Sử Trung Quốc

Nhà Tùy (581-619)

Nhà Tùy là triều đại ngắn ngủi có tính chuyển tiếp từ thời loạn sang thời trị, mà theo ngay sau là nhà Đường phồn vinh

lich su nha tuy trung quoc

Trung Quốc sau một thời gian dài chiến loạn và phân rã từ Tam Quốc qua Nam Bắc triều, cuối cùng cũng đến hồi hợp nhất. Triều đại nhà Tùy là bước chuyển tiếp ngắn ngủi trước khi sang thời nhà Đường phồn thịnh, một trong những giai đoạn hoàng kim nhất của văn minh Trung Quốc.

Văn đế (581-604)

Dương Kiên ép vua Bắc Chu nhường ngôi, lập nên nhà Tùy (tức Tùy Văn đế) và 7 năm sau đã thống nhất được Trung Quốc một cách dễ dàng: ở Hoa Bắc, người Hồ đã Hoa hóa nhiều rồi mà người Hoa cũng đã Hồ hóa một phần, nên có vài nơi chống đối lẻ tẻ thì chỉ trong một vài năm ông đã dẹp xong; còn Hoa Nam tuy tiến bộ về văn hóa mà suy nhược về võ bị, triều đình lại không được lòng dân và giới đại điền chủ, lại thêm dân chúng vẫn coi Dương Kiên là người Hoa, nên khi ông đem nửa triệu quân qua sông Dương Tử thì cả miền Nam qui phục.

Bài liên quan
Tùy Văn Đế đã lên ngôi như thế nào và số phận 4 đại khai quốc công thần nhà Tùy

Nhưng nhà Tùy rất ngắn ngủi, chỉ có 2 đời vua, trước sau chỉ được 37 năm, sau khi thống nhất về đất đai, chưa kịp tổ chức xong xã hội – kinh tế thì đã sụp đổ vì cái tệ xa hoa, bạo ngược như nhà Tần và Trung Hoa lại phải trải qua một thời loạn lạc sáu, bảy năm nữa; cho nên chỉ nên coi nhà Tùy là một giao thời, và công của nhà Tùy chỉ là dọn dẹp, chuẩn bị cho thời thống nhất thực sự ở đời Đường, cũng như nhà Tần đã chuẩn bị cho nhà Hán. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên sau 8 thế kỉ.

tạo hình tùy văn đế
Tạo hình Tùy Văn Đế trong điện ảnh Trung Quốc. Ông là người lập nên nhà Tùy với sự ủng hộ của giới quý tộc, nhưng tương tự các nhà sáng lập khác, ông cũng tiêu diệt những ‘khai quốc công thần’ của mình.

Văn đế không có tài nhưng siêng năng, dám làm. Ông đã Hồ hóa, là một quân nhân nên rất trọng võ bị, hơi độc tài, không ưa đạo Khổng, vì thấy các quan lại có Nho học thường không chịu để ông sai bảo như bọn tướng dưới quyền ông. Ông lại sống khắc khổ như người Hồ, tới mức keo kiệt nữa, cho rằng các nghi thức tế lễ của Khổng tốn tiền quá, và bắt quan lại phải sống đạm bạc.

Nhưng nhờ chính sách kinh tế của ông mà nước thịnh lên.

Cứ sau một thời loạn lạc lâu dài, các ông vua sáng nghiệp đều dùng biện pháp khuyến nông. Văn đế miễn nhiều thứ thuế cho dân nghèo, chia đất lại như thời Bắc Tề: mỗi cặp vợ chồng được phát cho hai chục mẫu để làm, già hoặc chết thì đất trở về triều đình, với 20 mẫu nữa làm của riêng. Năm nào mất mùa thì miễn thuế. Ông lại lập những nghĩa sương, kho lúa để phát chẩn cho dân nghèo. Ông bỏ đặc quyền muối.

Thương nghiệp cũng phát triển. Kinh đô Tràng An là nơi quốc tế mậu dịch. Quảng Châu là nơi hải ngoại mậu dịch.

