Sử Trung Quốc

Đế Tân và sự sụp đổ của nhà Thương

Theo “Thuyết văn”, Vương có nghĩa là thiên hạ đều hướng về. Từ “Vương” được người đời sau tô điểm thành một từ vô cùng đẹp đẽ

By Bác Văn Ước Lễ
nha thuong sup do

Chúng ta đã quen gọi các vua triều Thương là Thương vương, nhưng bên cạnh đó lại có những cái tên khác như Đế Ất, Đế Tân. Vậy rốt cuộc các vua Thương xưng vương hay đế? Câu trả lời đương nhiên là “vương”(王).

Khái niệm “vương” và “đế” thời nhà Thương

1. Vua Thương xưng Vương:

Theo “Thuyết văn”, Vương có nghĩa là thiên hạ đều hướng về. Từ “Vương” được người đời sau tô điểm thành một từ vô cùng đẹp đẽ, như Vương có thể thông hiểu đạo trời, đất, người, chỉ có đạo giả mới có thể trở thành Vương. Hoặc Vương có thể thông đức, đức của Vương có thể thông thiên địa tứ phương. Hoặc Vương có thể giáng lễ tôn hiền, có thể lấy đức phục nhân, có được chúng nhân trong thiên hạ, dẫn dắt đại chúng theo đức của chính nhân. Vậy nên lại có thuyết nói phải là người có thể làm cha mẹ của dân mới có thể trở thành Vương của thiên hạ.

Quay lại với thời Thương, người Ân (Thương) có quan niệm dùng ngày để đặt tên cho tổ tiên, không khó để nhận ra danh xưng các vị vua Thương như Thượng Giáp, Đại Ất, Vũ Đinh, vân vân đều là tên ngày (thập can) chứ không phải tên thật. Việc này có liên quan đến nghi thức “Chu tế” (tế lễ tổ tiên theo chu kỳ) của người Thương, theo đó từ Thượng Giáp trở về trước xếp vào hàng Tiên công, còn từ Thượng Giáp trở về sau là các Tiên vương và Tiên tỉ (phối ngẫu của Tiên vương).

Tổ của người Thương là Tiết (契 hoặc 㓞), như trong <Tuân Tử-Thành Tướng> thì còn gọi là “Tiết Huyền Vương” (契玄王).

[Đường] <Tấn Thư-Bách Quan Biểu> viết: “王,古号也,三代所称也” (Vương, danh hiệu thời cổ, dùng vào thời Hạ Thương Chu)

[Chiến Quốc] <Thương Quân Thư-Canh Pháp> viết: “三代不同礼而王” (Ba đời Hạ Thương Chu có lễ nghĩa khác nhau nhưng đều thống trị thiên hạ. “Vương” tức có được thiên hạ như trên đã dẫn chứng)

[Đông Hán] <Bạch Hổ Thông-Hiệu Thiên> viết: “三王者,何谓也?夏殷周也” (Tam vương là chỉ những ai? Ý chỉ Hạ Ân Chu)

Nếu như các sử liệu trên chưa đủ làm tin thì ngay trên các quẻ giáp cốt cũng thường xuyên hiện các cụm như: 王曰 (Vương nói), 王若曰 (Vương nói như này), 王贞 (Vương gieo quẻ), 王曰贞 (Vương hỏi quẻ), 王祭 (Vương tế), 王受又 (Vương được phù hộ),… vân vân, đủ cho thấy người lãnh đạo tối cao thời Thương được gọi là “Vương”. Còn việc từ “Vương” đổi thành “Đế” với ý nghĩa người thống trị thiên hạ là diễn tiến mãi sau này, bắt đầu từ Tần Thủy Hoàng.

2. Ý nghĩa của “Đế” dưới thời Thương:

Dựa theo giáp cốt chúng ta có thể nhận định, người trị vì tối cao thời Thương được gọi là “Vương”, còn vị thượng thần trên trời được gọi là “Đế” tức “Thượng đế”, đấng quyền năng tối thượng chi phối mọi hiện tượng tự nhiên, quyết định vụ mùa no ấm trong quan niệm của người Ân.

