Dẫn nhập: Quốc tử giám là một trong những cơ quan quan trọng của triều đình phong kiến, nhiệm vụ chuyên trách là dạy dỗ đào tạo nhân tài cho đất nước. Ở nước ta từ khi nhà Lý cho lập Văn Miếu và Quốc tử giám, chế độ khoa cử đã duy trì suốt gần 1000 năm. Quốc tử giám đã đào tạo không biết bao nhiêu anh tài cho đất nước. Thông qua bài viết này, chúng tôi xin được phép lược khảo cơ chế phẩm trật quan lại quốc tử giám và bổ nhậm giám sinh thời Lê sơ.
1. Quốc tử giám tại Trung Quốc
Về định nghĩa “Quốc tử”, Chu Lễ phần Địa Quan – Sư thị viết:
“以三德教國子。” 鄭玄 註:“國子,公卿大夫之子弟。”
Dĩ tam đức giáo quốc tử. Trịnh Huyền chú: Quốc tử, công khanh đại phu chi tử đệ”.
Nghĩa là: “Lấy tam đức dạy quốc tử. Trịnh Huyền chú rằng: Quốc tử là con em của bậc công khanh đại phu”.
Thời Hán, Hán Vũ đế đặt ra “Thái học” là nơi học tập và truyền bá kinh điển Nho học. Đến năm Vĩnh An nguyên niên, Đông Ngô Cảnh Đế Tôn Hưu cho lập mới quốc học, đặt chế độ Bác sĩ, thiết lập Ngũ kinh Bác sĩ. Sang đến thời Tấn, Tấn Vũ đế căn cứ vào lời chú của Trịnh Huyền trong Chu Lễ để cho lập Quốc học và Thái học thuộc Thái thường, đây là tiền thân của Quốc tử giám sau này. Tấn thư quyển 24 phần Bách quan chí viết:
“咸寧四年(278年),武帝初立國子學,定置國子祭酒、博士各一人,助教十五人以教生徒” [2].
Hàm Ninh tứ niên (277), Vũ đế sơ lập Quốc tử học, định trí Quốc tử Tế tửu, Bác sĩ các nhất nhân, Trợ giáo thập ngũ nhân dĩ giáo Sinh đồ.
Nghĩa là: “Năm Hàm Ninh thứ tư, [Tấn] Vũ đế lần đầu cho lập Quốc tử học, đặt các chức Tế tửu và Bác sĩ đều một người, Trợ giáo 15 người để dạy Sinh đồ”. Bác sĩ đều là những người thông minh, tinh thông về kinh điển sách vở.
Quốc tử học thời Tấn phàm là con em quý tộc và quan lại từ ngũ phẩm trở lên mới có thể nhập học. Sang đến thời Bắc Tề, Quốc tử học tách ra khỏi Thái thường và trở thành một cơ quan độc lập gọi là Quốc tử tự. Đến thời Tùy thì cải là Quốc tử giám, cho đặt chức Tế tửu (1 người), Chủ bộ, Lục sự đều 1 người để lo việc quản lí giáo dục trong nước, thống lĩnh lại thuộc về giáo dục. Các chức quan như: Bác sĩ, Trợ giáo, Sinh viên thì đều có định ngạch.
Về định chế, Tùy thư phần Bách quan chí hạ viết:
“國子寺元隸太常。祭酒,一人。屬官有主簿、錄事。各一人。統國子、太學、 四門、書算學,各置博士、國子、太學、四門各五人,書、算各二人。助教、國子、 太學、四門各五人,書、算各二人。學生國子一百四十人,太學、四門各三百六十 人,書四十人,算八十人。等員”[3].
