Hy Lạp Cổ Đại

Philopoemen: Vị tướng tài ba bị lãng quên của Hy Lạp cổ đại

Philopoemen là chiến binh lỗi lạc của Liên minh Achaean. Ông được người đương thời xem là vị tướng vĩ đại cuối cùng của Hy Lạp cổ đại.

Nguồn: The Collector
tuong phililomen

Philopoemen (253-183 TCN) từng là một chiến lược gia (tướng quân) của Liên minh Achaean – liên minh các thành bang Hy Lạp ở phía bắc và trung tâm bán đảo Peloponnese. Dù được coi là một trong những bộ óc quân sự sắc bén nhất thời đại, tên tuổi của ông gần như rơi vào quên lãng, bị lu mờ bởi các vĩ tướng cổ đại lừng danh khác như Hannibal, Alexander Đại đế, và Caesar. Philopoemen không chỉ đánh bại Sparta, chỉ huy các chiến dịch ở đảo Crete mà còn đưa Liên minh Achaean lên tầm cao quyền lực mới. Là một vị tướng, ông xuất sắc trong cả chiến tranh quy ước lẫn các hoạt động đặc biệt, đồng thời là một nhà cải cách vô cùng hiệu quả.

Philopoemen: Những năm đầu đời

Nhà hát Megalopolis
Nhà hát Megalopolis

Philopoemen sinh năm 253 TCN tại Megalopolis, một trong những thành phố lớn nhất ở Arcadia, vùng Peloponnese và cũng là thành bang thuộc Liên minh Achaean. Cha ông, Craugis, qua đời khi Philopoemen còn nhỏ, nên ông được giao cho Cleander, một người bạn của cha đồng thời đang bị lưu đày từ thành phố Mantineia. Philopoemen được giáo dục bởi hai triết gia Ecdemus và Megalophanes, những người sùng bái hệ tư tưởng dân chủ. Cả hai đều tham gia ám sát bạo chúa Aristodemus của Megalopolis, và từng trục xuất bạo chúa Nicoles khỏi thành phố Sicyon. Điều này khiến Philopoemen ảnh hưởng sâu sắc tinh thần dân chủ từ thuở thiếu thời.

Ngay từ khi còn trẻ, Philopoemen đã thể hiện những phẩm chất của một chỉ huy xuất chúng. Plutarch viết rằng “tính cách của cậu bé ngay từ đầu đã mang một khuôn mẫu cao quý và vương giả”. Hơn nữa, “ngay từ khi còn nhỏ, ông đã yêu thích cuộc sống của một người lính, sẵn sàng học những bài học hữu ích cho mình, chẳng hạn như những kỹ năng chiến đấu hạng nặng và cưỡi ngựa”.

Phòng thủ Megalopolis

Di tích Megalopolis
Di tích Megalopolis

Philopoemen lần đầu tiên trở nên nổi tiếng vào năm 30 tuổi khi quê hương Megalopolis của ông bị tấn công bởi Vua Cleomenes III của Sparta vào năm 223 TCN. Người dân Megalopolis bị quân Sparta đánh úp vào ban đêm, kẻ địch đột nhập và nhanh chóng chiếm lấy khu chợ trung tâm. Theo Plutarch, Philopoemen “chiến đấu một cách dũng cảm và táo bạo”, nhưng quân phòng thủ quá ít để đẩy lùi quân Sparta. Rõ ràng thành phố sắp thất thủ, nên Philopoemen đã thực hiện một cuộc tấn công liều lĩnh để lôi kéo kẻ thù về phía mình. Điều này cho phép nhiều người dân Megalopolitan trốn thoát. Bản thân Philopoemen cũng trốn thoát sau đó dù bị thương và mất ngựa.

Cán cân quyền lực ở Hy Lạp

Bản đồ chính trị Hy Lạp cổ đại, khoảng năm 200 TCN
Bản đồ chính trị Hy Lạp cổ đại, khoảng năm 200 TCN

Thời đại của Philopoemen chứng kiến cán cân quyền lực liên tục thay đổi trên bán đảo Hy Lạp. Tuy Sparta chưa bao giờ lấy lại vị thế bá chủ sau thất bại trước Thebes ở trận Leuctra năm 371 trước Công nguyên, họ vẫn là thế lực đáng gờm, nhất là dưới tay nhà cải cách và chỉ huy tài ba Cleomenes III. Theo sử gia William Smith, ông là “người đàn ông thực sự vĩ đại cuối cùng của Sparta, và có lẽ là của toàn Hy Lạp, ngoại trừ Philopoemen.”

