyad vào năm 750 Sau Công Nguyên, Abu Abbas As-Saffah (có biệt danh “khát máu”) tự xưng là Caliph (vua của thế giới Hồi giáo). Mộ phần của dòng họ Umayyad ở Syria bị đào lên, hài cốt bị thiêu hủy, và tất cả nam giới còn sống đều bị tàn sát, chỉ trừ Abd al-Rahman I may mắn trốn thoát. Ông trải qua một cuộc hành trình đầy nguy hiểm đến Al Andalus (Tây Ban Nha ngày nay), nơi ông thành lập Vương triều Umayyad ở Cordoba (năm 756 SCN), trở thành đối thủ cạnh tranh với triều đại Abbas về cả sự giàu có lẫn tầm ảnh hưởng.

Al Mansur (cai trị 754-775 SCN), người kế vị As-Saffah, đã xây dựng một kinh đô mới gần sông Tigris – Baghdad (thuộc Iraq ngày nay). Kinh thành này nhanh chóng vượt qua tất cả các đô thị ở châu Âu về mọi mặt. Các nghệ sĩ, kiến trúc sư, học giả, nhà thơ, nhà sử học, nhà khoa học, nhà chiêm tinh, nhà toán học và những nhân vật tài năng trong nhiều lĩnh vực đã góp phần phát triển Baghdad, biến nó thành trung tâm văn hóa và tri thức của đế chế Hồi giáo.

Dưới thời Caliph Harun al-Rashid (786-789 SCN), vị vua nổi danh nhất của nhà Abbas (người cũng xuất hiện nhiều trong các câu chuyện dân gian và truyền thuyết), Đại Thư viện Baghdad – Bayt al Hikma (Ngôi nhà Trí tuệ) ra đời. Đây trở thành trung tâm tri thức hàng đầu thế giới. Tại đây, các tác phẩm kinh điển của Hy Lạp đã được dịch sang tiếng Ả Rập. Có thể nói, Bayt al-Hikma là một phần nguyên nhân thúc đẩy phong trào Phục hưng ở châu Âu sau này, khi gìn giữ kho tàng văn bản Hy Lạp vốn có nguy cơ bị thất truyền. Triều đại của Harun al-Rashid được xem như thời kỳ hoàng kim của triều Abbas; chính phủ của ông không chỉ đạt được những tiến bộ vượt bậc về mặt hành chính, mà chính ông cũng là một nhà cầm quân tài giỏi, tự mình dẫn quân thực hiện các chiến dịch quân sự thành công vào Tiểu Á (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) chống lại Đế quốc Byzantine vào năm 806 SCN.

Bản đồ Cuộc chinh phạt của người Hồi giáo thế kỷ 7-9
Bản đồ Cuộc chinh phạt của người Hồi giáo thế kỷ 7-9

Quyết định chia đế chế cho hai người con trai của Harun al-Rashid là Al-Amin và Al-Ma’mun đã dẫn đến một cuộc nội chiến tốn kém sau khi ông qua đời. Al-Ma’mun (cai trị 813-833 SCN) là người thắng trận cuối cùng. Cuộc nội chiến này là một trong những nguyên nhân lớn khiến đế chế sụp đổ. Dù yêu thích văn hóa nghệ thuật, Al-Ma’mun lại không năng nổ về chính trị như các bậc tiền nhiệm. Kể từ sau khi ông qua đời, triều đại Abbas cũng dần mất đi ánh hào quang đỉnh cao. Thực ra, ngay cả trong thời trị vì của ông, nhiều vùng lãnh thổ đã bắt đầu tách ra để hình thành các tiểu vương quốc riêng.

Đế chế Abbasid từng hùng mạnh một thời, nhưng đến cuối cùng, chính những vị vua đã góp phần hủy hoại nó từ bên trong. Nội chiến triền miên giữa các phe phái tranh giành ngôi vị khiến các caliph (vua Hồi giáo thời đó) lúc đó phải phụ thuộc rất lớn vào đội cận vệ người Thổ Nhĩ Kỳ. Những đội quân đánh thuê này tiêu tốn ngân khố một cách khủng khiếp, cộng thêm các vị caliph nhu nhược, không đủ sức cai quản đế chế rộng lớn, dần đưa Abbasid đến bờ vực phá sản.

