Ai Cập Cổ Đại

Mười điều ít biết về Ai Cập cổ đại

Có một số hiểu lầm về Ai Cập cổ đại trở thành kiến thức phổ biến, nhưng nhiều khi không phải như vậy

By Kim Lưu
Nguồn: Historyextra
Có một số hiểu lầm về Ai Cập cổ đại trở thành kiến thức phổ biến, nhưng nhiều khi không phải như vậy

Ai Cập cổ đại nổi tiếng với những tòa kim tự tháp khổng lồ, thuật ướp xác Ai Cập kỳ bí, hay những kho báu đầy ắp vàng bạc. Nhưng ngoài những thứ đó ra bạn còn biết gì về miền đất cổ xưa này? Có thể bạn còn biết nhiều thứ khác, có cái đúng nhưng cũng có cái bạn có thể đã hiểu lầm.

Sau đây là một vài điều thường bị hiểu nhầm về Ai Cập cổ đại mà có lẽ bạn ít biết.

Người Ai Cập xưa không cưỡi lạc đà

Thời cổ đại người Ai Cập chưa biết cách cưỡi lạc đà. Họ chủ yếu dùng lừa để chuyên chở trên bộ và thuyền trên sông.

Sông Nile chạy dọc sống lưng lãnh thổ Ai Cập, tạo thành một đại lộ tự nhiên kết nối cả đất nước. Dòng chảy của nó giúp người ta dễ dàng chèo thuyền từ nam ra bắc, trong khi hướng gió thổi giúp người ta căng buồm đi từ bắc xuống nam. Con sông kết nối với các khu dân cư, đường xá, các khu xây dựng bằng hệ thống kênh rạch. Người ta dùng thuyền gỗ để chuyên chở lúa mì và vật liệu xây dựng. Thuyền papyrus chở người. Người Ai Cập cũng tin rằng trên cao thần Mặt Trời Ra cũng cưỡi thuyền đi ngang bầu trời mỗi ngày.

Không phải ai chết cũng được ướp xác

Xác ướp Ai Cập rất nổi tiếng đến mức trở thành một biểu tượng của nền văn minh này. Tuy nhiên việc ướp xác là nghi thức tốn kém và mất thời gian, chỉ có nhà giàu, tầng lớp quý tộc, quan lại và vua chúa mới có tiền để làm. Còn phần lớn giới bình dân khi chết sẽ được vùi thây trong những hố cát ngoài sa mạc.

Người Ai Cập ướp xác làm gì? Họ tin rằng có kiếp sau, nhưng để làm người ở kiếp sau thì thân xác kiếp này phải toàn vẹn.

Nhưng bạn có thể thắc mắc sao họ không vùi xác ngoài sa mạc là xong, thời tiết khô nóng ngoài đó sẽ hong khô cái xác trước khi nó thối rữa.

Giới quyền quý không nghĩ như vậy. Họ muốn thân xác được quàn trong quan tài, đặt nghiêm trang trong những lăng mộ. Và để tránh thối rữa họ buộc phải tìm cách ướp xác.

Tục cúng đồ ăn cho người chết

Trong tập tục mai táng của người Ai Cập thì lăng mộ được thiết kế như chỗ ở đời đời cho thi hài, vì thế vong của họ sẽ luôn ngụ trong đó. Mỗi lăng mộ có một cái am thờ nhỏ để gia đình, bạn bè, hay thầy cúng tới viếng. Khi viếng thì họ mang theo đồ ăn thức uống để cúng.

Việc cúng bái này diễn ra đều đặn vì vong người quá cố cũng cần ăn uống như người thường. Nhưng tương tự ông bà ở Việt Nam, họ cũng chỉ ăn hương ăn hoa mà thôi, còn đồ cúng xong thì người sống ăn bình thường.

Mỗi năm người Ai Cập cũng có một ngày lễ kiểu như tết Thanh Minh ở ta. Người ta sẽ đi tảo mộ, ở lại với người quá cố một đêm, ăn uống tiệc tùng ngay trong am như thể người quá cố đang có mặt.

Nam nữ bình đẳng

Nói về nữ quyền trong xã hội cổ đại ta thường nghĩ ngay tới vấn đề trọng nam khinh nữ. Nhưng riêng ở xã hội Ai Cập xưa thì nam nữ có địa vị bình đẳng trước pháp luật. Tức là phụ nữ có thể mua, bán, sở hữu, làm ăn, thừa kế tài sản như người nam. Họ không có bổn phận kiểu tam tòng tứ đức như ở ta. Nếu góa bụa hoặc ly dị họ có thể chọn làm mẹ đơn thân mà không sợ điều tiếng. Họ có thể kiện cáo, và bị kiện cáo trước tòa. Và khi chồng vắng nhà họ có thể thay mặt chồng xử đoán công việc.

