Sử Trung Quốc

Tam Quốc và Trung Hoa tan rã thời hậu Hán

"Thiên hạ hợp lâu rồi lại tan" là những dòng đầu tiên của tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa. Trung Hoa sau nhà Hán là thời kỳ tan rã kéo dài

By Nguyễn Hiến Lê
tao thao dai pha vien thieu thoi tam quoc

Trong bốn thế kỉ, nhà Hán đã dựng được đế quốc rất rộng và tạo được một nền văn minh rực rỡ. Trong lịch sử hễ mẫu quốc không đồng hóa nổi thuộc quốc thì đế quốc đó không vững, thế nào cũng có lúc suy sẽ tan rã. Người Hán thời đó không đủ sức, hoặc không đủ thời gian để đồng hóa các rợ Hung Nô họ chinh phục được. Sự tan rã xảy ra ngay cuối đời Hán, kéo dài trên ba thế kỉ rưỡi, qua các thời Tam Quốc và Lục Triều (cũng gọi là Nam Bắc Triều). Mới đầu do nổi loạn đế quốc vỡ làm ba mảnh (Tam Quốc), Tây Tấn gắn lại được trong thời gian ngắn (27 năm), rồi lại vỡ nữa, thành hai phần: Nam, Bắc, mỗi phần gồm từ 6 (miền Nam) đến 16 (miền Bắc) triều đại, có thể nói là 16 nước. Ở Bắc, đại đa số triều đại là của các rợ du mục: Ngũ Hồ (Hung Nô, Yết cũng đọc là Kiết, thuộc chủng loại Mông Cổ) Tiên Ti, Chi và Khương thuộc chủng loại Tây Tạng.

Khác với đế quốc Hi Lạp, La Mã ở châu Âu, đế quốc Trung Hoa không tan vỡ luôn mà năm 580, thống nhất lại được dưới đời Tùy, tiếp theo lả đời Đường.

Trong ba thế kỉ rưỡi tan rã đó, phương Bắc chịu sự đô hộ của các rợ; họ đem tổ chức phong kiến đặc biệt của họ, tinh thần thượng võ của họ, đạo Phật của Ấn Độ vào Trung Quốc, và học được của Trung Hoa văn tự, phong tục, y phục, tổ chức triều đình… Tóm lại là Hán, Hồ bắt đầu dung hợp với nhau.

Phương Nam giữ tổ chức xã hội của mình: giai cấp lãnh đạo không còn là phong kiến nữa mà gồm địa chủ và kẻ sĩ; họ mở mang bờ cõi về phía Nam, lập nhiều đồn điền rất lớn, có tính cách thực dân; và thương mãi của họ cũng phát triển, giai cấp thương nhân được trọng.

Thời kỳ Tam Quốc (213-280)

Chương trên, chúng ta đã biết Tào Tháo, thừa tướng của Hiến đế, tự lập làm Ngụy vương (năm 216) là đã có ý chiếm ngôi nhà Hán rồi. Bốn năm sau Tháo chết, con là Tào Phi tiếm ngôi, ép Hiến đế giao ấn cho mình, rồi lên ngôi, tức Ngụy Văn đế.

Cảnh quần hùng cát cứ đã có từ khi giặc Hoàng Cân bị dẹp và Tào Tháo lộng quyền ở phương Bắc, Tôn Quyền ở Đông, Lưu Bị ở Tây chống lại, chia Trung Quốc làm ba khu vực. Năm 213, Tháo muốn diệt Tôn Quyền, đem quân tấn công, nhưng Tôn Quyền và Lưu Bị liên hợp với nhau kháng cự, thắng Tháo một trận lớn ở Xích Bích (miền Hồ Bắc ngày nay) bằng chiến thuật hỏa công.

Tới khi Tào Phi xưng đế, Bị (dòng dõi nhà Hán, nhưng nghèo, sinh nhai bằng nghề làm dép cỏ, tự cho mình trách nhiệm lập lại nhà Hán) cũng xưng đế, rồi ít năm sau Quyền cũng xưng đế, và Trung Quốc chia làm ba nước: Ngụy ở Bắc, kinh đô là Lạc Dương, Ngô ở Đông Nam, kinh đô ở Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay), Thục Hán ở Tây, kinh đô ở Thành Đô (Tứ Xuyên ngày nay).

