Thời đại vua Lê chúa Trịnh, nền giáo dục Nho học và khoa cử Việt Nam xuống dốc rõ rệt. Trường học sở hữu địa vị cao thượng nhất Quốc Tử Giám mất hoàn toàn ánh hào quang thiêng liêng cao quý của ngọn đèn chỉ đường dẫn lối nền giáo dục Đàng Ngoài. Trong thời đại này, các phố phường buôn bán xô bồ trong kinh thành đã công khai lấn đất đến sát tường trường Quốc Tử Giám làm nhiều học sinh trường Giám không còn chỗ trọ học gần trường. Khâu tuyển chọn đầu vào của trường Giám Học sinh trường Giám buôn lỏng hết cỡ dẫn đến chuyện học sinh trường Giám gồm cả thành phần sở hữu nhân phẩm thấp kém, lòng luôn coi thường không để vào mắt các quan đức cao vọng trọng làm việc trong Quốc Tử Giám. Nạn mua danh bán lợi trong trường Giám diễn ra thường xuyên và hết sức trắng trợn đến mức dân gian thời vua Lê chúa Trịnh đã lấy những kẻ núp bóng danh nghĩa học trò học trường Giám làm truyện cười châm biếm.
Nền giáo dục xuống dốc như thể nên quan niệm về cái học và suy nghĩ về đích đến cuối cùng của sự học trong đầu sĩ tử Việt Nam Đàng Ngoài đi vào con đường tiêu cực lệch hướng nghiêm trọng. Nhiều sĩ tử thời vua Lê chúa Trịnh chỉ mong học làm sao sớm ngày đậu bảng vàng được nắm trong tay quyền lực, có vinh hoa phú quý ăn trên ngồi trốc thiên hạ đứng trên đầu muôn người chứ họ không thiết tha gì với lý tưởng tu thân rèn luyện đạo đức bản thân, dồn hết tâm huyết lo trị quốc dồn hết tâm trí lo cho vạn dân thiên hạ của Nho gia cả. Do khắp cõi Đàng Ngoài đều phổ biến tư tưởng như thế nên các loại sách Luyện thi, Văn mẫu, sách Tóm tắt rút gọn kinh điển Nho gia(sách Luyện thi của nhà Nho Minh triều, Thanh triều và sách Luyện thi của nhà Nho Đại Việt) được biên soạn liên tục và bán đắt như tôm tươi nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo sĩ tử học vì cầu danh, học vì cầu lợi.
Nhà bác học thời vua Lê chúa Trịnh Lê Quý Đôn than thở: “Thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi” nghĩa là sĩ tử chỉ cần học thuộc lòng 1.000 bài thơ, 100 bài phú, 50 bài văn sách là tạm đủ “vốn liếng tri thức” để đi thi, tranh tài với thiên hạ!
Nhà học giả lớn sinh trưởng vào cuối thời đại vua Lê chúa Trịnh, đầu thời đại nhà Nguyễn Phan Huy Chú viết trong bộ bách khoa Lịch triều hiến chương loại chí, Khoa mục chí, tập 2 như sau: Bọn học giả phần nhiều làm bài sẵn đem bán. Học trò đi thi, trước hết hỏi mua lấy những bài ấy học thuộc lòng, hoặc giấu đem vào trường, cứ theo thế mà viết.
