Lịch Sử Châu Á

Tập đoàn 300 tuổi Sumitomo khởi nghiệp bằng xuất khẩu tài nguyên

Tập đoàn Sumitomo vào đầu thế kỷ XVII bắt đầu từ một tổ hợp sản xuất Đồng, từ đó phát triển rộng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.

lich su tap doan sumitomo

Ngày nay, Sumitomo là một tập đoàn kinh tế hùng mạnh của Nhật Bản có chi nhánh và văn phòng đại diện ở nhiều nước trên thế giới. Không phải bất cứ ai cũng biết rằng, lịch sử hình thành Sumitomo vào đầu thế kỷ XVII lại bắt đầu từ một tổ hợp sản xuất Đồng, từ đó phát triển rộng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Có thể coi Sumitomo là một tập đoàn kinh tế truyền thống nhưng cực kỳ năng động trong xã hội Nhật Bản hiện đại.

Gần đây, những nghiên cứu tìm hiểu về thời kỳ Sumitomo ra đời đã dần dần trở nên rõ ràng hơn thông qua những đợt khai quật khảo cổ tại di tích Nagahori thuộc thành phố Osaka – một địa danh cách đây gần 400 năm là nơi khởi nghiệp kinh doanh của gia tộc này.

Thành phố Osaka không chỉ là nơi đặt trụ sở đầu não của Sumitomo ngày nay mà còn là nơi trước kia tập đoàn đã tìm thấy tại đây chìa khoá phát triển của mình. Giống như một điểm tựa của nước Nhật, Osaka cuối thế kỷ XVI bước vào giai đoạn hòa bình sau hơn 1 thế kỷ (1467-1573) nội chiến liên miên giữa các Phiên (han) mà các nhà sử học gọi đó là thời đại Chiến quốc (Shengoku Jidai). Theo GS. Akira Fujino, tác giả cuốn sách “Cultural History Cooper” sau khi Mạc phủ Edo được thiết lập năm 1600, một giai đoạn hòa bình, thống nhất đã được xác lập ở Nhật Bản. Đó là khoảng thời gian quí giá để người Nhật Bản phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội(1).

Sự phát triển của kinh tế hàng hóa, kể cả nội và ngoại thương vào đầu thời Edo (1600-1868) đã dẫn đến hệ quả xuất hiện của các thành thị, thị dân, các thương nhân, thợ thủ công và các công trường thủ công kiểu phương Tây ở quốc gia Đông Á này. Tại Nhật Bản lúc này, bên cạnh các mặt truyền thống, các sản vật phong phú của các vùng miền, người ta bắt đầu biết đến giá trị của Đồng và gắn liền với nó là quá trình hình thành, trỗi dậy và phát triển của gia tộc Sumitomo mà ngày nay được biết đến là Tập đoàn Sumitomo nổi tiếng.

