Châu Âu Trung Cổ

Tây Âu thời kỳ Hậu La Mã (400-800 SCN)

Tây Âu hậu La Mã là thời kì hỗn loạn mà chúng ta thường biết đến với tên gọi là Dark Ages hay với thuật ngữ mới là Late Antiquity

tay au thoi ky hau la ma

Tây Âu hậu La Mã là thời kì hỗn loạn mà chúng ta thường biết đến với tên gọi là Dark Ages hay với thuật ngữ mới là Late Antiquity (theo Peter Brown) hoặc thời kì Trung Cổ Sớm (Early Middle Ages). Mình sẽ viết về thời kì này, gồm nhiều phần với điểm khởi đầu là sự sụp đổ của Tây La Mã.

The Decline and Fall of The Roman Empire (tựa bởi E. Gibbon) – La Mã sụp đổ

La Mã, từ 1 thành phố nhỏ ở miền trung nước Ý trở thành biểu tượng của nền văn minh cổ đại trong suốt hơn 700 năm. Tuy nhiên mọi thứ đều có điểm kết thúc và vào năm 400 AD, sự tan rã của La Mã bắt đầu, nó chỉ kéo dài chưa đầy 1 thế hệ trước khi sự hiện diện của đế quốc này ở Tây Âu biến mất, để lại phía sau là địa chính trị đổ nát và chia rẽ, sâu xé bởi các lãnh chúa người German. Tuy nhiên, chính các tàn dư và di sản văn hóa của La Mã lại là điểm khởi đầu để các vương quốc German này dần phát triển, hình thành nên một thời kì mới: Trung Cổ hậu La Mã.

Nhưng vì sao Tây La Mã lại biến mất nhanh chóng chỉ trong vòng vài chục năm vào tk thứ 5, trong khi trước đó cả đã có những thời điểm đế quốc La Mã (đông lẫn tây) đều tiệm cận đến sụp đổ nhưng vẫn phục hồi được? Trong khoảng 50 năm của thế kỉ thứ 3 SCN (235 – 285 AD), chính quyền La Mã trải qua những khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng, thất bại liên tục trước ngoại xâm người Giéc-man và Sassanid cộng thêm nội chiến liên miên và nền kinh tế tệ hại, lạm phát (đồng bạc Denarius gần như vô giá trị). Tuy nhiên, chỉ sau 1 loạt các hoạt động quân sự thành công của các hoàng đế tài giỏi như (Claudius Gothicus, Aurelianus, Probus và Diocletian), La Mã được cứu vãn khỏi sự sụp đổ cận kề. Đáng tiếc là điều này không được lặp lại trong suốt tk thứ 5.

* LA MÃ CÓ THẬT SỰ “SUY TÀN” TRƯỚC KHI “SỤP ĐỔ”?

Một điều cần chú ý đó là quan điểm “Suy Tàn và Sụp Đổ” của sử gia thế kỉ 18-20 ngày nay đã không còn sử dụng. Thực tế là đến đầu những năm 400 AD, nền kinh tế-quân sự La Mã vẫn còn rất mạnh, trong thời gian này khoảng 350.000-400.000 quân chính quy vẫn đóng thường trực tại biên cương sông Rhine, sông Danube và Syria. Dù đế quốc đã chính thức chia đôi, được cai trị bởi 2 hoàng đế độc lập: Honorius và Acardius nhưng điều này không làm cho La Mã suy yếu vì bản chất đế quốc vẫn là 1 thể thống nhất, vận hành với cùng 1 bộ máy hành chính-quân sự, không có sự thay đổi đáng kể nào cho thấy một La Mã đang trên đà tuột dốc, họ có đủ tiềm lực kinh tế đủ mạnh để nuôi được số lượng quân trên. Tuy nhiên, tất cả những sự kiện và quyết định sai lầm chỉ trong vòng vài chục năm đầu của tk thứ 5 đã khiến La Mã thật sự phải “trả giá”

Điều đầu tiên phải kể đến đó chính là 4 sự kiện quân sự bất ngờ xảy ra dồn dập trong 12 năm đầu tiên của tk thứ 5:

  1. Alaric và quân Goth xâm nhập 2 lần vào Italy (401-2 và 410-12 AD);
  2. Cuộc xâm lược của Radagaisus (405-6 AD) vào bắc Ý tạo tiền đề…
  3. …cho liên minh Sueve, Alan và Vandal vượt sông Rhine vào ngày cuối cùng mùa đông năm 406 AD.
  4. Cuộc xâm lược của Constantine III cùng với binh đoàn La Mã Britain vào Gaul năm 407 AD.

