Trong mọi nền văn minh, nghệ thuật luôn giữ một vai trò thiết yếu. Khi con người đã vượt qua được các nhu cầu sống cơ bản như ăn uống, chỗ ở, cộng đồng, và tín ngưỡng thì văn hóa của họ sẽ tự động sản sinh ra nghệ thuật. Những nền tảng này của xã hội thường cùng nhau hình thành ít nhiều song song.
Ở Ai Cập cổ đại, quá trình này bắt đầu vào thời kỳ Tiền Triều Đại ở Ai Cập (khoảng 6000 – 3150 TCN). Lúc đó, nghệ thuật xuất hiện dưới dạng hình vẽ động vật, con người và các vị thần được khắc trên vách đá. Dù còn khá thô sơ so với những tác phẩm sau này, chúng vẫn thể hiện một giá trị quan trọng trong tâm thức văn hóa Ai Cập: đó là sự cân bằng.
Xã hội Ai Cập được xây dựng trên khái niệm về sự hài hòa được gọi là “ma’at“. Ma’at là quy luật hình thành khi vũ trụ ra đời và duy trì sự sống. Toàn bộ nghệ thuật Ai Cập đều dựa trên sự cân bằng hoàn hảo vì phản ánh thế giới lý tưởng của các vị thần. Cũng giống như việc các thần linh ban phát những điều tốt đẹp cho nhân loại, mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời với công dụng cụ thể của nó.
Nghệ thuật Ai Cập luôn đề cao tính hữu dụng lên trên hết. Cho dù một bức tượng được tạc đẹp đến đâu, mục đích thực sự của nó là làm nơi cư ngụ cho một linh hồn hoặc vị thần. Bùa hộ mệnh được thiết kế để thu hút, nhưng vẻ đẹp của nó không phải là ưu tiên hàng đầu, việc bảo vệ chủ nhân mới là quan trọng nhất. Tranh trên tường lăng mộ, trang trí đền thờ, hay các khu vườn trong nhà và cung điện đều được tạo ra với hình thức phục vụ mục đích nhất định. Trong nhiều trường hợp, mục đích đó là nhắc nhở người dân về sự vĩnh cửu của cuộc sống và giá trị của sự ổn định trong xã hội.
Khía cạnh Cân Đối Trong Tác Phẩm Cổ Đại
Giá trị của sự cân bằng, được thể hiện dưới dạng đối xứng, đã ảnh hưởng đến nghệ thuật Ai Cập ngay từ buổi đầu. Nghệ thuật khắc đá từ thời kỳ Tiền Triều đại đã đặt nền tảng cho giá trị này. Sau đó nó tiếp tục được phát triển và hoàn thiện trong Thời kỳ Sơ Triều đại Ai Cập (khoảng 3150 – 2613 TCN). Nghệ thuật thời kỳ này đã đạt đến đỉnh cao với tác phẩm được gọi là Bảng đá Narmer (khoảng 3200-3000 TCN). Đây là hiện vật được làm ra để kỷ niệm sự thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập dưới thời Vua Narmer (khoảng 3150 TCN).
Bảng đá Namer chạm khắc trên một phiến đá sa thạch, hình dáng như chiếc khiên mũi nhọn, thuật lại câu chuyện chiến thắng hiển hách của vua Namer trước kẻ thù. Các vị thần đã ra tay tương trợ và tán thành hành động của ông. Mặc dù một số hình ảnh trên bảng đá còn chưa rõ ý nghĩa, nhưng chủ đề thống nhất đất nước và tôn vinh nhà vua là khá rõ ràng.
Ở mặt trước có hình hai con bò đực thể hiện sức mạnh thần thánh của Narmer (có thể là thần bò Apis). Ông đội vương miện Thượng và Hạ Ai Cập trong một cuộc diễu hành chiến thắng. Bên dưới là hai người đàn ông đang khống chế hai con thú đan vào nhau, có lẽ tượng trưng cho Thượng và Hạ Ai Cập (tuy nhiên, quan điểm này vẫn đang gây tranh cãi và dường như không có cơ sở chính đáng). Mặt sau bảng đá là hình ảnh chiến thắng của nhà vua, cùng hình ảnh các vị thần theo dõi và thể hiện sự đồng tình. Tất cả các cảnh này đều được chạm khắc nổi thấp với kỹ thuật tinh vi.
