Blog Lịch Sử

Mối tình vụng trộm của nhà bác học thiên tài Marie Curie

Nhà bác học Marie Skłodowska-Curie từng có mối tình vụng trộm với học trò, khiến sự nghiệp bà lao đao.

tinh yeu marie curie

“Người đàn bà ngoại quốc chuyên ve vãn đàn ông Pháp”, “Đ.ả đảo người nước ngoài”, “Kẻ trộm chồng”, thậm chí còn có những lời đe dọa tống tù hoặc ít nhất là trục xuất người phụ nữ nước ngoài này. Báo chí, đặc biệt hai tờ L’Action Française và L’Oeuvre, đã tô đậm “sự suy đồi đạo đức” của người phụ nữ Ba Lan này và gọi bà là “kẻ hủy hoại hôn nhân”.

Nhân vật đó chính là nhà bác học thiên tài Marie Skłodowska-Curie. Mối tình vụng trộm với người học trò đã khiến bà suýt mất giải Nobel thứ hai khi đã là góa phụ. Chồng bà, Pierre Curie qua đời trong một vụ tai nạn trên đường phố, do bị xe ngựa cán ch.ết.

KHI HỌC TRÒ TRỞ THÀNH TÌNH NHÂN

Paul Langevin, nghiên cứu sinh do vợ chồng Curies hướng dẫn, đồng thời là cộng sự thân thiết của họ, người kế vị Pierre ở lĩnh vực vật lý và hóa học, kém Maria 5 tuổi, sống trong một cuộc hôn nhân bất hạnh, luôn bị vợ và bà mẹ vợ ương ngạnh đè đầu cưỡi cổ.

Vài năm sau cái chết của Pierre Curie, Marie và Paul trở nên thân thiết. Họ cố gắng giữ kín chuyện tình cảm của mình. Paul Langevin đã bí mật thuê một căn hộ hai phòng để làm nơi cho hai người gặp gỡ. Nhưng thiên diễm tình kéo dài không lâu. Lần nọ, Jeanne, vợ của Paul Langevin, tình cờ phát hiện trong túi áo của chồng một bức thư của Marie, nội dung tuy chỉ liên quan đến công việc nhưng được viết với phong cách kỳ lạ.

Jeanne bắt đầu nghi ngờ, vì theo lẽ thường, những người gặp nhau hàng ngày ở nơi làm việc không viết thư cho nhau. Theo Jeanne, đây chỉ có thể là một mối tình vụng trộm. Cô bắt đầu gây gổ với chồng, thậm chí không cho Paul về nhà.

Chân dung Marie thời trẻ
Chân dung Marie thời trẻ

Lo lắng về việc người yêu vắng mặt mấy ngày, Marie Sklodowska-Curie đã nhờ bạn chung của hai người là nhà vật lý Jean Perrin, đi tìm hiểu tình hình. Qua Jean, cô biết được rằng mối tình của cô với Paul Langevin không còn là bí mật nữa. Vợ Paul dọa tiết lộ chuyện ngoại tình của chồng lên báo chí. Điều này hứa hẹn một vụ bê bối lớn.

Theo yêu cầu của Maria, Perrin đã làm trung gian cho cuộc đàm phán của gia đình cha mẹ hai bên (Paul và Jeanne). Kết quả, đôi bên quyết định rằng Paul và Maria sẽ không gặp nhau ngay cả vì lý do công việc, còn Jeanne sẽ ngừng đe dọa Marie và quan trọng nhất là sẽ không tiết lộ sự thật ngoại tình của chồng trên báo chí.

Bất chấp sự thỏa hiệp đã đạt được, một cuộc chiến vẫn nổ ra giữa Maria và Jeanne, mà đã là cuộc chiến thì mọi thủ đoạn đều được phép (!).

Maria không chấm dứt trao đổi thư từ và các cuộc gặp gỡ với Paul, hy vọng rằng, như anh đã hứa, anh sẽ ly hôn với Jeanne và họ sẽ công khai phát triển một mối quan hệ chính thức. Cô nhất quyết đòi hỏi điều này, thúc giục Langevin ly thân và trước hết là ngay lập tức chấm dứt việc gần gũi thể xác với Jeanne.

