Hy Lạp Cổ Đại

Chiến tranh Peloponnese

Quyền lực Athens ngày càng lớn mạnh, và nỗi lo sợ mà quyền lực này khơi gợi ra với Sparta đã khiến chiến tranh là điều không thể tránh được

Battle-of-Syracuse-forces-Athenian-harbour-Syracuse-Sicily-Peloponnesian-War

Homer và Herodotus thường viện những lý do huyền thoại và mông lung khi nói về nguyên nhân những cuộc chiến của người Hi Lạp, nhưng khi sử gia Thucydides cắt nghĩa nguyên nhân cuộc chiến giữa hai liên minh do Sparta và Athens dẫn đầu, ông đã có một quan điểm thực tế hơn hẳn, và đã được lịch sử chứng minh là sáng suốt và đúng đắn. Thậm chí, các sử gia sau này đã dùng chính tên Thucydides để gọi tên tình thế địa chính trị đặc thù thường dẫn đến chiến tranh, như đã xảy ra giữa Sparta và Athens, là “bẫy Thucydides”. Theo Thucydides, nguyên nhân thực sự của cuộc chiến, là do “quyền lực Athens ngày càng lớn mạnh, và nỗi lo sợ mà quyền lực này khơi gợi ra với Sparta đã khiến chiến tranh là điều không thể tránh được”[1].

Trong những năm tháng sau khi chiến thắng đế chế Ba Tư, Athens đã trở nên quá quyền lực còn Sparta trở nên quá nhạy cảm. Hoà ước Ba mươi năm giữa Sparta và Athens, bằng cách ngăm cấm sự can thiệp vào vùng ảnh hưởng của mỗi bên, đã vô tình kích động một sự cạnh tranh giữa hai bên trong việc giành lấy ảnh hưởng trên các thành bang trung lập còn lại. Khi rủi ro từ những xung đột nhỏ ngày càng gia tăng, sự cương quyết của Athens đã khiến họ trở nên kiêu căng, và sự bất an của Sparta dần trở thành hoang tưởng. Sự tự tin của thế lực đang trỗi dậy tạo ra cho người Athens những tham vọng phi thực tế về những gì họ có thể làm và khuyến khích họ chấp nhận rủi ro, còn nỗi sợ hãi của kẻ đang đứng ở vị thế thống trị khiến người Sparta thường hiểu lầm các dấu hiệu và trầm trọng hoá các nguy hiểm[2].

Chiến tranh Peloponnese lần thứ hai giữa các thành quốc trên bán đảo Hi Lạp bùng nổ năm 431BC. Bản chất của Chiến tranh Peloponnese là một cuộc xung đột giữa sức mạnh đất liền và sức mạnh biển cả, trong đó không bên nào có được lợi thế áp đảo. Chiến tranh mở đầu bằng cuộc tấn công của Thebai, một đồng minh của Sparta vào Plataea, một thành viên của phe Athens. Plataea là nơi đã diễn ra thắng lợi quyết định của Hi Lạp với Ba Tư năm mươi năm trước, nhưng giờ đây, nó là điểm khởi đầu cho một cuộc chiến của những người Hi Lạp với nhau.

1. NHỮNG TRẬN ĐÁNH ĐẦU TIÊN VÀ DỊCH BỆNH KINH HOÀNG TẠI ATHENS

Vào giai đoạn mở đầu, Sparta ra sức huỷ diệt Athens bằng cách tấn công vào nguồn lương thực khi gần như năm nào Vương soái Archidamus cũng xua quân tràn vào tàn phá đồng bằng Attica. Athens thoát khỏi sự phong toả chiến lược đó bằng cách buông bỏ hẳn vùng nông thôn, dồn hết dân cư vào trong nội thành và sống nhờ hàng hoá nhập khẩu từ đường biển, đặc biệt là lúa mì được vận chuyển xuống từ Biển Đen bằng tuyến hàng hải đi qua eo biển Hellespont[3]. Biết rằng sẽ không hề có cơ hội chiến thắng, Pericles nhất quyết giữ các chiến binh Athnes sau Trường thành chứ không cho họ cơ hội ra đối mặt với các Homoioi. Thay vào đó, hải quân Athens phát động những cuộc đột kích vào các thị trấn ven biển Peloponnese, nhưng những cuộc càn quét này cũng không gây được nhiểu tổn thất cho Sparta[4].