Trai lớn lấy vợ, gái lớn dựng chồng là lẽ hiển nhiên ở xã hội Ai Cập. Người vợ được kỳ vọng sẽ lo toan việc nhà, chăm sóc con cái, còn người nam lo đối ngoại, làm ăn, chăm sóc gia đình.

Các ký lục ít khi dùng chữ tượng hình

Chữ tượng hình là một biểu tượng khác của Ai Cập cổ đại. Trông chúng thật đẹp mắt với những hình thù kỳ lạ, phức tạp. Mà cũng vì phức tạp, khó viết nên nó chỉ được dùng trong một số ít trường hợp quan trọng như trang trí lăng tẩm vua chúa, đền thờ, hay kể các chiến công của nhà vua.

Còn với các giao dịch dân sự hàng ngày thì người ta có kiểu chữ “giản thể” đơn giản hơn và viết nhanh hơn. Cuối thời kỳ quân chủ thì họ còn sáng tạo ra kiểu chữ bình dân còn dễ dùng hơn nữa. Cả ba kiểu chữ tượng hình, giản thể, và bình dân đó đều được dùng song song nhau tùy từng trường hợp.

Dù là kiểu chữ nào thì cũng không mấy người đọc được. Ước tính chỉ khoảng 10% dân số biết đọc mà thôi.

Phụ nữ có thể làm vua

Lý tưởng mà nói thì thái tử sẽ là người kế vị. Nhưng có nhiều trường hợp không xảy ra như vậy mà vương miện lại về tay ứng viên ít có khả năng kế vị nhất.

Có ít nhất ba trường hợp người kế vị là nữ. Họ lên ngôi nữ hoàng, và trị vì cùng với một ông chồng nào đó cho đúng thể thức. Thành công và nổi tiếng nhất trong số này là nữ hoàng Hatshepsut, cai trị Ai Cập trong suốt 20 năm ròng.

Đàn ông Ai Cập ít khi cưới chị em ruột

Một số vị Pharaoh Ai Cập cưới chị em ruột, hoặc chị em họ của mình. Hôn nhân đồng huyết, hoặc cận huyết là để bảo vệ dòng máu thuần khiết của hoàng tộc, tránh để ngôi vua lọt vào tay họ khác. Một số vị thần Ai Cập cũng làm gương cho chuyện này, như Isis cưới em gái Osiris.

Điều này có thể khiến chúng ta ngộ nhận đây là phong tục phổ biến thời Ai Cập cổ đại. Nhưng sự thật không phải như vậy. Hôn nhân cận huyết hiếm khi xảy ra trong dân gian. Và ngay cả trong hoàng tộc không phải lúc nào cũng thế, vì những danh xưng gọi người có quan hệ với nhà vua như “anh” “em” “chị” được áp dụng khá lỏng lẻo. Vậy nên “chị” có thể được dùng để gọi cả vợ hay người yêu của nhà vua. Thực tế đó khiến chúng ta ngày nay khó phân biệt đâu là chị ruột và đâu là chị kiểu gọi vậy thôi.

Không phải Pharaoh nào cũng xây kim tự tháp

Hầu hết các pharaoh thời Cổ Vương Quốc Ai Cập (2686-2125) và trung đại vương quốc (2055-1650) thường xây lăng mộ kim tự tháp ở các vùng sa mạc phía bắc. Những tòa kim tự tháp chĩa thẳng lên trời biểu tượng cho dòng dõi con cháu thần mặt trời của các pharaoh, và là hình ảnh gợi lại cuộc tạo dựng đất trời thuở hồng hoang, sự sống đi lên từ mặt đất.

Nhưng bắt đầu từ thời tân vương quốc (từ 1550) thì các pharaoh không còn thích xây kim tự tháp nữa. Họ chuộng kiểu mai táng mới, xác ướp sẽ được quàn trong Thung lũng các vị vua nằm bên bờ tây sông Nile, phía nam thành phố Thebes, còn đài tưởng niệm đặt đâu đó tại biên giới giữa vùng đồng bằng canh tác và vùng sa mạc hoang vu.

Đại Kim Tự Tháp không phải do nô lệ xây

Sử gia cổ đại Herodotus cho rằng Đại Kim Tự Tháp do 100,000 nô lệ xây lên. Tưởng tượng của ông về một đoàn lũ nam nữ trẻ con nô lệ oằn mình dưới nắng gió cát bụi đội đất khuân đá đã trở thành hình ảnh phổ biến trên phim ảnh ngày nay khi mô tả cảnh xây kim tự tháp.

Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai.

Bằng chứng khảo cổ chỉ ra rằng Đại Kim Tự Tháp do 5,000 thợ lành nghề được trả công đàng hoàng làm, và 20,000 phu phen thời vụ. Họ đều là dân tự do, được trưng dụng cho các hoạt động công ích, làm theo tua ba hoặc bốn tháng rồi về. Họ được đài thọ ăn ở, thuốc men, và có tiền phủ tuất nếu chẳng may mất mạng.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s