Sự thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc xâm lược này đã thúc đẩy làn sóng anti- Giécman ở Tây Âu. Hoàng đế Honorius lúc này đã đưa ra quyết định vô cùng “dại dột” đó là xử tử thống soái Stilicho (người gốc Vandal), bắt giam đồng thời giết hại gia đình của của chiến binh Giéc-man phục vụ dưới trướng vị thống soái này. Alaric nhân cơ hội trên đã kéo quân đến Italy vào năm 410, ngoài việc cướp phá thành Rome, đội quân của Alaric đã gây ra nhiều thiệt hại cho 2 miền trung/nam bán đảo Italy. Chính quyền La Mã phải 2 lần ban sắc lệnh năm 413 và 418 để miễn trừ ít nhất ¾ thuế trong vòng 3 năm và 8 năm ở 2 miền này. Điều này gây tổn thất kinh tế khá lớn cho đế quốc, tuy nhiên chưa đến mức nguy kịch.

Đòn chí mạng giáng xuống kinh tế Tây La Mã là vào năm 439 AD khi thành phố Carthage thất thủ trước vua Geiseric người Vandal. Carthage – Rome luôn là “cột sống” kinh tế, giúp duy trì lượng hàng hóa và thuế khổng lồ từ Bắc Phi đến Italy và Gaul. Mất Carthage đồng nghĩa với mất “kế sinh nhai” cuối cùng, và Tây La Mã thật sự rơi vào “suy tàn” từ thời điểm này, họ không còn đủ tiền để duy trì số lượng lớn quân đội và dân số thủ đô Rome bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng

Dân German là nguyên nhân chính?

Qua 1 vài sự kiện trên, nghe có vẻ người German (Giéc-man) là yếu tố chính dẫn đến sự suy tàn của Tây La Mã. Nhưng suy cho cùng (với sự đồng thuận của nhiều sử gia hiện nay), với 1 đường lối đúng đắn và sáng suốt, tất cả các sự kiện trên gần như đều có thể được ngăn chặn bởi Tây La Mã trước khi nó bắt đầu. Trên thực tế, với số lượng dân di cư German vũ trang chỉ là “tí hon” so với quân đội chính quy La Mã lúc bấy giờ, họ không bao giờ có đủ sức mạnh để tạo nên bất kì sức ép nào lên La Mã. Chính vì sự yếu kém và sai lầm của các đời hoàng đế sau thời của Theodosius đệ nhất (mất 395 AD) đã khiến Tây La Mã không còn đường lui:

  • Hoàng đế Honorius hoàn toàn có thể ngăn chăn Alaric tấn công Italy vào năm 410 AD bằng sự thỏa hiệp nhẹ nhàng trong đối ngoại, nhưng vì sự hiếu thắng, ông ta lại không làm điều đó trong khi ông ta hiểu rõ rằng ông ta không hề có quyền lực quân đội trong tay.
  • Hoàng đế Valentinian đệ tam (425-455 AD), con trai của Galla Placidia, lại tiếp tục đưa ra một sai lầm tệ hại khi ông ta đồng ý một thỏa hiệp “chết người” vào năm 435 AD. Thỏa hiệp này cho phép vua Geiseric và dân Vandal định cư tại Bắc Phi để đổi lấy hòa bình và điều này dẫn đến sự kiện mất Carthage chỉ 4 năm sau đó. Với sự già dặn của Geiseric, vị vua này hoàn toàn có thể hiểu rõ tầm quan trọng của Carthage đối với Rome và biết rằng, sớm muốn Tây La Mã sẽ gây hấn vì thế ông ta đã đánh phủ đầu Carthage nhằm cứu dân Vandal khỏi sự diệt vong
  • Nhận thấy sai lầm trong chính sách đối ngoại, Tây La Mã đã 3 lần đem hải quân nhằm chiếm lại Carthage vào các năm 441, 460 và 468 AD, nhưng cả 3 chiến dịch đều thảm bại do sự yếu kém của chỉ huy và hoàng đế. Chiến dịch năm 468 mang tính chất quyết định cho sự việc tan rã của quân đội Tây La Mã, vì đây cũng là lần cuối cũng hoàng đế Tây La Mã nằm quyền chỉ huy quân đội chính quy trước khi quân đội hoàn toàn rơi vào tay thống soái Ricimer (magister militum praesentalis)
  • Tuy nhiên, thật không công bằng khi đổ lỗi hoàn toàn cho các hoàng đế về sự sụp đổ của Tây La Mã. Góp phần không nhỏ chính là sự phân mảnh, phe phái, đấu đá trong nội bộ chính trị La Mã. Hơn thế, các tướng lĩnh giỏi lại hành động theo cảm tính hơn là sự triệt để: Stilicho có thể hoàn toàn đánh bại Alaric vào năm 402, nhưng ông ta lại để cho Alaric rút lui trong an toàn. Aetius, với mối bân tâm duy nhất là dân Visigoth ở Gaul và Atilla ở bồn địa Pannonia, có thể đã làm ngơ khi Geiseric dẫn quân vượt eo biển Gibraltar tràn vào Bắc Phi vào năm 429. Quan trọng hơn hết chính là sự thu hẹp tầm ảnh hưởng của các quý tốc gốc Giéc-man, tiêu biểu là Ricimer và Odovacer, mặc dù nắm quân đội trong tay nhưng các quý tộc này chỉ quan tâm đến những gì xảy ra trong lãnh thổ Italy. Điều này đã tạo điều kiện cho người Frank, Visigoth, Sueve tự do phát triển và mở rộng lãnh thổ ở Gaul và Hispania từ nửa sau thế kỉ thứ 5.

Sự sụp đổ của Tây La Mã là kết quả 1 chuỗi nhiều sự kiện bất ngờ, những quyết định sai lầm được đưa quá nhanh trong 1 thời gian quá ngắn, những phương án sửa sai không hiệu quả và sự phản bội, ngờ vực đã khiến sự việc quay đầu cũng là “vực thẳm”. Nhìn ngược lại vào năm 400 AD, không ai nghĩ rằng với một tiềm lực quân sự-kinh tế lớn mạnh như thế, Tây La Mã lại tan rã chỉ sau vài chục năm hỗn loạn, kéo theo đó là sự sụp đổ cả một hệ thống kinh tế – xã hội phát triển bậc nhất thời đó. Tây Âu biến thành địa chính trị phân mảnh của những vương quốc nghèo nàn, lạc hậu trong 1 thời gian dài trước khi được vực dậy với sự đóng góp không nhỏ từ Kito Giáo, di sản duy nhất không bị ảnh hưởng bởi sự tan rã này.

Kinh tế – Xã hội và giai cấp quý tộc La Mã trong thời đại “mới”

Dark Ages hay với thuật ngữ mà chúng ta quen thuộc hơn: “Đêm trường Trung Cổ” liệu có thật sự xảy ra sau khi La Mã sụp đổ Tây Âu? =.= Bài dưới đây viết về các ảnh hưởng hậu sụp đổ, và bạn có thể đánh giá được

* KINH TẾ – XÃ HỘI TÂY ÂU SAU NĂM 478 – “SỰ SUNG TÚC” ĐÃ BIẾN MẤT ??