Thật bất ngờ, thiệt hại khủng khiếp đầu tiên mà người Athens phải hứng chịu không đến từ người Sparta mà đến từ một dịch bệnh bí ẩn. Có thể nó đã đến từ các tuyến giao thương hàng hải của Athens, và điều kiện sống chen chúc trong một toà thành bị bao vây đã khiến cho dịch bệnh bùng phát kinh hoàng. Thucydides đã miêu tả các triệu chứng lâm sàng ghê rợn của dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người Athens: nhiều người đang khoẻ mạnh bỗng nhiên bị nhức đầu, hắt hơi, khản tiếng, đau ngực, nôn mữa và lên cơn co giật, da đỏ bầm với những bọng nước nhỏ vỡ ra. Bệnh nhân thường tử vong sau một tuần[5]. Có rất nhiều chuẩn đoán của y học hiện đại được đưa ra trong đó có sốt chấy rận, dịch hạch, sởi, hay bệnh than[6]. Đặc điểm đáng sợ nhất của căn bệnh bí hiểm này, theo Thucydides, là người bệnh bị trầm uất, còn dân chúng phát hoảng phát rồ đến không còn màng chi tới đạo lý và phong hoá: người bệnh không ai chăm sóc, người chết không ai chôn; giàu có, danh dự, luật lệ và thần linh, hết thảy đều tiêu ma[7]. Bệnh dịch bí ẩn ở Athens là một ví dụ hùng hồn cho việc cứ mỗi lần cả chiến tranh, dịch bệnh và đói kém xảy ra thì giềng mối xã hội đều trở nên rệu rã.

Ba mươi ngàn người Athens đã chết vì dịch bệnh bí ẩn đó, và thật không may cho Athens, là nhà lãnh đạo Pericles của họ cũng chết vì dịch bệnh năm 429BC[8]. Không một kẻ kế tục nào của ông có thể duy trì được sự ổn định trong đường lối chiến lược của Athens. Chính trường Athens sau đó hầu hết là những tranh luận và đấu đá phe phái giữa những kẻ mị dân có quyền hành tạm bợ và chỉ biết thu vén cho lợi ích bản thân[9].

2. BẤT PHÂN THẮNG BẠI

Cùng trong năm 429BC đó, bằng những kĩ năng hải chiến thượng thừa, hạm đội Athens dưới sự chỉ huy của tướng Phormio đã đánh tan tác hạm đội của phe Sparta trong hai ngày giao tranh tại vịnh Corinth[10]. Qua năm 425BC, hải quân Athens mở các chiến dịch nhắm vào các đồng minh Sparta ở miền tây Hi Lạp nhưng không thu được kết quả khả quan. Cảm thấy không thể khuất phục dễ dàng đối thủ, người Sparta đưa ra đề nghị giảng hoà, nhưng đã bị tướng Cleon của Athens bác bỏ[11].

Sang năm 424BC, tướng Demosthenes dẫn hải quân Athens đổ bộ lên cảng Pylos ở tây nam Peloponnese, với ý đồ kích động dân Helot Messenia sống ở vùng này nổi dậy chống Sparta. Một thế trận éo le đã diễn ra tại đây, khi các chiến binh Athens đã phải chiến đấu trên bờ biển để chống lại sự đổ bộ của các chiến thuyền Sparta. Sau khi một số Homoioi lên chiếm đóng đảo Schacteria bên cạnh cảng, trong đêm tối, người Athens bất thần dùng hạm đội tinh nhuệ của họ đánh tan tác hạm đội Sparta và bao vây ngược lại lực lượng Sparta đã đổ bộ lên đảo. Trải qua một thời gian dài giao chiến và điều đình, lực lượng Sparta trên đảo Schacteria chấp nhận đầu hàng. Đó lần đầu tiên có những Homoioi chọn đầu hàng thay vì cái chết[12].

