Trần Quang Long
Tomas Holsel, một học giả gạo cội người Mỹ gốc Đức luôn bảo lưu quan điểm, rằng đúng ra đỉnh núi cao nhất địa câu Everest đã có người đặt chân tới lần đầu tiên cách đây hơn tám thập niên, chứ không phải mãi tới tận giữa thế kỷ trước như nhiều người vẫn lầm tưởng. Thoạt nghe thật vô lý, vì bất cứ ai cũng biết rằng Everest – ngọn núi cao 8.848 mét trên “mái nhà thế giới” Himalaya – bị chinh phục trước tiên bởi vận động viên leo núi cự phách người New Zealand Edmund Hillary và Tenzing Norgay – một thổ dân Nepal trong vai người dẫn đường. Những bức ảnh do đích thân E.Hillary chụp về cuộc chinh phục lịch sử này đã được kiểm chứng chi tiết tại trụ sở Hiệp hội Địa lý hoàng gia Anh ở London, trước khi được công bố rộng rãi trên mặt báo tờ The Times vào giai đoạn giữa thập niên 1950 của thế kỷ XX. Đồng thời các bằng chứng tư liệu cũng cho thấy vùng sườn phía bắc Everest – thuộc phần lãnh thổ Trung Hoa – luôn phủ dày băng tuyết…
Tuy không phản bác lại thành tích của E.Hillary và T.Norgay, nhưng giáo sư T.Holsel vẫn một mực khẳng định rằng, thực ra “kỳ tích” ấy đã được hoàn tất ngay từ năm 1924 bởi một nhóm thám hiểm người Anh, họ cũng tiến hành chinh phục Everest từ mạn bắc… Sau đây là lời tường trình của T.Holsel:
“Gần trưa hôm 8-6-1924, một ngày lặng gió, phó giáo sư Viện đại học Cambridge George Mallory (1886 1924), cùng người sinh viên Andrew Irvine tháp tùng, đã khởi hành từ sườn phía bắc hướng lên đỉnh núi. Họ đã ở độ cao khoảng 8.600 mét so với mực nước biển, 250 mét còn lại tới đỉnh núi hiển nhiên sẽ được họ chinh phục tối đa là trong vòng ba giờ sau… Còn từ độ cao 7.900 mét bên dưới, Noel D’Odell – một trong những thành viên thuộc đoàn thám hiểm – đang quan sát hai người bằng ống nhòm. Anh nhìn thấy rõ cái bóng nhỏ nhắn đi trước của phó giáo sư Mallory, kế sau là hình dáng cao lớn của chàng sinh viên Irvine… Đột nhiên vào lúc 12 giờ 55 phút, hình dáng của cả hai nhà leo núi quả cảm đã vĩnh viễn “tan vào mây ngàn”, không để lại một dấu vết nào nữa cả”.
Sự kiện bi đát trên rặng Himalaya lúc ấy đã khiến cả thế giới chấn động. Một buổi truy điệu trọng thể tưởng nhớ G.Mallory và A.Irvine đã được tổ chức tại giáo đường Thánh Pavel nổi tiếng giữa kinh thành London, với sự hiện diện của vua Anh George V và hoàng hậu Alexandra. Còn những pô ảnh tư liệu về sự kiện đau buồn này, do đại úy John Noel thực hiện, đã làm xúc động hàng triệu con tim trên hành tinh. J.Noel cũng chính là một thành viên trong đoàn thám hiểm, đã dùng ống kính télé chuyên dụng chụp các cảnh minh chứng về sự mất tích của Mallory và Irvine: các túi ngủ thám hiểm được N.D’Odell, J.Hazard và hai người dẫn đường xếp thành hình chữ thập – biểu tượng cho cái chết vĩnh hằng.