Vương quốc Macedon hùng mạnh dưới thời Antigonus III Doson vẫn thống trị phần lớn Hy Lạp, ngay cả khi đế chế vĩ đại của Alexander tan rã. Liên minh Achaean luôn nghi ngại người Macedon, từng dựa vào hỗ trợ tài chính từ Vương triều Ptolemy (một quốc gia kế thừa khác) để lật đổ những kẻ bạo ngược do Macedon dựng lên trong các thành phố của mình. Tuy nhiên, người Achaean quá yếu để chống lại Sparta một mình, nên đành liên minh với chính Macedon.

Philopoemen đã có mặt cùng liên quân Macedon, Achaean và các thành bang Hy Lạp khác trong trận quyết chiến với Sparta tại Sellasia vào năm 222 trước Công nguyên. Theo sử gia Polybius, lực lượng liên minh dưới sự chỉ huy của Antigonus có 28.000 bộ binh và 12.000 kỵ binh. Biệt đội 1000 quân tinh nhuệ từ Megalopolis do Cercidas dẫn đầu, được trang bị theo lối “Macedon”. Philopoemen cùng kỵ binh Macedon và Achaean trấn giữ một bên sườn của đội hình. Bên cạnh ông là lính đánh thuê Illyria, bảo vệ khoảng trống nguy hiểm giữa bộ binh và kỵ binh.

Quân Sparta gồm khoảng 20.000 bộ binh và 650 kỵ binh. Cleomenes đoán trước Antigonus sẽ đi đường Sellasia tới Sparta, nên bố trí quân chiếm đèo giữa hai ngọn đồi Evas và Olympus. Ông củng cố vị trí trên cả hai đồi, đặt kỵ binh và lính đánh thuê ở vùng bằng phẳng dọc theo sông Oenus.

Philopoemen lập công ở Sellasia

Đội hình Phalanx của quân Macedonia
Đội hình Phalanx của quân Macedonia

Philopoemen được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi Evas. Lính Illyria đi đầu mở đường, nhưng vô tình tạo ra lỗ hổng khiến lính đánh thuê Achaean bị tách rời khỏi bộ binh. Người Sparta thừa cơ tràn lên. Nhận thấy mối nguy, Philopoemen đề xuất phản công, nhưng các tướng lĩnh kinh nghiệm hơn phớt lờ. Polybius ghi lại, Philopoemen không nản lòng mà “hành động tự quyết định, cổ vũ binh lính của mình, rồi xông thẳng vào quân địch”. Hành động táo bạo này ngăn chặn được nguy cơ Achaean, Illyria và Macedon bị bao vây.

Sử ký của Plutarch và Polybius có đôi chút khác biệt về diễn biến sau đó. Philopoemen chiến đấu trong cuộc giao tranh kỵ binh tiếp theo. Không rõ do địa hình hay do ngựa trận vong mà ông phải xuống ngựa. Tuy nhiên, cả hai sử gia đều đồng ý rằng dù bị trọng thương ở cả hai đùi (có thể do trúng lao), Philopoemen vẫn chiến đấu “dũng cảm phi thường”. Plutarch còn kể lại, ông “rút kiếm xông lên hàng đầu, khơi dậy ý chí quyết chiến của đồng đội”.

Cuộc chiến được quyết định bởi cuộc đụng độ giữa hai Phalanx (đội hình chiến đấu) của Macedon và Sparta. Nhờ cải cách của Cleomenes, cả hai bên đều dùng thương sarissa dài kiểu Macedon. Tuy nhiên, Antigonus sắp xếp quân lính thành Phalanx đôi với chiều sâu vượt trội, đủ sức phá tan đội hình Sparta và giành chiến thắng chung cuộc.