Chúng ta không biết được dân số Trung Hoa năm 220, chỉ biết rằng theo Eberhard (sách đã dẫn) thì năm 140, dân số của miền thuộc về Ngụy vào khoảng 29 triệu; thuộc về Ngô khoảng 12 triệu; thuộc về Thục Hán vào khoảng 7-8 triệu (không kể những bộ lạc mà Trung Hoa chưa thu thuế, kiểm soát được). Dân Hung Nô ít lắm, chỉ độ 3 triệu gồm 19 bộ lạc.

Về phương diện kinh tế, phương Bắc vừa trồng trọt vừa chăn nuôi vì có dân du mục ở Trung Á xâm nhập; ở phương Nam trồng lúa mùa (riz) như nước ta, đất rộng mà phì nhiêu; ở phía Tây có miền Thành Đô là nhiều ruộng, còn thì là rừng núi.

Tình thế của Thục Hán

Địa thế hẻo lánh, dễ giữ mà khó đem binh tấn công nước ngoài. Thương mãi khá thịnh vì có những đường cho các đoàn thương nhân từ Vân Nam lên, từ Tây Tạng qua.

Lưu Bị là một ông vua tầm thường nhưng biết trọng người hiền nên được Gia[1] Cát Lượng (Khổng Minh) giúp sức. Lượng giỏi bày mưu, cầm quân, và rất trung thành, nhưng có lẽ vì ông có đức nhân, nể lời Lưu Bị, bỏ lỡ cơ hội, có khi phải thiệt hại.

Ông biết rõ số dân và số lính của Thục ít quá, không thể nào tranh hùng với Ngụy được, nên ông tích cực thu dụng nhân tài, khuyến nông, sửa sang võ bị, đặc biệt là củng cố hậu phương, vừa mở mang đất đai, vừa thu phục nhân tâm (như khi chiến thắng một thủ lĩnh bộ lạc là Mạnh Hoạch, ông bắt sống được Hoạch 7 lần, lại thả 7 lần, khiến Hoạch phải phục ông vả trung với ông). Nhở chính sách đó, số dân của Thục tăng lên, số lính và thuế cũng tăng theo.

Ông chủ trương liên kết với Đông Ngô thành cái thế chân vạc mà Ngụy tuy mạnh nhất, không chiếm hết được Trung Quốc. Nhưng vì một lầm lỗi của Quan Vũ, (em kết nghĩa của Lưu Bị) và sự nóng nảy phục cừu của Lưu Bị mà Thục mất đất Kinh Châu, mất tình hòa hảo với Ngô. Từ đó thế chân vạc lung lay. Ngụy đánh Thục thì Ngô không cứu, ngược lại cũng vậy.

Lưu Bị chết, con là A Đẩu nối ngôi, tối tăm, nhu nhược; Lượng mấy lần đem quân đánh Ngụy, đều không thành công. Khi Lượng chết, Thục không còn người nào tài giỏi, tướng Ngụy là Tư Mã Chiêu tấn công Thục, diệt được (263). Thục bị diệt rồi thì số phận của Ngô cũng gần tàn.

Nhà Ngô

Tình thế của Ngô còn bất lợi hơn cả Thục. Ngô cũng như Thục đều là người miền Bắc xuống khai phá miên Nam và miền Tây nên bị thổ dân không ưa. Miền đất của Ngô nhiều mưa; nhiều đồng lầy, không trồng được các giống lúa miền Bắc, dân miền Bắc phải tập trồng lúa mùa như người bản thổ (Thái chẳng hạn); họ cũng phải bỏ việc nuôi cừu và bò mà nuôi heo và trâu. Nông sản thời đó còn ít, dân sống bằng nghề buôn bán sắt, gỗ. Đất tuy rộng mà dân còn bán khai, số cũng không đông. Vì vậy khi Tào Phi xưng đế, Tôn Quyền đã có ý muốn xưng thần với Ngụy, nhưng sau nghe lời Lỗ Túc lại thôi. Lỗ Túc sáng suốt bảo: “Nhà Hán không thể phục hưng được, mình chỉ nên giữ cái thế chân vạc ở Giang Đông này mà coi thiên hạ tranh giành nhau”. Và Tôn Quyền từ đó mới xưng vương, sau lại xưng đế. Chính sách của Ngô là hòa bảo với Thục, thỏa hiệp với Ngụy, đứng ngoài xem hai bên choảng nhau, nhưng vẫn phòng ngự cẩn thận, không cho quân Ngụy xuống Nam, quân Thục qua Đông.

