Lưỡng Hà Cổ Đại

Văn minh Sumer vùng Lưỡng Hà

Mesopotamia, hay Lưỡng Hà, là tên người Hy Lạp đặt cho vùng đất nằm giữa hai con sông Euphrates và Tigris. Nơi đây người Sumer đã phát minh chữ viết

mot vi vua cua van minh sumer

Mesopotamia, hay Lưỡng Hà, là một trong bốn khu vực phát sinh bốn nền văn minh lớn và đầu tiên trên thế giới, cùng với vùng châu thổ sông Ấn, vùng văn minh Hoa Hạ, vùng văn minh châu Phi, và vùng văn minh Hy Lạp. Mesopotamia cũng có thể coi là nơi khởi nguồn của chữ viết, từ đó thâm nhập vào các nền văn minh khác như Ai Cập, Hy Lạp.

Các nền văn minh và văn hóa như ta thấy hiện nay, chúng như những dòng sông, bắt nguồn từ nhiều nơi và chảy theo nhiều hướng. Con người sống tại châu Âu xây dựng nhiều hình thái xã hội độc đáo nhưng cũng có nhiều điểm chung. Họ thành thạo nhiều ngón nghề như thiên văn, toán học, địa lý, kỹ thuật, tôn giáo, và tổ chức xã hội. Nhưng những con người xa xưa nhất không ghi chép lại học vấn của họ, cho nên phần lớn chúng ta không biết họ sống và sinh hoạt thế nào.

Vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà)

Con người sơ khai bất kỳ nơi đâu trên mặt đất đều gặp phải những vấn đề giống nhau, nên họ đã thực hiện một bước tiến quan trọng là ghi chép lại kinh nghiệm sống của mình. Họ phát minh ra chữ viết và lưu trữ quá khứ truyền lại cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Những phát minh lâu đời nhất xảy ra tại vùng Cận Đông, vùng đất nằm bên bờ Địa Trung Hải, bán đảo Ả Rập, một phần đông bắc châu Phi, và có lẽ quan trọng nhất là vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà), nay là I rắc.

Sumaria và Trung Quốc là hai nền văn minh phát minh ra những con chữ đầu tiên và truyền đi khắp thế giới. Chữ viết đã đặt những viên gạch đầu tiên xây nên những nền văn minh vĩ đại như Mesopotamia, Ai Cập, và Hitti. Những nền văn minh ấy lại tiếp tục đào luyện ra những thế hệ kế thừa, mang ánh sáng văn minh đi gieo rắc khắp địa cầu.

Mesopotamia, hay Lưỡng Hà, là cái tên mà người Hy Lạp đặt cho vùng đất nằm giữa hai con sông Euphrates và Tigris. Tuy vùng này khô cằn, nhưng những cư dân cổ xưa tại đây là người Summer đã biết cách làm thủy lợi, xây hệ thống ngăn ngừa ngập mặn trên diện rộng. Công việc quy mô ấy đòi hỏi phải làm tập thể, và phải có một cơ quan chỉ đạo mạnh mẽ. Tinh thần tập thể ấy hình thành nên các chính quyền, trong đó cá nhân là một phần của tập thể, phụ thuộc lợi ích của tập thể. Khoảng năm 3000 TCN thì người Sumer, nguồn gốc vẫn còn là bí ẩn, đã hình thành những thành thị đầu tiên về phía nam Mesopotamia, gọi là Sumer. Người Sumer đã biến vùng đất ấy thành cái mà các thế hệ sau này gọi là “cái nôi của nền văn minh”.

Vùng Mesopotamia trên bản đồ thế giới
Vùng Mesopotamia trên bản đồ thế giới

Phát minh ra chữ viết

Từ xưa xửa xừa xưa con người đã biết dùng hình vẽ để truyền đạt ý tưởng. Ban đầu họ nặn đất sét thành những hình thù họ muốn diễn đạt. Dần dần họ thấy rằng việc vẽ hình lên bề mặt đất sét thì sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc dùng chính viên đất sét ấy. Và họ có thể truyền đạt được nhiều thông tin hơn, chỉ cần vẽ thêm hình vào là được.

Với cách dùng chữ tượng hình ấy, người Sumer đã có một bước tiến lớn khi phát minh ra hệ thống chữ gọi là cuneiform, hay chữ nêm, tức là chữ có nét vẽ tạo bằng một thứ gọi là bút, hoặc kim.

