Quân đoàn bộ binh số 1 dưới sự chỉ huy của Tướng Peter Wittgenstein đã giành chiến thắng trong trận đánh ở làng Klyastitsy, ngăn chặn mũi tiến công của Đại quân về hướng St. Petersburg. Nước Nga không chỉ được cứu bởi Kutuzov và Barclay de Tolly, mà còn bởi vị tướng gần như bị lãng quên Peter Wittgenstein và các đồng đội của ông.
Cuộc chiến Pháp-Nga bắt đầu vào ngày 12 tháng 6 năm 1812, lúc đó Alexander I ở Vilnius. Hoàng đế ngay lập tức ra tiền tuyến – tuy nhiên, sự xuất hiện của ông chỉ gây ra thêm nhầm lẫn. Alexander đã không tuyên bố Barclay de Tolly là Tổng tư lệnh (lẽ ra ông phải tuyên bố thế) và do đó, trên thực tế, ông đã tự mình nắm quyền chỉ huy với tư cách là quan chức quân sự cấp cao nhất của Đế chế.
Tuy nhiên, chúng ta không thể nói rằng Hoàng đế là một chỉ huy quân sự xuất chúng. Vì vậy, cuối cùng các cố vấn của Hoàng đế đã thuyết phục được ông rời đi, đầu tiên là đến Moscow và sau đó là đến St. Petersburg, khi đó là thủ đô của Nga.
Vào ngày 22 tháng 7 năm 1812, St. Petersburg đã chào đón Hoàng đế Alexander I, người đã đến từ tiền tuyến. Hai ngày trước, thành phố đã được thắp sáng và Nhà thờ Kazan ở trung tâm thành phố là một cảnh tượng kỳ lạ. Trong và xung quanh nhà thờ có rất đông người đang chờ đợi ông đến. Một số người đã ngủ ở đó đêm thứ hai hoặc thứ ba liên tiếp – Hoàng đế dự kiến sẽ đến vào ngày 20 tháng 7; nhưng, hóa ra, ông đã bị trì hoãn ở Tver sau khi dành một vài ngày với người em gái yêu quý của mình, Catherine Pavlovna, ở đó.
Không phải ai ở thủ đô cũng biết rằng trong những ngày tháng 7 đó, St. Petersburg thực sự đã được cứu khỏi một cuộc bao vây. Vào ngày đó, trong Trận Klyastitsy, quân Nga do Tướng Peter Wittgenstein chỉ huy đã đánh bại lực lượng vượt trội của Thống chế Oudinot và ngăn chặn bước tiến của quân Pháp vào St. Petersburg.
Alexander rời mặt trận vào ngày 7 tháng 7 thì cũng trong ngày đó, Quân đoàn 2 của Đại quân Napoleon dưới quyền Thống chế Nicolas Charles Oudinot đã di chuyển qua lãnh thổ Belarus hiện đại, hướng tới St. Petersburg.
Napoleon đang làm gì vào thời điểm đó? Theo chiến thuật tấn công chớp nhoáng thường thấy của mình, ông đang tìm kiếm một trận chiến tổng lực với quân đội Nga. Vị chỉ huy giàu kinh nghiệm hiểu rằng càng tiến sâu vào nước Nga, cơ hội chiến thắng của ông càng thấp.
Tuy nhiên, chiến lược gia quân sự dày dạn kinh nghiệm Michael Barclay de Tolly đã cố tình kéo quân đội Pháp vào sâu trong nước Nga vì ông hiểu được rằng Napoleon mong muốn đánh bại người Nga càng sớm càng tốt.
Còn nhớ, năm 1810, Barclay đã gửi cho Alexander một lưu ý “Về việc bảo vệ biên giới phía Tây của Nga”, trong đó ông đề xuất tránh một trận chiến quyết định. Thay vào đó, Barlcay đề xuất kế hoạch rút lui và làm suy yếu kẻ thù bằng các hoạt động của các đội hình quân sự nhỏ và chiến tranh du kích.
Kế hoạch này đã được chính thức thông qua khi cuộc xâm lược diễn ra. Việc di chuyển của Đại quân qua các vùng đất của Nga về cơ bản khác với các chiến dịch châu Âu của Napoleon. Ở Nga, một cuộc chiến tranh du kích dữ dội đang diễn ra: nông dân tiêu diệt bất kỳ đơn vị quân đội Pháp nào lang thang hoặc đi lạc, tấn công và cướp các đoàn xe ngựa, phá vỡ các tuyến đường tiếp tế của Pháp, v.v. Nhưng Bonaparte vẫn hy vọng rằng trận chiến quyết định sẽ diễn ra tại cuộc bao vây Smolensk – “Chìa khóa của Moscow”. Vào thời điểm đó, Smolensk là pháo đài bất khả xâm phạm nhất ở châu Âu.
