Caravaggio (1571–1610) là một họa sĩ người Ý nổi tiếng với cách sử dụng sáng tối (tương phản giữa sáng và tối) một cách ấn tượng và cách tiếp cận tự nhiên đối với hội họa, thách thức các chuẩn mực của thời Phục Hưng. Các bức tranh của ông về các chủ đề tôn giáo, thần thoại và lịch sử được coi là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất của thời kỳ Baroque.
Họa sĩ người Ý Michelangelo Merisi da Caravaggio (Michelangelo Caravaggio), một trong những đại diện lớn nhất của phong cách hội họa Baroque, sinh ngày 28/9/1573 tại làng Caravaggio thuộc vùng Lombardia miền Bắc nước Ý. Cha của ông là quản thừa và là kiến trúc sư của Hầu tước Caravaggio. Cho đến đầu những năm 1590, Michelangelo da Caravaggio học vẽ ở họa sĩ người Milan Simone Peterzano, và khoảng năm 1593, ông rời Rome. Lúc đầu còn rất nghèo nên anh phải đi vẽ thuê. Sau một thời gian, họa sĩ thời trang Cesari d’Arpino đã nhận Caravaggio làm trợ lý trong xưởng của mình, nơi ông vẽ tĩnh vật trên những bức tranh hoành tráng của ông chủ.
Trong khoảng thời gian này, Caravaggio đã có những tác phẩm khá nổi như “Little Sick Bacchus” và “Boy with a Basket of Fruit”.
LẮM TÀI NHIỀU TẬT
Về cơ bản, chàng họa sĩ trẻ có tính khí nóng nảy, vì thế không ít lần rơi vào những tình huống hiểm nguy, nan giải – rất ưa thách thức (hoặc nhận lời thách) đấu kiếm và nhiều lần bị bỏ tù; thường xuyên la cà suốt ngày với dân cờ bạc, những kẻ lừa đảo, dân du thủ du thực và những nhà thám hiểm. Tên anh thường xuyên xuất hiện trong hồ sơ cảnh sát. Trong giới văn nghệ của nước Ý thời đó, Caravaggio được đặt biệt danh “Kẻ nổi loạn”, “Thiên tài khùng”, “Kiếm sĩ”…
Năm 1595, Caravaggio may mắn được Hồng y Francesco Maria del Monte giới thiệu làm quen với một người bảo trợ có ảnh hưởng, và người này đã tiến cử anh với giới hội họa Rome. Họa sĩ trẻ đã vẽ cho Hồng y del Monte một số bức tranh đẹp nhất của mình như “Giỏ trái cây”, “Bacco” và “Người chơi đàn luýt”. Vào cuối thập niên 1590, chàng họa sĩ tài hoa đã tạo ra những tác phẩm như “Buổi hòa nhạc”, “Cupid the Winner”, “Thầy bói”, “Narcissus”. Caravaggio đã mở ra những khả năng mới cho hội họa, lần đầu tiên xiển dương thể loại tĩnh vật “thuần túy” và thể loại “phiêu lưu”, về sau được phát triển hơn nữa trong số những người theo ông và trở nên phổ biến trong hội họa châu Âu thế kỷ 17.
Trong số các tác phẩm tôn giáo đầu tiên của Caravaggio có các bức tranh “Thánh Martha trò chuyện với Mary Magdalene”, “Thánh Catherine thành Alexandria”, “Thánh Mary Magdalene”, “Sự xuất thần của Thánh Francis”, “Nghỉ chân trên đường tới Ai Cập”, “Judith” , “Sự hy sinh của Áp-ra-ham”.