Từ tướng lĩnh đến lính đánh thuê (và ngược lại)

Tetradrachm of Cleomenes III of Sparta, c. 235-221 BCE
Tiền đồng có hình vua Tetradrachm of Cleomenes III của Sparta, c. 235-221 BCE

Sau trận đánh Sellasia, Philopoemen đã dành một thập kỷ tiếp theo làm lính đánh thuê trên đảo Crete. Ấn tượng với tài năng quân sự của ông, Vua Antigonus đã đề nghị ông một vị trí chỉ huy trong quân đội Macedonia, nhưng Philopoemen từ chối, thích cuộc sống của một người lính đánh thuê hơn. Có thể ông cảm thấy khó chịu khi phải làm theo lệnh của người khác, từng thất vọng ở Sellasia khi cấp trên không cho phép can thiệp lúc quân Illyria bị tấn công bất ngờ. Là một chỉ huy đánh thuê, ông sẽ có nhiều quyền tự chủ hơn. Tuy nhiên, sử gia R. M. Errington cho rằng Philopoemen có thể đã phục vụ cho lợi ích của Macedonia trên đảo Crete trong vai trò lính đánh thuê.

Chúng ta không biết nhiều về thời gian của Philopoemen ở Crete. Tuy nhiên, chiến tranh trên hòn đảo núi non này của Hy Lạp khác với đất liền rất nhiều. Trong khi trên đất liền có nhiều địa hình bằng phẳng cho các trận chiến quy mô lớn, ở Crete hiểm trở thì chiến tranh du kích là chủ yếu. Người Crete nổi tiếng với tài bắn cung và thường được thuê làm lính đánh thuê khắp vùng Địa Trung Hải cổ đại. Dù hoạt động của Philopoemen trên đảo phần lớn vẫn là một ẩn số, lối đánh của người Crete rõ ràng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ông với tư cách một chỉ huy, bởi vì khi trở lại đất liền mười năm sau, ông đã áp dụng các chiến thuật mới.

Chỉ huy kỵ binh của Liên minh Achaean

Đồng xu bạc được đúc ở Megara (một thành viên Liên minh Achaean), khoảng năm 280 TCN. Nguồn: Bảo tàng Anh
Đồng xu bạc được đúc ở Megara (một thành viên Liên minh Achaean), khoảng năm 280 TCN. Nguồn: Bảo tàng Anh

Philopoemen trở về Hy Lạp đại lục vào năm 210 TCN và được giao chỉ huy toàn bộ lực lượng kỵ binh Achaean. Tài năng của Philopoemen không chỉ đơn thuần là một chỉ huy, mà còn là một nhà cải cách tỏa sáng. Theo Plutarch, ông nhận ra kỵ binh Achaean đang trong tình trạng tồi tệ, thiếu cả kinh nghiệm lẫn dũng khí. Lực lượng này cũng rất tham nhũng, nhiều người thậm chí còn trả tiền cho kẻ khác để thế chỗ mình. Để khắc phục điều này, Philopoemen áp dụng một số biện pháp khen thưởng và trừng phạt nhằm khuyến khích binh sĩ phấn đấu cho sức mạnh quân sự. Ông bắt họ tập luyện và thi đấu, thường xuyên trước mặt khán giả để nâng cao kỹ năng và tinh thần đồng đội.

Philopoemen nhanh chóng có cơ hội để thử thách quyết tâm của các binh sĩ dưới quyền. Trong bối cảnh Chiến tranh Macedonia lần thứ nhất giữa Cộng hòa La Mã và Macedonia, Liên minh Achaean đụng độ với Liên minh Aetolia và thành bang Elis. Người Achaean đối mặt với liên quân Aetolian và Elis gần sông Larissa ở biên giới với Elis do Damophantus chỉ huy. Trong trận chiến, kỵ binh Achaean được cải tổ đã chiến đấu xuất sắc và một lần nữa Philopoemen lại thể hiện sự dũng cảm của mình.

Plutarch viết: “[…] Damophantus, tướng chỉ huy kỵ binh Elis, đã tách Philopoemen ra khỏi đội hình và lao tới với tốc độ tối đa. Philopoemen bình tĩnh chờ đợi, và trước khi bị tấn công, ông đã giáng một cú đánh dữ dội bằng ngọn giáo của mình khiến kẻ địch chết ngay tại chỗ. Quân địch lập tức tháo chạy.”