Tuy nhiên, trong thời gian sau đó, người Sparta lại dành được thắng lợi trước quân Athens ở Delium miền Boeotia năm 424BC. Tiếp đó, nhằm quấy rối tuyến giao thương hàng hải của Athens với Biển Đen, năm 422BC, Sparta cử một đạo quân viễn chinh tấn công vào thành Amphipolis miền Thrace. Hai viên tướng háo chiến nhất của hai phe là Brasidas và Cleon đã đụng độ nhau trong một loạt cuộc giao tranh ác liệt xung quanh Amphipolis. Chiến thắng đã thuộc về Brasidas của Sparta, nhưng cả hai đều tử trận[13]. Điều này đã tạo điều kiện cho hai bên ngồi xuống thử đàm phán với nhau, với kết quả là hoà ước Nicias đã được kí kết giữa Vương soái Pleistoanax và tướng Nicias của Athens năm 421BC[14].

Theo Hoà ước Nicias, hai bên đồng ý trao trả tù binh và một số thành đã bị chiếm trong chiến tranh, đền thờ khắp nơi phải mở cửa lại cho mọi người thuộc cả hai phe đến dâng tế lễ. Sparta đồng ý là Athens có thể thu cống nạp từ các thành viên Delos nhưng không được ép buộc thành trung lập nào vào liên minh của minh, đáp lại Athens hứa sẽ gửi viện binh cho Sparta nếu các Helot nổi loạn[15]. Hoà ước được kí kết với thời hạn 50 năm, nhưng hoá ra, nó còn không kéo dài được quá hai năm.

3. DĨ SỞ TRƯỜNG CHẾ SỞ ĐOẢN

Thời gian đình chiến đã không kéo dài được lâu, do trong Liên minh Peloponnese, Corinth không muốn công nhận hoà ước, thêm vào đó, ngay trong năm tiếp theo tại Sparta, một nhóm lãnh đạo mới theo phe chủ chiến đã lên nắm quyền. Ở phía bên kia, một loạt toan tính chính trị của Alcibiades, một chính khách mới nổi lên ở Athnes, đã khiến ngọn lửa chiến tranh lại bùng lên năm 419BC[16].

Vào năm 418BC, Sparta và các đồng minh tiến đánh Argos và đã dành đươc một thắng lợi chóng vánh. Nhưng ngay sau đó người Athens và đồng minh đã đến và kích động người Argos tái chiến. Đáp lại, người Sparta đã tung ra lực lượng Homoioi đông đảo nhất trong lịch sử tham chiến, hợp với lực lượng các đồng minh Arcadia, Tegea, Corinth, Thebai từ khắp Hi Lạp tụ về [17]. Một cuộc đại chiến diễn ra tại đồng bằng Mantinea, và các chiến binh Sparta dưới sự chỉ huy của Vương soái Agis đã đập tan các phương trận đối phương bằng kỉ luật và sức chiến đấu khó ai bì của mình. Bằng chiến thắng này, Sparta trấn an các đồng minh rằng nếu giao chiến trên đất bằng thì Sparta vẫn là “bất khả chiến bại”. Sau trận đánh, các Homoioi đã không truy đuổi quân địch đang tháo chạy. Đến tận lúc đó, giữa các đạo quân Hi Lạp giao chiến với nhau vẫn tuân thủ các quy luật của tiền nhân như trao trả thi hài người tử trận cho nhau[18], nhưng sẽ không lâu nữa, chiến tranh sẽ cho thấy nó khiến con người suy đồi để chỉ còn biết một luật duy nhất: luật rừng!