Quốc tử tự nguyên lệ Thái Thường. Tế tửu, nhất nhân. Thuộc quan hữu Chủ bạ, Lục sự. Các nhất nhân. Thống Quốc tử, Thái học, tứ môn, Thư Toán học, các trí Bác sĩ, Quốc tử, Thái học, tứ môn các Ngũ nhân, Thư, Toán các nhị nhân. Trợ giáo, Quốc tử, Thái học, tứ môn các Ngũ nhân, Thư, Toán các nhị nhân. Học sinh Quốc tử nhất bách tứ thập nhân, Thái học, tứ môn các tam bách lục thập nhân, Thư tứ thập nhân, Toán bát thập nhân. Đẳng viên.
Nghĩa là: Quốc Tử Tự vốn thuộc Thái Thường. Đặt 1 Tế Tửu. Phụ giúp có Chủ bộ, Lệ sự, mỗi chức một người. Đứng đầu Quốc Tử, Thái Học, Tứ Môn, Thư Toán Học là Bác sĩ (Quốc tử, Thái Học, Tứ Môn, mỗi môn 5 người, Thư và và Toán mỗi môn 2 người). Trợ giảng Quốc Tử, Thái Học, Tứ Môn có 5 người, Thư và Toán có 2 người. Quốc Tử có 140 học sinh, Thái học và Tứ môn đều có 360 học sinh, Thư có 40 học sinh, Toán có 80 học sinh.”.
Sang đến thời Đường, đặt Quốc tử giám gồm có 7 ngành, Tân Đường thư viết:
“國子監,掌儒學訓導之政,總國子、太學、廣文、四門、律、書、算,凡七學。” [4]
Quốc tử giám, chưởng Nho học huấn đạo chi chính, tổng Quốc tử, Thái học, Quảng văn, Tứ môn, Luật, Thư, Toán, phàm thất học.
Nghĩa là: “Quốc tử giám, nắm quyền Huấn đạo Nho học, gồm thất học: Quốc tử, Thái học, Quảng văn, Tứ môn, Luật, Thư, Toán”.
Quy chế thời Đường có 1 Tế tửu và 2 Tư nghiệp quản lí Quốc tử giám, dưới có Chủ bộ và Thừa. Người dạy học là Bác sĩ và Trợ giáo. Sang đến thời Tống đặt Tây kinh Quốc tử giám và Đông kinh Quốc tử giám cho con em quan viên từ thất phẩm trở lên vào học, gọi là Quốc tử sinh hoặc Giám sinh. Ban đầu không định ngạch số lượng nhưng sau định ngạch lấy 300 người. Các triều Minh, Thanh sau này đều đặt Quốc tử giám, tuy chế tương đối như các triều trước.
2. Quốc tử giám thời Hậu Lê
2.1. Quốc tử giám nước ta trước thời Hậu Lê.
Ở nước ta từ thời Lý đã cho dựng Văn miếu, Toàn thư chép: “Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối , vẽ tượng Thất thập nhị hiền , bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây” [5]. Về Quốc tử giám lại chép: “Cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân. Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám.”[6] Dù không chép việc dựng Quốc tử giám vào thời gian nào nhưng qua sự kiện này thì có thể thấy Quốc tử giám triều Lý đã được dựng từ trước đó, có thể là trong khoảng thời gian từ năm 1070-1076.
Sang đến thời Trần Thái Tông, vua cho lập Quốc tử viện là nơi học tập của con em văn thần, Toàn thư chép:
“Mùa đông, tháng 10 (năm 1236) cho Phạm Ứng Thần làm Thượng thư tri Quốc tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần vào học” [7]. Đến tháng 9 năm 1253, vua Trần Thái Tông lại xuống chiếu cho nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện giảng tứ thư lục kinh [8].
Ngoài Quốc tử viện thời Trần còn xuất hiện cả Quốc học viện, Toàn thư chép:
“Tháng 6, lập Quốc học viện. Đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người hiền để thờ” [9].
Quốc tử giám ở nước ta đã sớm hình thành từ thời Lý, sang đến Trần và Hồ vẫn được duy trì. Tuy nhiên do vấn đề khuyết thiếu về sử liệu mà cơ cấu tổ chức của Quốc tử giám trong giai đoạn này vẫn chưa rõ ràng. Chính sử chỉ đề cập đến chức Tế Tửu, mà không ghi chép chi tiết về các chức quan tòng thuộc Quốc tử giám.