Học giả Hồ Hậu Tuyên cho rằng, Thượng đế trên trời và quốc vương dưới nhân gian có quan hệ mật thiết với nhau, khi tiên vương qua đời, có thể lên “bầu bạn” cùng thượng đế, như trong quẻ giáp cốt thời Vũ Đinh có nói:

贞咸宾于帝。(Đại Ất bầu bạn với Đế chăng?)

贞大甲不宾于帝。(Đại Giáp không bầu bạn với Đế)

贞下乙不宾于帝。(Tổ Ất không bầu bạn với Đế)

Bởi Vương lên làm khách của Thượng đế, bầu bạn cùng Thượng đế nên cũng được gọi là “Đế”. Hay nói cách khác coi Tiên vương như một vị thần để tế bái nên gọi là “Đế”. Các vị vua Ân tại vị khi tế bái phụ vương thường dùng “Đế”.

Quẻ thời Vũ Đinh, khi tế Tiểu Ất (thân phụ của Vũ Đinh) sẽ gọi Ất Đế.

贞:父乙帝。(Quẻ nói: Cha là Ất Đế)

Quẻ thời Tổ Canh, Tổ Giáp, khi tế Vũ Đinh sẽ gọi là Đế Đinh.

甲戌卜,王曰贞匆告于帝丁 (Ngày giáp tuất, Vương hỏi quẻ: Không cần tế cáo Đế Đinh chăng?)

Học giả Hồ Hậu Tuyên nói thêm, do Thần đế ở trên trời nên được gọi là “Thượng đế”, còn người cai trị hạ giới sẽ được gọi là “Vương đế” để phân biệt. Như trong quẻ thời Lâm Tân, Khang Đinh (Canh Đinh) có câu: 隹王帝人不若 (chuy vương đế nhân bất nhược).

Tuy nhiên học giả Thường Ngọc Chi không đồng tình với quan điểm này, bà cho rằng chữ “nhân” ở đây thực chất là chữ “vong”, không thể nối Vương đế thành một cụm được mà phải là 隹王,帝亡不若 (chuy vương, đế vong bất nhược) ý là hỏi quẻ rằng “Thượng đế có giáng điều gì bất lợi cho Thương Vương chăng?”. Theo đó không tồn tại khái niệm “Vương đế”. Đồng thời “Đế” trong tên của tiên vương là từ dùng để khu biệt miếu hiệu, như trong <Lễ Ký-Khúc Lễ Hạ> chép: “措之庙立之主曰帝” (Lập bài vị tổ tiên làm chủ trong miếu thì gọi là “đế”, tức “đế” nghĩa là chủ miếu)

Dẫu sao thì cụm “Tam hoàng ngũ đế” cũng được ra đời vào thời chiến quốc, và trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, “Vương” luôn là danh hiệu cao nhất dành cho người thống trị. Trên giáp cốt cũng có cụm từ khác để chỉ thượng đế và nhân vương là Thượng tử 上子 và Hạ tử 下子. Ngoài ra Vương còn tự xưng là Nhất nhân 一人 hoặc Dư nhất nhân 余一人/予一人,đây là cách xưng hô rất phổ biến cả vào thời Thương lẫn Tây Chu.

<Thượng Thư-Thái Giáp>: 谓天子为一人者,其义有二。一则天子自称一人,视为谦辞,言己是人中之一耳。一则臣下谓天子为一人,是为尊称,言天下惟一人耳 (Gọi Thiên tử là nhất nhân có 2 tầng nghĩa. Một là thiên tử tự xưng nhất nhân, khiêm tốn coi mình chỉ là một người trong thiên hạ. Còn thần tử gọi thiên tử là nhất nhân thì là tôn xưng, ý chỉ người duy nhất trong thiên hạ.)

余 (dư) có nghĩa là tôi (我 ngã), giả tá của 予. Theo danh sĩ Khổng Dĩnh Đạt thời Đường thì “天子与臣下言及遣摈者,接诸侯,皆称予一人。言我于天下之内但只是一人而已,自谦退,与余人无异。” (Thiên tử và tôi thần khi phái người tiếp đón chư hầu đều xưng là dư nhất nhân. Ý nói bản thân chỉ là một người trong thiên hạ, khiêm tốn nhún nhường, cho bản thân cũng giống như những người khác.)