4. LUẬT CỦA KẺ MẠNH HAY KẺ MẠNH CHÍNH LÀ LUẬT

Năm 416BC, Athens để mắt đến Melos, hòn đảo chính duy nhất trên biển Aegea không gia nhập Liên minh Delos. Quân Athens đưa chiến thuyền đến bao vây hòn đảo và ra lệnh cho người Melos phải sáp nhập vào đế chế Athens. Người Melos cho rằng dân số của họ quá ít, lại muốn giữ trung lập, thì làm sao là mối đe doạ cho Athens được. Người Athens đáp lại rằng chính sự yếu kém của Melos đã làm cho họ ra nguy hiểm, vì nếu người Athens cho phép một thành quốc nhỏ bé như vậy được độc lập, thế hoá ra người Athens cũng không mạnh mẽ gì, và điều này có thể khuyến khích các thành viên khác trong Liên minh Delos nổi loạn chống lại người Athens. Khi người Melos nhất quyết không khuất phục, Athens dùng luật kẻ mạnh đối xử với Melos: chiếm đóng hòn đảo, sát hại đa số đàn ông rồi bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ[19].

5. SAI LẦM CHẾT NGƯỜI CỦA ATHENS

Vào năm 415BC, Athens cuối cùng đã phạm phải một sai lầm chiến lược tệ hại. Người Segesta trên đảo Sicily đã kêu gọi Athens cứu viện trong cuộc chiến với Syracuse, với lý lẽ rằng nếu không làm như vậy thì Syracuse sẽ chiếm đóng toàn bộ Sicily rồi liên minh với Sparta và huỷ diệt Athens. Người Athens đã bỏ qua lời can ngăn của Nicias để chiều theo những lời cám dỗ của Alcibiades về cơ hội có được một đế chế Tây Địa Trung Hải. Có lẽ lòng tham đã che mờ lý trí người Athens, vì làm sao họ có thể đánh bại một thuộc địa Hi Lạp to lớn gần bằng họ và đánh chiếm một hòn đảo còn lớn hơn cả Peloponnese, lại còn cách Athens tới 1400km? Hơn thế nữa Syracuse lại theo chế độ dân chủ thì làm sao lại liên minh với Sparta? Rõ ràng cái lý lẽ rằng nếu ngưng thống trị kẻ khác chúng ta sẽ có nguy cơ bị thống trị, mà người Athens phát biểu ở Melos, nay đã được đẩy xa đến độ hoang tưởng[20].

Thế là một hạm đội khổng lồ 164 chiến thuyền Athens hùng hổ tiến về Syracuse. Theo Thucydides, nếu thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng, người Athens có thể sẽ thành công, nhưng thực tế họ đã để cho mình bị cầm chân ở điểm đổ bộ quá lâu[21]. Giữa lúc ấy, Alcibiades bị triệu hồi về Athens để đối mặt với một cáo buộc về tội báng bổ, nhưng ông đã đổi phe qua Sparta để tránh nguy cơ bị kết án. Trong khi đó, quân Syracuse đã kháng chiến đầy kiên cường, thậm chí áp đảo cả quân Athens được gửi tới tăng viện. Người Athens nản chí, quyết định quay về.

Đánh hơi được cơ hội, người Sparta đã có lần duy nhất hành động nhanh chóng và có tầm nhìn chiến lược khi nhanh chóng liên hợp với hạm đội Corinth để xuất chinh sang Sicily, bao vây và đánh bại hoàn toàn hải quân Athens tại Đại cảng Syracuse năm 413BC[22]. Với sĩ khí tan nát và quân kỉ vỡ vụn, trong khi cố gắng rút lui về phía nội địa của đảo, người Athens đã bị quân địch truy sát và đánh cho tan tác. Hai tướng Nicias và Demosthenes bị hành quyết, còn các tù nhân bị đưa đi làm khổ sai tại mỏ đá Syracuse, chỉ vài người trong số họ về được quê nhà[23].