Hệ thống này vận hành như nào? Rất đơn giản, họ sẽ vẽ những thứ họ muốn diễn tả lên những tấm đất sét, rồi đem nung cho cứng lại là thành một văn bản. Ai nhìn vào cũng hiểu họ muốn nói tới cái gì. Nhưng cách viết chữ khổ sở và công phu này sớm xuất hiện những hạn chế vì nó không thể diễn tả được những khái niệm trừu tượng. Ví dụ nếu họ muốn nói tới một người phụ nữ nô lệ thì không biết phải vẽ làm sao cho người ta hiểu.

Giải pháp xuất hiện khi các chuyên gia chữ nghĩa thời đó phát hiện ra rằng có thể kết hợp các biểu tượng lại để diễn tả ý nghĩa. Để biểu thị một người phụ nữ nô lệ thì họ sẽ vẽ biểu tượng người phụ nữ trước rồi kèm thêm biểu tượng ngọn núi, vậy là họ có từ “một phụ nữ sống trên núi”. Và theo quan niệm của người Summer thời đó thì những phụ nữ nô lệ là từ trên núi mà xuống. Cách kết hợp này tỏ ra khá dễ hiểu.

Bước đột phá tiếp theo là khi các chuyên gia chữ nghĩa nghĩ ra ý tưởng dùng dấu hiệu để diễn tả âm thanh, thay vì diễn nghĩa. Ví dụ, họ sẽ vẽ hai nét gợn sóng song song để biểu thị cho chữ a, hoặc ‘nước’. Ngoài nước thì chữ a trong tiếng Sumer còn có nghĩa là ‘ở trong’. Từ ‘ở trong’ diễn tả một mối quan hệ mà chữ tượng hình bó tay không diễn tả nổi. Vậy là thay vì cố gắng nghĩ ra một biểu tượng với nghĩa ‘ở trong’ thì các ‘cự nho’ đã khéo léo dùng biểu tượng của ‘nước’ vì cả hai từ ‘nước’ và ‘ở trong’ đồng âm trong tiếng Sumer.

Kiểu ghép các biểu tượng lại để tượng âm này đủ khả năng diễn tả những ý tưởng trừu tượng.

Chữ viết sơ khai của người Sumer
Chữ viết sơ khai của người Sumer

Tất nhiên dù đã rất được cải tiến là thế nhưng chữ nghĩa vẫn là một lĩnh vực siêu khó với người Sumer, và chỉ có giới ‘thâm nho’ mới viết nổi sau nhiều năm dùi mài. Chủ yếu họ đến từ các gia đình giàu có không phải lo cái ăn cái mặc.

Quy tắc học tập thì cực kỳ hà khắc, học sinh có thể bị đuổi cổ bất cứ lúc nào nếu phạm lỗi. Cho nên một học trò tốt nghiệp hiếm khi nào có kỉ niệm gì vui vẻ trong thời gian học tập.

Hệ thống đào tạo của người Sumer tạo thành những tiêu chuẩn giáo dục cho văn hóa Mesopotamia, và văn hóa Akkad sau này. Giáo dục Mesopotamia rất thực dụng, vì cánh nhà nho này sau sẽ giữ những vị trí quan trọng điều hành đất nước và kinh tế. Trường học của người Sumer cũng rất đa dạng các bộ môn chứ không chỉ dạy chuyện làm kinh tế, họ còn học toán, sinh học, ngôn ngữ học.

Di tích Blau có các ký tự hình nêm và hình minh họa của người Sumer đầu tiên
Di tích Blau có các ký tự hình nêm và hình minh họa của người Sumer đầu tiên, thời kỳ Jemdet Nasr, 3100–2700 trước Công nguyên. Viện bảo tàng Anh.

Người Sumer còn có một bước tiến xuất sắc khác trong toán học là biết dụng hệ thống chữ số dựa trên các đơn vị 60, 10, và 6 (không biết có phải là hệ lục phân không nhỉ? – ND). Họ phát triển khái niệm giá trị hàng chữ số (hay hằng số gì đấy, từ ‘place value’ trong tiếng Anh nhưng mình hơi dốt toán) – tức là giá trị của một số phụ thuộc vào vị trí của nó so với các số khác.