Còn cái danh xưng “nhân hoàng cuối cùng” của Trụ Vương thì hoàn toàn xuất phát từ tiểu thuyết mạng, không có sử liệu chép, Phong Thần Diễn Nghĩa càng không ghi và cũng không học giả nào chứng nhận cả.

Khái quát thể chế chính trị thời Thương

I, LIÊN MINH THƯƠNG-DI:

Để nói về thể chế thời Thương thì đầu tiên chúng ta sẽ quay ngược về thời điểm trước khi Thương diệt Hạ, thuở sơ khai Thương tộc vẫn chỉ là một bộ lạc tự cung tự cấp, tuy nhiên sau sự kiện Vương Hợi (vị thủ lĩnh thứ 7 của tộc Thương) bị tộc Hữu Dịch giết hại và cướp đi bò dê thì đã đánh dấu một bước chuyển ngoặt trong lịch sử Thương tộc. Con trai của Vương Hợi là Thượng Giáp Vi đã kết liên minh với tộc Hà Bá để thảo phạt Hữu Dịch. Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu đây là một cuộc trả thù đơn giản, mà nguyên nhân sâu xa của nó là nền nông nghiệp, chăn nuôi của tộc Thương đã đạt tới bước phát triển mới và cần tìm kiếm thêm nguồn lao động. Sự thật chứng minh, thông qua các cuộc chinh chiến của mình, từ Hữu Dịch, Bì Thị, Hữu Lạc,… cho đến diệt Hạ thì một tầng lớp bị thống trị mới đã ra đời, tầng lớp Nô Lệ được chuyển hóa từ tù nhân chiến tranh. Với tần suất chinh chiến dày đặc trong suốt 18 năm từ thời Thái Giáp Vi đến Thành Thang, tộc Thương đã phát triển và hoàn thiện bộ máy quốc gia liên hợp thành bang hay còn gọi là phương quốc dưới chế độ nô lệ, cùng góp sức giúp Thành Thang diệt Hạ.

Nói kỹ hơn về mặt khảo cổ, văn hóa Tiên Thương được chia làm 3 loại chính gồm: Chương Hà, Huy Vệ và Đặng Châu Nam Quan. Trong đó Chương Hà là lớp văn hóa cổ nhất nằm ở chân núi phía đông của Thái Hành Sơn (phía nam sông Đường, phía bắc sông Huân), rất phù hợp với các hoạt động của tộc Thương. Giáo sư khảo cổ nổi tiếng Trâu Hoành đưa ra quan điểm rằng: “Người Thương tự xưng là Thương bởi tổ tiên của họ sinh sống gần sông Chương, mà sông Chương ban đầu được gọi là sông Thương”. Theo nghiên cứu, kể từ sau năm 1600 TCN, các bộ tộc thuộc loại hình Chương Hà bắt đầu men theo Bộc Dương, Trường Hằng xuống phía nam, đi vào khu vực Dự Đông (tức phía đông tỉnh Hà Nam ngày nay). Đồ gốm tìm thấy tại di tích Lộc Đài tại Hà Nam cho thấy sự giao lưu giữa văn hóa Chương Hà và văn hóa Nhạc Thạch bản địa. Mà văn hóa Nhạc Thạch chính là đại diện cho một thế lực rất quen thuộc trong sử sách thời kỳ này, Đông Di. Tiếp theo đó, nhóm Chương Hà và Nhạc Thạch lại cùng nhau tây tiến, tiếp cận khu vực trung tâm văn hóa Nhị Lý Đầu (trung tâm khảo cổ Hạ-Thương). Một số học giả cho rằng đây chính là biểu hiện của “Liên Minh Thương Di” diệt Hạ.