Trong quan niệm chung của chúng ta, Nhật Bản là một quốc gia hải đảo quanh năm động đất, có núi lửa trào phun, rất nghèo tài nguyên khoáng sản. Nhưng ghi chép lịch sử đã chứng minh rằng từng có một nước Nhật Bản khác. Ngay từ thế kỷ XVII, các nước phương Tây đã biết đến Nhật Bản qua những ghi chép trong cuốn sách Viễn du (Travels) của Marco Polo (1254-1324) – một người Ý đã từng sống và làm việc ở Trung Hoa 17 năm (1275-1292) dưới thời Nguyên Thế tổ – vào năm 1292 về hòn đảo có tên gọi là Zipangu nằm ở phía đông ngoài khơi châu á, nơi chất đầy vàng, và nguồn của cải đó không bao giờ cạn kiệt(10). Vào cuối thế kỷ XVI, Nhật Bản được coi là có trữ lượng Bạc lớn có thể sánh với những mỏ Bạc ở Peru hay một số vùng mỏ khác của Tây Ban Nha tại Nam Mỹ. Hơn thế nữa, loại Bạc khai thác ở Nhật Bản được coi là tinh chất nhất, rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới lúc bấy giờ. Vào giữa thế kỷ XVI, có tới 50 mỏ vàng, 30 mỏ bạc được khai thác ở Nhật Bản. Trong thời gian này, ở Nhật Bản đã xuất hiện ngành Khai khoáng. Đây cũng chính là những năm tao loạn của thời Chiến quốc, các Lãnh chúa (Daimyos) đã ra sức khai thác Vàng, Bạc ở các phiên để bù đắp vào những khoản chi phí cho hoạt động quân sự, mua sắm vũ khí và trả lương cho các võ sĩ (samurai) đã chiến đấu cho mình. Do vậy nghề Khai mỏ cũng phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XV-XVI. Lúc bấy giờ đã có nhiều các lãnh chúa lớn coi việc chế quặng mỏ là một trong những nguồn thu lợi quan trọng nhất, nên đã nắm chặt các xí nghiệp đó trong tay(11). Nhiều công trường khai khoáng của các lãnh chúa đại danh đã xuất hiện ví dụ như khai thác Vàng ở Sado, Bạc ở Ikuno .v.v… Trong quãng thời gian này, hàng năm Nhật Bản khai thác được 200 tấn bạc, chiếm 1/3 tổng sản lượng khai thác bạc toàn thế giới(12). Vàng, Bạc là những loại hàng hóa đặc biệt, có lực hấp dẫn rất lớn trong thương mại giữa các quốc gia. Ở Trung Quốc, ở tầng trên của tiền tệ, chỉ có Bạc nén là có tầm quan trọng. Bạc tại Trung Quốc là hàng hóa thiết yếu cho những chuyến trao đổi lớn về thương mại, nhất là dưới triều đại nhà Minh (1368-1644). Trắng như tuyết vì được pha trộn với ăngtimon, theo những thương nhân Bồ Đào Nha miêu tả thì đối với người Trung Hoa, plata sa sangre – Bạc, đó Là Máu(13).

Ngoại thương của Nhật Bản trong thời đại Châu Ấn Thuyền (1592-1635) tập trung quan hệ chủ yếu với các quốc gia phong kiến Đông Nam á, Trung Quốc, Triều Tiên, Ryukyu và một số nước phương Tây như Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan. Trên hành trình thương mại con đường tơ lụa trên biển, mỗi quốc gia phương Đông có riêng những thế mạnh về sản vật của mình. Nếu như ở Trung Hoa, mặt hàng đem lại nhiều lợi suất nhất cho các thương nhân phương Tây là Tơ lụa, thì với thị trường Nhật Bản, loại hàng hóa đó là Bạc. Sự chênh lệch về giá cả trên thị trường thế giới giữa Giá Vàng (Ấn Độ, Trung Quốc), với Tơ lụa (Trung Quốc), Bạc (Nhật Bản) và Hương liệu (Đông Nam á) đã đem lại những món lợi khổng lồ cho các đoàn tàu buôn. Có thể khẳng định rằng chính Tơ lụa Trung Hoa và Bạc của Nhật Bản đã cuốn hút tàu buôn Bồ Đào Nha và nhiều nước châu Âu khác tới Nhật Bản.

Nếu người Trung Hoa coi Bạc Là Máu thì có một thực tế là, trong quan hệ thương mại lúc đó, Nhật Bản bị mắc hiện tượng “chảy máu bạc”. Khối lượng bạc mà Nhật Bản đổ vào ngoại thương thông qua các tàu buôn Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Bồ Đào Nha, và một số tàu buôn khác, từ năm 1615 đến 1625 đã đạt đến mức khổng lồ, có thể lên đến 130.000 – 140.000 kg, tương đương với 30-40% tổng sản lượng Bạc mà thế giới có, ngoài Nhật Bản. Điều đó giải thích vì sao các thương nhân châu Âu và châu Á đã hết sức nhiệt tình trong việc phát triển thương mại với Nhật Bản(14). Số lượng Bạc dùng cho hoạt động ngoại thương của Nhật Bản khó xác định đúng số lượng chúng được đưa ra nước ngoài. Nhưng điều rõ ràng là qua các nguồn sử liệu đã nói trên, chúng ta có thể thấy được vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Nhật Bản từng được coi là nước giàu có ở phương Đông, là Vương Quốc Của Các Đảo Bạc và nhiều mỏ kim loại quan trọng khác. Năm 1603, trong cuốn Principio, Giáo sĩ truyền giáo Dòng Tên người Ý Alessandro Valignano đánh giá khá cao về khả năng kinh tế tiềm ẩn của Nhật Bản, mặc dù theo ông, người Nhật chưa biết sử dụng bạc một cách có hiệu quả, cũng như chưa biết cách áp dụng những phương pháp khai thác, tinh lọc hiện đại như ở châu Âu. Ông viết: Vương quốc này (chỉ Nhật Bản-t/g) có thể mua được tất cả những thứ đó và phải trả một lượng Bạc lớn, vì thế không thể gọi là nước nghèo(15).