Toán học với người Sumer không chỉ là lý thuyết suông. Họ xây thành phố, điện đài, đền thờ miếu mạo, đào kênh đều dựa trên kiến thức hình học và lượng giác học.

Y học của người Sumer là sự kết hợp giữa ma thuật, bốc thuốc, và giải phẫu. Người Mesopotamia tin rằng ma quỷ và những ‘ác linh’ gây ra bệnh tật, cho nên phải niệm bùa chú để trị chúng. Họ cũng tin rằng thầy thuốc có thể đuổi quỷ bằng cách kê cho bệnh nhân một thứ thuốc hôi thối nào đó (chắc kiểu phân ngựa chăng!) Khi y học phát triển hơn thì các bài thuốc của cánh thầy lang cũng bắt đầu có hiệu quả và vì thế trở thành y dược thứ thiệt. Nhưng y học cổ đại là một sự pha trộn sâu sắc giữa mê tín và lý trí, còn phải rất lâu lâu nữa về tương lai mới tách biệt ra được.

Đại lược về thể chế dân chủ của Hy Lạp
Tự Do – Bình Đẳng – Dân Chủ – Chuyên Chính Bộ Tứ Đầy Oan Trái
Những dòng họ thế tộc lớn trong lịch sử Trung Quốc

Tôn giáo và xã hội của người Sumer

Thần thánh

Tư tưởng của Mesopotamia có tác động sâu xa về thần học và tôn giáo. Người Sumer là khởi nguồn của một tá các tín ngưỡng, và những người kế thừa họ thêm vào một tá nữa. Cư dân vùng Mesopotamia tin rằng thần thánh vận hành thế giới, nhưng các thần cũng có lớn có bé chứ không bằng vai phải lứa cả đám. Một số thần nắm giữ các công việc quan trọng, như âm nhạc, luật pháp, tình dục, và chiến tranh. Số khác thì coi việc lặt vặt như làm bánh, dệt áo. Thần coi việc rèn sắt thì hiển nhiên không bằng thần của sự thông thái.

Thần thánh xứ Mesopotamia có cuộc sống cũng trần trụi không kém gì con người. Đến hình dạng của họ của là nhân dạng nốt. Nhưng khác con người ở chỗ họ có pháp lực và bất tử, có thể hô biến lúc nào họ muốn. Mặt khác, các nam thần và nữ thần xứ Mesopotamia lại rất phàm tục: họ chè chén nhậu nhẹt, họ dựng vở gả chồng, họ hưởng lạc thú trong cái vườn Eden của họ. Có thần nóng tánh, có thần dã man, có thần vô pháp vô thiên, có thần lại tàn bạo hung hăng (Nói chung là tả pí lù).

Hình người tạ ơn, Tell Asmar 2750–2600 TCN
Hình người tạ ơn, Tell Asmar 2750–2600 TCN

Quái lạ là thần nào mà lương thiện hiền lành thì dân Mesopotamia không thờ. Vì với họ con người quá nhỏ bé để phán xét các hành vi của thần thánh, còn thần thánh thì quá vĩ đại không quan tâm tới đạo đức tầm thường của con người. Vậy nên, thần nào càng to lớn càng rực rỡ càng bạo ngược thì càng được thờ kính.

Ngoài ra, người ta không quan tâm đến việc thần thánh nghĩ gì. Vậy nên việc các thần làm thường không biết nguyên nhân là vì đâu. Còn việc của con người là lạy lục van xin và dâng tế lễ là đủ.

Dân Mesopotamia có nhiều thần thoại về tạo dựng vũ trụ. Thần thoại của họ mô tả các hiện tượng tự nhiên một cách dễ hiểu và thoả mãn trí tò mò.

Thần Marduk và con rồng của thần, một vị thần cổ đại của vùng Mesopotamia
Thần Marduk và con rồng của thần, một vị thần cổ đại của vùng Mesopotamia

Ngoài thần thoại thì người Sumer còn sáng tác một bộ sử thi tên là Sử thi Gilgamesh, dựa trên nội dung của ít nhất 5 câu chuyện thần thoại xứ họ.

Như chúng ta cũng biết, sử thi là câu chuyện về các chiến công, và đôi khi là cả thất bại, của các anh hùng. Những anh hùng này chính là ký ức của một dân tộc hoặc một quốc gia về quá khứ của họ. Cánh sử gia thường phân tích sử thi để tìm ra những đặc điểm xã hội. Vậy nên sử thi cũng là một loại sử liệu.