Chế độ nội ngoại phục

1. Khái niệm

Triều Thương từ sau khi Thành Thang diệt Hạ đã liên tục bành trướng thế lực của mình tới các quốc gia xung quanh bằng chiến tranh vũ trang. Từ đó không ngừng lan tỏa văn hóa của nhà Thương ra các quốc gia này mà theo “Nghiên cứu khu vực văn hóa Ân Thương” của Tống Tân Triều (NXB Nhân dân Thiểm Tây, 1991) thì xét trên phương diện khảo cổ, cần chia thời kỳ văn hóa Ân Thương thành ba khu vực gồm:

– Trung tâm văn hóa

– Á khu văn hóa

– Khu ảnh hưởng văn hóa Ân Thương

Vậy tại sao lại xuất hiện sự phân hóa này? Cần hiểu rằng thể chế cai trị của triều Thương hoàn toàn không giống nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền sau này mà là chế độ NỘI NGOẠI PHỤC.

Cái gọi là Nội Ngoại Phục là chế độ quản lý trong thời kì đầu hình thành quốc gia, ở đó vương triều trung ương (trong trường hợp này là tộc Thương) sẽ thi hành các biện pháp quản lý khác nhau cho từng khu vực. Có ba nhân tố tạo nên chế độ Nội Ngoại phục gồm:

– Chính quyền trung tâm có sức mạnh lớn

– Các quốc gia xung quanh quy phục chính quyền trung tâm

– Địa vị trung tâm của vương triều trung ương tuy được các quốc gia xung quanh công nhận nhưng lại chưa đủ khả năng để trực tiếp khống chế thế lực địa phương.

Trong chế độ này “nội” và “ngoại” được phân định bởi “Vương Cương” (cương giới của vua). Nằm trong Vương Cương là Nội phục tức Bách quan, nằm ngoài Vương Cương là Ngoại phục tức Liệt quốc (Bang bá).

2. Sự khác biệt giữa nội phục và ngoại phục

Như đã nói ở trên, nội phục chỉ bách quan trong cương giới của nhà vua, thường là vương thất tông thân, tộc trưởng các tộc. Nhưng đôi khi cũng lại là nhân tài do chư hầu tiến cống hoặc được Thương Vương tuyển chọn như <Thuyết Uyển> có đoạn mô tả Thành Thang tuyển chọn Liệt sĩ là những người “nắm rõ đạo nghĩa lại vững sơ tâm, làm nên sự nghiệp mà không giữ thưởng riêng mình, trung nghĩa can gián không hề gian trá. Có thể bỏ tư lợi, một lòng lo việc công, ngôn hành tuân theo pháp độ”. Những người này tuy có khi được phong đất (trong cương giới của nhà vua) nhưng chỉ được hưởng lợi ích kinh tế chứ không quyền quản lý thực sự, tính độc lập khá thấp.

Trong khi đó nhóm quan viên ngoại phục lại khá phức tạp. Thông qua Giáp Cốt có thể thấy, Thương Vương thường lấy “tộc” làm đơn vị để điều binh, cho thấy việc quản lý dưới thời Thương được chia ra theo các “tộc”. Cơ cấu này giúp Thương Vương có thể lợi dụng vật tư và nhân khẩu có sẵn trong từng tộc để tiến hành quản lý, giảm bớt gánh nặng chi phí cho trung ương. Vậy nên có trường hợp cả một tộc được chỉ định thuyên chuyển tới một địa phương mới để trấn giữ, chăn nuôi hoặc sản xuất nông nghiệp. Từ đó, một gia tộc trực thuộc tộc Thương dần biến thành một “bộ tộc” có thủ lĩnh riêng tương đối độc lập so với vương triều.

Mặt khác, ngoại phục còn chỉ các thế lực quy phục Thương Vương, các chư hầu ngoại phục này có nghĩa vụ cống nạp tài sản, góp sức bảo vệ biên cương, phát triển kinh tế, thậm chí là mở rộng bờ cõi cho trung ương.

Có thể dễ dàng nhận thấy thế chế Nội Ngoại Phục là một khối liên kết lỏng lẻo, Thương Vương hoàn toàn không có quyền chi phối tuyệt đối. Mỗi quốc gia phụ thuộc đứng đầu là thủ lĩnh bộ tộc (khác Thương), có kết cấu xã hội riêng, ngoài việc cần làm tròn nghĩa vụ cung ứng cho Thương Vương thì gần như tự chủ. So với quyền lợi tổng thể của cả vương triều, thì các bộ tộc vẫn coi trọng lợi ích riêng của mình hơn kể cả với các quý tộc thuộc nhóm Nội phục (do đất phong của nhóm này có thể bị thay đổi dễ dàng theo ý muốn của Thương Vương, trong một số trường hợp sẽ gây ra mâu thuẫn nhất định).