6. CÁN CÂN CHIẾN LƯỢC BẮT ĐẦU NGHIÊNG

Athens đã có một sai lầm trí mạng và đã phải trả một cái giá quá đắt. Bởi lẽ Athens cần một lượng công dân tự do để làm phu chèo, và một lượng bạc lớn từ các mỏ và từ đóng góp chiến phí của đồng minh, để duy trì một hạm đội lớn hoạt động. Hạm đội này nhằm bảo đảm ưu thế trên biển cho Athens và để bảo đảm an ninh lương thực cho đô thành đang bị vây hãm. Vậy mà ở chiến trường Sicily, ngoài số binh sĩ tử trận đông đảo, họ còn mất phân nửa hạm đội quý giá mà họ có, rồi những đồng minh từ Hellespont đến phía nam biển Aegea khi nhận thấy sự yếu thế của Athens cũng đang chờ chực làm phản[24]. Người Sparta sẽ còn khéo léo khoét sâu vào những điểm yếu này của Athens.

Cuộc chiến đã diễn ra quá lâu, và những hành động của đôi bên tại Melos và Sicily quả đã ngày càng trượt xa khỏi những chuẩn mực chiến tranh mà lâu nay người Hi Lạp vẫn tuân thủ với nhau. Đến giai đoạn cuối của cuộc chiến, với quyết tâm đè bẹp Athens bằng mọi giá, Sparta đã bất chấp mọi đạo lý khi tìm kiếm một liên minh với cựu thù của Hi Lạp. Xác định vấn đề cốt tử khi ấy là tái lập vị thế thành quốc tối cao trong thế giới Hi Lạp, vào năm 412BC, Sparta đã từ bỏ lập trường yêu nước mà họ đã duy trì từ thời Thermopylae và đã yêu cầu sự trợ giúp của đế chế Ba Tư. Không bỏ qua cơ hội quá tốt để phân hoá Hi Lạp, đế chế Ba Tư ngay lập tức nhận lời[25]. Phối hợp với nhau, Sparta và Ba Tư đã nhắm vào hai điểm nhạy cảm chiến lược của đế chế Athens: mỏ bạc ở Laurium và giao lộ hàng hải vận chuyển lương thực từ Biển Đen.

7. NGƯỜI SPARTA GIĂNG LƯỚI

Đầu tiên, Sparta xây dựng một thành luỹ chắn ngang vùng Attica, khiến Athens không thể tiếp cận các mỏ bạc ở Laurium[26]. Bởi lẽ Athens cần đến 460 talent bạc (khoảng 12 tấn) để chi trả các chi phí dành cho một năm hoạt động của một hạm đội 200 chiến thuyền ba tầng chèo[27], nên việc bị cắt đứt khỏi nguồn bạc từ các mỏ khiến họ phụ thuộc nhiều hơn vào sự đóng góp của các đồng minh. Mà sự trung thành của các đồng minh lại phụ thuộc vào lượng chiến thuyền mà Athens có thể đưa vào hoạt động để bảo đảm ưu thế hải quân và kiểm soát các tuyến hàng hải trên các vùng biển. Đó quả là một bài toán đầy nan giải trong việc cân bằng giữa ngân sách và lực lượng cho Athens.

Nhằm bóp nghẹt nỗ lực chiến tranh của Athens, Sparta nhắm vào mục tiêu chiến lược thứ hai là giao lộ hàng hải vận chuyển lương thực từ Biển Đen. Vào năm 411BC, Sparta tấn công một thuộc địa của Athens ngay tại eo Darnadelles là Cynossema. Cũng năm đó, Athens gọi tướng Alcibiades trở về, họ phản công và giành được chiến thắng tại Cyzicus, một địa điểm nằm trong biển Marmara. Thấy chưa thể dứt điểm ngay được, người Sparta đưa ra đề nghị giảng hoà, nhưng đã bị tướng Cleophon của Athens từ chối[28].