Sử thi Sumer kể chuyện chàng Gilgamesh – một ông vua có thật của xứ Uruk – cùng chiến hữu của chàng là Enkidu. Hai người có một cuộc gặp với nữ thần Ishtar. Sau đó thì Enkidu chết, còn Gigamesh thì hăng say tìm kiếm sự bất tử. Trong cuộc tìm kiếm ấy thì chàng ta nhận ra rằng đời sống sau khi chết chả có gì vui nên chàng quay lại Uruk và làm vua xứ ấy, rồi chết trong bình an và nhung lụa.

Gilgamesh, hình khắc trên một tấm bảng khai quật tại Ur
Gilgamesh, hình khắc trên một tấm bảng khai quật tại Ur

Cuốn sử thi này tuy không xuất sắc về nội dung, nhưng nổi bật về trí tuệ và tư duy của người Sumer. Họ đã thao thức với những câu hỏi cốt yếu của loài người về sự sống và cái chết, về phàm tục và thần thánh, và về sự bất tử. Tuy cổ xưa nhưng nội dung của nó vẫn mang hơi thở hiện đại. Con người chưa bao giờ thoát khỏi sự ám ảnh của những vấn đề ấy.

Khí hậu và môi trường khắc nghiệt hun đúc lên tinh thần dè chừng, thậm chí bi quan, cho cư dân Mesopotamia. Họ luôn cố gắng làm hài lòng thần thánh, nhất là thần nào bảo trợ thành phố của họ. Dần dần xuất hiện tầng lớp thầy tế, là những người có khả năng giao tiếp với thần linh. Rồi các đền thờ xuất hiện tại trung tâm các thành bang, và thành công trình trọng điểm của nơi ấy. Cách tốt nhất để tôn vinh thần thánh là phải xây đền cho thật nguy nga tráng lệ. Các thần sẽ đánh giá độ đẹp của đền thờ để ban phát lương thực cho dân chúng, hoặc huỷ diệt họ nếu không vừa ý.

Đời sống sinh hoạt

Xã hội Sumer là một dạng cơ cấu phức tạp giữa tự do và lệ thuộc. Dân chúng được phân thành bốn nhóm: quý tộc, môn khách của quý tộc, bình dân, và nô lệ. Quý tộc gồm có vua, hoàng gia, tư tế, và quan lại. Nhìn chung thì vua nắm vai trò lãnh đạo quân sự, ban đầu do dân bầu ra. Ông ta xây dựng quân đội và chinh chiến khi cần thiết. Quyền lực của vua và việc chiến tranh liên miên biến ông thành nhân vật tối cao của thành bang, và dần dà chuyển sang kiểu cha truyền con nối. Biểu tượng hoàng gia là cung điện mà vẻ huy hoàng sánh ngang với điện thần.

Vua và quan lại nắm giữ hầu hết đất đai tài sản, và nô lệ làm việc cho họ. Môn khách là công dân tự do nhưng phụ thuộc vào giới quý tộc. Đổi lại giới quý tộc cho họ đất đai để cày cấy. Nhưng chỉ là quyền sử dụng, còn quyền sở hữu vẫn là của quý tộc. Tóm lại giới quý tộc thâu tóm phần lớn đất đai màu mỡ, và kiểm soát phần đông dân chúng trong xã hội. Họ là lực lượng elite của xã hội Mesopotamia.

Bình dân là công dân bình thường. Về cơ bản họ độc lập với quý tộc, nhưng còn lâu mới sánh được với quý tộc về địa vị và quyền lực chính trị. Bình dân chủ yếu thuộc về các gia tộc cở sở hữu đất đai. Họ có thể bán đất nếu gia tộc cho phép. Và ngay cả vua cũng không được quyền chiếm đất của họ nếu họ không đồng ý. Bình dân có tiếng nói trong các việc chính trị, và được pháp luật bảo vệ.

Dưới đáy cái cơ chế này, cũng như bao cơ chế khác từng tồn tại trong lịch sử loài người từ cổ đại đến hiện đại, là tầng lớp nô lệ. Nô lệ tại Mesopotamia chủ yếu là dân nhập cư và tù binh chiến tranh. Một nhóm nô lệ khác là tội phạm bị giáng cấp bậc xã hội. Nhưng số này may mắn hơn nhiều so với loại nô lệ vĩnh cửu kia, vì họ sẽ được trả tự do sau ba năm trừng phạt.