Vậy nên trong việc quản lý khu vực nội phục, Thương Vương cũng cần thi hành các loại chính sách để hạn chế sự bành trước thế lực của các cựu quý tộc, một trong số đó là tập đoàn “Tiểu Thần”.

Đế Tân có thực sự giải phóng nô lệ?

Để hiểu hơn về vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu về một lực lượng khá đặc biệt xuất hiện vào thời Thương-Tiểu Thần.

Tiểu Thần là lực lượng quan viên được điều động trực tiếp bởi Thương Vương, khu biệt với các quan trưởng ngoại tộc cũng như tầng lớp quý tộc cùng họ vua. Nguyên nhân hình thành lực lượng này có lẽ bởi quan chế thời Thương chưa hoàn thiện, một số công việc chưa đặt viên quản lý hoặc xuất hiện sự vụ bất thường mà tạm thời chưa có người chịu trách nhiệm. Ngoài ra còn một nguyên nhân quan trọng hơn, đó là TẬP TRUNG QUYỀN LỰC.

Các quan viên khác họ và quý tộc cùng họ đều là người có địa vị và tài sản, đồng thời có mối quan hệ lợi ích vững chắc, đôi khi còn phát sinh mâu thuẫn với vương quyền. Và để cân bằng cán cân quyền lực này, Thương Vương cần có một lực lượng của riêng mình, đó là “Tiểu Thần”. Nhóm nhân sự bao gồm con cháu quý tộc, thường là con thứ, những người không có vị trí cố định trong tộc, có thể trở thành tay sai trung thành của Thương Vương; hoặc cũng có thể là những thân tín hầu hạ Thương Vương, thường được chọn ra từ nô lệ, tù binh, tội nhân, tầng lớp không có quyền tự do hay tài sản, hoàn toàn phụ thuộc vào chủ nhân.

Thông qua tài liệu giáp cốt, công việc của Tiểu Thần cũng vô cùng đa dạng, từ việc tháp tùng Thương Vương đi săn bắn cho đến quản lý sản xuất nông nghiệp. Hoặc cũng có thể tham gia chỉnh lý giáp cốt, tế lễ, hoặc làm sứ giả hoặc canh gác biên cảnh. Thậm chí là có những Tiểu Thần nắm quyền quản lý quân sự như mộ Quắc Quốc tại Hà Nam có thu được lưỡi mác bằng ngọc (ngọc qua 玉戈 là vật tượng trưng cho quân sự) của một vị Tiểu Thần. Ngoài ra thì tại Bảo tàng Harvard, Mỹ cũng đang giữ mác ngọc của Tiểu Thần Yu (艅). Địa vị Tiểu Thần có cao có thấp, có kẻ chỉ giữ chức chăn ngựa thậm chí là dùng làm vật hiến tế, nhưng cũng có kẻ giữ vị trí cao được ban ấp. Tựu trung, công việc của Tiểu Thần khá phân tán, nhân lực lại phức tạp, đây không phải là một chức quan mà chỉ là một loại thân phận, chỉ nhóm người phụ thuộc vào Thương Vương.

Qua đây có thể thấy việc đưa nô lệ/tù binh/tội nhân trở thành thân tín và xử lý công vụ đã có tiền lệ từ lâu, muộn nhất là từ thời Vũ Đinh chứ không phải chính sách do Đế Tân đề xướng. Mục đích trọng tâm của nó cũng là để tập trung vương quyền chứ không hề có một ý tưởng cao đẹp nào như giải phóng nô lệ cả.

Vậy sự khác biệt giữa các Thương Vương đời trước và Đế Tân nằm ở đâu?