Giai đoạn cuối thế kỷ 16 đầu 17, Caravaggio đã tạo ra hai bộ tranh dựa trên những cảnh trong cuộc đời của các sứ đồ. Từ năm 1597 đến 1600, ba bức tranh dành riêng cho Sứ đồ Matthew đã được vẽ cho Nhà nguyện Contarelli trong Nhà thờ San Luigi dei Francesi ở Rome. Trong số đó chỉ 2 bức được lưu giữ đến ngày nay – “Lời kêu gọi của Sứ đồ Ma-thi-ơ” và “Sự tử đạo của Sứ đồ Ma-thi-ơ” (1599-1600). Dành cho Nhà nguyện Cerasi trong Nhà thờ Santa Maria del Popolo ở Rome, Caravaggio đã hoàn thành hai tác phẩm – “Sự cải đạo của Saul” và “Sứ đồ Phi-e-rơ bị đóng đinh”.
Năm 1602-1604, họa sĩ vẽ bức “Khâm liệm” (hay “Hạ xuống từ thập giá”) cho nhà thờ Santa Maria ở Valicella ở Rome. Năm 1603-1606, ông sáng tác tác phẩm “Madonna di Loreto” cho Nhà thờ Sant’Agostino. Năm 1606, ông cho ra đời tác phẩm “Đức Mẹ Lên Trời”.
Năm 1606, sau một cuộc cãi vã rồi giết chết đối thủ trong một trận đấu thể thao là Rannuccio Tommasoni, Caravaggio chạy trốn từ Rome đến Naples, rồi năm 1607 từ đó chuyển đến đảo Malta, nơi ông được nhận vào Dòng tu Malta. Tuy nhiên, sau một cuộc cãi vã với một thành viên cấp cao của dòng tu, Caravaggio bị bỏ tù, nhưng rồi ông trốn tù, chạy đến Sicily và sau đó đến miền nam nước Ý.
Trong thời gian lang thang, họa sĩ đã tạo ra một số tác phẩm hội họa tôn giáo xuất sắc. Ở Naples, ông đã vẽ những bức tranh thờ “Bảy công trình của lòng thương xót” (Nhà thờ Pio Monte della Misaricordia), “Madonna of the Rosary” và “The Flagellation of Christ”. Ở Malta, ông đã tạo ra các bức tranh “Việc chặt đầu John Baptist” và “Saint Jerome” cho Nhà thờ San Domenico Maggiore; ở Sicily – “Việc chôn cất Thánh Lucia” cho Nhà thờ Saint Lucia, “Sự sống lại của Lazarus” cho thương gia người Genoa Lazzari và “Sự tôn thờ của những bậc chăn chiên” dành cho nhà thờ Santa Maria degli Angeli. Trong số các tác phẩm cuối cùng của Caravaggio còn có bức tranh “David tí hon với cái đầu của gã khổng lồ Goliath”, trong đó gương mặt trên đầu lâu Goliath được cho là chân dung tự họa của chính tác giả.
Năm 1610, nhận được lệnh ân xá của Đức Hồng Y Gonzaga, Caravaggio đã chuẩn bị lên tàu để quay trở lại Rome. Nhưng không bao giờ đến đích – ông bị lính canh bắt nhầm và qua đời vào ngày 18 tháng 7 năm 1610 vì bệnh sốt rét ở thị trấn Porto Ercole của Ý ở tuổi 37.
Tác phẩm của Caravaggio có ảnh hưởng đáng kể không chỉ đối với nhiều họa sĩ Ý thế kỷ 17 mà còn đối với các bậc thầy hàng đầu Tây Âu như Peter Paul Rubens, Diego Velazquez, Jose de Ribera, đồng thời khai sinh ra một khuynh hướng mới trong nghệ thuật – Caravaggism.
Đọc thêm
NHỮNG TÁC PHẨM BỊ CẤM ĐOÁN CỦA CARAVAGGIO
Từ năm 1602 đến năm 1606, “kẻ nổi loạn” Caravaggio được đặt hàng vẽ một số tranh thờ cho các nhà thờ La Mã. Nhưng các tác phẩm “Thánh Matthew với thiên thần”, “Đức Mẹ lìa trần” và “Đức mẹ với con rắn” đã bị khách hàng từ chối vì cho rằng những bức tranh này là dung tục và xuyên tạc lịch sử của Giáo hội.