Nhờ chính sách đó, Ngô được yên ổn, kinh tế khá lên, nông nghiệp tiến bộ, thương mại phát đạt, đất đai mở mang (dân tộc mình (V.N) thời này lệ thuộc nhà Ngô, và danh từ: “thằng Ngô” để chỉ người Tàu từ đó mà ra). Ngô đóng thêm tàu, cất thêm đường sá, đào thêm kinh, kinh đô (Kiến Nghiệp) đông đúc, thành một trung tâm văn minh.

Nhưng về sau các vua Ngô tư cách tầm thường, Thục bị Tư Mã Chiêu diệt rồi, thì thế của Ngô hóa lung lay. Con Chiêu là Viêm ép vua Ngụy nhường ngôi cho (như trước kia Tào Phi đã ép Hán), lên ngôi Hoàng đế khai sáng nhà Tấn, trong mười mấy năm đầu còn lo củng cố địa vị, khi vững vàng rồi mới đem quân phạt Ngô, và vua Ngô xin hàng (280).

Nhà Ngụy

Tình thế Ngụy ở phương Bấc cũng không tốt đẹp gì lắm. Miền Bắc lả miền giàu nhất: cánh đồng Sơn Tây, nhất là cánh đồng ở phía Lạc Dương phì nhiêu và đông dân thật đấy, nhưng sau những năm loạn lạc cuối đời Hán, miền đó bị tàn phá nặng. Đế quốc Hán mất đi miền nam và tây nam, còn lại miền Trung Á, nhưng miền này là gánh nặng của Ngụy vì Ngụy phải đóng quân ở đó, rất tốn tiền.

Lại thêm triều đình Ngụy đông và xa xỉ như triều đình Hán mặc dầu nguồn lợi đã giảm theo với đất đai. Nhất là Ngụy phải nhờ 19 bộ lạc Hung Nô giúp quân, ngựa để chống với Thục, Ngô, nên phải thưởng cho họ đất làm ruộng, tiền bạc.

Khi còn Tào Tháo thì Ngụy mạnh nhất. Đọc truyện Tam Quốc chúng ta thấy ông ta là một nhân vật rất nhiều thủ đoạn. Ông lần lần lấn quyền của Hiền đế, tự phong là thừa tướng, bỏ các chức tam công đi, mọi việc tự ý quyết định lấy như một hoàng đế chuyên chế, sau tự xưng là Ngụy vương, không hiểu sao ông không chiếm ngôi ngay của Hiến đế mà để cho con làm việc đó sau khi ông chết rồi.

Nhưng các sử gia đều phải nhận rằng ông đa tài: về quân sự, đương thời không ai hơn ông, về chính trị và văn học nữa, ông cũng không thua Gia Cát Lượng; ông biết dùng người, thu phục được nhiều nhân tài. Ông lại thức thời, sau lần đại bại ở Xích Bích, biết một mình khó thắng được liên quân Ngô Thục, nên tạm nghỉ giao chiến, yên ổn khuếch trương nông nghiệp để kiến thiết Trung nguyên.

Con ông, Tào Phi (Ngụy Văn đế) không có tài, nhiều người trong giai cấp cầm quyền không phục (giai cấp đó vốn là đại điền chủ), và có một họ, họ Tư Mã, rất đông, có thế lực, đã giúp cho Tào Phi thoán vị và giữ được ngôi, vì vậy Phi phải kiêng nể, tặng họ Tư Mã nhiều địa vị tại triều đình. Tới cuối thời Văn đế, một người trong bọn họ, Tư Mã Ý ngày càng lộng hành và khi Văn đế chết, con lên nối ngôi, hiệu là Minh đế, thì quyền hành do Ý nắm hết.

Ý có tài, dùng chính sách của Tào Tháo về cả quân sự lẫn nội chính, cũng tự phong là thừa tướng như Tào Tháo. Khi Ý chết, con là Sư lên nối chức, thắng được quân Thục nhiều trận. Triều đình Ngụy có nhiều phe đảng; anh em, họ hàng Ngụy bất hòa với nhau, một người trong họ Tư Mã nhân cơ hội đó giết vua này, lập vua khác, rồi tự xưng là Tấn vương. Sau cùng, năm 265, Tư Mã Viêm phế vua cuối cùng của Ngụy, tự xưng Hoàng đế của một triều đại mới, triều đại Tấn. Họ Tư Mã đã theo đúng thuật của họ Tào để diệt họ Tào. Nhà Ngụy chấm dứt sau 46 năm cầm quyền.