Hệ quả là, sau một thời gian mở rộng cửa đón nhận những đoàn tàu buôn phương Tây và thúc đẩy hoạt động ngoại thương của Nhật Bản với nước ngoài, giới cầm quyền đã nhận ra những hậu quả nghiêm trọng của sự truyền bá Thiên chúa giáo mà ẩn đằng sau là binh lính và pháo thuyền thực dân, đe dọa an ninh quốc gia và nền độc lập dân tộc. Vì vậy Mạc phủ đã ra quyết sách cấm đạo, và dưới thời Shogun thứ 3 Tokugawa Iemitsu (1604-1651) đã ban hành chính sách Tỏa quốc, đóng cửa với thế giới bên ngoài. Ngoại thương của Nhật Bản trong suốt 215 năm Tỏa quốc (1639-1854) chỉ tập trung quan hệ với 4 nước gồm Trung Quốc, Hà Lan, Triều Tiên và Ryukyu. Về khía cạnh kinh tế-xã hội, việc XUẤT KHẨU QUÁ NHIỀU VÀNG BẠC dùng cho hoạt động ngoại thương đã dẫn đến TÌNH TRẠNG CẠN KIỆT MỨC BÁO ĐỘNG CỦA HAI KIM LOẠI QUÝ NÀY. Nhưng may thay, đến giữa thế kỷ XVII, sản xuất Đồng đã thay thế sản xuất Vàng, Bạc vì sự quan trọng chiến lược của kim loại này. Cùng với Bạc, về sau, Vàng và Đồng (cả loại nguyên khối hay đã đúc thành tiền) cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nhật Bản sang các nước khác(16).

Cùng với những ngành nghề thủ công truyền thống như gốm sứ, dệt lụa, nuôi tằm, sản xuất rượu sake, Khai khoáng (Vàng, Bạc) .v.v.. dưới thời Edo, một số ngành nghề công nghiệp mới áp dụng kỹ thuật hiện đại cũng đã được thiết lập ở Nhật Bản. Trong đó, các ngành Khai mỏ, đóng tàu, chế tạo vũ khí, luyện kim đều cho thấy những biểu hiện phát triển rõ rệt. Trong thời gian này, bên cạnh Bạc, Nhật Bản đã có Đồng để xuất sang các nước khác.

Giống như Bạc thời hoàng kim, Đồng của Nhật Bản đặc biệt hấp dẫn thương nhân nước ngoài. Kỹ thuật luyện Đồng của người Nhật thời kỳ đó rất đơn giản vì thế không tách gạn được kim loại quý như Vàng, Bạc khỏi Đồng. Vì lẽ đó, những thỏi Đồng Nhật Bản xuất khẩu vẫn còn chứa đựng dù nhỏ nhưng rất giá trị hàm lượng Vàng và Bạc. Tình hình đó đòi hỏi một số thay đổi có tính chất hoàn chỉnh phương pháp tinh luyện đồng mới. Công nghệ này gắn liền với một nhân vật có tên là Riemon Soga (1572-1636).

