Bài này đề cập những quan điểm của các chỉ huy Nga về việc sử dụng súng máy, những kinh nghiệm và bài học mà họ có được từ cuộc chiến tranh Nga – Nhật 1904-1905 và các nỗ lực của họ nhằm tối ưu hóa việc sử dụng súng máy, trong khuôn khổ một cuộc cải tổ quân đội được khởi động sau thảm bại trước Nhật Bản.
Sử dụng súng máy trước năm 1904
Trước năm 1904, người Nga hầu như chỉ thử nghiệm súng máy như một loại súng hỗ trợ cho các đơn vị pháo binh, họ kết luận rằng “với vũ khí hiện tại của bộ binh và pháo binh dã chiến, súng máy nói chung và các hệ thống trước đó nói riêng [chẳng hạn như vũ khí loại mitrailleuse] ít có ý nghĩa trên chiến trường”.
Những phát hiện này có lẽ đã giúp củng cố quan điểm của Quân đội Đế quốc rằng súng máy vốn là vũ khí phòng thủ.
Đến năm 1896, người Nga bắt đầu tiến hành các cuộc thử nghiệm quy mô lớn súng máy kiểu Maxim và đến năm 1902, họ đã có được hợp đồng sản xuất phiên bản Vickers của Maxim theo giấy phép ở Nga.
Cũng trong năm 1902, quân đội đã ban hành Sổ tay Huấn luyện Sử dụng Súng Máy, kiểu 1902, liên kết súng máy với hoạt động của bộ binh, đồng thời các đại đội súng máy (mỗi đại đổi 8 khẩu), được tổ chức trong các sư đoàn bộ binh. Người Nga ước tính rằng một khẩu súng máy có thể thay thế hỏa lực của 50 lính bộ binh ở vị trí phòng thủ.
Vẫn chưa có cuộc thảo luận thực sự nào về việc sử dụng súng máy trong cuộc tấn công, có lẽ vì nó vẫn còn quá nặng và khó di chuyển. Súng máy Maxim Kiểu 1905 nặng tổng cộng 48,6 kg trên giá ba chân và 243,7kg trên giá có bánh xe. Tuy nhiên, súng Maxim đã chứng tỏ là một sự lựa chọn tổng thể tuyệt vời cho người Nga.
Các báo cáo và quan sát từ Chiến tranh Nga-Nhật
Trong Chiến tranh Nga-Nhật, người Nga thường sử dụng súng máy với hiệu quả cao, đặc biệt là trong cuộc vây hãm Cảng Lữ Thuận và các trận Liêu Dương, Hắc Câu Đài và Phụng Thiên. Một lần nữa, nhất quán với học thuyết, thực tế hậu cần và chiến lược tổng thể ở Mãn Châu, người Nga chỉ sử dụng chúng trong vai trò phòng thủ.
Tất nhiên, súng máy tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong việc phòng thủ. Các chỉ huy Nhật Bản chắc chắn rất ấn tượng, vì thế họ đã gấp rút trang bị súng máy cho quân đội của họ. Từ chỗ bắt đầu cuộc chiến mà không có súng máy nào, quân đội Nhật đã có một số lượng lớn súng máy khi chiến tranh kết thúc với hầu hết là súng kiểu Hotchkiss, nhẹ hơn kiểu Maxim.
Một phóng viên báo chí người Đức làm việc với Quân đội Nga đã tận mắt chứng kiến sức tàn phá của súng máy: Vào ngày 8 tháng 1 năm 1905, gần Lin-chin-pu, Một đại đội Nhật Bản, khoảng hai trăm người, tấn công một đồn binh Nga. Đồn binh này được trang bị hai súng máy Maxim.
Người Nga đã chờ cho đến khi quân địch chỉ cách họ ba trăm mét; lúc đó hai khẩu súng máy bắt đầu hoạt động. Trong vòng chưa đầy hai phút, chúng đã bắn khoảng một nghìn viên đạn, và đội hình quân Nhật đã bị quét sạch theo đúng nghĩa đen.
Các phóng viên từ các quốc gia khác cũng không kém phần ấn tượng. Trong quá trình bảo vệ Cảng Lữ Thuận, một phóng viên chiến trường người Anh đã viết, “Những khẩu súng máy gây chết chóc của quân Nga bố trí sau các lỗ châu mai của pháo đài đang gây ra sự tàn phá khủng khiếp – sự tàn phá đến mức chỉ có khoảng hơn chục người trong tiểu đoàn của Ouichi đến được chiến hào phòng ngự, nơi họ thở hổn hển ném mình vào những cái hố mà pháo binh của họ đã tạo ra”. Một người khác nói về những khẩu súng này: “Không gì có thể chống lại được chúng, và không có gì lạ khi binh lính Nhật sợ chúng, ngay cả những người dũng cảm nhất cũng có cảm giác ớn lạnh sống lưng”.