Nhà Tây Tấn (265-317)

Tư Mã Viêm (Tấn Võ đế) kiến lập nhà Tấn năm 265, 15 năm sau (280) mới diệt xong nhà Ngô mà thống nhất Trung Quốc, nhưng chỉ được 37 năm, rồi bị các rợ Hồ chiếm hết phương Bắc, một người trong tôn thất trốn xuống phương Nam, lập đô ở Kiến Khang (Nam Kinh), vì vậy các sử gia chia nhà Tấn làm hai thời đại: Tây Tấn (Tiền Tấn) và Đông Tấn (Hậu Tấn).

Sau cảnh hỗn loạn trên nửa thế kỉ thời Tam Quốc, xã hội rất suy nhược. Theo Lữ Chấn Đạc (sách đã dẫn), người Hán đào vong rất nhiều, toàn quốc chỉ còn độ chín, mười triệu người: Thục 94 vạn, Ngô 230 vạn, Ngụy 443 vạn có tên trong hộ tịch; trong số đó có độ một triệu quân sĩ, quan lại. Nhưng con số đó đáng tin tới mức nào? Sao mà điêu tàn như vậy? So với những con số của Eberhard năm 140: Ngụy 29 triệu, Ngô 12 triệu, Thục 7-8 triệu (cộng lại là 48-49 triệu) thì trong khoảng một thế kỉ, dân số giảm tới 4/5 ư? Vô lí. Có lẽ là vì loạn lạc, số người lưu vong, không có tên trong hộ tịch rất đông. Nếu kể cả bọn lưu vong thì số dân ít nhất cũng phải gấp hai, khoảng 20 triệu.

Tư Mã Viêm cũng bất tài như Tào Phi, nhờ họ hàng (rất đông) giúp đỡ, ủng hộ mới diệt được nhà Ngụy, cho nên khi lên ngôi rồi, ông ta phải thưởng công họ – như Phi thời trước – chia đất, phong vương cho họ, họ có quyền thu thuế để chi tiêu, có một số quân đội bảo vệ đất đai thường ở miền biên cương. Triều đình cũng phái người đi thanh tra họ, nhưng bè đảng của họ ở triều đông, không làm gì được họ. Tóm lại, tình cảnh còn tệ hơn hồi Tào Phi nữa, các vương giành nhau quyền hành, còn Hoàng đế thì dùng phe này để chống phe khác mà rán giữ được ngai vàng, không có thực quyền gì cả.

Khi thống nhất giang sơn rồi, Võ đế ban ngay lệnh giải ngũ quân đội để cái thiện tình trạng tài chánh, kinh tế; nhưng lệnh đó chỉ thi hành ở chung quanh kinh đô, còn tại các miền do các vương làm chủ thì chẳng ai theo cả.

Giải ngũ rồi thì lính phải nạp khí giới cho triều đình để đúc tiền vì tiền rất thiếu, đã nhiều lần nhà Ngụy phải dùng lúa và lụa để trả lương. Đa số lính không chịu nộp, giữ lại để bán. Do đó mà khí giới lọt vào tay các rợ Hung Nô và Tiên Ti ở miền gần biên giới phía Bắc. Triều đình giải ngũ họ mà không chia đất cho họ làm mặc dầu đất hoang rất nhiều, vì không có một chính sách gì cả hoặc chưa kịp tổ chức gì cả. Hung Nô và Tiên Ti – gọi chung là rợ Hồ – đem đất đổi lấy khí giới của họ. Lợi cho cá hai bên. Hán thì có ruộng để làm, khỏi phải đóng thuế vì Hồ chưa có lệ đóng thuế ruộng như Hán; mà Hồ vừa có khí giới tốt vừa có lúa ăn, khỏi phải mua của triều đình Tấn. Vậy là ở miền biên giới, Hán Hồ sống chung thật đề huề. Nhưng chính đó là cái họa cho đời sau.

Chỉ triều đình Tấn là thiệt: mất khí giới, không có lúa, không thu thuế được mà cũng không có đồng để đúc tiền; lần lần mất hết quyền hành, trong khi binh lực của các vương ở trong nước và của Hồ ở nước ngoài mỗi ngày một tăng, tới một lúc triều đình lại phải bắt lính trở lại. Đó là nguồn gốc những biến cố cực kì quan trọng sau này.

