Trà là đồ uống pha chế vào loại phổ biến nhất trên thế giới. Nguyên thủy, trà được các nhà sư Trung Quốc sử dụng như một phương tiện hỗ trợ thiền định và dược phẩm. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, nó đã lan tỏa đến nhiều nền văn hóa Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản. Để tôn vinh giá trị và vẻ đẹp giản dị của trà, người ta lập ra nhiều nghi thức trong quá trình pha chế và thưởng thức. Thêm vào đó, tín đồ trà còn thể hiện sự tinh tế và giàu qua việc lựa chọn các loại trà đắt tiền và sử dụng những bộ đồ sứ cao cấp.
Nhờ những cuốn sách do các chuyên gia trà viết, cùng với những bài thơ thưởng trà, thứ đồ uống này không chỉ là một thú vui mà còn trở thành một nghệ thuật. Trà đạo, do đó, đã trở thành một lối sống, giúp con người tạm gác lại những bộn bề của cuộc sống và tìm về bình yên, một ý nghĩa mà nhiều người vẫn giữ đến ngày nay.

Truyền thuyết
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều cùng cho rằng Bồ Đề Đạt Ma, một cao tăng đến từ Ấn Độ – nhà sáng lập Thiền tông – là người khám phá ra trà. Trong hành trình truyền đạo, Bồ Đề Đạt Ma đến miền nam Trung Quốc và lập chùa Thiếu Lâm, Shorinji theo phiên âm tiếng Nhật. Ông dành chín năm diện bích tại ngôi chùa này để suy tư về chân lý. Nhưng do ít vận động nên tứ chi ông bị teo tóp, cơ thể suy nhược, và khi gần đạt được sự giác ngộ ông bỗng cảm thấy buồn ngủ và mất tập trung. Tức giận vì đã bỏ lỡ giây phút quan trọng ấy, Bồ Đề Đạt Ma đã xé mí mắt vứt xuống đất. Nơi mí mắt rơi xuống mọc lên một loại cây, đó chính là cây trà.
Trà, một thứ dược liệu và hàng hóa
Trà, một thức uống quen thuộc, có nhiều tên gọi khác nhau trên thế giới. Trong tiếng Trung và tiếng Nhật, người ta gọi nó là “cha“, tiếng Hindi và tiếng Urdu thì kêu là “chai“. Tên tiếng Anh “tea” có nguồn gốc từ cách phát âm của thức uống này ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Trà được pha bằng cách ngâm lá non và chồi của cây Camellia sinensis trong nước nóng, loại cây này có nguồn gốc ở phía tây nam Trung Quốc.
Từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, trà được các nhà sư Phật giáo dùng hỗ trợ thiền định, giúp họ tỉnh táo và không buồn ngủ. Người ta cũng tin rằng trà có khả năng chữa trị nhiều bệnh, trong đó có chứng nôn mửa. Thời kỳ nhà Đường, trà không chỉ uống ở chùa, mà còn phổ biến trong giới quý tộc, tầng lớp đủ khả năng chi trả cho loại đồ uống xa xỉ này. Trà nhanh chóng trở thành một trụ cột kinh tế quan trọng, khi các điền trang lớn ở phía đông nam Trung Quốc tập trung vào việc trồng trà, mang lại lợi nhuận lớn cho chính phủ từ thuế. Các doanh nhân kinh doanh trà, xuất khẩu trà sang nhiều nước châu Á khác, đã trở thành những người giàu có nhất ở Trung Quốc.
Tác động đến văn hóa
Sự phổ biến của việc uống trà góp phần thúc đẩy phát triển nghệ thuật gốm sứ. Các dụng cụ cao cấp dùng để pha và uống trà, cũng như những lọ đựng trà trang nhã, trở thành một thú chơi. Yixing, một khu vực ở tỉnh Giang Tô, nổi tiếng với những ấm trà chất lượng cao. Trong một xã hội chuộng khoe khoang sự giàu có, việc sở hữu một tách trà sứ đơn giản nhưng đắt tiền chính là biểu trưng cho sự thịnh vượng.