Năm 409, tướng Alcibiades chiếm được Byzantium, bảo đảm đường giao thương huyết mạch của Athens đi qua eo Bosphorus được thông suốt. Liên minh Sparta –Ba Tư lại chuyển hướng hoạt động về vùng biển Aegea. Một loạt cuộc chiến trên bờ biển Ionia tại Notium năm 407BC và Arginusae năm 406BC đã kết thúc với kết quả bất phân thắng bại[29]. Cũng trong năm 406BC, tướng Cleophon đã bác bỏ đề nghị giảng hoà lần thứ hai của Sparta[30]. Người Athens có lẽ đã hoàn toàn tự tin rằng việc hạm đội của họ chiếm ưu thế trước hạm đội Sparta sẽ giúp họ đứng vững và có được chiến thắng cuối cùng. Họ đã tính đúng về so sánh số lượng chiến thuyền, nhưng hoá ra đã tính sai yếu tố con người.

8. AEGOSPOTAMI, TRẬN ĐÁNH KỲ TÀI CỦA TƯỚNG LYSANDER

Bước ngoặt chiến tranh Peloponnese xảy ra khi Sparta đưa tướng Lysander lên nắm quyền điều động hải quân. Việc đầu tiên ông làm là tăng lương cho các phu chèo chiến thuyền để nâng cao sĩ khí. Thứ đến, ông khéo léo chiêu dụ các thuộc địa Hi Lạp ở Ionia ra khỏi tầm ảnh hưởng của Athens, đồng thời ông liên kết chặt chẽ hơn nữa với người Ba Tư để tận dụng số vàng của họ nhằm tiếp tục theo đuổi chiến tranh[31].

Vào năm 405BC, do bị tướng Lysander uy hiếp tuyến đường hàng hải huyết mạch với vùng Biển Đen, hải quân Athens đã phải đến một địa điểm nằm cạnh cửa vào eo biển Darnadelles là Aegospotami, để quyết một trận sống mái. Trong trận thuỷ chiến này, tướng Lysander đã dùng một mưu kế rất kì lạ: cho dàn chiến thuyền vào đội hình nghênh chiến từ sáng sớm, quân Sparta sau đó lại án binh bất động suốt cả ngày. Liên tục suốt năm ngày Lysander đều làm như vậy, khiến các tướng lĩnh Athens nảy sinh tâm lý khinh thường quân Sparta, và sau ngày thứ ba đã bắt đầu lui quân về thuỷ trại mình vào cuối ngày trong khinh mạn và bất cẩn.

Qua ngày thứ sáu, khi hải quân Athens vừa lên bờ, và bắt đầu tản mác ra lo bữa tối, xuất kì bất ý, Lysandes cho hạm đội của mình xông lên. Eo Darnadelles quá hẹp khiến đội chiến thuyền Sparta trong phút chốc vượt qua khoảng cách hai dặm giữa hai bờ eo biển rồi ập vào thuỷ trại đang ngập trong hoảng loạn của hải quân Athens[32]. Chỉ trong một giờ ngắn ngủi, 168 chiến thuyền Athens đã bị quân Sparta đánh chìm, khiến hầu như toàn bộ hải quân Athens đã bị xoá sổ. [33]Quả thực, như Lão Tử đã nói rằng “hoạ mạc đại ư khinh địch” (tai hoạ không gì lớn bằng coi nhẹ đối thủ)[34], Athens thật đã thất bại đau đớn vì chính sự khinh địch của mình.

9. BINH BẠI NHƯ SƠN ĐẢO

Đã mất hết ruộng đồng ở Attica, nay lại bị chẹn mất đường vận lương từ Biển Đen, Athens biết ngày tàn của nó đã gần kề. Đội chiến thuyền của Sparta sau khi đánh thắng trận Aegospotami đã quay về bao vây cảng nhà Piraeus của Athens, cùng lúc đó, các quân đoàn Homoioi cũng tiến vào Attica. Người Sparta gửi tối hậu thư, yêu cầu Athens phá huỷ Trường thành và các công sự ở Piraeus, giao nộp hạm đội, triệu hồi những người bị phát vãng, tuân phục Sparta trong mọi vấn đề về chính sách ngoại giao. Dù đã rất kiên cường kháng cự nhưng do bị phong toả ở cả trên đất liền và biển cả, Athens buộc phải đầu hàng vào tháng 4 năm 404BC[35]. Chiến tranh Peloponnese lần thứ hai kết thúc với chiến thắng chung cuộc thuộc về Sparta và đồng minh.