Kỹ thuật này sau đó hoàn thiên vào cuối thời kỳ Sơ triều đại bởi kiến trúc sư Imhotep (khoảng 2667-2600 TCN) trong việc thiết kế quần thể kim tự tháp của Vua Djoser (khoảng 2670 TCN). Hình ảnh hoa sen, cây cói và biểu tượng djed được chạm khắc tinh xảo, cả nổi cao và nổi thấp, vào kiến trúc nơi đây. Đến thời này, các nhà điêu khắc cũng đã thành thạo nghệ thuật tạc đá để tạo ra các bức tượng ba chiều với kích thước giống người thật. Bức tượng của Djoser là một trong những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất từ thời kỳ này.
Nghệ thuật Ai Cập thịnh vượng dưới thời Cựu Vương Quốc
Kỹ nghệ điêu khắc của người Ai Cập phát triển rực rỡ trong giai đoạn Cựu Vương Quốc (khoảng 2613-2181 TCN). Lúc bấy giờ, chính quyền trung ương hùng mạnh và kinh tế phát triển, tạo điều kiện xây dựng các công trình hoành tráng như Kim tự tháp Giza, tượng nhân sư Sphinx, hay lăng mộ và đền thờ trang trí tinh xảo. Các cột đá Obelisk vốn bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ Sơ triều đại cũng được trau chuốt và sử dụng rộng rãi hơn trong thời Cựu Vương Quốc.
Tranh lăng mộ ngày càng phức tạp, nhưng tượng phần lớn vẫn giữ nguyên phong cách cũ. Một ví dụ về điều này là khi so sánh tượng Djoser từ Saqqara với tượng ngà nhỏ mô tả vua Khufu (2589-2566 TCN), được tìm thấy ở Giza – nhìn chung, chúng có kỹ thuật và hình thức tương tự nhau. Mặc dù vậy, chất lượng của cả hai tác phẩm này đều thuộc hàng kiệt xuất với các chi tiết làm rất tỉ mỉ.
Nghệ thuật thời Cựu Vương Quốc do nhà nước quản lý, điều này có nghĩa là vua hoặc quý tộc cấp cao sẽ đặt hàng một tác phẩm và quyết định luôn phong cách thực hiện. Đây là lý do tại sao chúng ta thấy các tác phẩm nghệ thuật thời Cựu Vương Quốc mang tính đồng nhất: các nghệ nhân khác nhau có thể có tầm nhìn riêng, nhưng trên thực tế họ phải sáng tạo theo yêu cầu của khách hàng. Mô hình này đã thay đổi khi Cựu Vương Quốc sụp đổ và bắt đầu Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ nhất (2181-2040 TCN).
Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ nhất: cái nhìn đa chiều hơn
Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ nhất từ lâu đã bị mô tả là thời kỳ hỗn loạn và đen tối, các tác phẩm nghệ thuật từ thời đại này đã từng được dùng để củng cố cho những đánh giá tiêu cực đó. Lập luận đó chủ yếu dựa trên nhận định rằng sản phẩm của Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ nhất có chất lượng kém, đồng thời giai đoạn này thiếu vắng các dự án xây dựng hoành tráng, từ đó chứng minh văn hóa Ai Cập như đang trượt dài theo hướng vô chính phủ và tan rã. Nhưng trên thực tế, đây lại là thời kỳ chứng kiến sự thay đổi và tăng trưởng to lớn về mặt văn hóa của Ai Cập. Nghệ thuật bị cho là kém chất lượng là hậu quả của việc thiếu một chính phủ trung ương mạnh, và theo đó là không còn đơn đặt hàng nghệ thuật từ nhà nước nữa.
Giờ đây, các khu vực tự do phát triển tầm nhìn nghệ thuật của riêng họ và thỏa sức sáng tạo. Các tác phẩm nghệ thuật của Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ nhất không hề “kém chất lượng”; chúng chỉ đơn giản là khác với phong cách thời Cựu Vương Quốc. Việc không còn các dự án kiến trúc hoành tráng trong thời kỳ này cũng dễ giải thích: các triều đại thời Cựu Vương Quốc đã cạn kiệt ngân khố quốc gia cho những dự án phục vụ chính họ, và đến thời kỳ Vương triều thứ năm thì chẳng còn nguồn lực nào cho các công trình tầm cỡ nữa. Sự sụp đổ của Cựu Vương Quốc sau Vương triều thứ sáu chắc chắn là một thời kỳ gây hoang mang, nhưng không có bằng chứng cho thấy thời đại tiếp theo là một giai đoạn ‘tăm tối’ theo bất cứ nghĩa nào.