Những điều đó có thể được coi là viết kiểu giật gân; tuy nhiên, các sĩ quan quân đội cũng rất ấn tượng với hiệu suất của súng máy. Mặc dù người Nga thường không ghi lại những quan sát trực tiếp của họ về tác động của súng máy vào thời điểm chiến tranh, nhưng một số chỉ huy Nga đã đề cập đến điều đó trong hồi ký của họ và các báo cáo sau trận chiến. Trong số đó có Đại úy L. Z. Soloviev thuộc Trung đoàn súng trường Đông Siberia số 34. Ông viết: “Khi nói về cuộc chiến hiện nay, không thể bỏ qua loại vũ khí mới này, loại vũ khí mà trong một thời gian ngắn đã chứng tỏ nó là phát minh quân sự chết người nhất. Đó là súng máy”.
Trong các trận chiến, tiếng tạch tạch gay gắt của súng máy vang lên liên tục trong nhiều giờ, gây ra hiệu ứng chán nản và khó chịu cho binh lính. Những tổn thất mà một phân đội phải gánh chịu trong một khoảng thời gian ngắn dưới làn đạn súng máy gây ra tình trạng mất tinh thần nặng nề. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi súng máy được lính tráng gọi là ‘vòi của quỷ’. Những ý kiến này không chỉ được chia sẻ bởi các sĩ quan cấp dưới, vì khi một người được thăng cấp chỉ huy, tác động của vũ khí, được lại trong ký ức họ,không hề giảm bớt.
Trung tướng N. A. Tretykov, người chỉ huy Đội súng trường Đông Siberia số 5 trong Trận Nam Sơn đã viết trong báo cáo sau trận chiến rằng, “Tôi đặt hy vọng lớn vào bốn khẩu súng máy của chúng tôi, bố trí phía sau sườn trái của Đại đội 7. Chúng tạo thành một sức mạnh to lớn, thực tế ngang bằng với cả một đại đội.”
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là các báo cáo và nhận xét sau chiến sự được viết bởi Tướng A. N. Kuropatkin, người chỉ huy toàn bộ lực lượng trên bộ của Nga ở Mãn Châu trong Chiến tranh Nga-Nhật.
Trong hai tập báo cáo, ông đề cập đến một số khía cạnh của cuộc chiến và đưa ra ý kiến của mình về lý do tại sao quân Nga hoạt động không tốt. Đối với súng máy nói riêng, ông than thở rằng: chưa bao giờ ông ấy có đủ số súng cũng như đạn dược hay phương tiện vận chuyển mà ông cần, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của một số trận chiến. Chỉ riêng năm 1904, Tướng Kuropatkin đã đặt mua 246 khẩu Maxim gắn trên giá ba chân nhưng chỉ nhận được 16 khẩu. Ông cũng đặt mua 411 khẩu gắn trên giá có bánh xe, và chỉ nhận được 46 khẩu.
Trong tập báo cáo thứ hai của mình, Tướng Kuropatkin tập trung nhận xét về các khuyến nghị nhằm cải thiện quân đội, một số khuyến nghị đó liên quan đến súng máy. Dựa trên kinh nghiệm của mình trong chiến tranh, ông đề xuất trang bị một khẩu súng máy cho mỗi cấp đại đội, hoặc 150 phân đội súng máy cấp trung đoàn cho toàn quân. Ông tuyên bố khá rõ ràng rằng: “Giá trị của súng máy bây giờ lớn đến mức chúng ta không thể thiếu chúng”. Ông cũng lưu ý một số khó khăn cần được giải quyết, bao gồm trọng lượng của súng máy và sự “thiếu khả năng thích ứng với địa hình”, có nghĩa là súng máy đặt trên giá pháo trở thành mục tiêu quá lớn và do đó quá dễ bị tấn công.
Đáng kể nhất, Kuropatkin lập luận rằng, “Súng máy của chúng ta khá cao, khó sử dụng, với tấm chắn của chúng, chúng giống pháo dã chiến hạng nhẹ hơn, cộng thêm những khó khăn trong việc thích nghi với địa hình, điều đó khiến người ta đưa ra quyết định rằng những khẩu súng này nên được tổ chức thành các pháo đội, xử lý và sử dụng như pháo. Ý kiến như vậy là hoàn toàn sai lầm, vì khối lượng hỏa lực lớn của chúng đòi hỏi phải bố trí chúng tại những điểm quan trọng nhất dọc theo tuyến tác xạ, và do đó, phải có khả năng đưa chúng đi kèm các đội hình tiến công.”