Giới quí tộc và đại địa chủ, quan lại ở Nam bất bình. Một số bị loại ra khỏi chính quyền để tiết kiệm ngân sách, số còn lại phải giảm mức sống. Vả lại, kinh đô bây giờ ở Tràng An, rất xa; Nam Kinh mất địa vị, chỉ là một thị trấn thường, làm ăn không phát đạt bằng trước được. Giới sĩ tộc có dư lúa, phải chở lên miền Bắc bán, phí tổn nặng, ít lời. Bọn bất mãn đó đứng vào phe thứ tử của Văn đế là Quảng, cùng nhau âm mưu giết Văn đế và thái tử, để lên ngôi, tức Dạng đế.

[elementor-template id=”2681″]

2. Dạng đế (605-617)

Tính tình ngược hẳn với cha. Cha cần kiệm bao nhiêu thì con xa xỉ vô độ bấy nhiêu, lại rất bạo ngược.

Ông ta ghét kinh đô Tràng An, dời đô lại Lạc Dương. Bắt dân xây cất lại kinh thành, có tháng dùng đến 2 triệu người, bắt cả vạn đại thương gia cung cấp vật liệu, thực phẩm. Cung điện, vườn thượng uyển nối tiếp nhau, chu vi tới mấy trăm dặm (mỗi dặm là nửa cây số)! Ông cho gom góp về đó tất cả những cây cỏ, cầm thú lạ ở mọi nơi. Trong vườn thượng uyển có biển hồ lớn nhân tạo, nước dẫn từ sông Lạc vào, giữa biển có ba đảo tiên: Phương Trượng, Bồng Lai, Doanh Châu. Bờ biển cất 16 viện cực kì hoa lệ.

Xe chở gỗ quí từ miền xa lại để xây cất, nối tiếp nhau cả ngàn dặm. Cứ 10 người làm xâu thì chết tới 4 – 5 người.

Ngoài ra ông lại xây cất 40 li cung nữa.

Công trình kiến thiết quan trọng nhất trong đời ông là đào kinh Vận Hà. Một hôm, ông ngỏ ý muốn tuần du phương Nam, một phần vì thích cảnh thích người ở Giang Đô, một phần vì ông muốn xem dân tình nơi đó ra sao: dân có thuần không hay mưu tính phản loạn; một viên cận thần tâu: muốn đi thì phải từ Lạc Dương xuôi dòng Hoàng Hà tới biển rồi theo bờ biển xuống sông Dương Tử mà mùa đó biển động; tốt hơn cả là đào một con kinh nối Hoàng Hà với sông Dương Tử, như vậy khỏi sợ sóng gió mà lại được biết dân tình nhiều nơi, coi được nhiều cảnh đẹp.

Ông đồng ý và tức tốc ra lệnh đào kinh. Ông bắt tất cả những người đàn ông nào từ 15 tuổi trở lên còn sức lao động thì phải đi đào kinh hết, hễ trốn thì bị trừng trị nặng. Có sách chép rằng số người làm xâu lên tới 3,6 triệu; ấy là chưa kể cứ mỗi tổ 5 gia đình phải chỉ định một người già hoặc một em trai nhỏ, một người đàn bà để đem cơm nước cho phu đào kinh. Bọn này mang xẻng, cuốc, đồ dùng đi thành hàng, dài tới mấy ngàn dặm. Bọn người bổ sung tới không ngớt, nhiều như “đàn ong, đàn kiến”. Phải dùng 5.000 lính đốc thúc họ làm. Nhiều người chết vì đuối sức.

Từ thế kỉ thứ III, dân mỗi miền đã đào những khúc kinh nhỏ nối vài sông rạch để dễ giao thông từ Bắc xuống Nam. Nhưng tới đời Dạng đế thì mới thực hiện một cách đại qui mô: trong mấy năm đào gấp ba khúc kinh dài nối liền những khúc nhỏ có từ trước đó. Các đời sau tu bổ, nối dài thêm, và đến đời Nguyên mới thực hoàn thành: kinh dài trên ngàn cây số nối Thiên Tân với Hàng Châu, là công trình vĩ đại thứ nhì của Trung Hoa sau Vạn lí trường thành, lợi hơn đường xe lửa thời nay nhiều, vì thuyền lớn nhỏ qua lại suốt ngày đêm, chở hàng hóa mà không tốn kém bao nhiêu, lại dùng làm chỗ ở cho hàng triệu người được, ấy là chưa kể cái lợi về canh nông, làm cho đất đai hai bên bờ tươi tốt, làng xóm đông đúc. Chỉ đáng trách là Dạng đế làm gấp quá, bất dân hi sinh đến kiệt lực, và khi đào xong, dân hai bên bờ lại phải điêu đứng về việc tiếp rước đoàn 50 chiếc long thuyền rất lớn mà chính họ phải góp tiền nhau đóng.