Nghệ thuật mở ra cho đại chúng
Không chỉ sản sinh ra một vài tác phẩm chất lượng, Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ nhất còn chứng kiến sự ra đời của nghệ thuật đại trà. Những đồ vật trước đây được làm bởi một nghệ nhân duy nhất, giờ đây được sản xuất và lắp ráp hàng loạt. Bùa hộ mệnh, quan tài, đồ gốm sứ và búp bê shabti là ví dụ về xu hướng đó.
Búp bê Shabti là đồ bồi táng quan trọng chôn cùng với người chết – theo tín ngưỡng, chúng sẽ sống lại ở thế giới bên kia và làm các công việc thay cho chủ của mình. Trước đây, chúng được làm từ sứ, đá hoặc gỗ, nhưng sang đến Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ nhất thì phần lớn chuyển thành làm bằng gỗ và sản xuất hàng loạt để bán với giá rẻ. Shabti rất quan trọng vì chúng cho phép linh hồn người chết được nghỉ ngơi ở thế giới bên kia, trong khi linh thể búp bê làm việc thay. Trước đây, chỉ có người giàu mới có đủ khả năng chi trả cho búp bê shabti, nhưng đến giai đoạn này, những người bình dân cũng mua được.
Sự trỗi dậy trong thời Trung Vương Quốc
Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ nhất kết thúc khi Mentuhotep II (khoảng 2061-2010 TCN) của Thebes đánh bại các vị vua của Herakleopolis và bắt đầu thời kỳ Trung Vương quốc Ai Cập (2040-1782 TCN). Thebes lúc này trở thành kinh đô của Ai Cập và một chính quyền trung ương mạnh mẽ khôi phục quyền định hướng thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật. Dù vậy, các nhà cai trị của Trung Vương quốc vẫn khuyến khích các phong cách khác nhau từ các vùng miền. Nghệ thuật Trung Vương quốc nổi bật ở cả đề tài khai phá lẫn kỹ thuật tinh xảo, dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và tìm cách bắt chước nghệ thuật từ Cựu Vương Quốc.
Nghệ thuật tinh tế và trân trọng cuộc sống
Trung Vương quốc thường được coi là đỉnh cao của văn hóa Ai Cập. Lăng mộ của Mentuhotep II là một tác phẩm nghệ thuật đồ sộ điêu khắc từ vách đá gần Thebes, hòa trộn nhuần nhuyễn với cảnh quan thiên nhiên. Những bức tranh, bích họa và tượng điêu khắc trong lăng mộ cũng cho thấy mức độ tinh tế cao và tôn vinh tính đối xứng. Trang sức cũng đã được nâng tầm đỉnh cao trong thời kỳ này với một số kiệt tác bậc nhất trong lịch sử Ai Cập. Mặt dây chuyền từ thời trị vì của Senusret II (khoảng 1897-1878 TCN), món quà dành cho công chúa, được chế tác từ những sợi vàng mỏng gắn vào đế vàng đặc dát 372 viên đá bán quý. Tượng các vị vua và hoàng hậu được chạm khắc tỉ mỉ với độ chính xác và vẻ đẹp mà nhiều tác phẩm của Cựu Vương quốc chưa có được.
Tuy nhiên, khía cạnh nổi bật nhất của nghệ thuật Trung Vương quốc chính là đề tài. Thay vì giới quý tộc, người dân thường xuất hiện thường xuyên hơn trong giai đoạn này. Ảnh hưởng của Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ nhất tiếp tục hiển hiện trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật của Trung Vương quốc, nơi người lao động, nông dân, vũ công, ca sĩ và cuộc sống thường nhật được chú ý gần như ngang bằng với các vị vua, quý tộc và các vị thần. Tác phẩm nghệ thuật trong các lăng mộ vẫn phản ánh quan điểm truyền thống về thế giới bên kia, nhưng văn học thời này đặt câu hỏi về đức tin cũ và đề nghị người ta nên tập trung vào cuộc sống duy nhất chắc chắn đang có: cuộc sống hiện tại.