1. Kinh tế đế quốc La Mã trước năm 400 AD ?

Đầu tiên phải nhắc đến chính là Địa Trung Hải, các huyết mạch giao thương qua biển này đã giúp Đế quốc La Mã lưu thông hàng triệu tấn hàng hóa mỗi năm từ khắp mọi nơi một cách dễ dàng, nó tạo ra 1 nguồn thu thuế, lương thực và hàng tiêu dùng khổng lồ, tiếp cận được mọi nơi trên đế quốc (từ Bắc Phi cho đến Hadrian’s Wall ở phía bắc đảo Anh). Hơn thế, ngành công nghiệp La Mã không chỉ tạo ra hàng hóa chất lượng cao dành riêng cho giới quý tộc và hoàng đế, mà nó còn sản xuất ra tất cả các mặt hàng thiết yếu (vải vóc, giày dép, quần áo, dầu olive, bình gốm..) dùng trong đời sống hằng ngày với chi phi rất rẻ. Các mặt hàng thiết yếu này được mua bán 1 cách dễ dàng, từ giới bần nông học vụ đến quý tộc trong viện Nguyên Lão. Như Perkins kết luận trong quyển “The Fall of Rome”: “Nền kinh tế cổ đại La Mã tuy chưa đạt đến khả năng “chuyên môn hóa” và “phụ thuộc hóa” cao như thế giới hiện đại, nhưng nó đã đạt được 1 phần nào đó” và Địa Trung Hải là 1 phần không thể tách rời. Nói cách khác, kinh tế La Mã chính là kinh tế biển, và khi kinh tế biển này bị bẻ gãy trong hỗn loạn ở thế kỉ thứ 5, sự sụp đổ là tất yếu và nhanh chóng.

Kinh tế – Xã hội Tây Âu hậu La Mã biến đổi ra sao

Nơi chịu hậu quả sớm nhất không đâu khác là Britania (đảo Anh), đảo Anh đã luôn vùng đất bạo lực, và kinh tế của nó chưa bao giờ là điểm mạnh, tuy nhiên khi người La Mã quyết định rời bỏ vùng đất này vào năm 410 AD, họ đã làm đảo Anh sụp đổ hoàn toàn. Chỉ sau vài thập kỉ văn hóa La Mã trên đảo nhanh chóng rơi vào quên lãng, kèm theo đó là hệ thống chế tác (gốm sứ, đồ gia dụng…) và thương mại tự do biến mất, sắt thép trở thành thứ xa xỉ. Các thành phố lớn như Londonium, Colchester, Winchester bị bỏ hoang khi dân bản địa chuyển ra sống theo cụm biệt lập ở nông thôn, dẫn đến văn hóa đô thị biến mất hoàn toàn. Đến cuối thế kỉ 5, tiếng Latin biến mất trong ngôn ngữ địa phương cùng với hệ thống chữ viết. Khảo cổ học thời gian này cho thấy, trong khoảng 150 năm tiếp theo văn minh – kinh tế đảo Anh rơi xuống mức thời kì tiền đồ sắt và nếu Dark Age thật sự tồn tại trong lịch sử thì nó chính là đảo Anh hậu La Mã.

Châu Âu Đại Lục thời kì này cũng chứng kiến sự chia chác đất đai vào tay dân Giéc-man cùng với đó là sự thô sơ hóa đáng kể nền kinh tế-sản xuất và sụt giảm nghiêm trọng sản lượng/ chất lượng nông nghiệp:

  1. Đất đai và tài sản thuộc quý tộc La Mã thời kì này bắt đầu thu hẹp. Khi Odovacer lật đổ Romulus Augustulus (478 AD), ông ta ban thưởng đất đai nước Ý cho các thành viên Giécman trong quân đội của ông ta. Dần dần người Giéc-man trở thành 1 lớp “quý tộc mới” cai trị tầng lớp quý tộc La Mã cũ, và nếu người La Mã không sẵn sàng phục vụ, tài sản đất đai của họ sẽ bị trấn lột bằng vũ lực bởi người Giéc-man. Quyển Variea của Cassiodorus (ca. 500 AD) vẽ nên bức tranh đầy vũ lực giữa người Giec-man và bản địa La Mã, chúng ta còn được kể rằng, vua Theodahad đã thu về 1 lượng lớn tài sản và đất đai là nhờ vào dùng vũ lực để trấn áp dân bản xứ. Tuy đa số quý tộc La Mã trong bộ máy nhà nước cũ vẫn tiếp tục công việc như trước kia, nhưng việc sống chung với giai cấp cai trị Giéc-man đã tạo một quy tắc mới: Chỉ người Giec-man mới được quyền xét xử người La Mã, ngược lại thì không.
  2. Về kinh tế, kể từ sau năm 478 AD, nhiều ngành nghề chế tác tinh xảo cùng với xưởng sản xuất đồ thiết yếu trước kia đã không còn được tìm thấy ở Tây Âu. Gốm sứ và gạch ngói tuy vẫn còn được sản xuất ở Italy nhưng hầu như chỉ đạt ở mức cơ bản và giao dịch trong phạm vi nhỏ lẻ. Gốm gia dụng sản xuất vào đầy thế kỉ 7 ở Italy chỉ còn mỗi dạng olla (bầu tròn để nấu ăn) trong khi ở thời La Mã nó chỉ là 1 trong hàng chục loại đồ gốm gia dụng khác nhau
  3. Công nghệ xây dựng bằng xi măng/ vữa La Mã ở Tây Âu cũng dần bị thay vào bằng các vật liệu sẵn có như gỗ và rơm. Nhà gỗ với mái lợp rơm, rạ theo “văn hóa” Giéc-man trở thành tiêu chuẩn xây dựng cơ bản trong hàng trăm tiếp theo kéo dài đến tận cuối thời kì Trung Cổ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là công nghệ xây dựng của đế quốc La Mã bị lãng quên, nó chỉ không còn phù hợp trong thời đại “mới”.
  4. Hệ thống thu thuế (tax-raising) tinh vi của đế quốc La Mã cũng dần biến mất từ nửa cuối thế kỉ thứ 5, đây là kết quả của là sự phân hóa vùng (provincialization) giữa các thực thể chính trị Giéc-man. Ở một số nơi đồng tiền xu và giao dịch tiền tệ không còn tồn tại, thay vào đó là trao đổi hàng hóa theo kiểu thô sơ (Goods-exchange) để đáp ứng nhu cầu tồn tại cơ bản, thương mại nếu còn, chỉ gói gọn trong phạm vi địa phương hoặc giữa các thị trấn gần nhau. Mọi thứ trở nên cô lập và nghèo nàn hơn.
  5. Khủng hoảng nghiêm trọng nhất có lẽ là sự biến mất phần lớn nguồn cung ngũ cốc từ Bắc Phi và Ai Cập, điều này khiến dân số Tây Âu sụt giảm đáng kể. Điều này có thể được hiểu như là hậu quả của việc “phụ thuộc hóa” vào nền nông nghiệp sản xuất – xuất khẩu theo mô hình La Mã trước kia: Khi anh là 1 phần của hệ thống nông nghiệp thì công việc của anh hiển nhiên là “chuyên môn hóa” một hoặc vài loại lương thực phù hợp với tính chất đất nông nghiệp vùng đó. Khi La Mã tan rã, phần lớn nông dân phải tự tìm cách xoay sở để tạo ra đủ lương thực nuôi sống bản thân và thuế đinh cho các lãnh chúa Giéc-man, họ trồng bất cứ thứ gì có thể, điều này dẫn đến sản lượng và chất lượng lương thực/ gia súc giảm kéo theo số lượng miệng ăn mà anh ta có thể nuôi sống với cùng 1 sức lao động. Khai quật xương gia súc ở Tây Âu từ cuối tk V cho thấy kích thước trâu bò chỉ sấp xỉ thời kì tiền đồ sắt, trong khi thời La Mã thịnh thì gia súc lại có kích cỡ to hơn.

Lời kết: Thế người La Mã lúc này có nhận ra sự biến mất của đế quốc vĩ đại từng tồn tại không? Câu trả lời theo tôi là…CÓ nếu ta nói về mặt kinh tế sản xuất, sự nghèo đi thấy rõ, sự hụt hẫng của nông dân khi họ nhận ra họ không còn tạo đủ lương thực thặng dư như xưa hoặc sự mất nguồn cung cũng như cầu của nhiều mặt hàng thiết yếu, mặt hàng sản xuất ở Gaul hoặc Italy khó đến được Hispania và ngược lại. Nhưng nếu ta nói về sự biến đổi mối tương quan chính trị-xã hội, câu trả lời có thể là…KHÔNG vì đối với phần lớn người La Mã bấy giờ (thế kỉ 5, đầu tk 6), La Mã vẫn còn đó, và người Giéc-man chỉ là 1 nhóm người mới mà họ cần học cách sống chung, sự thay đổi tư duy này chậm chạp, tuy nó vẫn xảy ra và đến năm 650 AD, dân xứ Gaul, Hispania và Bắc Ý đã không còn xem mình là La Mã và thay vào đó là người Frank, người Goth và người Lombard.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s