2.2. Quốc tử giám nước ta thời Hậu Lê
Sau khi đánh bại giặc Minh giành lại giang sơn gấm vóc, Lê Thái Tổ lên ngôi hoàng đế bắt đầu thiết lập lại các điển chương từ triều trước. Vua Lê Thái Tổ cho khô phục khoa cử đồng thời cũng cho khôi phục Quốc tử giám. Toàn thư chép:
“Quý Sửu, [Thuận Thiên] năm thứ 6 [1433], (Minh Tuyên Đức năm thứ 8 ). Mùa xuân, tháng giêng, tuyển chọn con trai các quan và (học trò) ba lộ Quốc Oai, hai lộ Bắc Giang sung vào Quốc tử giám”[10].
Đến thời Thái Tông Văn Hoàng Đế nhà Lê thì tuyển chọn con em quý tộc và quan lại đã có phần rõ ràng hơn: “Ngày 12, ra lệnh chỉ cho các quan văn võ rằng: Các quan từ lục phẩm trở lên có coi việc quân dân và các quan phụ đạo, thủ lĩnh ở các phiên trấn mà có con đích, cháu đích thuộc cùng một hộ tịch hay các hộ tịch khác đều được miễn thuế và sai dịch. Nếu là đắp đê quai vạc, làm đường và các việc điều động khẩn cấp, thì không được miễn. Các con đích, cháu đích đều cho ghi tên vào học ở Quốc tử giám để đợi tuyển dụng”[11].
Đối với việc tuyển chọn và đào tại hiền tài, Lê Thái Tông cũng rất xem trọng. Toàn thư chép: “Ngày mồng 4, thi học sinh trong cả nước. Lấy đỗ hơn 1.000 người, chia làm ba bậc. Bậc nhất và bậc nhì thì đưa về Quốc tử giám, bậc ba thì cho về học tại nhà học các lộ, đều cho miễn lao dịch”[12]. Về cơ cấu quan lại tại Quốc tử giám thời Lê Thái Tông chỉ đề cập đến các chức Giáo thụ [13] và Bác Sĩ [14], Quốc tử giám Trực giảng [15], Quốc tử giám Đề điệu [16].
Đến thời Lê Nhân Tông thì xuất hiện thêm chức Trợ giáo [17] Tư nghiệp [18]. Người học tại Quốc tử giám gọi là Giám sinh, học ở các Lộ thì là Sinh đồ. Thông thường các cuộc thi học sinh, lại viên thời Lê Thái Tông người đỗ hạng nhất nhì thì sẽ sung vào Quốc tử giám (đối với thi học sinh), người đỗ hạng nhì (đối với lại viên) sẽ cho về các Lộ học làm Sinh đồ.
Về cơ bản thì các chức quan tương ứng với hoạt động của Quốc tử giám đầu thời Lê đều đặt ra cụ thể, tuy nhiên về phẩm cấp và trên dưới thế nào thì chính sử chưa đề cập.
Đọc thêm
Đến thời Lê Thánh Tông khi hiệu định quan chế, cơ chế quan lại thuộc Quốc tử giám được quy định rõ ràng về phẩm trật hơn. Theo văn bản Thiên Nam dư hạ tập A.334/1, phẩm trật quan lại Quốc tử giám quy định như sau: Tòng tứ phẩm:Tế tửu; tòng ngũ phẩm: Tư nghiệp; chính bát phẩm: Ngũ kinh Giáo thụ; tòng bát phẩm: Ngũ kinh Học chính; tòng bát phẩm: Thủ lĩnh; tòng bát phẩm: Giám bạ. Về quy chế người học cũng có quy định như sau: “Tháng 2, ngày 15, ra sắc chỉ rằng: Nhân dân và quân sắc, ai thi hương đỗ tam trường, thì sung sinh đồ, đỗ tứ trường thì sung sinh viên ở Tăng Quảng đường như lệ cũ. Nếu sinh đồ từng thi hương mà không trúng kỳ nào thì phải sung quân, trúng một kỳ thi về làm dân chịu phú dịch như lệ. Sinh viên Tăng Quảng đường mà thi hội không đỗ thì sung quân. Quan Thừa, Hiến và quan Quốc tử giám phân loại tâu lên để thi hành theo lệ đã định”[19].