Chưa dừng lại ở đó, năm 909 sau Công nguyên, một đế chế đối địch xuất hiện ở Bắc Phi, lan rộng đến tận Ai Cập và vùng Hejaz. Đây là Vương triều Fatimid. Họ tự xưng là hậu duệ của Fatima, con gái nhà tiên tri Muhammad. Những người này thuộc về nhánh Shia cực đoan (Seveners – họ tin vào bảy imam, khác với nhánh Shia chính thống tin vào 12 imam). Triều đại Fatimid tồn tại cho đến năm 1171 thì bị Saladin lật đổ, chấm dứt cục diện đối đầu với Abbasid.

Mọi thứ càng thêm tồi tệ khi Abbasid, dù thuộc dòng Hồi giáo Sunni, lại bị khuất phục bởi một thế lực Iran theo dòng Shia, đó là vương triều Buyid. Năm 945, quân đội Buyid chiếm đóng Baghdad, biến các vị caliph Abbasid thành bù nhìn không hơn không kém. Đến năm 1055, người Seljuk, một bộ tộc Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Trung Á, đã đánh bại triều Buyid. Họ cũng theo dòng Sunni và bành trướng thế lực mãi đến tận Tiểu Á. Đáng tiếc, dù chiếm được Baghdad, vương triều Seljuk cũng chẳng khá hơn khi để mặc các vị vua Abbasid “tự sinh tự diệt”. Triều Seljuk sụp đổ nhanh chóng, và đến thế kỉ thứ 12 thì họ chỉ còn là kẻ ngoài cuộc chứng kiến Thập Tự Chinh (1095 – 1291) diễn ra – cuộc chiến mà chính sự trỗi dậy của họ đã châm ngòi. Lợi dụng tình thế này, nhà Abbasid có một khoảng thời gian ngắn ngủi được tự trị hoàn toàn, nhưng không kéo dài lâu.

Một mối họa mới từ thảo nguyên Trung Á xuất hiện: người Mông Cổ. Caliph Al-Must’asim (trị vì 1242-1258), vị vua Abbasid cuối cùng, bị quân đội của Húc Liệt Ngột vây hãm ngay tại kinh thành. Baghdad bị san phẳng, dân chúng bị thảm sát, còn Al-Must’asim chết nhục nhã khi bị cuộn trong thảm và cho ngựa giẫm đạp đến chết. Cùng với sự sụp đổ của Baghdad, triều đại Abbasid cũng tàn lụi. Dù danh hiệu caliph vẫn tiếp tục được truyền lại cho một số nhân vật ở Cairo, nhưng ngoài cái tiếng ra thì họ chẳng còn quyền lực nào cả.

Đế quốc Ottoman

Năm 1299 sau Công Nguyên, một cựu chư hầu Thổ Nhĩ Kỳ từng thần phục người Seljuk, đồng thời cũng là thủ lĩnh bộ lạc, Osman (trị vì khoảng 1299 -1324), bắt đầu mở mang lãnh thổ tại Tiểu Á (Châu Á nhỏ) khi mà đế chế Byzantine đã suy yếu. Ông chính là người thành lập nên Đế Chế Ottoman (được đặt tên theo Osman). Osman và con cháu của mình coi việc mở rộng bờ cõi và thánh chiến jihad là nhiệm vụ cao cả, nên liên tục chinh phạt và thâu tóm nhiều lãnh thổ rộng lớn. Đến năm 1453, với kinh đô đặt tại Edirne (Adrianople), người Ottoman đã nắm giữ vùng đất Tiểu Á, toàn bộ Anatolia, và nhiều khu vực ở Balkan. Hai nỗ lực lớn của các nước Thiên Chúa giáo Châu Âu để ngăn chặn bước tiến của họ cũng đã thất bại vào năm 1389 (Trận Kosovo) và 1444 (Trận Varna).