“Thánh Matthew với thiên thần”. Caravaggio. 1602
Bức “Thánh Matthew với thiên thần” được Caravaggio vẽ cho Nhà nguyện Contarelli (thuộc nhà thờ La Mã San Luigi dei Francesi). Trong phiên bản đầu tiên của tác phẩm, Caravaggio miêu tả vị sứ đồ là một người đàn ông giản dị, rất lóng ngóng khi cầm cây bút trên tay, vì không quen viết.
Sáng tác dựa trên câu chuyện trong Kinh thánh của Nhà truyền giáo Matthew về sự kêu gọi của chính ông, khi Chúa Kitô đi ngang qua ông và nói: “Hãy theo Ta”. Nhà danh họa đã miêu tả khoảnh khắc Matthew viết câu chuyện của chính mình về Đấng Cứu thế dưới sự sai khiến của một Thiên thần. Bằng cách này, ông thực hiện lời kêu gọi của mình: đi theo Chúa Kitô bằng cách tuyên xưng Tin Mừng.
Bên cạnh Matthew là một thiên thần buồn chán, với cử chỉ duyên dáng của mình, hướng dẫn bàn tay thô bạo của Nhà truyền giáo. Đôi chân của ông để trần và, như miêu tả của Caravaggio, bàn chân bẩn thỉu, chai sạn ấy dường như chĩa vào mặt người xem theo đúng nghĩa đen. Tất nhiên, cách giải thích này đã gây sốc cho công chúng: hình ảnh bị coi là sỉ nhục vì “thể hiện vị thánh dưới cái nhìn không mấy phù hợp, thiếu sự trân trọng cần thiết”. Sau đó, họa sĩ quyết định vẽ phiên bản thứ hai, được khách hàng hài lòng và vẫn còn ở Nhà nguyện Contarelli (phiên bản đầu tiên của bức tranh được lưu giữ ở Berlin và bị thất lạc trong chiến tranh).
“Đức Mẹ lìa trần”.Caravaggio. 1604–1606.
Đức Mẹ qua đời là một chủ đề truyền thống trong hội họa Kitô giáo, mô tả khoảnh khắc giữa cái chết của Mẹ Chúa Giê-suvà việc Mẹ lên trời. Người ta tin rằng lúc này Đức Trinh Nữ Maria chưa chết mà đang ngủ say nên cơ thể vẫn còn nguyên vẹn. Họa sĩ được đặt hàng theo chủ đề này cho nhà thờ Santa Maria della Scala. Tuy nhiên, Caravaggio quyết định miêu tả mẹ của Chúa Kitô đã chết theo nghĩa tự nhiên nhất: “người mẫu” là thi thể của một cô gái điếm được vớt từ sông Tiber. Sắc mặt nhợt nhạt, thân thể sưng tấy và bàn chân bẩn thỉu của nhân vật (Đức Mẹ) khiến khách hàng là các giáo sĩ phẫn nộ, từ chối bức tranh, nhất định không chấp nhận. Tác phẩm này vài năm sau đó đã được Công tước Mantua (Vincenzo Gonzaga) mua lại theo lời khuyên của Rubens. Vâng, chính Rubens, họa sĩ Flemish nổi tiếng, đã rất ngạc nhiên trước sự kịch tính và tính hiện thực của tác phẩm, đến nỗi ông quyết định phục hồi tên tuổi tác giả của nó.
“Đức Mẹ với con rắn”. Caravaggio. 1605–1606.
Tác phẩm này của Caravaggio chỉ được trưng bày đúng hai ngày ở Nhà thờ Santa Anna! Công chúng vô cùng phẫn nộ vì tác giả dám miêu tả Chúa Kitô khỏa thân và ở độ tuổi lớn hơn thông lệ. Họ cũng phẫn nộ vì đường viền cổ áo của Đức Mẹ làm nổi bật bộ ngực của bà (họa sĩ đã thuê một kỹ nữ nổi tiếng người La Mã làm người mẫu cho nhân vật Đức Mẹ đồng trinh).