Chiếc ngự thuyền của ông cao bốn tầng, dài 200 trượng (theo Lư Chấn Vũ – Tsui Chi dịch là 200 pieds, mỗi pied khoảng 3,3 tấc ngày nay), có nội điện, một cái cung nhỏ, và hai phòng rộng mênh mông, một ở bên đông, một ở bên tây, trang sức toán bằng châu ngọc. Hoàng hậu có một chiếc thuyền riêng, phía sau là thuyền cho các phi tần, vương công, công chúa, đại thần, cả nhà sư và ni cô nữa… Đoàn thuyền đó dài tới 200 dặm, chắc chỉ có đoàn thuyền của Cléopâtre trên sông Nil mới sánh nổi.

Nhưng cảnh dưới đây thì Cléopâtre cũng không tưởng tượng được! Hàng ngàn hàng vạn người đàn ông bận đồ tơ lụa kéo đoàn thuyền đó để tiếp sức các thủy thủ, và để cho đẹp mắt, cứ khoảng 10 người đàn ông lại xen một thiếu nữ diễm lệ, y phục rực rỡ, nắm hờ một sợi lụa màu cột vào dây thừng của bọn đàn ông.

Hai bên bờ, Dạng đế đã cho trồng rất nhiều cây liễu để có bóng mát. Một đội kị binh cưỡi ngựa phất cờ chạy theo; dân chúng chen chúc nhau ra coi. Đoàn thuyền qua rồi mà hương còn phảng phất trong không khí trên cả chục dặm.

Ông vua độc tài mà nghệ sĩ đó rất thích xây cất cung điện. Ở kinh đô Lạc Dương, vườn Tây Uyển trong cung, chung quanh trồng toàn thông và liễu cổ thụ, mùa xuân tới, các lối đi trong vườn như phủ đầy một lớp cánh hoa đào và hoa mai; mùa thu lá rụng hết, ông bắt dân lấy lụa màu cắt thành lá và cánh hoa, treo lên cành; hễ lụa nhạt màu thì thay lụa mới.

Nệm yên ngựa đoàn kị binh đi hộ vệ ông, cánh buồm đoàn long thuyền của ông cũng bằng lụa. Đầu xuân, nhà nào ở hai bên bờ sông Dương Tử cũng lo cắt lụa để cung cấp cho triều đình. Xa xỉ tới bực đó!

Dạng đế còn một tật nữa là ham dùng binh, đánh rợ Đột Quyết, bình nước Lâm Ấp (Chiêm Thành), phá nước Thổ Cốc Hồn (nay là tỉnh Thanh Hải), bắt các nước đó phải thần phục. Tai hại nhất là chiến tranh với Triều Tiên.

Phải chuẩn bị tấn công cả bằng đường bộ lẫn đường biển, rất hao tốn. Ông bắt tất cả các phú gia trong nước bỏ tiền ra mua ngựa cho đủ số 10 vạn con, sắm binh khí thật tốt; mặt khác phải đóng 300 chiến hạm, 5 vạn cỗ binh xa; ông trưng dụng mấy triệu người vừa là binh sĩ, vừa để phục dịch binh sĩ, ba lần xuất quân, hao binh tổn tướng rất nhiều mà ba lần thất bại.

Do đó mà cùng kiệt sức lực của dân, trong ngoài đều ta oán, trộm cướp nổi dậy khắp nơi. Trên một chục hào kiệt chiếm cứ mỗi người một nơi, tự xưng vương, loạn hơn hồi Tần Nhị Thế. Ai cũng thấy vận của nhà Tùy sắp hết. Triều đình đem quân đi dẹp loạn thì quân lính đào ngũ theo dân. Trong khi đó Dạng đế vẫn vui thú trong cung, không quan tâm tới việc nước, bọn cận thần không dám cho ông ta biết sự thực, sợ ông ta nổi giận. Ngay quan thượng thư bộ binh cũng báo tình hình “rất tốt đẹp, chỉ có những bọn ăn cướp, bọn giặc cỏ sẽ dẹp được”.