Trong phần truyện Văn thể của sách Vũ Trung Tùy Bút, nhà trí thức sống cuối thế kỷ 18 Phạm Đình Hổ đã ghi lại thực trạng suy đồi của giáo dục và khoa cử dưới chế độ vua Lê chúa Trịnh: Còn những kẻ ra ứng dụng cho đời thì phần nhiều là những phường hủ lậu, ít người tài giỏi. Học trò Thanh Nghệ trải qua buổi loạn lạc, không được học mấy; khi ra làm quan, chiếm được địa vị trọng yếu coi giữ việc công, chỉ làm theo ý riêng của mình, muốn thắng cả tiền nhân. Những khi giảng học và mở khoa thi, phàm những đại nghĩa kinh, truyện và nguồn gốc trị loạn từ xưa tới nay, điều hay điều dở không mấy người để ý khảo sát cho tinh, chỉ chuyên học những bài chú thích, những bài nghị luận của các nhà hậu nho, và nhặt lấy những câu đầu đề hiểm hóc để ra văn cho hay. Những kẻ chuộng công danh lúc bấy giờ chỉ theo đòi bóng gió, nhặt lấy những chữ bã mía của tiền nho, tập làm cái lối văn chương hoa hòe chứ không có cái căn bản gì cả. Cái ý dựng nền giáo dục đào tạo nhân tài của đời Lý, đời Trần khi xưa vì thế mà biến đổi hết sạch. Tệ lậu ngày càng quen đi, những kẻ học cử tử chỉ đem những bài chính văn trong kinh truyện cắt đứt ra từng đoạn từng câu, chuyên học thuộc lòng những bài văn tiểu chú để làm văn, nhất là những bài bàn luận trong sách sử thì lại càng phải học thuộc lòng lắm. Khi may mà đỗ đạt, phải đương đến đại sự, bàn đến đại lễ, thì cẩu thả làm cho xong việc. Còn như lễ nghi và những chế độ lặt vặt cùng lắm điều khó coi lắm. Học tập như thế mà mong làm những việc kinh bang tế thế thì sao được.
Hình như cả phủ Chúa Trịnh vào năm 1732 cũng nhận thấy Khoa cử của triều đình Lê Trịnh đang gặp vấn đề lớn chỉ toàn tuyển ra mấy thành phần học tủ, học gạo sách Luyện thi và Văn mẫu:
Như phần nội dung mệnh lệnh do chúa Trịnh Giang ban xuống cho các quan và yêu cầu các quan soạn lại sách Kinh điển Nho gia chính thống nghiêm chỉnh để làm bộ sách khuôn mẫu cho sĩ tử khắp Đàng Ngoài học tập chấm dứt tình trạng sĩ tử sùng bái sách Luyện thi, sách Tóm tắt rút gọn kinh điển Nho gia, Văn mẫu đang bán tràn lan trong dân gian có câu như sau: Gần đây cái học thuộc lòng khiến bọn đọc kinh sách sưu tầm tiểu chú mà đa phần bỏ sót chính văn, bọn đọc sử thì chỉ sơ lược ngoại biên mà bỏ qua Cương mục.
Trong số các loại sách Luyện thi, sách Tóm tắt rút gọn kinh điển Nho gia, Văn mẫu được ưa chuộng, hai vị tác giả Nguyễn Huy Oánh và Bùi Huy Bích(đều là người đậu đầu bảng vàng và làm quan to thời Vua Lê Chúa Trịnh) nổi lên như 2 cái tên nổi bật vì họ soạn ra mấy bộ sách trở thành khuôn mẫu cho người kiếm ăn nhờ vào việc biên soạn và xuất bản sách Luyện thi. Riêng Bùi Huy Bích nổi tiếng/tai tiếng hơn cả bắt nguồn từ việc các bộ sách Luyện thi của ông trở thành sách Luyện thi, sách Tóm tắt rút gọn kinh điển Nho gia được nhiều sĩ tử thời nhà Nguyễn mơ mộng đỗ đạt làm quan lùng sục tìm đọc và bán chạy thời nhà Nguyễn.
Đọc thêm
Rất nhiều sĩ tử nước Nam thế kỷ 18, 19 suốt thời trẻ ưu tiên đọc loại sách Luyện thi, sách Tóm tắt rút gọn kinh điển Nho gia, Văn mẫu với mộng tưởng tầm thường Học gạo, học tủ vì cầu danh, cầu lợi nên kiến thức của họ hạn hẹp, không hiểu nhiều không biết rộng bởi vì hiểu biết kiến thức của họ chỉ nằm gọn trong phần nội dung sách Luyện thi, sách sách Tóm tắt rút gọn kinh điển Nho gia, Văn mẫu. Học hành như thế bảo sao nhân tài nước Nam ngày càng ít, chất lượng nhân tài ngày càng kém đến mức hoàng đế Minh Mạng lên tiếng than thở vào năm 1823:
“Vua từng cùng với thị thần bàn việc học, nói rằng : “Trẫm từ khi làm thái tử, sau khi vấn an được nhàn rỗi, không làm việc gì, chỉ chăm xem sách. Phàm những sử Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, không bộ nào là không xem; nhưng tính trẫm không nhớ lâu, nên khi nói chuyện, nhớ đến việc cũ nhà Nguyên, nhà Minh, có khi nhớ việc mà quên tên người, trẫm hỏi các khanh, cũng không trả lời được, có lẽ chưa đọc chăng ?”.
