Khi bắt đầu Thế chiến thứ nhất, súng máy tiêu chuẩn được sử dụng cho hầu hết quân đội châu Âu là một vũ khí cố định, bị hạn chế về khả năng cơ động do nặng nề, cồng kềnh và đòi hỏi nhiều người sử dụng, và chỉ phù hợp với tác chiến phòng thủ.
Điều đó cho thấy rằng các đơn vị bộ binh đang tiến công sẽ được yểm trợ tốt hơn nếu có các loại súng máy nhẹ hơn, dễ di chuyển hơn. Vì vậy, một số quốc gia đã thiết kế chế tạo và thử nghiệm các súng máy hạng nhẹ mà người lính bộ binh có thể mang theo bên mình.
Pháp đã bắt đầu nỗ lực như vậy một thập niên trước khi chiến tranh bùng nổ với một thiết kế khả thi, đó là súng máy Chauchat-Sutter. Năm 1915, thiết kế này được quân đội Pháp đưa vào sử dụng với tên gọi Súng trường tự động Model 1915 CSRG, từ viết tắt tên của những người chủ chốt trong nhóm thiết kế: Chauchat, Sutter, Ribeyrolles và nhà sản xuất Gladiator. Ngày nay, súng này được biết đến nhiều nhất với cái tên Chauchat, họ của người đứng đầu dự án thiết kế, Đại tá Louis Chauchat.
Chauchat là súng trường tự động cầm tay và là một trong những loại súng máy hạng nhẹ đầu tiên trên thế giới, nó tiêu biểu cho một bước nhảy vọt về hỏa lực so với súng trường bộ binh tiêu chuẩn của Pháp thời bấy giờ.
Về mặt vận hành, súng sử dụng cơ cấu hoạt động độ giật dài kiểu Browning và có cỡ nòng phù hợp với đạn súng trường tiêu chuẩn được người Pháp sử dụng vào thời điểm đó, đạn 8 x 50 mm Lebel. Súng máy Chauchat có tốc độ bắn thấp 240 viên/phút, nên dễ kiểm soát độ chính xác. Hộp đạn cong, có thể tháo rời, gắn phía dưới hộp khóa nòng. Súng nặng khoảng 9,1 kg, nhẹ hơn nhiều so với các loại súng máy tiêu chuẩn thời đó (thường khoảng 22.7kg).
Súng Chauchatcó thể được mangvà sử dụng bởi một người mà không cần phụ xạ thủ. Súng có chân 2 càng để có thể đặt trên mặt đất khi bắn. Xạ thủ cũng có thể mang súng ngang hông và vừa đi vừa bắn, cách này người Anh gọi là “walking fire”. Bằng cách này, Chauchat có thể vừa được di chuyển vừa cung cấp hỏa lực chế áp chobộ binh đang tiến lên, giúp họ dọn sạch các vị trí của địch và đánh bật các cuộc phản công của chúng cho đến khi súng máy hạng nặng được chuyển đến.
Chauchat dễ chế tạo, các bộ phận của nó trông giống như các bộ phận của xe đạp bởi vì nó được sản xuất bởi Công ty Gladiator, nơi sản xuất xe đạp, xe máy và xe hơi của Pháp trong thời bình. Có lẽ khả năng lớn nhất mà Chauchat và các vũ khí tương tự thời kỳ đó mở ra là khả năng của ngành công nghiệp dân sự trong việc chế tạo vũ khí hạng nhẹ. Chuyển đổi ngành công nghiệp dân sự sang sản xuất thời chiến có nghĩa là nhiều ngành công nghiệp quốc gia có thể tham gia vào nỗ lực chiến tranh.
Công ty Gladiator đã sản xuất hơn 240.000 khẩu Chauchat dùng đạn súng trường Lebel 8mm, cộng thêm 20.000 khẩu cỡ nòng 30.06 cho Lục quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ở Châu Âu. Trong Thế chiến thứ nhất, ngoài Pháp và Hoa Kỳ, súng máy Chauchat còn được các nước Đức, Serbia, Bỉ, Hy Lạp và Ba Lan sử dụng.