I. Trọng dụng thân tín, xa lánh cựu thần:

Với tham vọng tập trung vương quyền, Đế Tân nôn nóng tước bỏ mọi quyền lực của các thế gia thế tộc, trao chức quyền cho thân tín của mình. Việc này đã được ghi chép trên nhiều tài liệu, ví dụ như trong <Thượng Thư-Vi Tử> (Vi Tử là con của Đế Ất, anh trai cùng cha khác mẹ của Đế Tân) có đoạn như sau:

“天毒降灾荒殷邦,方兴沈酗于酒,乃罔畏畏,咈其耇长旧有位人”

> Ông trời giáng tai họa diệt nước n ta là bởi trên dưới vua tôi trầm mê trong rượu, khinh nhờn phép trời, còn thóa mạ các bậc lão thần đức cao vọng trọng.

<Kinh Thi-Đại Nhã-Đãng> lại có:

“匪上帝不时,殷不用旧。虽无老成人,尚有典刑。”

> Nào phải thượng đế chẳng từ tâm, mà bởi n không tuân phép cổ. Dầu không có lão thần kề cận, hẵng còn điển chương để theo dùng.

Hai dẫn chứng trên cho thấy, Đế Tân không chỉ xa lánh mà còn có phần thiếu tôn trọng với phe cựu thần, hoàn toàn phá bỏ mọi điển chương chế độ cũ. Cần biết ngay đến vị vua có nhiều chủ trương cứng rắn trong việc thiên đô của triều Thương như Bàn Canh cũng phải nhấn mạnh:

“古我先王,亦惟图任旧人共政” (Thượng Thư-Bàn Canh Thượng)

> Các tiên vương xưa cũng chỉ mong cựu thần cùng quản lý chính sự.

Hoặc nhún nhường rằng:

“非予自荒兹德,惟汝含德,不惕予一人” (Thượng Thư-Bàn Canh Thượng)

> Nào phải ta hoang đường bỏ đức xưa (ý chỉ việc dùng cựu thần), mà bởi các khanh giấu đức độ của mình chẳng chia sẻ cùng ta.

Vậy nên các Thương Vương đời trước, dù chủ trương tập quyền ra sao thì vẫn cần uyển chuyển để tranh thủ sự ủng hộ của các thế gia thế tộc. Tuy nhiên tới thời Đế Tân, tài liệu giáp cốt đã chỉ ra, lượng công việc mà Tiểu Thần nắm giữ trong giai đoạn này đã hoàn toàn lấn át giới quý tộc. Điều này đã phá hỏng thế cân bằng vốn có, khiến các đại tộc bất mãn, thậm chí là quay lưng với vương triều.

II. Chiếm đoạt nhân khẩu:

Nhằm triệt tiêu thế lực các tộc và gia tăng lượng nhân khẩu trực tiếp quản lý, Đế Tân đã lợi dụng các hình phạt theo luật pháp để “chiếm đoạt” nhân khẩu từ các tộc, đồng thời thu nạp tù nhân/nô lệ bỏ trốn từ các nơi.

<Thượng Thư-Vi Tử>:“凡有辜罪,乃罔恒获” (Phàm kẻ có tội lại có thể trốn khỏi vương pháp)

<Thượng Thư-Mục Thệ>: “昏弃厥遗王父母弟不迪,乃惟四方之多罪逋逃” (Xem thường vứt bỏ huynh đệ đồng tộc, chỉ tin dùng đám tội đồ bỏ trốn tứ xứ)

Trong khi đấy, phía Văn Vương lại thi hành phép “Hữu vong hoang duyệt” (有亡荒阅) tức “có kẻ đào vong thì phải ra sức truy tìm”, đưa nô lệ/tội nhân bỏ trốn trả lại cho chủ cũ.

Trong xã hội thần quyền chiếm hữu nô lệ, thì nô lệ/tội nhân là tài sản riêng của chủ nô, cũng là nguồn lực quan trọng trong công việc sản xuất hay hiến tế nghi lễ. Trong mắt các quý tộc nội phục lẫn thế lực ngoại phục lúc này, hành động của Đế Tân không khác gì chiếm đoạt tài sản phi pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến thể diện cũng như lợi ích của họ. Đem so sánh với chính sách của Văn Vương thì cũng khó tránh việc hàng loạt chư hầu trở mặt theo Chu.

III. Có lượng nhưng thiếu chất:

Việc xây dựng lực lượng Tiểu Thần gồm cả con cháu quý tộc giúp tạo cầu nối đến các bộ tộc. Thương Vương có thể thông qua những người này để nắm bắt tình hình nội bộ các tộc để từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó thích hợp.