Riemon Soga, ông Thông gia của Masatomo Sumitomo – người sáng lập Sumitomo đã được dạy đúc đồng từ khi còn bé. Và vào tuổi 19, ông đã tự lập ra một xưởng đúc Đồng mang tên Izumiya ở Kyoto. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, Riemon đã quyết định theo học công nghệ tinh luyện Đồng tiên tiến của người châu Âu ở thành phố cảng Sakai. Sau khi tích lũy được vốn kiến thức cần thiết, ông đã tự tìm ra kỹ thuật cho riêng mình mà sau này trở nên nổi tiếng và được biết đến với tên gọi “Nanban-buki” – một công nghệ rất giống của châu Âu nhưng ưu điểm hơn trong tinh luyện, đúc Đồng. “Nanban-buki” thực chất là kỹ thuật tách Vàng Bạc ra khỏi Đồng. Ban đầu, Đồng thô được nấu chảy rồi cho thêm chì vào để tạo nên hợp kim. Khi nung hợp kim này lên đến 3250C, chì sẽ chảy ra cùng Vàng, Bạc và chỉ còn lại Đồng vì nhiệt độ nóng chảy của Đồng là 1084 độ C. Sự phát triển của kỹ thuật này đã dược chứng minh qua tính hiệu quả của nó không chỉ trong công nghệ chế tạo kim loại của Nhật Bản mà còn làm lợi cho kinh tế quốc gia. “Nanban-buki” thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ vào thời gian đó. Việc xuất khẩu những thỏi Đồng còn chứa hàm lượng Vàng hay Bạc tới các quốc gia không còn nữa và điều này gây ra sự kinh ngạc cho các thương gia nước ngoài nhiều hơn là sự ghi nhận về thành tựu luyện Đồng của Nhật Bản.

Riemon trở nên giàu có nhờ công nghệ mà ông tiếp thu và cải tiến của người châu Âu. Ông đã đầu tư phần lớn lợi nhuận có được vào nhiều lĩnh vực công nghiệp và trở thành một trong số ít nhà tư bản công nghiệp đầu tiên của Nhật Bản thời cận thế. Các phương pháp quản lý sản xuất của ông cũng rất tiến bộ trong thời gian đó và quy trình tách Đồng mà ông tìm ra là một đóng góp lớn cho công cuộc hiện đại hóa ở Nhật Bản thời Minh Trị. Gia tộc Sumitomo mà sau này là Tập đoàn Sumitomo bắt đầu từ một tổ hợp chế tạo Kim Loại khi Riemon Soga cưới chị gái của trưởng họ Sumitomo Masatomo (1585-1652). Con trai trưởng của Riemon là Tomomochi (1607-1662) lại cưới con gái của Masatomo. Và Tomomochi đã được chấp nhận là người thừa kế dòng họ này. Cơ sở đúc Đồng Izumiya của Riemon ban đầu lập ra ở Kyoto, sau đó Tomomochi quyết định mở chi nhánh Izumiya thứ 2 ở Osaka vào năm 1623. Kyoto không phải là thành phố công nghiệp. Đó là trung tâm chính trị, văn hóa, tôn giáo truyền thống của Thiên Hoàng, dù có pha chút thương mại, thủ công nghiệp dưới thời Edo. Quãng thời gian hòa bình kéo dài 268 năm dưới thời Edo (1600-1868) đã tạo ra môi trường làm ăn buôn bán ở Osaka rất thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh. Việc chuyển dời địa điểm kinh doanh tới Osaka đã chứng minh cho thành công sau này của gia tộc Sumitomo. Với kỹ thuật “Nanban-buki”, sản xuất Đồng đã tăng nhanh ở Nhật Bản. Osaka vừa là trung tâm buôn bán vừa là trung tâm đúc đồng lớn nhất. Thời gian đó, ngoài vai trò là một trung tâm thương mại quan trọng nhất Nhật Bản, Osaka còn thực sự là một công xưởng lớn. Theo tính toán, khoảng 60% hàng hóa đưa vào Osaka là nguyên liệu thô hay hàng bán thành phẩm, trong khi đó thành phố này chỉ xuất ra 12% chủng loại hàng nói trên, 88% còn lại là thành phẩm(17). Tinh luyện, chế biến Kim Loại thành phẩm đã trở thành ngành công nghiệp số một ở Osaka. Vào đầu thế kỷ XVII, chỉ riêng Osaka đã có 40.000 thợ thủ công sinh sống. Nếu kể cả gia đình họ thì tỷ lệ người làm nghề thủ công chiếm tới 40% dân số thành phố(18). Theo số liệu công bố năm 1714, dân số của Osaka là 382.000 người thì có khoảng 10.000 người làm những công việc liên quan đến khai thác và chế biến Đồng. Việc sản xuất và kinh doanh Đồng là một trong những mặt hàng và là một trong những nguyên nhân lý giải sự phát triển thịnh vượng của thành phố. Trên thực tế 80% Đồng thô của toàn Nhật Bản đã được tinh chế, đúc thành thỏi, tiền Đồng ở Osaka(19).