Nghệ thuật hiện thực và cảm xúc chân thật
Sự nhấn mạnh vào cuộc sống trần thế này được phản ánh trong các tác phẩm nghệ thuật mang tính hiện thực hơn. Các vị vua như Senusret III (khoảng 1878-1860 TCN) được miêu tả trong các bức tượng y như hình ảnh thực của họ thay vì theo một hình mẫu lý tưởng vĩnh cửu. Các học giả công nhận điều này qua sự nhất quán và chi tiết của các tác phẩm tái hiện. Senusret III được thấy trong các tác phẩm khác nhau ở các độ tuổi khác nhau, đôi khi lộ vẻ mệt mỏi, đôi khi đắc thắng, trong khi các vị vua của các thời đại trước luôn được thể hiện ở cùng một độ tuổi (trẻ trung) và theo cùng một cách (quyền lực). Nghệ thuật Ai Cập nổi tiếng là vô cảm bởi vì người Ai Cập nhận ra rằng cảm xúc chỉ là nhất thời và người ta sẽ không muốn hình ảnh vĩnh cửu của mình chỉ phản ánh một khoảnh khắc trong cuộc đời mà là toàn bộ cuộc sống của họ.
Nghệ thuật Trung Vương quốc tuân theo nguyên tắc này, nhưng đồng thời cũng ngầm ẩn nhiều trạng thái cảm xúc của người thể hiện hơn, so với các thời kỳ trước. Cho dù thế giới bên kia được nhìn nhận như thế nào vào thời điểm này, trọng tâm của nghệ thuật luôn hướng đến hiện thực trần thế. Hình ảnh về thế giới bên kia có cảnh con người tận hưởng những thú vui giản đơn của cuộc sống trên trái đất như ăn uống, gieo và thu hoạch lúa. Chi tiết của những cảnh này nhấn mạnh những thú vui của cuộc sống, những thứ mà người ta nên tận dụng tối đa. Vòng cổ cho chó trong thời gian này cũng trở nên tinh xảo hơn, cho thấy đời sống có nhiều thời gian giải trí để đi săn và chú ý nhiều hơn đến việc trang trí cho các vật dụng hàng ngày.
Vương quốc Trung Cổ bắt đầu tan rã trong Vương triều thứ 13 khi các nhà cai trị trở nên quá an nhàn và xao nhãng việc triều chính. Người Nubia xâm lấn từ phía nam trong khi một dân tộc ngoại bang, người Hyksos, giành được chỗ đứng đáng kể ở vùng đồng bằng phía bắc. Chính quyền tại Thebes mất quyền kiểm soát phần lớn đồng bằng sông Nile vào tay người Hyksos và bất lực trước sức mạnh ngày càng tăng của người Nubia; chính quyền này nhanh chóng lỗi thời, đưa đến thời kỳ được gọi là Thời kỳ Chuyển tiếp thứ hai (khoảng 1782 – khoảng 1570 TCN). Trong thời gian này, chính quyền tại Thebes tiếp tục ra lệnh tạo nên các tác phẩm nghệ thuật nhưng chỉ ở quy mô nhỏ hơn, trong khi người Hyksos hoặc chiếm dụng các tác phẩm trước đó cho đền thờ của họ hoặc đưa ra chỉ thị cho những tác phẩm lớn hơn.
Thời kỳ Chuyển Tiếp Thứ Hai
Nghệ thuật của Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ hai vẫn kế thừa phong cách từ Trung Vương quốc nhưng thường kém tinh xảo hơn. Những nghệ nhân giỏi nhất được giới quý tộc ở Thebes trọng dụng và tạo ra những tác phẩm đỉnh cao, trong khi đó các nghệ sĩ không phục vụ hoàng gia lại ít kỹ năng hơn. Cũng như thời kỳ trước, giai đoạn này thường bị cho là thiếu tổ chức và hỗn loạn, và tác phẩm nghệ thuật cũng bị coi là minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tác phẩm tinh tế được tạo ra vào thời đại này, chỉ là quy mô của chúng nhỏ hơn mà thôi.