Tuy nhiên, Đế Tân lại xem nhẹ mặt lợi ích này mà truy cầu những Tiểu Thần trung thành tuyệt đối với bản thân. Dẫn đến thân tín của ông phần nhiều có xuất thân thấp, thậm chí là tội nhân bỏ trốn, khó giao hảo được với giới quý tộc khiến nội bộ triều Thương càng thêm chia rẽ.

Thêm một điểm nữa cần chú ý đó là, thời cổ đại việc phổ cập giáo dục chưa được rộng khắp, rất nhiều kỹ năng trên chính trường được truyền thụ trong nội bộ gia tộc, vậy nên chế độ thế gia thế tộc luôn được sử dụng. Mãi cho đến thời xuân thu với việc hợp nhất chư hầu và sự phát triển của xã hội, lượng lớn gia tộc suy vong, vô số nhân sĩ có kiến thức chuyên môn lưu lạc bên ngoài thì mới điều kiện để thực sự phá vỡ chế độ thế quan. Còn triều Thương thì rõ ràng chưa đáp ứng được điều kiện này.

Vậy nên <Thượng Thư-Vi Tử> nói: “卿士师师非度” (Quan viên không theo pháp độ) hay <Thượng Thư-Tây Bá Kham Lê> nói: “不迪率典” (Không tuân theo điển chương), là ám chỉ những người do Đế Tân đề bạt thiếu kinh nghiệm chính trị, không nắm rõ pháp chế của vương triều.

Kết: Tựu trung hàng loạt các cải tổ của Đế Tân hoàn toàn không liên quan đến cái gọi là “trọng dụng nhân tài không kể xuất thân” hay “giải phóng nô lệ” như mọi người lầm tưởng. Đây đơn giản là các động thái nhằm tập trung quyền lực về tay vua, tuy nhiên phương pháp đề ra quá nóng vội và thiếu chiều sâu dẫn đến hàng loạt hệ quả nghiêm trọng.

Chư hầu và Phương bá

Như mình luôn nhấn mạnh, đơn vị cơ bản trong xã hội thời Thương đó là “tộc”. Mà từ “tộc” trên giáp cốt được thể hiện qua hình ảnh lá cờ và mũi tên, cho thấy rõ tính chất chiến tranh của nó. Tộc của người Thương có thể lý giải là tông tộc, bộ tộc hoặc thị tộc, mỗi một tông tộc của người Thương đều có lãnh địa riêng, thống trị một nhóm nông dân canh tác.

I. Chư Hầu:

Mỗi một tộc sẽ có “ấp” của riêng mình, tức một khu dân cư nông nghiệp. Trong phạm vi Ân Đô (tức Ân Khư, kinh đô cuối thời Thương) đất chật người đông, số lượng tộc ấp xuất hiện dày đặc. Bản chất cái tên Đại Ấp Thương cũng nghĩa là một ấp có diện tích lớn.

Với các bộ tộc nằm ngoài đô thành, phạm vi lãnh thổ có thể lên tới hàng chục dặm, tương đương một tiểu bang quốc, tộc trưởng của các bộ tộc này được phong tước “hầu”. Chữ “hầu” trên giáp cốt là một mũi tên dưới vọng lâu, ý chỉ đồn bốt giữ nhiệm vụ canh gác. Vậy nên, thủ lĩnh bộ tộc được phân phong nơi biên địa, giữ trách nhiệm bảo vệ triều Thương sẽ được gọi là “hầu”. Hầu chắc chắn là người tộc Thương, không thể là ngoại tộc.

Tộc của người Thương tuy có quan hệ huyết thống nhưng cũng là các đơn vị chính trị và kinh tế độc lập, có lực lượng vũ trang riêng, thậm chí là nền chăn nuôi, thủ công nghiệp riêng. Một gia tộc làm ăn phát đạt tự khắc sẽ chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của vương triều. Vậy nên, tuy rằng từ quan niệm thần quyền, xin nhấn mạnh rằng triều Thương là một nhà nước thần quyền, Thương vương có quyền tước đoạt lãnh thổ và thuộc dân từ tay các tộc trưởng nhưng trên thực tế rất hiếm khi xảy ra tình huống này. Đối với người Thương mà nói, tập tục truyền thống (đại diện là các nghi thức tế lễ tổ tiên và thần tự nhiên) vô cùng quan trọng, Thương Vương cũng không được phép tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của các bộ tộc.

