Âm nhạc không chỉ đơn giản là sự sắp xếp âm thanh theo cao độ và tiết tấu, mà nó còn mang đậm bản sắc của một môn nghệ thuật. Các nốt nhạc được sắp xếp có chủ đích theo thời gian tạo nên những bản nhạc đi vào lòng người. Âm nhạc phản chiếu cảm xúc, ghi dấu lịch sử và giúp chúng ta sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Không đâu khác, chính âm nhạc là ngôn ngữ không biên giới, kết nối toàn thể nhân loại.
Những thanh âm của cuộc sống
Julie Andrews từng nói rằng những ngọn đồi ở nước Áo dường như sống dậy với âm thanh của âm nhạc. Quả thật vậy, từ dãy Alps hùng vĩ cho đến khắp năm châu bốn biển, từ sa mạc khô cằn đến rừng mưa nhiệt đới… đâu đâu cũng ngân nga những giai điệu. Sóng vỗ bờ, gió gầm rít, cát chuyển mình hay không khí náo nhiệt của khu rừng nhiệt đới, tất cả đều tạo nên “dàn nhạc” sống động.
Thế giới động vật cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc. Với sự đa dạng của các loài, hàng loạt các âm điệu khác nhau được hòa quyện từ nhịp gõ đơn giản đến các giai điệu và giọng hát phức tạp. Từ loài tinh tinh Bonobo ở Congo cho đến cá voi lưng gù khổng lồ, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của âm nhạc. Tiếng chim hót đã tô điểm bầu trời trong hàng thiên niên kỷ.
Năng khiếu âm nhạc hiện hữu trong mọi nền văn hóa từ thuở hồng hoang. Thậm chí, ta còn cho rằng khả năng cảm thụ âm nhạc đã xuất hiện ở loài người trước cả khi chúng ta có ngôn ngữ – điều này cho thấy âm nhạc đã ghi danh trong lịch sử tiến hóa của chúng ta từ rất lâu rồi.
Nền tảng toán học của âm nhạc
Âm nhạc cũng sở hữu những nền tảng toán học rất độc đáo. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Pythagoras – người nổi tiếng với định lý toán học của mình – cũng rất tò mò về âm nhạc. Ông tìm mọi cách lý giải tại sao có những cao độ nghe hay khi kết hợp trong khi số khác thì không. Ông đã làm một thí nghiệm như sau: Sử dụng một dây đàn đơn (đàn một dây) được lên dây có cao độ chuẩn, ông gảy nó để tạo ra một cao độ cơ bản. Tiếp theo, ông cắt đôi độ dài của dây và gảy lại – thật ngạc nhiên, với tỷ lệ 2:1, ông thu được cùng một cao độ (được gọi là một quãng tám).
Tiếp tục thí nghiệm, Pythagoras lặp lại quá trình ở các khoảng một phần ba (tỷ lệ 3:2, còn được gọi là “quãng năm đúng”), tiếp đến là một phần tư, một phần năm rồi một phần sáu chiều dài dây và luôn thu được những cao độ hòa hợp. Trường hợp không hòa hợp thì cao độ sẽ nghe rất chói tai. Khám phá của Pythagoras tiết lộ mối quan hệ toán học giữa các cao độ, giúp giải thích sự dễ chịu khi nghe các âm kết hợp hài hòa, cũng như lý do vì sao có những âm nghe không êm tai. Nguyên lý này trở thành nền tảng cơ bản của nền âm nhạc phương Tây.
Khám Phá Lịch Sử Thế Giới
Cao độ – Nốt nhạc “cao” hay “thấp”
Âm nhạc phương Tây luôn xoay quanh giai điệu, hòa âm, hợp âm, và thang âm – tất cả đều dựa trên một khái niệm quan trọng: cao độ. Nói đơn giản, cao độ là độ “cao” hay “thấp” mà ta cảm nhận được ở một nốt nhạc. Một âm thanh, như tiếng gảy đàn guitar, được tạo ra từ sóng âm – một làn sóng mang năng lượng, có các phân tử chuyển động nhịp nhàng. Sóng âm có “tần số”, cho biết nó lặp lại bao nhiêu lần mỗi giây.
Cao độ, trong âm nhạc, được tính bằng số lần sóng âm lặp lại trong một giây, đơn vị là Hertz (Hz). Tần số cao thì âm thanh nghe “cao”, và ngược lại.
Nhịp điệu – Linh hồn của điệu nhảy
Nhịp điệu thì có nền tảng là nhịp phách hay tiếng đập. Chúng ta cảm nhận nhịp điệu từ lúc còn trong bụng mẹ với tiếng tim đập. Nhịp thở, nhịp tim… đều là những nhịp điệu tự nhiên trong cơ thể mình.
Tốc độ của nhịp điệu được gọi là “tempo”, giống như nhịp tim, tempo có thể thay đổi dựa trên cảm xúc của chúng ta. Trong âm nhạc, tempo quyết định phần lớn đến cảm xúc mà một bài hát mang lại.
Đôi khi nhịp điệu được thể hiện rõ ràng, đều đặn tạo thành nền tảng cho cả bản nhạc, như mấy bài nhạc dance hay một cú đánh trống thật kêu. Nhịp điệu chính là thứ khiến ta muốn nhún nhảy và lắc lư theo nhạc!
Âm nhạc – Ngôn ngữ không biên giới
Âm nhạc truyền tải muôn vàn cảm xúc của con người. Nó gợi lại những kỷ niệm, tiếp thêm sức mạnh, khiến ta quên sầu, đưa tâm trí ta đến cảm giác phấn khích, giảm bớt nỗi đau…
Xuyên suốt lịch sử, âm nhạc luôn thể hiện trọn vẹn mọi cảm xúc. Nó lột tả cái đẹp, khí chất con người, cả những căng thẳng hay hoàn cảnh xã hội. Trong lý thuyết âm nhạc, các hợp âm trưởng nghe vui vẻ, tự tin, hào hứng, trong khi hợp âm thứ lại u sầu hơn. Hợp âm trưởng bảy nghe lãng mạn, còn hợp âm giảm thì đầy căng thẳng.
Âm nhạc đưa ta ra xa khỏi mọi suy nghĩ vẩn vơ, thả hồn ta vào khoảnh khắc hiện tại. Nó không chỉ giúp ta nhận biết cảm xúc, mà còn cho phép ta thể hiện và kết nối với chính mình, lẫn những người xung quanh, bằng ngôn từ mà ai cũng hiểu.