Thời kỳ người Hyksos
Những bức tranh trong lăng mộ, tượng, phù điêu đền thờ, vòng trang sức ngực, mũ miện và các món đồ khác vẫn tiếp tục được chế tác tỉ mỉ. Đáng chú ý là người Hyksos, dù thường bị các văn sĩ Ai Cập về sau bôi nhọ, lại có đóng góp cho sự phát triển văn hóa của đất nước này. Họ sao chép và bảo tồn nhiều tác phẩm văn học viết tay từ thời kỳ trước, một số còn tồn tại đến ngày nay. Không chỉ vậy, người Hyksos còn sao chép cả tượng và các tác phẩm nghệ thuật khác.
Cuối cùng, người Hyksos bị đuổi đi bởi vị hoàng tử Thebes có tên Ahmose I (khoảng 1570-1544 TCN). Sự kiện này đánh dấu khởi đầu của Tân Vương quốc (khoảng 1570 – 1069 TCN). Đây là thời đại nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập, gắn liền với các vị vua quen thuộc và những tác phẩm nghệ thuật đặc trưng nhất. Những bức tượng khổng lồ bắt đầu xuất hiện trong Trung Vương Quốc trở nên phổ biến hơn. Đền Karnak với Đại sảnh Hypostyle được mở rộng liên tục, Sách của người chết cũng được sao chép nhiều hơn (có cả tranh minh họa đi kèm!) và các đồ tùy táng như búp bê shabti được chế tác với chất lượng tốt hơn rất nhiều.
Đế chế Tân Vương quốc
Đây chính là thời kỳ Ai Cập mở rộng thành một đế chế hùng mạnh. Khi các biên giới được nới rộng, nghệ sĩ Ai Cập tiếp xúc với nhiều phong cách và kỹ thuật nước ngoài, giúp họ nâng cao tay nghề. Đặc biệt, kỹ thuật luyện kim của người Hittites mà Ai Cập học hỏi để làm vũ khí cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nghệ thuật. Sự giàu có của vương quốc được phản ánh qua quy mô và chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ này.
Pharaoh Amenhotep III (1386-1353 TCN) cho xây dựng vô số di tích và đền thờ, đến nỗi các học giả sau này cho rằng ông có một triều đại đặc biệt dài. Một trong những công trình vĩ đại nhất Amenhotep III để lại là các tượng đài Colossi of Memnon: hai bức tượng khổng lồ mô tả nhà vua đang ngồi với chiều cao lên tới 18m và khối lượng 720 tấn mỗi bức. Khi được dựng lên, chúng nằm ở lối vào lăng mộ của Amenhotep III, nơi hiện không còn nữa.
Những thay đổi dưới thời Akhenaten
Con trai của Amenhotep III, Amenhotep IV, sau này được biết đến nhiều hơn với cái tên Akhenaten (1353-1336 TCN). Ông chọn cái tên này sau khi cải đạo theo thần Aten và xóa bỏ các truyền thống tôn giáo cổ xưa của đất nước. Trong thời kỳ này (được gọi là Thời kỳ Amarna), nghệ thuật trở lại với chủ nghĩa hiện thực đặc trưng của Trung Vương quốc. Đến đầu Tân Vương quốc, các mô tả nghệ thuật đã chuyển dịch trở lại theo hướng lý tưởng hóa. Dù nữ hoàng Hatshepsut (1479-1458 TCN) được khắc họa khá thực tế. phần lớn chân dung của giới quý tộc khác lại thể hiện lý tưởng Cổ Vương Quốc với đường nét gương mặt hình trái tim và nụ cười thường trực. Nghệ thuật thời kỳ Amarna lại chân thực đến mức các học giả ngày nay có thể đưa ra những chẩn đoán hợp lý về bệnh tật của các nhân vật trong tác phẩm.
Hai trong số các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập nổi tiếng nhất được ra đời trong thời kỳ này: tượng bán thân của Nefertiti và chiếc mặt nạ vàng của Tutankhamun. Nefertiti (khoảng 1370-1336 TCN) là vợ của Akhenaten, và bức tượng bán thân của bà (do nhà khảo cổ học người Đức Borchardt phát hiện tại Amarna vào năm 1912) gần như trở thành biểu tượng của Ai Cập ngày nay. Tutankhamun (khoảng 1336-1327 TCN) là con trai của Akhenaten (nhưng không phải của Nefertiti), người đang trong quá trình dỡ bỏ cải cách tôn giáo của cha và đưa Ai Cập trở lại với tín ngưỡng truyền thống thì qua đời khi chưa đầy 20 tuổi. Ông được biết đến nhiều nhất với ngôi mộ nổi tiếng (được phát hiện năm 1922) và số lượng đồ tạo tác khổng lồ trong đó.