10. THỬ LÝ GIẢI SỰ SUY TÀN CỦA ĐẾ CHẾ HẢI QUÂN ĐẦU TIÊN

Một số chiến lược gia hải quân hiện đại như Mahan và Julian Corbett đã cho rằng sự vượt trội của hải quân chỉ có thể có được thông qua một liên minh. Tuy có thể mang vẻ ngoài yếu và phân tán, nhưng nếu được tổ chức tốt, liên minh đó vẫn có một sức mạnh thực sự, vì khi cần thiết nó có thể nhanh chóng tập hợp lại thành một hạm đội hùng mạnh. Hạm đội tiềm tàng này có thể không cần phải thống trị hoặc đánh chìm những hạm đội khác mà chỉ cần chiếm các căn cứ của chúng hay khống chế các đoạn đường dễ tắc nghẽn[36].

Trớ trêu thay, những nhận định chiến lược hải quân hiện đại kể trên lại dường như đang đúc kết những chiến lược thành công trên biển cả của Sparta, một thành quốc vốn chỉ nổi danh về sức mạnh lục quân. Vậy mà nếu xem xét kĩ, ta sẽ thấy đúng là như vậy. Trong Chiến tranh Peloponnese, xác định sự yếu thế của hạm đội nhà trước hạm đội Athens, người Sparta đã khéo léo tìm cách liên hợp với hải quân Corinth để dành ưu thế quân số trong một thời gian ngắn trước hạm đội Athens trong chiến dịch Sicily, và đã có một chiến thắng quan trọng tại cảng Syracuse. Sau đó, liên kết với hải quân Ba Tư, người Sparta đã lại cực kì sáng suốt khi tập trung mọi nỗ lực của cả hai vào việc khống chế eo biển hẹp Hellenspont, yết hầu chiến lược nhạy cảm của Athens.

Còn về phía người Athens, tuy sức mạnh hải quân là nền tảng trong chiến lược của họ, nhưng việc họ quá cậy dựa vào sức mạnh đó cũng đã làm bộc lộ những hạn chế của nó. Đầu tiên, việc Athens là một đế chế hải quân trỗi dậy không qua quá trình chinh phục mà từ một liên minh quân sự, cộng với cách đối xử cứng rắn và có phần tham lam của Athens, đã khiến các thành quốc thần phục Athens không có lòng trung thành kiên định. Tiếp đến, nguồn lương thực có được từ giao thương hàng hải tuy có thể giúp cường quốc hải quân Athens cầm cự được một thời gian lâu dài, nhưng khi tuyến đường giao thương huyết mạch bị quân thù chẹn giữ thì Athens ngay lập tức lâm vào cảnh khốn cùng. Cuối cùng, kĩ năng hải chiến vượt trội và hạm đội hùng hậu đã cho hải quân Athens có một năng lực tác chiến linh hoạt và mạnh mẽ hơn so với các thành quốc Hi Lạp khác, thế nhưng sự hoang tưởng trong việc dấn mình vào một chiến dịch vượt quá năng lực ở Sicily, cùng với tâm lý khinh mạn trước hạm đội của Lysander ở Aegospotami, cuối cùng cũng đã huỷ hoại hoàn toàn hạm đội đã từng một thời làm mưa làm gió trên các vùng biển Địa Trung Hải.

Lạc Vũ Thái Bình

Huế, 7-2024

[1] THUCYDIDES, Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Takya Đỗ dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, p. 46.