Quang lộc Tự khanh Phan Huy Thực tâu rằng : “Từ đời Lê trở lại, những người học thi cử chỉ đọc các sử Hán, Đường, Tống làm lối tắt thi cử”.
Vua nói : “Từ Nguyên, Minh cho đến Đại Thanh có đến 6, 7 trăm năm. Cứ nay mà xem thì từ Tống trở lên đã thành đời thái cổ rồi, mà kẻ học giả bỏ gần cầu xa là cớ làm sao ?”.
Lại quay hỏi Thiêm sự Lê Văn Đức. Lê Văn Đức đáp rằng : “Thần cũng chỉ học văn cử nghiệp mà thôi”.
Vua lại nói : “Văn cử nghiệp làm lầm người ta đã lâu. Trẫm cho rằng văn chương vẫn không nhất định. Nay văn cử nghiệp chỉ câu nệ sáo cũ, lên mặt với nhau, đứng riêng phe phái, nhân phẩm lấy đấy làm cao thấp, khoa trường lấy đấy làm đỗ hỏng, học hành như thế, lạ gì nhân tài mỗi ngày một kém. Nhưng tập tục theo nhau, khó mà thay đổi. Vài năm nữa nên bàn thay đổi”(Đại Nam thực lục).
Nhân tài nước Nam làm đến chức quan kề cận hoàng đế Minh Mạng vẫn là phường học thức hạn hẹp, vua hỏi về sử Tàu(thời Nguyên, Minh) cũng ấp úng á khẩu không trả lời được. Lối “học” suy đồi tôn sùng sách Luyện thi, sách Tóm tắt rút gọn kinh điển Nho gia, Văn mẫu chắc gì có thể thoát được sự liên can với sự xuống cấp của nhân tài nước Nam thời Nguyễn.
Chính vì thế, ông Bùi Huy Bích bị các nhà Nho đời sau và người có học đời sau như Nguyễn Thông nhà Nguyễn và Huỳnh Thúc Kháng chỉ trích rất nặng lời.
Quan phó chủ khảo trường thi Hương Thừa Thiên Nguyễn Thông vào năm 1870 từng dâng sớ đề nghị triều đình Nguyễn ra nghiêm lệnh hủy bỏ, cấm lưu hành các loại sách Luyện thi của họ Bùi để tránh làm hại đầu óc Nho sinh nước nhà như sau: Theo lời tâu của Bộ Lễ thì Bùi Huy Bích đậu hoàng giáp đời Hậu Lê [1679]. Học vấn và tâm thuật của ông ra sao, tôi không biết rõ, nhưng xét về sách ông soạn ra thì đại để trích những câu sáo ngữ giúp cho việc thi cử để lừa dối kẻ hậu sinh!
Những người có tài trí thì bị chôn vùi trong nền học ủy mị méo mó ấy mà không tự biết! Vì thế tôi ví với dị đoan tà thuyết, lừa đời dối dân cũng không phải là quá đáng.
Bộ Lễ đã không chịu nêu rõ cái sai của loại sách ấy, lại có ý bào chữa cho thứ sách chép ngoài như thế, khiến học hiệu lấy đó mà giảng dạy, trường thi lấy đó mà chọn nhân tài, thì thật là câu chấp ý kiến riêng của mình(theo sách Nguyễn Thông, con người và tác phẩm của Ca Văn Thỉnh và Bảo Định Giang, nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh, năm 1984).