Chiếc mặt nạ vàng và các đồ vật bằng kim loại khác được tìm thấy trong lăng mộ đều là kết quả của những sáng tạo kỹ thuật luyện kim học được từ người Hittites. Nghệ thuật thời Đế chế Ai Cập nằm trong số những thành tựu vĩ đại nhất của nền văn minh này, nhờ vào sự ham học hỏi các kỹ thuật mới và phong cách khác của chính người Ai Cập. Trước khi người Hyksos đặt chân đến Ai Cập, họ coi các quốc gia khác là man di và không đáng để quan tâm. “Cuộc xâm lược” của người Hyksos đã buộc người Ai Cập phải công nhận các giá trị của nền văn hóa khác và học hỏi từ họ.
Nghệ Thuật Ai Cập và Ảnh Hưởng Qua Các Thời Kỳ
Những kỹ thuật nghệ thuật được tiếp nối qua Đệ Tam Vương Triều Trung Cổ (khoảng 1069-525 TCN) và Hậu Vương Triều (525-332 TCN), vốn được đánh giá kém hơn so với các thời kỳ vĩ đại trước đó do không có một chính phủ trung ương mạnh. Dù chịu ảnh hưởng bởi thời thế và nguồn lực hạn chế, nghệ thuật của các giai đoạn này vẫn có chất lượng đáng kể. Nhà Ai Cập học David P. Silverman nhận xét rằng “nghệ thuật của thời kỳ này phản ánh hai thế lực đối lập nhau: truyền thống và sự thay đổi” (222). Những người thống trị Kush vào Hậu Vương Triều của Ai Cập Cổ đại đã hồi sinh nghệ thuật của thời Cổ Vương Quốc nhằm đồng hóa bản thân với truyền thống lâu đời nhất của Ai Cập, trong khi giới quý tộc bản địa lại tìm cách phát triển các hình thức thể hiện nghệ thuật từ thời Tân Vương Quốc.
Mô hình tương tự tiếp tục diễn ra sau cuộc xâm lược của người Ba Tư vào năm 525 TCN. Người Ba Tư tôn trọng văn hóa Ai Cập, vì vậy họ tìm cảm hứng từ nghệ thuật và kiến trúc Cổ Vương Quốc. Thời kỳ Ptolemaic (323-30 TCN) pha trộn nghệ thuật Ai Cập và Hy Lạp. Một ví dụ là những bức tượng thần Serapis – vị thần kết hợp cả thần Hy Lạp lẫn Ai Cập. Nghệ thuật của thời kỳ Ai Cập thuộc La Mã (30 TCN-646 SCN) cũng theo mô hình này. Người La Mã đã dựa vào các chủ đề và kỹ thuật Ai Cập cổ xưa, điều chỉnh các vị thần Ai Cập để phù hợp với văn hóa La Mã. Tranh lăng mộ trong thời kỳ này mang đậm nét La Mã nhưng vẫn giữ những quy tắc bắt đầu từ thời kỳ Cổ Vương Quốc.
Nghệ thuật của những nền văn hóa sau này đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, kỹ thuật và phong cách châu Âu sau đó hơn 1.000 năm, cho đến những biến đổi cuối thế kỷ 19, ví dụ như phong trào Nghệ Thuật Vị Lai ở Ý, bắt đầu phá vỡ quá khứ. Nghệ thuật Hiện đại vào đầu thế kỷ 20 đã thúc đẩy khán giả nhìn lại những chủ đề truyền thống dưới một lăng kính mới. Những họa sĩ như Picasso và Duchamp muốn người xem đặt câu hỏi về những thứ vốn quen thuộc trong nghệ thuật – và rộng hơn, trong cuộc sống – bằng cách sáng tạo nên những tác phẩm gây sốc, khác biệt hẳn về phong cách lẫn kỹ thuật so với truyền thống. Các tác phẩm của họ chỉ có thể ra đời nhờ vào những tiền lệ mà người Ai Cập cổ đại đã tạo nên.