Có các tộc xuất phát điểm là con cháu của Thương Vương, cũng có các tộc vốn dĩ nằm trong khối liên minh từ khi lập quốc và bị tộc Thương đồng hóa. Từ khảo cổ thời sơ Thương cho thấy, đương thời các phe liên minh này rất phong phú, đến từ các nền văn hóa khác nhau như Nhạc Thạch, Hạ Thất Viên hay Huy Vệ. Trên quẻ bói thời kì Ân Khư cũng cho thấy Thương Vương tiến hành cúng tế một số đại thần ngoại tộc như Y Doãn, Vu Hàm, Hoàng Doãn, đây là những tù trưởng bộ lạc trong khối liên minh thời kỳ đầu. Về sau vương thất Thương ngày càng mở rộng, những đồng minh này cũng trở nên xa cách nhưng vẫn thuộc khối chính trị và vòng văn hóa Thương.

II. Phương Bá:

Càng cách xa đô thành, các nhóm cư dân càng có sự khác biệt về ngôn ngữ và phong tục so với người Thương. Nhóm dân cư bản địa này cũng bắt đầu có thủ lĩnh và tổ chức bộ lạc của riêng mình, nhưng luôn luôn bị các hầu quốc người Thương thống trị, phải cống nạp và lao dịch cho hầu quốc. Thủ lĩnh của dị tộc được gọi là “bá”, để phân biệt với “hầu” thì “bá” không phải người Thương. Ví dụ như trên giáp cốt xuất hiện “Khương phương bá”, chỉ thủ lĩnh người Khương. Lại có thủ lĩnh của tộc Chu là “Chu phương bá”, như <Sử kí> chép lại rằng, Chu Văn Vương từng được Thương Trụ phong làm “Tây bá”. Các thủ lĩnh dị tộc chưa chắc đã thần phục triều Thương, có một số ỷ vào địa thế xa xôi hiểm trở, thường xuyên đối địch với triều Thương. Bởi vậy Thương Vương thường xuyên phải chinh phạt các dị tộc này và lấy thủ lĩnh dị tộc làm vật hiến tế, đây là chuyện rất được coi trọng vào giai đoạn hậu Thương. Có thể Thương Vương nhận thấy, địa vị của kẻ bị hiến tế càng cao thì giá trị của tế phẩm càng cao.

Thông qua tài liệu giáp cốt có thể thấy, Vũ Đinh thường xuyên thân chinh dị tộc, đặc biệt là tộc Khương ở phía tây, và dùng tù binh người Khương làm vật hiến tế. Nếu so ra thì 8 vị vua sau thời Vũ Đinh không ai sôi nổi như vậy, rất có khả năng bởi nhân mạng dùng trong hiến tế càng ngày càng phụ thuộc vào nguồn cống nạp của “hầu” hoặc “bá” chứ không còn tiến hành chiến tranh quy mô lớn nữa. Tuy nhiên việc thân chinh dị tộc vẫn được xem là vinh quang của Thương Vương, mỗi một vị Thương Vương đều cần tiến hành để chứng minh tư cách thống trị của mình.

Kết: Triều đại nhà Thương nhìn chung vẫn chỉ là một khối liên minh các bộ tộc, thậm chí sự gắn kết trong nội bộ tộc cũng không hề bền vững như chúng ta tưởng tượng. Phương bá quy phục Thương bởi sự đàn áp vũ trang mạnh mẽ, chư hầu quy phục Thương Vương vì gắn kết họ tộc cũng như lợi ích gia tộc.

Khi mà lợi ích gia tộc của chư hầu bị ảnh hưởng và trở mặt với Thương Vương thì cũng đồng nghĩa với suy giảm lực lượng quân sự của vương triều. Và khi sức mạnh quân sự đã suy yếu thì chẳng còn gì khiến các phương bá phải dè chừng nữa.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s