Trong khi phần lớn Đại quân đang tìm kiếm một trận chiến quyết định, các tuyến đường tiếp cận St. Petersburg chỉ được bảo vệ bởi Quân đoàn bộ binh số 1 dưới sự chỉ huy của Tướng Peter Wittgenstein. Ông chỉ có 18.000 quân và 84 khẩu pháo dã chiến dưới quyền chỉ huy của mình. St. Petersburg có khả năng bị đe dọa không chỉ bởi Quân đoàn 2 của Oudinot (khoảng 30.000 người), mà còn bởi Quân đoàn 10 của Thống chế MacDonald (cũng khoảng 30.000 người), đang tiến về Riga.
Tướng Wittgenstein, lúc đó 43 tuổi, đã nhiều lần chiến đấu chống lại lực lượng của Napoleon. Ông nhận ra rằng quân đoàn của mình không thể chống cự nếu lực lượng của Oudinot và MacDonald hợp nhau lại, do vậy ông quyết định là trước hết ông sẽ tấn công quân của Thống chế Oudinot lúc đó đang chiếm đóng ngôi làng Klyastitsy, phía bắc thị trấn Polotsk (Belarus ngày nay), trên đường tiến về St. Petersburg.
Trận chiến bắt đầu vào ngày 30 tháng 7 lúc 2:00 chiều. Đội tiên phong của Nga do tướng Yakov Kulnev chỉ huy (khoảng 4.000 người) đã chiến đấu với đội tiên phong của Pháp trong suốt cả ngày gần ngôi làng Yakubovo. Kỵ binh Hussar và Cossack của Kulnev đã khiến quân Pháp khiếp sợ vì sự dũng cảm và các cuộc tấn công tuyệt vọng nổi tiếng của họ. Mặc dù vậy, quân Pháp vẫn giữ được ngôi làng trong tầm kiểm soát của mình.
Ngày hôm sau, sau một số cuộc tấn công và phản công, quân Nga đã buộc Oudinot phải rút lui về Klyastitsy. Để tiếp tục tiến quân, quân Nga phải vượt sông Nishcha. Oudinot ra lệnh cho quân của mình đốt cháy cây cầu duy nhất. Trong khi kỵ binh Nga đang lội qua sông Nishcha, Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn Xung kích Pavlovsk đã không chút do dự tiến qua con sông trên cây cầu đang cháy và phát động một cuộc tấn công bằng lưỡi lê – tiếp theo là các đơn vị bộ binh khác. Quân Pháp đã bị quét sạch bởi cuộc tấn công này.
Kulnev tiếp tục truy đuổi Quân đoàn Pháp với một số trung đoàn kỵ binh và một tiểu đoàn bộ binh. Sau khi vượt sông Drissa vào ngày 1 tháng 8, đơn vị của ông đã bị phục kích và chịu thương vong nặng nề từ pháo binh Pháp. Kulnev bị thương nặng (cả hai chân của ông đều bị cắt đứt bởi một viên đạn đại bác) và qua đời ngay trong ngày hôm đó.
Wittgenstein đã chiến thắng và cuộc tiến công của Pháp về hướng St. Petersburg đã thất bại. Oudinot rút lui về Polotsk.
Đọc thêm
Trận chiến đó là chiến thắng lớn đầu tiên của quân đội Nga trong Chiến tranh năm 1812. Quân Nga đã mất hơn 4.000 người, nhưng đã hoàn toàn làm suy sụp tinh thần của kẻ thù đông hơn về số lượng. Hoàng đế Alexander gọi Tướng Wittgenstein là “vị cứu tinh của St. Petersburg” và trao tặng ông Huân chương Thánh George hạng 2. Tướng Yakov Kulnev được truy tặng Huân chương Thánh George hạng 3, Đại úy Krylov, người chỉ huy đơn vị đầu tiên vượt sông qua cây cầu đang bốc cháy, được trao tặng Huân chương Thánh George hạng tư.
Sau Trận Klyastitsy, quân đoàn của Tướng Wittgenstein đã giành chiến thắng thêm hai trận nữa trước lực lượng Pháp mạnh hơn.
Quân đoàn của Thống chế Laurent Saint-Cyr được cử đến hỗ trợ đạo quân của Thống chế Oudinot, nhưng Wittgenstein và quân đoàn 12.000 người của Tướng Steingel, người đã đến hỗ trợ ông, đã đánh bại lực lượng kết hợp của quân Pháp trong hai trận chiến gần Polotsk. Sự việc xảy ra vào ngày 18-19 tháng 10 năm 1812 – cũng trong thời điểm này, tàn quân của Đại quân dưới sự chỉ huy của Bonaparte bắt đầu cuộc rút lui nhục nhã khỏi Moscow.