Đã vậy, kẻ cầm quyền lại tàn bạo. Tướng Vương Thế Sung đi dẹp loạn ở Giang Nam, hứa với loạn quân: sẽ tha hoặc giảm tội nếu chịu đầu hàng. Ba vạn người ra đầu thú, ông giết hết, không còn một mạng. Còn Dạng đế thì khi muốn dời Lạc Dương xuống kinh đô miền Nam là Dương Châu, nhiều tướng khuyên không nên đi, vì ông bỏ Lạc Dương thì miền Bắc sẽ mất, ông không nghe mà còn chém đầu người nào nói thêm nữa. Tới dân chúng thấy ông bỏ Lạc Dương cũng sợ, tụ họp nhau trên bờ khóc lóc, năn nỉ ông ở lại, ông sai lính giết họ.

Trong số mười mấy hào kiệt nổi loạn, người có tài nhất là Lí Thế Dân. Cha ông là Lí Uyên (dòng dõi Lí Quảng đời Hán), được phong là Đường quốc công, làm thái thú (thời đó gọi là lưu thú) Thái Nguyên phủ, một trọng trấn gần biên giới phía Bắc, thuộc tỉnh Sơn Tây ngày nay. Tính Uyên nhu nhược, đần, trong khi hào kiệt nổi lên khắp nơi thì Uyên vẫn trung thành với Dạng đế. Thế Dân là con trai thứ của Uyên, giỏi cả văn lẫn võ, 15 tuổi đã cầm quân, 16 tuổi lập được chiến công. Thời đó, có lẽ vì ảnh hưởng hay di truyền của rợ Hồ, thanh niên Hoa Bắc, trai và gái, có nhiều người rất thượng võ, 13 tuổi đã thạo cưỡi ngựa, bắn tên. Thế Dân có tài bắn tên bách phát bách trúng. Thấy tình hình trong nước loạn quá, Thế Dân khuyên cha muốn khỏi bị chết lây thì đừng theo nhà Tùy nữa mà chiếm Thái Nguyên phủ rồi Tràng An để lập căn cứ. Uyên mới đầu không nghe, lại còn dọa tố cáo con là phản loạn nữa. Nhưng Thế Dân hồi đó mới 17 tuổi, giảng lẽ hơn thiệt cho cha, riết rồi cha miễn cưỡng theo – tính ông ba phải, không tự mình quyết định được gì cả – đem quân đi chiếm Tràng An (kinh đô cũ) tôn một người cháu nội của Dạng đế mới 13 tuổi lên làm hoàng đế, còn Dạng đế thì cho làm Thái thượng hoàng. Ông ta đã muốn cướp ngôi của nhà Tùy rồi đấy, nhưng còn làm từ từ, tiến từng bước một, sợ chết rồi mang tiếng xấu trong sử.

Năm 617, một viên tướng của Dạng đế cầm đầu một bọn phản loạn, nửa đêm đột nhập vào cung (ở Giang Đô), sáng sớm bắt được Dạng đế với đứa con nhỏ nhất, chém ngay đầu đứa bé đó. Khi quân lính sắp sửa giết luôn cả Dạng đế thì ông ta bảo: “đừng chém ta. Để ta chết với tư cách một thiên tử. Đưa thuốc độc cho ta uống!”. Muốn cho mau xong, quân lính thắt cổ ông ngay trên ngai vàng. Nhà Tùy chấm dứt.

Hay tin đó, Lí Uyên mới bắt vị hoàng đế 13 tuổi ở Tràng An thoái vị và nhường ngôi cho mình. Ông lên ngôi, hiệu là Đường Cao Tổ, phong cho con trưởng Kiến Thành, làm thái tử; cho Thế Dân làm Tần vương, và một người em của Thế Dân, Nguyên Cát làm Tề vương. Trong ba người đó, Thế Dân có tài hơn cả, Nguyên Cát cũng khá, kém nhất là Kiến Thành. Còn một người con gái giỏi võ nghệ nữa, sau giúp cha và anh được vài việc.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s