Tầm ảnh hưởng của Sumitomo trở nên rộng lớn. Trong vòng 240 năm dưới thời Edo, gia tộc Sumitomo đã chi phối nền công nghiệp Đồng, từ việc bao thầu khai thác mỏ Đồng cho đến sở hữu các công trường, xí nghiệp luyện Đồng kỹ thuật cao. Sumitomo là gia tộc hàng đầu trong lịch sử sản xuất Đồng lúc bấy giờ sản xuất gắn liền với thị trường từ phát triển khai mỏ, lọc Đồng, chế tạo thành phẩm và đem trao đổi buôn bán. Cơ sở luyện Đồng Izumiya của gia tộc Sumitomo có qui mô rất lớn, nổi trội trong phường hội ở Osaka nhờ có công nghệ “Nanban-buki” tinh xảo khiến Đồng được lọc tinh chất đến 99%. Việc phát hiện và sở hữu mỏ Đồng Besshi ở Ehime thuộc Shikoku năm 1690 đem lại nguồn nguyên liệu rất lớn cho các xí nghiệp của Sumitomo. Tại công trường khai khoáng này, quy trình sản xuất được gia tộc Sumitomo áp dụng theo kiểu các công trường tập trung tiên tiến nhất phương Tây lúc bấy giờ. Việc phân công nhóm thợ trong các khâu việc đã được chuyên môn hóa rất cao từ đào quặng, chuyển lên mặt đất, phân loại, nghiền nhỏ, sơ chế rồi chuyển đến luyện ở các lò. Số nhân công tại khu mỏ Besshi rất đông, lên tới hàng nghìn người. Và hệ quả là, sau năm 1650, Đồng trở thành mặt HÀNG XUẤT KHẨU QUAN TRỌNG của Nhật BảnTheo đánh giá, ĐỒNG CHIẾM TỚI 80% TỔNG GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU KIM LOẠI của toàn nước Nhật. Gia tộc Sumitomo trở thành cơ sở chính cung cấp Đồng cho Mạc phủ Tokugawa trong suốt thời Edo. Đồng thời, Sumitomo là nhà cung cấp Đồng xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản tới các quốc gia như Trung Quốc, Hà Lan, các quốc gia Đông Nam Á.