Sinh viên tại Tăng Quảng đường lại chi làm 3 bậc: Thượng xá, Trung Xá và Hạ xá. Về việc bổ dụng sinh viên 3 xá, Toàn thư chép: “Tháng 6, ngày 16, định lệnh bổ dụng sinh viên ba xá. Bọn Phó đô Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm tâu rằng: Bọn thần trộm thấy quy định về sinh viên ba xá của Quốc tử giám, cho phép người nào mỗi năm thi hội mà trúng một kỳ được các kỳ: hễ trúng được ba kỳ thì làm sung làm thượng xá sinh, trúng được hai kỳ thì làm trung xá sinh, trúng một kỳ thì sung làm hạ xá sinh, mỗi xá là 100 người đều được cấp tiền kho. Sinh viên ba xá mỗi người đều được 9 tiền. Đến khi bổ dùng, thì Lại bộ và quan Quốc tử giám bảo lĩnh tiến cử để chọn bổ, còn như số lượng chọn bổ thì ba xá đều nhất loạt giống nhau không có phân biệt. 8 tiền. Đến khi bổ dụng thì Lại bộ và quan Quốc tử giám chỗ khuyết mà bảo cử: thượng xá sinh 3 phần, trung xá sinh 2 phần, hạ xá sinh 1 phần. Như thế thì sinh viên ba xá thi trúng được mấy kỳ, học giỏi hay kém, thứ bậc trước sau được thích hợp mà nhân tài trong nước đều được khuyến khích. Vua y theo.” [20].
Như vậy thời Lê Thánh Tông, ngoài việc thông qua khoa cử đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan thì lệ bảo cử đối với sinh viên học tại Quốc tử giám vẫn được duy trì. Ngoài việc được cấp tiền ăn học, còn phải tiến hành khảo hạch và thông qua bảo cử của quan lại thuộc Quốc tử giám mới được bổ nhiệm.
Về phần chức quan được bổ nhiệm dưới thời Lê Uy Mục được quy định như sau: “Giám sinh Quốc tử giám, người nào thi Hội nhiều lần trúng trường, vào học 15 năm trở lên, tuổi cao, trúng trường nhiều mới được sung làm Thượng xá sinh, được dẫn tuyển bổ dụng các chức Mục dân, Thủ lĩnh, Bạn độc, Trưởng sử, Huấn đạo. Nếu trúng trường nhiều lần, đã đủ 15 năm, mà chưa được sung là Thượng Xá sinh và những người trúng trường một lần, đã đủ 18 năm trở lên, thì cũng cho bảo cử, bổ làm các chức Cáp môn, Tự ban, Bạn độc, Trưởng sử, Giảng dụ” [21] .
Đối với con cháu các quan viên sung làm nho sinh ở Sùng Văn quán và Tú Lâm cục, thi Hội trúng trường, người nào cao tuổi, trúng trường nhiều, đủ 15 năm trở lên, hoặc trúng trường một lần, mà đủ 18 năm trở lên, mới được lựa chọn bổ nhậm các chức Mục dân, Thủ lĩnh. Nếu là người tuổi cao, có tài, không trúng trường mà đủ 25 năm trở lên thì cũng cho bảo kết khảo thí, bổ làm các chức tá nhị ở châu, huyện. Người nào đã qua dẫn tuyển nhưng chưa đủ niên hạn, phải đợi đủ niên hạn mới được bổ dụng. Còn như dòng dõi thân thuộc của hoàng hậu và con cháu các khai quốc công thần sung làm Nho sinh ở Sùng Văn quán thì vẫn theo lệ cũ” [22].