Philopoemen – Cuộc cải cách quân đội Hy Lạp cổ đại

Tượng Philopoemen tại Bảo tàng Louvre, do Pierre Jean David tạc năm 1556
Tượng Philopoemen tại Bảo tàng Louvre, do Pierre Jean David tạc năm 1556

Năm 209 Trước Công Nguyên, Philopoemen được bổ nhiệm làm “strategos” hay còn gọi là Đại tướng. Ông đã tận dụng vị trí này để cải cách toàn diện quân đội Achaean. Dựa trên nghiên cứu từ J. K. Anderson vào những năm 1960, Philopoemen có thể đã chọn một trong hai hướng cải cách: mô hình giáo-khiên truyền thống của Hy Lạp, hoặc mô hình phalanx của Macedonia với những cây giáo sarissa dài hơn. Các học giả hiện đại, như Mary Frances Williams, đồng tình với giả thuyết về lựa chọn mô hình Macedonia của Philopoemen.

Plutarch ghi nhận rằng người Achaean đã áp dụng “aspis và sarissa” – cách nói về trang bị tiêu chuẩn của người Macedonia. Trên thực tế, Philopoemen đã trang bị lại bộ binh bằng giáp nặng hơn và huấn luyện họ cách chiến đấu kiên cường, một hướng đi hoàn toàn khác so với các chiến binh Achaean trước đó – những người thường mang giáo ngắn và khiên nhẹ kiểu Celt phổ biến sau cuộc xâm lược của người Celt vào Hy Lạp ở thế kỷ thứ 3 Trước Công Nguyên. Pausanias có viết rằng Philopoemen đã “thuyết phục họ mặc áo giáp, giáp chân, sử dụng khiên (aspis) kiểu Argos và giáo dài.”

Trận chiến Mantinea

Khu phế tích Mantinea
Khu phế tích Mantinea

Năm 207 Trước Công Nguyên, Philopoemen dẫn quân Achaean đụng độ với bạo chúa Machanidas của Sparta trong Trận Mantinea. Cả hai bên đều huy động một lượng lớn công dân kiêm lính đánh thuê. Thế trận ban đầu không hề có lợi cho Philopoemen. Kỵ binh của Machanidas đánh tan tác các đơn vị lính đánh thuê và du kích được bố trí phía trước đội hình chính của Achaean.

Mải mê truy đuổi các đơn vị tan rã, Machanidas bỏ xa chiến tuyến chính của Sparta. Lợi dụng sơ hở này, Philopoemen tấn công vào bộ binh Sparta đang đứng đợi trên đồi. Bị đánh úp bất ngờ, quân Sparta bị đánh tơi tả. Theo Plutarch, khoảng 4,000 quân Sparta tử trận. Machanidas cố gắng bỏ chạy sau khi nhận ra trận chiến đã thua, nhưng Philopoemen đuổi theo và tự tay đâm chết vị bạo chúa ngay khi hắn đang cố vượt rãnh nước. Người Achaean vinh danh chiến thắng này bằng một bức tượng Philopoemen tại Delphi. Sau đó, vị tướng được khán giả nhiệt liệt tán dương trong Đại hội thể thao Nemean.

Đối đầu với Nabis của Sparta và hành trình trở lại Crete

Cảnh giao chiến phác họa trên đồ gốm thời Hy Lạp
Cảnh giao chiến phác họa trên đồ gốm thời Hy Lạp

Đến năm 201 Trước Công Nguyên, Sparta và Liên minh Achaean lại rơi vào chiến tranh. Nabis, vị vua độc lập cuối cùng của Sparta, chiếm được thành phố Messene của Achaean. Khi đó, Philopoemen không còn là “strategos” và quyền chỉ huy thuộc về Lysippus, một vị tướng cẩn trọng hơn. Lysippus cho rằng cứu Messene quá rủi ro và từ chối khiêu chiến Sparta. Nhưng cùng năm đó, Philopoemen tái đắc cử “strategos” và đẩy lui Nabis khỏi Messene mà không cần giao tranh chính thức. Nabis sau đó thua trận tại Tegea.