Maria viết cho Paul: “Hãy làm đi, anh yêu, em xin anh, đừng để mình bị động bởi những giọt nước mắt và lời than thở của cô ấy. Hãy nhớ dụ ngôn con cá sấu khóc vì không ăn được con mồi. Nước mắt của vợ anh cũng như thế thôi. Cuối cùng cô ấy phải hiểu rằng không thể mong đợi bất cứ điều gì từ anh”.

Trong một lá thư khác, Marie hướng dẫn Paul cách cư xử ở nhà để đạt được sự ly thân để tiến tới ly hôn: “Em biết không dễ dàng gì nhưng anh phải tước bỏ hoàn toàn mọi thứ có thể mang lại cho cô ấy niềm vui, những gì làm hài lòng cô ấy hoặc khơi dậy hy vọng hòa giải. Và ngay cơ hội đầu tiên, khi cô ta hé lộ lời đề nghị chia tay, anh phải chấp nhận mọi điều kiện của cô ta mà không do dự, như vậy thì cô ta sẽ không có cớ gì để tống tiền anh nữa cả”.

BẠI LỘ

Trước sự nài nỉ của Maria, Paul đã phải chuyển đến sống với gia đình Perrins và phải tiếp tục đấu tranh đòi ly thân và ly hôn với vợ. Jeanne Langevin cũng không tin vào sự thỏa hiệp. Cô thuê thám tử để theo dõi chồng mình. Vì vậy, việc tìm ra địa chỉ căn hộ nơi Paul và Maria gặp nhau chẳng mấy khó khăn. Đồng thời, khi “kiểm tra” tủ quần áo của Paul, cô cũng tìm thấy chìa khóa căn hộ này.

Bí mật thâm nhập căn hộ, Jeanne Langevin phát hiện ra những món quần áo phụ nữ, nhưng đặc biệt nhất là những bức thư Maria viết cho Paul, có nôi dung là những hướng dẫn rất cụ thể về các bước tiến đến ly hôn và cách cư xử sau đó. Theo lời khuyên của người bà con là nhà báo, Zhanna đã chờ đợi thời điểm thích hợp để tung đòn chết tươi.

Cơ hội đến rất nhanh. Con trai ốm nặng, Paul phải về thăm con. Và một loạt cuộc cãi vã liên tiếp nổ ra. Cuối cùng, một ngày đẹp trời, Langevin tuyệt vọng đã đưa các con đi nghỉ ở Anh. Zhanna lập tức lu loa cáo buộc anh ta bỏ rơi vợ và bắt cóc con.

Rồi lại có thêm tình tiết bất ngờ cho phép Zhanna trả thù đôi uyên ương bất hợp pháp. Vào đầu tháng 11/1911, Hội nghị Solvay về phóng xạ và lý thuyết lượng tử khai mạc tại Brussels, với thành phần tham dự là các nhà vật lý xuất sắc: Albert Einstein, Max Planck, Jean Perrin, Paul Langevin, và Marie Sklodowska-Curie, người phụ nữ duy nhất trong nhóm. Danh sách các nhà khoa học được mời không có gì bí mật.

Đối với Jeanne Langevin, việc Paul và Marie hiện diện cùng lúc ở Brussels tức là vi phạm thỏa thuận đã đạt được trước đó rằng đôi tình nhân sẽ không bao giờ gặp lại nhau. Cô quyết định trả thù.

Khi hội nghị bắt đầu, một bài báo xuất hiện trên Tạp chí Le Petit, do Henri Bourgeois, anh rể của Jeanne biên tập, có tựa đề “Chuyện tình của bà quả phụ Curie và Giáo sư Langevin”.

Trong bài báo này, Maria được miêu tả là kẻ quyến dụ cha của hai đứa trẻ và chồng hợp pháp của một phụ nữ Paris, và là người đã không ngần ngại phá hủy gia đình ngài Paul Langevin để “thỏa mãn dục vọng của bà góa”.

Đi kèm bài báo là cuộc phỏng vấn mẹ vợ của Paul, trong đó cho biết rằng gia đình đã lưu giữ những bức thư của Maria, được coi là bằng chứng xác nhận đầy đủ hành động của bà góa Curie trong việc “phá hủy cuộc hôn nhân tốt đẹp của một người phụ nữ Pháp bất hạnh”.