Vào năm 1453, chỉ còn sót lại thành Constantinople thuộc về đế chế Byzantine. Ottoman Sultan Mehmed II (trị vì 1451 – 1481) quyết tâm chiếm lấy thành trì này. Cuộc vây hãm của Mehmed đã thành công và biến thành phố này thành kinh đô mới của đế quốc. Khi kiểm soát được eo biển Dardanelles, người Ottoman độc chiếm các tuyến giao thương chính (một phần của Con Đường Tơ Lụa) ở Trung Đông và Á-Âu, không có ý định chia sẻ vị thế này với thế giới. Họ đóng cửa Con Đường Tơ Lụa, buộc các cường quốc phương Tây khám phá vùng đất mới – Thời Đại Thám Hiểm (Age of Exploration) – điều này dẫn đến việc chinh phục cái gọi là “Tân Thế Giới” bởi các nước Châu Âu.

Mehmed, và các Sultan trước đó, đã xưng danh hiệu caliph. Vì không có đối thủ khác tranh giành, tuyên bố này phần nào được coi là chính đáng. Uy thế này còn được củng cố thêm vào năm 1517 khi Sultan Selim I chinh phục Vương Triều Hồi Giáo Mamluk và chính thức chuyển danh hiệu caliph từ triều đại Abbasid sang đế chế Ottoman. Người Ottoman giữ danh hiệu này trong bốn thế kỷ tiếp theo. Mặc dù thế giới Hồi giáo không còn thống nhất như trước, nhưng tầm quan trọng mang tính biểu tượng (và tôn giáo) của chức vị Caliph vẫn bền vững trong trái tim của người Hồi giáo. Họ coi đó là biểu tượng của sự đoàn kết, còn người Thổ Nhĩ Kỳ thì được tôn vinh vì vị thế này. Thất bại của người Ottoman trong Thế Chiến I (1914-1918) đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ, và người sáng lập quốc gia này – Mustafa Kemal Pasha – đã chính thức bãi bỏ chức vụ caliph vào năm 1924. Kể từ đó, không có quốc gia nào khác đảm nhận quyền lực caliph đối với thế giới Hồi giáo.

Kết Luận

Chế độ Caliph đã trải qua ba giai đoạn phát triển chính. Ban đầu, đây là một hệ thống chính trị lấy cảm hứng từ tôn giáo, trong đó người nắm quyền phải đảm bảo rằng “luật của Chúa” được duy trì trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, do thiếu sự tập trung hóa nên phần lớn các phong tục địa phương và bộ máy hành chính vẫn tồn tại ở những vùng đất mới chinh phục. Giai đoạn đầu này có một lỗ hổng nghiêm trọng: nguồn cảm hứng tôn giáo không đủ để củng cố vị thế của các Caliph (vua Hồi giáo).

Sau vụ ám sát Uthman, rõ ràng khía cạnh chính trị của chế độ này mới là yếu tố thống trị và chức vị Caliph có thể bị “giành giật”. Điều này càng được khẳng định khi các triều đại Umayyad và Abbasid lên nắm quyền. Cả hai đều gặp phải sự phản kháng và phẫn uất mạnh mẽ nhưng vẫn tiếp tục cai trị (điều mà các Caliph đầu tiên không thể làm được, xét đến sự nhu nhược của Uthman và việc ông không muốn sử dụng sức mạnh quân sự để đàn áp các cuộc nổi dậy). Hai đế chế này cũng đã pha trộn thêm khái niệm cai trị theo kiểu triều đại vào chế độ Caliph, tức là chức vị này giờ đây có thể được kế thừa.

Khi người Ottoman chính thức nắm giữ danh hiệu Caliph không thể tranh cãi vào năm 1517 sau Công Nguyên, họ trở thành những người đầu tiên không phải là người Ả Rập (về mặt dân tộc) giành được vị trí “chỉ huy của người trung thành”. Sự thay đổi này cũng mang đến một cảm giác bình đẳng mới trong thế giới Hồi giáo; Người Hồi giáo Ả Rập và phi Ả Rập bình đẳng trong mọi khía cạnh, ngay cả chính trị. Việc bãi bỏ chế độ này và không có nỗ lực nào để khôi phục nó được nhiều người Hồi giáo xem là điều đáng tiếc. Họ tin rằng, mặc dù sức mạnh chính trị và quân sự của chế độ Caliph đã mất từ lâu, nhưng tầm quan trọng mang tính biểu tượng của nó đối với cộng đồng Hồi giáo – như một hệ thống chính trị nửa tôn giáo và nguồn cảm hứng mà nó mang lại – chính là một di sản văn hóa vô giá.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s