Số phận rủi ro của hai nhà leo núi người Anh vào đầu thế kỷ XX đã được Tomas Holsel lưu tâm ngay từ khi còn là học sinh, sau khi đọc một bài báo kèm các bức ảnh tư liệu về câu chuyện thám hiểm bất thành… Muộn hơn, ông dốc sức vào công việc truy tìm và nghiên cứu tất cả các hồ sơ lẫn tàng thư lưu trữ có trong các thư viện, liên quan tới sự chinh phục ngọn núi cao nhất địa cầu, để sau rốt nêu ra giả thuyết mang tính thuyết phục của mình trước công luận về những người đầu tiên đã thực sự chinh phục Everest. Theo T.Holsel, thì trong 250 mét còn lại dẫn lên đỉnh núi, phó giáo sư G.Mallory đã quyết định “chia tay” với người tháp tùng Irvine để tự mình chinh phục. Với đoàn tùy tùng còn lại cũng vậy, Mallory đã buộc họ phải “trụ” lại tại trạm nghỉ số 6 – tương ứng với độ cao 8.229 mét. Đồng thời học giả T.Holsel còn thêm: “Cũng có thể nguyên nhân khiến Mallory phải tạm giã từ cậu học trò Irvine vì có sự trục trặc trong bộ máy cung cấp dưỡng khí đeo sau lưng. Rõ ràng là khí oxy đã bị đóng băng hoặc là rò rỉ.”. Vẫn theo giả thuyết của Holsel, thì Mallory quyết tận dụng thời gian, cố lên đến đỉnh núi vào xế chiều, đề còn kịp xuống núi, trở lại Trại số 6 trước lúc trời tối. Nhưng nhà khoa học lão luyện kiêm vận động viên nghiệp dư lại mặc rất “phong phanh” trước thời tiết vô cùng khắc nghiệt quanh vùng đỉnh Everest. George Mallory chỉ vận có hai chiếc áo len bên trong áo khoác lông, song song bên dưới là chiếc quần lông lót bông.
Cũng chính cái đêm 8.6.1924 đáng ghi nhớ ấy lại là một buổi tối giá lạnh nhất trong suốt thời gian thám hiểm. Ví như Roger Odel ở tại Trại số 5 ở độ cao 7.900 mét chẳng hạn, suốt cả đêm anh trằn trọc không sao ngủ được vì lạnh, cho dù anh đã đắp chồng cả hai chiếc túi ngủ cực dày. Mặt khác, học giả Holsel cũng thừa nhận: “G.Mallory thừa biết rằng khả năng sống sót của mình chỉ là “một phần ngàn của tia hy vọng”. Hiển nhiên là ông ta đã bị chết cóng trong cái đêm kinh hoàng ấy giữa đỉnh núi”. Số phận của A.Irvine cũng chẳng khả quan hơn, cho dù anh đã kịp tuột xuống lúc màn đêm giá buốt chưa ập tới, nhưng bất ngờ Irvine gặp phải bão tuyết giữa chừng, khiến bị trượt chân và rơi thẳng xuống dọc theo sườn núi phía bắc. Khi học giả Tomas Holsel cho công bố giả thuyết của mình trên tờ tạp chí chuyên ngành Mountain Magazine, ông gặp phải sự phản đối dữ dội từ giới Everest học. Tỉ như E.Hillary, người sau này được phong tước Hiệp sĩ và từng được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của New Zealand tại Cộng hòa Ấn Độ, đã gọi công trình của Holsel là một “bài luận ngu ngốc”. Còn huân tước Persi Harris, người từng tham gia vào đoàn thám hiểm Anh chinh phục Everest bất thành đạo năm 1933, lại gọi cuộc chia tay giữa Mallory và Irvine là một sự “dối trá trơ trẽn”. Riêng tác giả của công trình nghiên cứu Everest đồ sộ nhất Wolt Answer thì khẳng định: “Cả hai thầy trò Mallory không rời nhau nửa bước trong việc chinh phục phần còn lại của đỉnh núi, cũng như họ cùng tử nạn bên nhau”.
Phía ủng hộ giả thuyết của Tomas Holsel tiêu biểu là hai thành viên cùng l đoàn với Mallory thuở trước: J.Noel và N.D’Odell. Họ đều lên tiếng quả quyết: Everest huyền bí không bao giờ có thể hé lộ hết mọi bí mật trên mình!”. N.D’Odell nay đã 99 tuổi, đồng thời là vị giáo sư địa chất đầu ngành suốt mấy thập niên nay ở vương quốc Anh, tái khẳng định: “Theo tôi, ít nhất là một trong hai thầy trò Mallory đã leo được tới đỉnh Everest!”. Giả thuyết của giáo sư Tomas Holsel còn được sự hậu thuẫn từ cựu tổng thống George H.Bush – thân phụ của nguyên tổng thống Mỹ George W.Bush, người dạo năm 1975 khi đang là đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, từng tiến hành thương thảo và được Bắc Kinh cho phép giới thám hiểm Everest có thể chinh phục ngọn núi từ phần phía bắc ít hiểm trở hơn thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Mục đích kế tiếp giúp củng cố giả thuyết của Holsel là phải cử các toán thám hiểm mới lên Everest, cốt sao tìm được thi thể của cót hai thầy trò Mallory và Irvine.