Mặc dù ban lệnh hành chính tỏa quốc vào năm 1639, nhưng Mạc phủ vẫn còn có một cửa mở duy nhất liên hệ với thế giới bên ngoài ở Dejima thuộc cảng Nagasaki. Nước Nhật từ năm 1638 bế quan tỏa cảng đối với thế giới bên ngoài nhưng đó chỉ là cách nói mà thôi, còn thì nó vẫn mở cửa cho du thuyền Trung Hoa và tàu buôn Hà Lan có giấy phép được ra vào. Lỗ hổng đó cũng khá rộng để Nhật có thể nhập hàng hóa, tiền tệ và buộc Nhật phải có sự trả đũa cần thiết và khai thác mỏ Bạc, mỏ Đồng của mình. Sự cố gắng đó đồng thời cũng từng nối với sự phát triển đô thị vào thế kỷ XVII của Nhật Bản và sự phồn thịnh trong những thành phố đặc trưng của nền Văn Minh Tư Sản Thực Sự. Mọi chuyện kết lại một mối ở đó(20). Ở châu Âu khi đó, do nạn Khan Hiếm Đồng phục vụ cho các cuộc chiến tranh, nhất là cuộc chiến tranh 30 năm (1818-1848), vẫn còn có thương nhân phương Tây, điển hình là thương nhân Hà Lan đã thường xuyên lui tới Nhật Bản để mua kim loại này mang về bán kiếm lời ở châu Âu. Một nhà sử học đã viết: Người ta có thể nói rằng: Đồng giữ một vai trò ngang hàng, thậm chí có thể có còn cao hơn vai trò của sắt. Các chi tiết bằng Đồng tạo nên giới thượng lưu của các chi tiết trong pháo binh. Vỏ ngoài bọc Đồng của các tàu được phổ biến vào thế kỷ XVIII. Sự nấu chảy Đồng hai lần với phương pháp dùng chì đã cho phép tách riêng bạc ra khỏi quặng ngay từ thế kỷ XV. Đồng là kim loại tiền tệ thứ 3 sau vàng và bạc. Ngoài ra Đồng còn có cái lợi là tương đối dễ luyện (một lò lửa quạt có thể cho ra lò 30 tấn đồng mỗi ngày). Và nó được sự hỗ trợ của chủ nghĩa tư bản đầu tiên, điều này giải thích sự phát triển vượt bậc của các mỏ Đồng ở Mansfeld, ở Saxe, vào thế kỷ XVI, và sau đó là sự bùng nổ Đồng Thụy Điển ở thế kỷ XVII, và cuối cùng là sự đầu cơ của Đồng Nhật Bản vào cùng thời đó, và kết thúc với sự độc quyền của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC). Ông Jacques Coeur, và hơn thế là gia đình Fugger đã từng là những ông Vua Đồng. Ngay cả ở các thế kỷ tiếp theo, ở thị trường chứng khoán Amsterdam, người ta có thể nhắm mắt mua bán Đồng mà không sợ lỗ(21).

Ở Nhật Bản, trước khi trở thành QUỐC GIA SẢN XUẤT ĐỒNG LỚN NHẤT THẾ GIỚI VÀO NĂM 1700, với sản lượng mỗi năm đạt được 6000 tấn, mà Sumitomo là cơ sở cung cấp chính, thì vàng và bạc đã thâm nhập vào đời sống kinh tế, tiền tệ. Khi Đồng trở nên phổ biến, nó đã được Mạc phủ đưa vào đúc thành tiền. Trên thực tế, mỗi kim loại giữ một vai trò riêng của nó: vàng dành cho các ông hoàng, các thương gia lớn (ngay cả nhà thờ); bạc dùng cho các công việc kinh doanh thường ngày; đồng chì được dùng đúng chỗ ở tầng dưới cùng. Đó là đồng tiền đen của lớp người thấp kém và dân nghèo; đôi khi nó cũng lẫn lộn một chút ít bạc, nhưng loại tiền này nhanh chóng trở thành đen và luôn xứng đáng vớí tên gọi của nó(22). Tiền Đồng đã theo những đoàn thuyền buôn Nhật Bản đến BUÔN BÁN Ở VIỆT NAM (từ thế kỷ XVI-XVIII). Khác với nước Nhật thống nhất lãnh thổ, thị trường dân tộc hình thành, kinh tế công-thương nghiệp phát triển, xuất hiện một loạt đô thị kiểu phương Tây – Những mầm mống quan trọng cho công cuộc cải cách Minh Trị sau đó. Lúc này ở Việt Nam đang có sự chia cắt, kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động từ bên ngoài, do đó kinh tế hàng hóa, đô thị thương mại cũng có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn không thoát khỏi khuôn khổ của một nền kinh tế nông nghiệp “dĩ nông vô bản”. Ở Đàng Ngoài, lái buôn Nhật Bản chở Đồng đến bán ở Hội An. Chúa Nguyễn thu mua với giá tiền 45 quan 100 cân (ta). Do nạn Khan Hiếm Tiền Đồng của Nhật Bản (đồng tiền Zenes) trở thành một món hàng hấp dẫn đối với Đàng Trong. Thương nhân Nhật Bản mang tiền Zenes đến Hội An bán lại cho kiều dân Nhật Bản để mua lại tơ, nhờ việc buôn bán Tiền Đồng, lái buôn Nhật trở thành kẻ cạnh tranh đáng sợ đối với thương nhân phương Tây buôn bán ở Hội An(23). Ở Đàng Ngoài, thương nhân Nhật Bản buôn bán ở Phố Hiến, Thăng Long-Kẻ Chợ, hàng họ mang đến gồm các thứ vũ khí, xa xỉ phẩm, diêm tiêu và giấy, Tiền Đồng Nhật Bản. Những đồ được người Nhật ưu thích mua về là tơ, quế, trầm hương, gốm Thổ Hà, gốm Bát Tràng. v.v…(24)