Sau khi đánh đuổi Nabis, Philopoemen quay lại Crete làm tướng đánh thuê cho Gortyna trong suốt sáu năm. Trong thời gian vắng mặt, Nabis tái khởi chiến dịch chống Achaeans. Thậm chí thành Megalopolis bị bao vây nghiêm trọng, cư dân chết đói phải trồng trọt trong cả những không gian trống của thành để sống sót. Philopoemen vẫn ở Crete mà không trở về bảo vệ quê hương. May thay, quân La Mã do Titus Quinctius Flaminius chỉ huy tấn công Sparta từ năm 196 đến 194 Trước Công Nguyên, buộc Nabis từ bỏ nhiều vùng chiếm đóng trước đó.

Philopoemen trở lại Hy Lạp và cuộc chiến không hồi kết

Philopoemen quay về đại lục Hy Lạp đúng lúc cuộc chiến giữa Liên minh Achaean và Sparta lại tiếp tục. Theo William Smith, “Người Megalopolis vô cùng căm giận ông vì đã bỏ họ đi ngay lúc họ cực kỳ cần đến tài năng của ông. Suýt chút nữa họ đã ra sắc lệnh tước đi quyền công dân của ông.” Tuy nhiên, nhờ lời khuyên từ một vị tướng Achaean khác, họ đã dịu lại và phong ông làm strategos (tư lệnh) vào khoảng năm 192 TCN.

Khởi đầu cuộc chiến với Sparta khá là thảm họa, quân Achaeans thua một trận hải chiến, khiến nỗ lực giải vây cho thị trấn Gytheum của Philopoemen bị cản trở. Nabis, vua Sparta, lúc này rất tự tin là sẽ không bị tấn công từ biển nữa nên đã rút một phần ba quân khỏi Gytheum để đóng trại gần Pleiae.

Đây chính là lúc Philopoemen thực hiện một nước cờ được xem là “tuyệt đỉnh” trong sự nghiệp của ông. Ông cử một nhóm lính đánh du kích – lính phóng lao, cung thủ, lính ném đá – tiến hành đổ bộ bí mật gần trại quân Sparta dưới màn đêm. Từ bãi đáp, nhóm quân này đã khiến người Sparta hoàn toàn bất ngờ và phóng hỏa thiêu rụi trại. Theo sử gia Livy, “Nhiều người lính Sparta đã bị thiêu chết trước cả khi họ nhận ra quân địch đã áp sát…Bằng gươm và lửa, tất cả đều bị phá hủy”. Đòn tấn công này vô cùng độc đáo nhưng hiệu quả. Nhà sử học Mary Frances Williams còn nhận xét rằng “Không gì trong lịch sử chiến tranh Hy Lạp có thể sánh được với cuộc tập kích đổ bộ ban đêm của Philopoemen hay cách ông dùng chiến thuật du kích kể cả hỏa công.”

Những trận chiến cuối và cái chết anh hùng

Cuộc chiến với Sparta kết thúc với chiến thắng thuộc về liên minh Achaean. Nabis bị ám sát bởi một nhóm quân Aetolia vốn được cử tới hỗ trợ ông và Philopoemen nhanh chóng tiến vào Sparta, buộc thành phố này phải gia nhập Liên minh Achaean. Lần thứ hai ông lại tiến đánh Sparta vào năm 188 TCN và chấm dứt agoge, hệ thống giáo dục quân sự lừng danh của người Sparta.

Ở tuổi 70, Philopoemen một lần nữa được phong làm tướng. Kiệt sức sau nhiều năm chinh chiến, ông chỉ mong mỏi được những năm tháng cuối đời yên bình. Nhưng một cuộc nổi loạn chống lại Liên minh Achaean xảy ra, buộc ông phải cầm quân dẹp loạn tại làng Colonis, dù lúc đó đang bị sốt cao. Trong trận chiến này, Philopoemen và đội kỵ binh của ông đã bị đánh úp bất ngờ. Ông xông pha nhiều lần để cứu thuộc hạ nhưng cuối cùng bị ngã ngựa và bắt sống. Người tướng kỳ cựu đã bị ép phải uống thuốc độc và qua đời trong ngục.

Người Achaean đau đớn tiếc thương Philopoemen và dựng tượng ông khắp các thành phố. Nhà địa lý Hy Lạp cổ Pausanias sau này đã nhận xét rằng sau khi ông ra đi, “Hy Lạp không còn sản sinh ra những người anh hùng nữa.” Một người La Mã khuyết danh cũng đã từng thốt lên rằng Philopoemen là “người Hy Lạp cuối cùng.”

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s