-Ông Huỳnh Thúc Kháng cực lực phê phán lối học cầu danh, học cầu lợi chỉ ưu tiên đọc sách Luyện thi, sách Tóm tắt rút gọn kinh điển Nho gia, Văn mẫu:
Sách kinh truyện và sử tiết yếu của Bùi Huy Bích là thứ sách gì? Cắt đầu, hớt đuôi, bôi son, vẽ lọ, không thành tư cách một cuốn sách, mà đem ra cho công chúng học, phô lên rằng học Khổng Mạnh thánh hiền!
… Hán học ở nước ta, trên trăm năm lại đây không được như Tống Nho (cặn bã của Tống Nho) lại kém hơn lối học khoa cử của Triều Lê một bậc nữa (Triều Lê thi cử cần phải học nhiều sách, đời Nguyễn chỉ học bộ tiết yếu nói trên là đủ rồi) Cái học vì sách tiết yếu của Bùi Huy Bích không khác gì ngọn lửa nhà Tần thứ hai trong học giới nước ta về khoản cận đại vậy!
…
Than ôi!
Cái học Khổng Mạnh lại lai ra Tống Nho,
Tống Nho lại lai sang Khoa cử, đến Tống Nho và khoa cử nhập chung lại mà lai ra cái học tiết yếu của Bùi Huy Bích, thì trong học giới ấy còn bảo có nhân tài xuất hiện được sao?
Cái lối học khoa cử Lê Trịnh qua đến triều Thiệu Trị, Tự Đức đã phát triển cực thịnh!
“Toàn cả sĩ phu đều xu vào cái khuôn sáo ấy. Trong đám học khoa cử, thỉnh thoảng một vài người thích thảng phi thường như Ông Nguyễn Hồng Phiên, Cao Bá Quát, Đầu xứ Thái vượt ra ngoài phạm vi Tống Nho thời không sao dung được với đời!
Lối học khoa cử đời Lê đã kém hèn là bao nhiêu lối học Triều Nguyễn lại kém hơn nữa.
…
Trừ một số rất ít … tự tìm sách hay mà học, thời có khác người ít nhiều, còn phần đông là học trò Bùi Huy Bích cả!”(theo phần in lại trong phụ lục lưu giữ bài báo dài kỳ Lối học khoa cử và lối học của Tống Nho có phải là học đạo Khổng mạnh không? của Huỳnh Thúc Kháng được Nguyễn Quốc Thắng đưa vào sách Huỳnh Thúc Kháng, con người và thơ văn, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972).
-Ngoài loại sách tiết yếu ấy, để phục vụ cho lối học cử nghiệp còn có sư thư và thiếp quát.
Sư thư là sách chép những đầu đề có thể ra thi từ Kinh sử. Rồi nhiều học giả từ sư thư soạn ra những bài tóm tắt, soạn thành phiếu gọi là thiếp quát. Cũng có những bài hoàn chỉnh. Học sinh mua về học thuộc lòng. Vào trường thi, trúng đề, cứ thế chép nguyên văn.
Tất nhiên là nhiều sĩ tử làm bài giống nhau chẳng phải vì chép của nhau (trùng kiến) mà vì giống bài mẫu!
Giám khảo không câu nệ! Cứ thấy văn hay là cho đỗ, trùng kiến cũng mặc.
Có trường hợp hơn 30 quyển bài làm giống nhau, một quyển chỉ viết nhầm chữ Quý trên chữ phú [thay vì viết phú quý], quan trường cho là có ý kiến mới lạ, được phê ưu!(theo sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, quyển III)
Ngô Thì Sĩ (1725-1780) trong tờ khải gửi lên chúa Trịnh Sâm, đã vạch ra các mối tệ của Khoa cử tầm chương trích cú, đã đề nghị nhà Chúa ra lệnh bỏ lối thiếp quát, cấm hỏi vụn vặt trong đề tài văn sách … Ông có nhận xét: “Văn thể ngày càng thấp hèn, nhân tài ngày càng kém sút”(theo sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, quyển III).
Nguồn: Tự tổng hợp và sao chép Nguyên văn nhiều đoạn từ bài viết THỨC TỈNH TRƯỚC MỘT NỀN GIÁO DỤC KHOA CỬ TỪ CHƯƠNG của tác giả Trần Viết Ngạc.