Văn hóa uống trà trở thành một phần quan trọng trong di sản văn hóa Trung Quốc và xuất hiện rộng rãi trong nghệ thuật và văn học. Lu Yu, một nhà thơ nổi tiếng, có bài thơ ca ngợi trà trong chuyên luận thế kỷ thứ 8 của ông về phong tục và nghi lễ liên quan đến trà. Bài thơ này là lời cảm ơn của ông khi nhận được một gói trà tươi:
Đóng cửa hàn cư
Xa tránh hồng trần
Pha nước hãm trà
Một mình tận hưởng
Bát đầu tiên ấm môi nồng họng
Bát thứ hai sợ hãi xua tan
Chén thứ ba quên đi buồn chán
Chẳng khác chi đọc sách thánh hiền
Chén thứ tư mồ hôi nhỏ giọt
Rửa trôi buồn giận nhân gian
Chén thứ năm thư thái nhẹ nhàng
Chén thứ sáu lên chốn thần tiên
Chén thứ bảy hương thơm nhè nhẹ.
Lan tỏa
Việc uống trà, như nhiều phong tục văn hóa khác, lan rộng từ Trung Quốc sang các nước Đông Á lân cận. Trong số đó có vương quốc Silla ở Hàn, nhưng phổ biến nhất phải nói tới Nhật Bản, bắt đầu từ thế kỷ thứ 6 hoặc thứ 7. Tại Nhật, các nhà sư là những người đầu tiên thưởng trà, nhưng nó thực sự trở thành thú chơi vào khoảng năm 1200. Vì chất lượng của cây chè Trung Quốc cao hơn so với Nhật Bản, nên không chỉ lá trà mà cả cây chè cũng được nhập khẩu vào Nhật.
Trong phong cách pha trà Nhật Bản, lá trà thường được giã nhỏ và trộn với amazura (chất làm ngọt từ nho) hoặc gừng, sau đó ngâm trong nước nóng. Khoảng năm 1200, Nhật Bản bắt đầu mở các trường học chuyên về nghệ thuật pha trà, và mỗi người yêu trà đều có bộ ấm tách riêng cho việc này.
Trà đạo
Nghi thức thưởng trà có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng người Nhật đã thổi hồn văn hóa vào bộ môn này. Trà đạo của Nhật Bản, còn gọi là “chanoyu” (nghĩa là ‘nước nóng cho trà’) hoặc “chado” hay “sado” (nghĩa là ‘đạo của trà’), là biểu hiện tinh thần Nhật Bản. Ban đầu các cuộc thưởng trà thường khá ồn ào với những cuộc tranh luận về loại trà đang được thưởng thức, nhưng tướng quân Ashikaga Yoshimasa là người đã thay đổi lề thói này vào thế kỷ 15, biến việc thưởng trà thành thú chơi tao nhã và đòi hỏi một một không gian tĩnh lặng cho những cuộc trò chuyện sâu sắc.
Trà đạo thể hiện nguyên tắc thẩm mỹ “wabi” của Nhật Bản, một giá trị tôn vinh vẻ đẹp và sự đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Sự kết hợp giữa wabi và trà đạo gắn liền với bậc đạo sư Sen no Rikyu từ thế kỷ 16. Rikyu giảng giải trà đạo cho các lãnh chúa Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi, và cũng đề xuất sử dụng nghệ thuật cắm hoa (ikebana) để tạo ra không gian trang nhã khi thưởng trà. Mặc dù không phải lúc nào các học trò của Rikyu cũng tuân theo lời ông – ví dụ như Hideyoshi đã tổ chức một bữa tiệc trà lớn cho 800 khách vào năm 1587 – nhưng Rikyu đã để lại di sản về trà đạo đích thực, một nghi lễ nhẹ nhàng và thân mật được nhiều thế hệ tiếp tục truyền tụng.

Uống trà không chỉ là một hành động đơn giản mà còn là một nghi thức với người Nhật. Tâm điểm của nghi thức này là chashitsu, tức trà phòng. Còn được gọi là sukiya, từ này ám chỉ sự đơn giản và tự nhiên của kiến trúc phòng trà, với mái làm từ tre và tranh, cột đỡ mộc mạc và tường bằng đất. Dù có vẻ khiêm tốn, nhưng việc sở hữu một phòng trà như thế chính là thể hiện của sự giàu có. Trà phòng tạo ra không gian riêng tư, tách biệt khỏi cuộc sống hàng ngày, giúp con người tìm về bình yên. Ba phòng trà cổ xưa vẫn còn đến nay và được coi là Bảo vật Quốc gia Nhật Bản.
Trà phòng thường có diện tích nhỏ, chỉ khoảng ba mét vuông. Sen no Rikyu, một bậc thầy trà đạo, đã thay đổi kích thước truyền thống của phòng trà, khiến nó trở nên nhỏ gọn hơn. Điểm nhấn của phòng trà là sự tối giản, với một bồn rửa tay bên ngoài và một đèn lồng đá độc đáo. Một khu vườn nhỏ (cha-niwa) với lối đi lát đá (tobi-ishi) dẫn từ nhà chính tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên.
Cửa vào trà phòng rất nhỏ, chỉ cao khoảng 90 cm, hàm ý khi bước vào trong mọi người đều bình đẳng. Theo một số nhà nghiên cứu thì lối vào nhỏ cũng nhằm mục đích ngăn cản việc mang kiếm vào trong, ngụ ý rằng người thưởng trả nên giũ bỏ địa vị và tước hiệu bên ngoài. Bên trong, ánh sáng tự nhiên chiếu qua cửa sổ và màn giấy.
Mọi tiểu tiết trong cách pha trà đều có quy ước và ý nghĩa cụ thể, tuỳ thuộc vào trường phái trà đạo mà người tham gia tuân theo. Dù có nhiều sự khác biệt, những điểm chung là họ luôn chọn dụng cụ trà tốt nhất, nhất là bát trà chawan, để thưởng thức trà.
Thời cận đại
Đến thế kỷ 16, trà rất phổ biến và là nghành hàng quan trọng, thu hút sự chú ý của các thương nhân châu Âu, đặc biệt là người Bồ Đào Nha và Hà Lan. Trà du nhập vào châu Âu khoảng năm 1607. Đến thế kỷ 19, trà là thứ đồ uống gần như không thể thiếu ở châu Âu. Người tiêu thụ có thể lựa chọn giữa trà từ Trung Quốc, Ấn Độ và Ceylon (nay là Sri Lanka). Trà từ Ấn Độ và Ceylon nồng hơn, nên được chuộng hơn, đặc biệt là ở Anh, nơi đã khuyến khích việc trồng trà ở các thuộc địa Ấn Độ của mình. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 19, trà vẫn chiếm tới 80% tổng lượng xuất khẩu từ Trung Quốc sang châu Âu.