Người ta cho rằng xác của hai người đã được “ướp băng” ở độ cao trên 8 ngàn mét, nơi nhiệt độ xung quanh không bao giờ vượt quá mức 0 độ C. Ngoài ra Holsel cũng hy vọng là sẽ tìm những dòng nhật ký do chính tay Mallory quả cảm viết, cũng như tìm ra các đồ vật liên quan như chiếc bình dưỡng khí hoặc một đoạn dây nào đó chẳng hạn… Trong trường hợp không hiện hữu một mẩu dây nào hết, rõ ràng là hai thầy trò Mallory đã chia tay nhau – vì không buộc tay vào nhau – ngay sau khi họ rời Trại số 6. Còn từ cuốn nhật ký của Mallory ta sẽ hiểu được vấn đề, rằng vì sao hai nhà leo núi nghiệp dư lại quyết định chinh phục 250 mét độ cao còn lại tận gần xế trưa, chứ không phải vào lúc 8 giờ sáng như dự tính? Một vật chứng rõ ràng nhất sẽ là cỗ máy ảnh hiệu Kodak mà phó giáo sư G.Mallory luôn mang bên mình, một trong những bằng chứng khiến giả thuyết về những người đầu tiên chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới của T.Holsel trở thành hiện thực.
Theo các chuyên gia của Kodak, thì trong điều kiện thời tiết luôn khổ lạnh giữa bình độ cao, các tấm phim sẽ vẫn giữ được nét “nguyên bản” bất chấp thời gian, tương tự như cách bảo quản phim trong môi trường nhiệt độ thấp – không đổi bây giờ vậy. Nhưng điều tiên quyết là phải tiến hành tráng rửa phim ngay tại chỗ – trên độ cao tương ứng; còn với cao độ thấp hơn như tại các trại tạm nghỉ phía dưới chẳng hạn, có thể hình âm bản sẽ không hiện ra do thời gian quá lâu của tám thập niên qua. Holsel tràn trề hy vọng là sẽ tìm được các cuộn phim vô giá ấy, vì “sở trường” cố hữu của Mallory – như các thành viên cùng đoàn thám hiểm cho biết – là chụp hình, ngay cả khi các ngón tay đang tê cứng vì lạnh ông vẫn lên phim và nhấn nút chụp liên hồi. Còn phim từ máy ảnh của Irvine có thể cho biết rằng phải chăng Mallory đã đi một mình lên đỉnh… Holsel quyết định đặt làm các thiết bị dò tìm cảm ứng kỹ thuật số tân tiến, giúp phát hiện ra các đồ vật cho dù đang nằm dưới lớp tuyết dày nhiều mét.
Đọc thêm
Điều đáng nói nữa là đích thân Tomas Holsel cũng tham gia vào công việc truy tìm các bằng chứng trên núi cao. Ủng hộ quan điểm của ông là câu chuyện của nhà leo núi cự phách người Nhật Bản N.Hasegawa – người từng chinh phục Everest trong năm 1979, cùng với người dẫn đường là Van Hunbao – một thổ dân người Hoa đã nhiều năm “lăn lộn” với Everest và trực tiếp đặt chân lên đỉnh núi vào năm trình “chinh phục” núi cao của mình, anh đã hai lần gặp phải xác tử thị trên các độ cao tương ứng là 6.508 mét và 8.100 mét. Người đâu đã được nhận dạng: đó là Morris Wilson, một vận động viên nghiệp dư người Anh ở hạt Yorkshire, từng bị thôi thúc bởi ý dia tưởng tự mình “chiếm lĩnh” Everest và đã bỏ mạng giữa chừng. Thế còn nạn nhân thứ hai trên độ cao 8.100 mét là ai? Theo lời Van Hunbao thì đó cũng là một người Anh. Khi Hunbao chạm tay vào quần áo của nạn nhân, tự dưng nó bục ra… “như bột mì vậy”. Còn Hasegawa không thể hỏi thêm Hunbao cho kỹ hơn được, bởi vài ngày sau anh đã bỏ mạng vì một cơn tuyết lở Riêng Hasegawa bị gãy ba cái xương sườn cũng trong vụ tai nạn ấy… Nhưng câu chuyện dang dở của người dẫn đường gạo cội nói trên đã góp phần củng cố thêm giả thuyết của Holsel, vì không xa nơi Hunbao phát hiện ra xác nạn nhân vô danh, người ta đã tìm thấy cây cuốc chim nhỏ của chàng sinh viên Irvine. Tới năm 1999 thì người ta đã tìm ra thi hài của G.Mallory trên độ cao 8.155 mét thuộc mạn bắc Everest, tuy nhiên chiếc máy ảnh “bất ly thân” của ông vẫn vương vấn đâu đó dưới các lớp băng sâu…
Riêng vận động viên huyền thoại người Italia Reinhold Messner, người duy nhất đã chinh phục tất cả các đỉnh núi cao hơn 8.000 mét của địa cầu, thì nêu nhận định: “Trường hợp George Mallory là một trong những điều bí ẩn nhất của lịch sử đương đại cần phải được khám phá một cách thuyết phục nhất!”.