Võ đế chết, Huệ đế nối ngôi, ngu tối, để hoàng hậu nắm hết quyền hành. Bà ta muốn chiếm ngôi của Tấn, giết thái tử. Triệu vương (một vương được Võ đế phong đất ở Triệu) đem binh về triều đình giết hoàng hậu; một vương khác ở Hoài Nam đem binh về diệt Triệu vương, thế là loạn bát vương (tám ông vương, tức như tám chư hầu) nổi lên tranh giành lẫn nhau, ai cũng muốn chiếm ngôi vua.

Họ chém giết nhau tàn nhẫn, nhờ các rợ Hồ giúp sức, hễ thành công thì sẽ thướng, kẻ liên kết với rợ Tiên Ti, kẻ với rợ Thác Bạt.

Chưa bao giờ kinh đô đại loạn như vậy. Dân chúng phải tản cư lũ lưọt, hoặc lên miền biên giới phía bắc, hoặc xuống phía nam.

Thời đó Tây Bắc Trung Hoa có năm rợ nữa gọi là Ngũ Hồ: Hung Nô, Yết (hoặc Kiết) chủng loại Mông Cổ, Tiên Ti (chủng loại Mãn Châu), Chi và Khương (chủng loại Tây Tạng). Thấy nhà Tấn có nội loạn, họ vào chiếm lần lần lưu vực sông Hoàng Hà và đất Trung nguyên.

Trong số Ngũ Hồ, Hung Nô mạnh hơn cả. Một Thiền vu của họ tên là Lưu Uyên không muốn đánh mướn cho các tướng, các vương (chư hầu) của Tấn nữa mà muốn dòm ngó ngôi thiên tử của Trung Hoa kia. Ông ta thuyết phục các bộ lạc rằng giới thượng lưu của Hung Nô cũng văn minh như người Hán chứ không kém. Chính ông đã học chứ Hán và đọc được các kinh, thư Trung Hoa. Có người bác bỏ, bảo tuy văn minh nhưng không phải dòng dõi Hán tộc thì sao lại muốn làm thiên tử của Hán tộc được. Ông bảo ông họ Lưu, cùng họ với các vua nhà Hán; và lại ông là hậu duệ của Mạo Đốn, Thiền vu đã kết nghĩa anh em với Hán Cao Tổ, mà từ đó tới nay, khoảng 500 năm, đã có nhiều Thiền vu cưới công chúa Hán, vậy thì sao lại không làm thiên tử của Hán được. Vả ông quyết định không dựng một quốc gia du mục như Mạo Đốn, mà dựng một quốc gia nông nghiệp, với một triều đại Hán.

Ông lập một triều đình giống triều đình Trung Hoa, định đô ở Bình Dương (Bình Thành), phía nam tỉnh Sơn Tây, thu hút được nhiều người Hán, cả những người trong giới cầm quyền. Dân chúng Hung Nô càng tin ông, ông bèn xưng đế.

Với một đạo quân 5 vạn người, năm 309 ông tấn công Lạc Dương, kinh đô Tấn. Năm sau ông chết. Người kế nghiệp, Lưu Thông, chiếm được Lại Dương năm 311. Vua Tấn, Hoài đế bị bắt. Trong khi đó các vương vẫn tranh giành nhau, không ai lo cứu Hoài đế. Mân đế lên nối ngôi, dời đô lại Tràng An, cũng không được một vương nào giúp. Hung Nô lại tấn công nữa, Mân đế phải đầu hàng. Từ đây chấm dứt nhà Tây Tấn (316). Các vương, tướng, triều thần, quí tộc Tấn, nước mất, nhà tan, phải trốn xuống phương Nam. Một người chắt của Tư Mã Ý lập đô ở Kiến Nghiệp, mở đầu cho nhà Đông Tấn. Cả phương Bắc bị Ngũ Hồ chiếm. Khi vua Hung Nô chiếm được Tấn rồi, không dùng quốc hiệu là Hán nữa mà đổi là Triệu (Tiền Triệu).

Vậy là Trung Hoa mới thống nhất non 40 năm đã chia hai: Nam và Bắc. Từ đây bắt đầu thời đại Nam Bắc triều, kéo dài trên hai thế kỉ rưỡi.

3.5/5 - (2 votes)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s