Nhìn chung lệ bổ nhiệm quan lại thông qua việc học tập tại Quốc tử giám và Chiêu Văn quán, Tú Lâm cục tương đối chặt chẽ, dựa theo tài năng và bảo cử để phân bố. So với con đường khoa cử để được bổ nhiệm thì có lâu hơn phẩm cấp được bổ nhiệm cũng chỉ rơi vào từ chính bát phẩm trở xuống.
Kết luận
Về cơ cấu quan viên tại Quốc tử giám từ thời Lê Thái Tông đã được định chế qua ghi chép của Toàn thư, nhưng phẩm trật thì chưa rõ ràng. Đến khi Lê Thánh Tông hiệu định quan chế thì cơ cấu này mới được rõ ràng hơn, phẩm trật đi kèm chức quan. Về cấp bậc của người học tại Quốc tử giám cũng được chia làm 3 hạng tùy vào lực học và tài năng. Đối với lệ bổ dụng sinh viên Quốc tử giám và Nho sinh học tại Tú Lâm cục và Chiêu Văn quán đến tận triều Lê Uy Mục mới có định chế rõ ràng. Nhìn chung ngoài khoa cử thì tiến cử và bảo cử vẫn được duy trì nhưng nép vế hơn so với khoa cử.
Chú thích
1. 週禮·地官·師氏。
2. 晋书百官制
3. 隋書博海關誌下
4. 新唐書·百官誌三
5. Đại Việt sử kí toàn thư tập I, Sđd, tr.275.
6. Đại Việt sử kí toàn thư tập I, Sđd, tr.280.
7. Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.15.
8. Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.25.
9. Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.25.
10. Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.39.
11. Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.306.
12. Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.310.
13. Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.311.
14. Toàn thư chép: “Tháng 8, cho các giám sinh Quốc tử giám và sinh đồ các lộ, huyện được mang mũ áo và cho Giáo thụ Quốc tử giám cùng giáo chức các lộ, huyện được được đội mũ cao sơn.”
15. Toàn thư chép: “Lấy Thái tử thị giảng cũ là Nguyễn Tấn Tài làm Quốc tử giám bác sĩ”.
16. Toàn thư chép: “Lấy Tư khấu Lê Khắc Phục làm Đề điệu Quốc tử giám”
17. Toàn thư chép: “Mùa đông, tháng 10, sai Tây đạo tham tri Hà Lật làm chánh sứ; Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Như Đổ và Quốc tử giám trợ giáo Đồng Hanh Phát làm phó sứ, sang nhà Minh nộp cống hàng năm”.
18. Toàn thư chép: “Lấy Giáo thụ Quốc tử giám Nguyễn Thiên Túng làm Tư nghiệp; Giáo thụ Nguyễn Siêu là Trợ giáo; Lương Mộng Tinh và Vũ Vĩnh Trinh làm Trực giảng; Tư hình viện đại phu Phù Thế Hào làm Chuyển vận phó sứ huyện Cổ Phí”.
19. Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.486.
20. Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Sđd, tr.491.
21. Đại Việt sử kí toàn thư tập III, Sđd, tr.46.
22. Đại Việt sử kí toàn thư tập III, Sđd, tr.47.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 週禮·地官·師氏。
2. 晋书百官制
3. 隋書博海關誌下
4. 新唐書·百官誌三
5. Bản in nội các quan bản: Mộc bản khắc năm Chính Hòa 18 (1697) – Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, GS Hà Văn Tấn hiệu đính (1998), Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Nguyễn Minh Tường (2019), Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (Từ năm 939 đến năm 1884), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Viện sử học dịch, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Chấp bút: Đạm Phong
Mọi thắc mắc xin liên hệ: bacvanuocle@gmail.com