Để đáp lại, Marie Skłodowska-Curie đã viết một bức thư ngỏ gửi biên tập viên tờ báo Paris Le Temps, trong đó nói rằng trong cộng đồng khoa học Paris ai cũng đều biết rằng bà đang ở Brussels để tham dự một hội nghị quốc tế và đây là một hội nghị khoa học rất quan trọng, không phải là “sự bỏ trốn của đôi gian tình”.

Các nhà khoa học có mặt tại hội nghị đã không đếm xỉa đến nội dung bài báo, vì họ tin rằng Maria và Paul chỉ được kết nối bởi tình bạn với tư cách là các nhà khoa học, điều mà Jeanne Langevin không thể hiểu được; và việc Paul Langevin có ý định ly hôn là chuyện riêng của ông, không liên quan gì đến Marie Curie.

Tuy nhiên, Marie Curie quyết định bỏ qua phiên họp cuối cùng của hội nghị và quay trở lại Paris. Ở đó, bà trở thành tâm điểm của một cuộc tấn công tổng lực.

CUỘC CHIẾN TRUYỀN THÔNG

Paris “chào đón” bà bằng một ấn phẩm khác trên Tạp chí Le Petit, cụ thể là cuộc phỏng vấn với Jeanne: “Chuyện tình trong phòng thí nghiệm: Cuộc phiêu lưu tình ái của Madame Curie và Monsieur Langevin”, nói rõ rằng bà Langevin (Jeanne) đã biết về sự phản bội của chồng mình từ lâu, nhưng hy vọng rằng cuối cùng ông sẽ tỉnh ngộ và cắt đứt mối quan hệ với người đàn bà có đạo đức kém, người đã lạnh lùng và cố tình phá hủy hạnh phúc của “một gia đình Pháp mẫu mực”.

Bất chấp mọi trở lực, mối tình “bất chính” không tan vỡ mà càng thêm sâu đậm, khoét sâu mâu thuẫn giữa hai vợ chồng nhà Langevin. Giọt nước tràn cốc: lấy cớ món nước quả trong bữa tối không ngon, Paul đã tát vợ mình rồi dẫn theo hai đứa con trai bỏ nhà đi, không ai biết đi đâu.

Bài báo của Le Petit đã kích động sự phẫn nộ của công chúng bình dân đối với “người đàn bà Ba Lan vô đạo đức”. Được đà, Jeanne Langevin quyết định làm tới: gửi bản sao những bức thư của đôi uyên ương (mà cô ta tìm được khi lục soát căn hộ bí mật của Paul) tới tòa soạn những tờ báo đáng kính ở Paris.

Tạp chí L’Action Française phản hồi trước tiên, trưng ra những bức thư nọ, gọi Marie Sklodowska-Curie là người đàn bà ngoại quốc sa đọa, cố tình phá hoại gia đình Pháp và gần như đã thành công đối với cuộc hôn nhân của Paul Langevin, đồng minh thân cận nhất của bà.

Tờ báo L’Oeuvre thậm chí còn đi xa hơn khi dành tới 12 trang để mô tả vụ bê bối và trích dẫn những bức thư của đôi tình nhân, cho rằng mối tình giữa Marie và Paul bắt đầu từ thời Pierre Curie còn sống. Tác giả bài báo cho rằng, người chồng bị lừa dối, trong cơn tuyệt vọng khi biết chuyện đã tự ném mình vào dưới bánh xe ngựa.

Còn tờ L’Intransigeant thì đăng một bức thư ngỏ gửi “Ông X, nhà vật lý”, thực tế là gửi cho Paul Langevin, với nội dung khuyên nhủ ông hãy tỉnh ngộ và trở về với mái ấm gia đình.

Sau những ấn phẩm này, các cuộc biểu tình của “những công dân phẫn nộ” trước nhà Marie Skłodowska-Curie ngày càng gia tăng, yêu cầu trục xuất “Rose de désert” (bông hồng hoang dại).

Cộng đồng khoa học, không giống như các cơ quan công quyền, nhìn chung có tinh thần đoàn kết với Maria. Các nhà khoa học bên ngoài nước Pháp cũng bày tỏ sự ủng hộ, bằng chứng là lá thư của Einstein.