[2] X. Graham ALLISON, Định mệnh chiến tranh, Nguyễn Thế Phương dịch, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2019, p. 81 sq..

[3] X. John KEEGAN, Lịch sử chiến tranh, Thiếu Khanh dịch, Nxb Lao động, Hà Nội, 2018, p. 414.

[4] X. Mortimer CHAMBERS, Lịch sử văn minh Phương Tây, không đề người dịch, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2004, p. 81.

[5] X. THUCYDIDES, Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Takya Đỗ dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, p. 191 sq..

[6] X. Lois N. MAGNER, Lịch sử y học, Võ Văn Lượng dịch, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2017, p. 137.

[7] X. THUCYDIDES, Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Takya Đỗ dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, p. 194 sq..

[8] X. PLATO, Đối thoại Socratic 1, Nguyễn Văn Khoa dịch và chú giải, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, p. 398.

[9] X. Mortimer CHAMBERS, Lịch sử văn minh Phương Tây, không đề người dịch, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2004, p. 81.

[10] THUCYDIDES, Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Takya Đỗ dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, p. 223 sq..

[11] X. PLATO, Đối thoại Socratic 1, Nguyễn Văn Khoa dịch và chú giải, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, p. 398.

[12] X. THUCYDIDES, Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Takya Đỗ dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, p. 336 sq..

[13] X. THUCYDIDES, op. cit., p. 436 sq..

[14] X. PLATO, Đối thoại Socratic 1, Nguyễn Văn Khoa dịch và chú giải, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, p. 398.

[15] X. PLATO, op. cit., p. 510 sq..

[16] X. DK và viện Smithsonian, Lịch sử thế giới, Lê Thị Oanh dịch, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2017, p. 53.

[17] X. THUCYDIDES, Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Takya Đỗ dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, p. 486 sq..

[18] X. THUCYDIDES, op. cit., p. 493.

[19] X. THUCYDIDES, op. cit., p. 500 sq..

[20] X. John Lewis GADDIS, Luận về đại chiến lược, Quang Triệu dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020, p. 82 sq..

[21] X. THUCYDIDES, Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Takya Đỗ dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, p. 561 sq..

[22] X. THUCYDIDES, op. cit., p. 636 sq..

[23] X. THUCYDIDES, op. cit., p. 656 sq..

[24] X. John Lewis GADDIS, Luận về đại chiến lược, Quang Triệu dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020, p. 84.

[25] X. John KEEGAN, Lịch sử chiến tranh, Thiếu Khanh dịch, Nxb Lao động, Hà Nội, 2018, p. 415.

[26] X. DK và viện Smithsonian, Lịch sử thế giới, Lê Thị Oanh dịch, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2017, p. 53.

[27] X. PLATO, Đối thoại Socratic 1, Nguyễn Văn Khoa dịch và chú giải, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, p. 473 sq..

[28] X. PLATO, op. cit., p. 400.

[29] X. DK và viện Smithsonian, Lịch sử thế giới, Lê Thị Oanh dịch, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2017, p. 53.

[30] X. PLATO, Đối thoại Socratic 1, Nguyễn Văn Khoa dịch và chú giải, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, p. 400.

[31] X. PLUTARCH, Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens, Bùi Thanh Châu dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019, p. 375 sq..

[32] X. PLUTARCH, op. cit., p. 381 sq..

[33] X. PLATO, Đối thoại Socratic 1, Nguyễn Văn Khoa dịch và chú giải, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, p. 44.

[34] X. Lý Minh TUẤN, Lão Tử-Đạo đức kinh giải luận, Nxb Phương đông, TP.HCM, 2010, p. 423 sq..

[35] X. John KEEGAN, Lịch sử chiến tranh, Thiếu Khanh dịch, Nxb Lao động, Hà Nội, 2018, p. 415.

[36] X. Robert D. KAPLAN, Sự minh định của địa lý, Đào Đình Bắc dịch, Nxb Hội nhà văn, 2017, p. 166 sq..

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s