Sumitomo không chỉ là cơ sở cung cấp Đồng cho hoạt động buôn bán quốc tế. Sự nổi tiếng của Sumitomo đến mức những trí thức, đoàn ngoại giao, thương nhân phương Tây trước khi đến Edo (Tokyo) đệ trình sự có mặt của mình (Edo Sampu) lên Tướng quân, thì đều ghé vào Osaka để đến thăm công trường sản xuất của gia tộc Sumitomo. Trong số đó có cả Philipp Franz Von Siebold (1796-1866), bác sĩ người Đức đến làm việc cho công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC), người đã mở đường cho sinh viên Nhật Bản sang châu Âu học tập. Trong cuốn hồi ký tựa đề “Nippon” (Nhật Bản) của mình viết năm 1826, Von Siebold kể lại với sự thán phục về tính mến khách và lịch thiệp của gia tộc Sumitomo đối với khách phương Tây.

Cơ sở Luyện Kim Nagahori được sử dụng từ năm 1636 đến năm 1876 và vào cuối thế kỷ XVII là MỘT TRONG NHỮNG CƠ SỞ LUYỆN KIM LỚN NHẤT THẾ GIỚI. Đợt khai quật khảo cổ từ tháng 5/1990 đến 5/1991 trên diện rộng 400m2 ở Nagahori đã phát hiện ra hàng trăm lò lọc và đúc Đồng kiểu Nanban-buki. Đợt khai quật khảo cổ đã tìm thấy nhiều vật dụng sản xuất đã được miêu tả trong các cuốn cổ sử Nhật Bản. Những đồ vật tìm được còn phản ánh những hiện thực về cuộc sống của tầng lớp thương nhân giàu có dưới thời Edo. Nó cuốn hút sự quan tâm của không chỉ những nhà nghiên cứu lịch sử mà cả những nhà công nghệ, kinh tế trong cũng như ngoài nước Nhật. Tổng số hiện vật lên tới 3.000. Ngoài những hiện vật liên quan tới sản xuất Kim Loại mà chủ yếu là Đồng, còn có một số lượng khá lớn đồ sứ tuyệt đẹp của Trung Quốc, Việt Nam. Có thể đây là những đồ vật được thương nhân Nhật chở về hoặc có thể được thuyền buôn Hà Lan, Trung Quốc mang đến trao đổi buôn bán.

Những hiện vật của Sumitomo như những viên ngọc thô cần được mài dũa cẩn thận và nghiên cứu sâu sắc hơn nữa. Sự hợp tác của các chuyên gia về nông nghiệp, kinh tế -thương mại và lịch sử – kỹ thuật đã cho chúng ta kết luận rằng, sự phát triển của kinh tế hàng hóa nói chung và sự phát triển của công-thương nghiệp trong đó có sự hình thành và phát triển của gia tộc Sumitomo là một bức tranh toàn cảnh sinh động về cuộc sống sinh hoạt và kinh tế-xã hội của nước Nhật dưới thời Edo.

Nguồn: Nguyễn Văn Hoàn Trường Đại học Kinh tế & QTKD Đà Nẵng.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s