Số phân mọi nô lệ đều tuỳ vào sự định đoạt của chủ sở hữu. Đánh đập hành hạ bán chác tuỳ ý ông ta. Nhưng nô lệ cũng không phải là những con thú chỉ biết vật vạ suốt ngày. Họ là lực lượng lao động chính tham gia việc buôn bán và tạo ra lợi nhuận. Và nhiều nô lệ có thể dùng tiền để mua tự do. Hoặc ít nhất có thể vay tiền ai đó để mua sự bảo vệ của pháp luật.

Trong phần tiếp theo sẽ nói đến việc người Sumer bị dân Babylon chinh phạt thế nào. Cùng khái quát đời sống dưới thời vua Hammurabi của Babylon.

Bài học từ lịch sử các đế chế cận đông

Hạn chế của các đế chế Cận Đông. Giống như hầu hết các giai đoạn khác trong lịch sử thế giới, giai đoạn đế chế mà chúng ta vừa nghiên cứu là một kỷ nguyên ganh đua, bất đồng và đấu tranh. Gần như tất cả các đế chế vĩ đại, và đa số các nhà nước nhỏ, đều dành hết tâm huyết, nghị lực để nghiên cứu các chính sách bành trướng và xâm lăng. Những ngoại lệ đáng kể duy nhất là người Aegea và người Ai Cập, nhưng thậm chí người Ai Cập, vào giai đoạn cuối trong lịch sử của họ, không chịu thua ai trong việc thực hiện chủ nghĩa đế chế. Nguyên nhân phần lớn là yếu tố địa lý. Mỗi dân tộc quen với việc theo đuổi quyền lợi của riêng mình trong một số thung lũng sông phì nhiêu hoặc ở một số cao nguyên dễ phòng thủ. Sự cô lập được nuôi dưỡng bằng thái độ sợ người nước ngoài và không có khả năng nghĩ rằng dân tộc của mình cũng là một thành viên trong nhân loại nói chung. Cảm giác thiếu an toàn phát sinh biện minh cho các chính sách xâm lược nước ngoài, phát động chiến tranh phòng thủ, và thôn tính các nhà nước láng giềng để làm vật đệm chống lại một thế giới thù địch. Dĩ nhiên, tính hám lợi cũng đóng vai trò đáng kể, nhất là khi sự xâm chiếm được xem là tương đương với cơ hội tước đoạt.

Kết quả của chủ nghĩa đế chế Cận Đông. Có thể lần theo tất cả những tai ương xảy ra ở các dân tộc Cận Đông dẫn đến chiến tranh xâm lược và tính hám lợi theo chủ nghĩa đế chế. Sử gia nổi tiếng người Anh Arnold J. Toynbee chứng minh điều này trong kiểu phá hoại ở trường hợp của người Assyria. Ông cho rằng các dân tộc sau này như người Sparta, người Carthage, người Macedonia, và người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman, thực tế không như thế. Mỗi dân tộc đều theo chủ nghĩa quân phiệt và thu phục tình cảm của các vị thần, điều đó dẫn đến sự phá hoại cho chính họ đến mức làm cho họ trở thành vị anh hùng cuối cùng chống lại đối phương, chỉ là những “thi hài trong áo giáp”. Không phải đó là cái chết trong sự chinh phục nước ngoài mà chính sự tự sát của dân tộc là số phận mà dân tộc, phải gánh chịu1. Cách của chiến binh không chấp nhận dung hoà chủng tộc, sự yêu thích cuộc sống phong lưu, xa hoa, tội phạm và mánh khóe làm tiền gian lận, gánh nặng tiền thuế, sự bành trướng đế chế tạo ra sự thịnh vượng hư cấu, ít nhất đối với giai cấp thượng lưu. Điều đó đánh thức sự đố kỵ trong số các dân tộc nghèo hơn để biến họ thành những kẻ âm mưu tự nguyện chống lại một nước láng giềng giàu có, nên dễ mô tả họ như một kẻ đàn áp. Cuộc nổi dậy hiện nay của các dân tộc kém phát triển, mà Adlai Stevenson gọi là “cuộc cách mạng của những kỳ vọng đang tăng”, đã từng xảy ra trong lịch sử cổ đại.

4.7/5 - (7 votes)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s