Với công nghệ vũ khí vào thời điểm đó, Chauchat là loại súng máy hạng nhẹ có độ tin cậy khá cao trong điều kiện tốt. Chauchat được người Pháp sử dụng rộng rãi cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ nhất. Nó cũng được Lực lượng Viễn chinh Hoa Kỳ sử dụng vì Hoa Kỳ chưa trang bị súng máy hạng nhẹ tiêu chuẩn vào năm 1917.
Hoa Kỳ đã mua những khẩu CSRG 1915 do Pháp sản xuất, được sử dụng lần đầu tiên bởi Sư đoàn bộ binh số 1 của Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1917. Cuối cùng, 18 sư đoàn Hoa Kỳ đã sử dụng Chauchat trước khi chiến tranh kết thúc vào tháng 11 năm 1918. Đây là loại súng máy hạng nhẹ được sản xuất nhiều nhất trong chiến tranh.
Tuy nhiên, Chauchat lại bị mang tiếng xấu trong trí nhớ của mọi người vì độ tin cậy kém. Điều này một phần là do điều kiện của chiến tranh hầm hào mà nó được sử dụng cũng như quá trình chế tạo.
Đọc thêm
Các chiến hào trong Thế chiến thứ nhất đầy bùn và cát, chúng tìm đường vào mọi khe hở. Các băng đạn của Chauchat thường có các lỗ hởở bên băng đạn để người dùng có thể xem lượng đạn còn lại. Bùn và cát lọt vào những lỗ hở này khiến đạn bị kẹt, không nạp được.
Một vấn đề khác là việc chế tạo một số bộ phận bằng công nghệ dập, điều này tương đối hiếm gặp trong các loại súng quân sự vào thời điểm đó. Các bộ phận được dập có thể dễ bị hư hỏng hơn khi sử dụng và bị biến dạng do nhiệt sinh ra nếu bắn liên tục trong chiến đấu. Trường hợp quá nhiệt cũng làm cho ống bọc nòng súng biến dạng, gây ra tình trạng ngừng hoạt động. Nói chung Chauchat hoạt động tốt khi bắn từng loạt ngắn, nhưng không hoạt động tốt khi bắn liên tục.
Tranh cãi về độ tin cậy của Chauchat cũng xuât phát phần lớn từ phiên bản Chauchat sử dụng đạn 30-06 (7,62mm) dành cho quân đội Hoa Kỳ. Phiên bản không theo đúng các tiêu chuẩn về thiết kế hoặc chất lượng như CSRG 1915 sử dụng đạn Lebel 8×50 mm, do đó không có độ tin cậy hoặc hiệu suất như phiên bản gốc. Vì vậy, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng CSRG 1915 bất chấp vấn đề hậu cần do đạn Lebel 8×50 mm không phải là đạn tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn và Chauchat bị coi là một thất bại, trong khi trên thực tế, nó là một loại súng máy hạng nhẹ khá tốt và được sử dụng rộng rãi.
Tiền tuyến yêu cầu nhiều Chauchat đến nỗi công ty Gladiator sản xuất bao nhiêu cũng không đủ, thế nên những thay đổi thiết kế sẽ phải … đợi đến khi chiến tranh chấm dứt. Không có gì để thay thế nó, quân Đồng minh đang ở trong một tình trạng bó buộc, thà có một khẩu Chauchat vẫn tốt hơn là không có gì. Mãi đến sau Thế chiến thứ nhất người ta mới có những cải tiến đáng kể đối với Chauchat.
Chauchat vẫn tiếp tục được sử dụng trong chiến tranh Ba Lan-Xô Viết (1919-1921), Ba Lan sử dụng hơn 2 ngàn khẩu do Pháp tặng, sau đó mua thêm 11.869 khẩu và định danh lại là RKM wz 15 để trang bị như súng máy hạng nhẹ tiêu chuẩn.
Trong chiến tranh Mùa Đông (1939), Pháp đã tặng cho Phần Lan 5 ngàn khẩu nhưng do được giao quá trễ nên đến năm 1941, Phần Lan mới đem ra dùng trong cuộc “Chiến tranh Tiếp diễn”. Trong Thế chiến II, Đức đã giao cho Hungary một số súng Chauchat. Hy Lạp cũng sử dụng Chauchat trong cuộc chiến tranh với Ý.
Dường như súng Chauchat cũng xuất hiện ở một thời điểm nào đó trong chiến tranh Việt Nam.