Đọc thêm
Sự cải cách trong việc sử dụng súng máy
Thật không may, hầu hết các khuyến nghị của Tướng Kuropatkin đều không được thực hiện. Ông đã bị thất sủng vì những thất bại trong việc tiến hành chiến tranh và trên thực tế đã bị cách chức chỉ huy sáu tháng trước khi chiến tranh kết thúc bằng Hòa ước Portsmouth. Kết quả là những khuyến nghị cụ thể của ông về súng máy đã bị bỏ ngoài tai.
Mặc dù vậy, người Nga đã thực hiện nhiều biện pháp để cải tổ quân đội của họ sau thất bại dưới tay Nhật Bản. Súng máy không bị bỏ qua trong quá trình này.
Công việc cụ thể cải tổ quân đội được giao cho Bộ trưởng Bộ Chiến tranh mới, Tướng A. F. Rediger, người đảm nhận chức vụ này vào ngày 2 tháng 7 năm 1905, chỉ hai tháng trước khi Chiến tranh Nga-Nhật kết thúc.
Ưu tiên thứ hai trong danh sách ưu tiên của Rediger trong việc cải tổ quân đội, chỉ sau đào tạo và giáo dục, là trang bị lại cho quân đội những vũ khí hiện đại. Ông đã phỏng đoán một cách chính xác rằng thiết bị của Nga gần như không hiện đại và hiệu quả như của Đức, Pháp, hay Nhật Bản.
Trong một số sáng kiến khác, cá nhân Rediger nhấn mạnh tầm quan trọng của súng máy trong chiến tranh hiện đại và nỗ lực tăng cường sử dụng súng Maxim. Ông đã tương đối thành công trong nỗ lực này, và đến cuối năm 1906, Nga có 118 đại đội, mỗi đại đội gồm 8 súng máy thuộc các trung đoàn bộ binh và sư đoàn kỵ binh, so với tổng số 64 khẩu súng vào trước Chiến tranh Nga-Nhật.
Người kế nhiệm của ông, Vladimir A. Sukhomlinov, đã cải thiện hơn nữa tổng số này và đến năm 1910, ông đã bổ sung một phân đội súng máy cho mỗi trung đoàn và tiểu đoàn độc lập. Mặc dù số lượng súng này không đặc biệt nhiều so với các tiêu chuẩn sau này, nhưng đây là một khoản đầu tư đáng kể vào vũ khí mới đối với một đội quân mà khả năng thích ứng chưa bao giờ thu hút được nhiều sự chú ý.
Một điểm yếu mà người Nga vẫn mắc phải khi sử dụng súng máy, ít nhất là trong cuộc tấn công, là giống như hầu hết các đội quân khác thời đó, Quân đội Đế quốc vẫn không có hỏa lực tự động nhẹ và dễ di chuyển. Các nhà phát minh người Nga đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách thử nghiệm súng trường tự động và bán tự động, nhưng họ chưa bao giờ vượt qua được giai đoạn nguyên mẫu.
Vấn đề chính mà người Nga phải đối mặt là làm thế nào để đạt được sự tập trung kịp thời sức mạnh chiến đấu hoặc bộ binh để tấn công và chiếm giữ thành công một mục tiêu trong những điều kiện mà sự sống còn đòi hỏi phải phân tán. Một số chiến thuật gia cho rằng việc sử dụng súng máy mới có thể đưa ra câu trả lời. Ví dụ, M. D. Bonch-Bruevich và A. A. Buniavskii đã khuyến nghị rằng trong một số trường hợp nhất định, các chỉ huy có thể cho di chuyển súng máy hạng nặng về phía trước để hỗ trợ việc trấn áp lực lượng phòng thủ.
Thật không may, các vấn đề lâu đời của súng máy về trọng lượng, kích thước và tình trạng thiếu súng máy ở cấp tiểu đoàn đã khiến chiến thuật này trở nên không thực tế đối với người Nga. Do đó, người Nga bước vào Thế chiến thứ nhất khi vấn đề này vẫn chưa được giải quyết và, giống như phần còn lại của thế giới, họ đã học hoặc học lại một số bài học đau đớn về mức độ nguy hiểm và hiệu quả của súng máy.
Nguồn: Lessons learned from the use of machine gun during the Russo-Japanese War and the application of those lessons by the protagonists of World War 1.
By Daniel J. Kenda