Vụ bê bối do mối tình giữa Sklodowska-Curie và Langevin gây ra trở nên giống như những cuộc đấu tay đôi của báo chí. Trong khi vụ bê bối xung quanh mối tình giữa hai nhà khoa học đang hoành hành ở Paris thì Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã bình chọn Marie Sklodowska-Curie để trao giải Nobel Hóa học vì thành tích phát hiện ra polonium và radium, việc cô lập radium nguyên chất và nghiên cứu về tính chất hóa lý của nguyên tố phóng xạ.

GIẢI NOBEL – LIỀU THUỐC GIẢI HỮU HIỆU

Tin tức về giải thưởng chưa kịp đến với công chúng Pháp thì những thông tin về vụ bê bối tình ái đã bay đến thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia đã cử thư ký Christopher Aurivillius điều tra xem liệu có đúng là Marie Skłodowska-Curie đã trốn khỏi Pháp cùng một người đàn ông đã có gia đình hay không.

Trong tình huống này, Aurivillius đã viết một lá thư đề nghị Marie Curie không nên tham dự lễ trao giải, vì e ngại có thể xảy ra những ý kiến bất đồng từ một số nhà khoa học có quan điểm thủ cựu (về bê bối tình ái của đối tượng được trao giải):

Marie Sklodowska-Curie đã trả lời rất dứt khoát:

“Tôi hành động theo niềm tin của mình. Giải pháp mà quý vị đang đề xuất với tôi có vẻ sai. Hoàn toàn không có mối liên hệ nào giữa công việc khoa học của tôi và sự thật về đời sống cá nhân của tôi mà những người thiển cận vô đạo đức sử dụng để chống lại tôi. Tôi thực sự thất vọng khi quý vị không chia sẻ quan điểm của tôi ”.

Marie Curie đã đích thân đến Thụy Điển và đã được chào đón với sự tôn trọng thích đáng. Trước lễ trao giải, Hiệp hội các nhà khoa học nữ Thụy Điển đã tổ chức một bữa tiệc vinh danh bà. Không có sự cố hoặc nỗ lực nào với mục đích gây rối tại buổi lễ.

Trong khi đó, tại Paris, Paul Langevin đã hoàn thành thành công nỗ lực ly hôn với vợ. Tòa án đã đồng ý và yêu cầu ông phải trả tiền cấp dưỡng cho bốn đứa con với số tiền hai trăm franc mỗi tháng và ấn định các ngày trong tuần để thăm con.

Trớ trêu thay, phán quyết của tòa (cho phép ly hôn) lại đặt dấu chấm hết cho mối tình lãng mạn. Paul Langevin đã không cầu hôn Marie. Chẳng bao lâu sau, ông cũng tìm được cho mình một tình nhân mới, trẻ hơn, Eliana Montel, và có với nàng một cậu con trai, đặt tên Paul Gilbert.

Báo chí Paris, vốn từng thóa mạ Marie Curie là “vô đạo đức”, “cướp chồng người khác”, “cướp cha của trẻ em Pháp” giờ đây lại tưng bừng tung hô bà với giải thưởng Nobel lần thứ hai, gọi bà là “đại sứ của nước Pháp”, “niềm tự hào dân tộc”, “người trong sáng nhất”, “thiên tài của đâtn nước chúng ta”, vân vân và vân vân. Sự trở cờ diễn ra gần như chỉ sau một đêm!

Marie Curie đã để lại dấu ấn lâu dài trong lịch sử nước Pháp, trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất hai lần đoạt giải Nobel ở hai ngành khoa học khác nhau.

Bà mất ngày 4/7/1934, ở tuổi 66, vì bệnh thiếu máu bất sản do tiếp xúc lâu dài với bức xạ.

Sau khi qua đời, cả Marie Sklodowska-Curie và Paul Langevin đều được an táng tại Điện Pantheon, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các vĩ nhân nước Pháp.

Cuối cùng, chỉ sau khi nhắm mắt xuôi tay, đôi tình nhân vĩ đại mới có thể bên nhau vĩnh viễn..

Đánh giá post
Khoa Học Sử

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s