Phật Thích Ca Mâu Ni (khoảng 563-483 TCN), hay còn được biết đến với tên gọi Đức Phật, vốn là một vị hoàng tử Ấn Độ thời cổ đại. Truyền thuyết kể rằng, ngài đã từ bỏ địa vị và của cải để tìm kiếm giác ngộ, trở thành một nhà tu khổ hạnh. Sau khi đạt được giác ngộ, ngài sáng lập Phật giáo ở Ấn Độ trong khoảng thế kỷ thứ 6 đến thứ 5 TCN.
Mặc dù cuộc đời của Đức Phật chủ yếu được ghi chép qua truyền thuyết, các học giả vẫn xem ngài là một nhân vật lịch sử có thật. Đức Phật còn là người cùng thời với Mahavira (hay còn gọi Vardhamana, khoảng 599-527 TCN), người sáng lập ra Kỳ Na Giáo.

Theo như các kinh điển của đạo Phật, ngay từ khi mới sinh ra, đã có một lời tiên tri về cuộc đời của Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) nói rằng ngài sẽ trở thành một vị vua quyền uy hoặc một nhà lãnh đạo tâm linh vĩ đại. Lo sợ rằng con trai mình sẽ đi theo con đường thứ hai nếu tiếp xúc với những khổ đau của thế gian, vua cha đã cố gắng bảo vệ Thái tử, không cho chàng nhìn thấy hay trải qua bất cứ điều gì tiêu cực trong suốt 29 năm đầu đời.
Nhưng rồi một ngày (hoặc trong khoảng vài ngày), Thái tử tìm cách rời khỏi sự bảo bọc của vua cha và chứng kiến những gì được Phật tử gọi là Tứ Kiến:
- Một ông lão
- Một người bệnh
- Một người chết
- Một nhà tu khổ hạnh
Thông qua những hình ảnh này, Thái tử nhận ra rằng bản thân ngài cũng sẽ bị bệnh tật, sẽ già đi, sẽ chết, và sẽ mất đi mọi thứ mình yêu quý. Ngài hiểu rằng cuộc sống an nhàn hiện tại không thể ngăn cản nỗi khổ của bản thân, và xa hơn nữa, tất cả kiếp nhân sinh suy cho cùng đều là khổ đau, luẩn quẩn trong sự thiếu thốn và mất mát. Từ đó, Thái tử Tất Đạt Đa đi theo con đường của vị tu sĩ khổ hạnh, trải qua sự dạy dỗ của nhiều bậc thầy và tu tập nhiều pháp môn khác nhau. Cuối cùng, ngài giác ngộ bằng chính phương pháp của mình và được biết đến với cái tên Đức Phật (“người tỉnh thức” hoặc “người giác ngộ”).
Sau khi thành đạo, Đức Phật rao giảng “trung đạo”, cho rằng con người cần không vướng mắc vào các sự vật thuộc về giác quan, thoát khỏi vô minh và ảo ảnh. Con đường này được tóm gọn trong Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và Thập Nhị Nhân Duyên. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử của ngài đã bảo tồn và phát triển giáo lý của Ngài. Đến thời vua Ashoka Đại Đế (trị vì 268-232 TCN), Đạo Phật được truyền bá rộng rãi từ Ấn Độ sang các quốc gia khác. Kể từ thời đại Ashoka, Đạo Phật không ngừng phát triển và cho đến hôm nay, trở thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới.
Phật Giáo Ra Đời: Khi Niềm Tin Cũ Bị Thử Thách
Tất Đạt Đa Cồ Đàm, hay Siddhartha Gautama (Đức Phật) sinh ra ở Lumbini (ngày nay là Nepal) vào thời kỳ xã hội và tôn giáo có nhiều biến động lớn. Tôn giáo thống trị Ấn Độ lúc bấy giờ là Ấn Độ giáo (Sanatan Dharma, “Trật Tự Vĩnh Hằng”), tuy nhiên nhiều nhà tư tưởng bắt đầu nghi ngờ tính xác thực của Ấn Độ giáo, quyền lực của kinh Vệ Đà cũng như các nghi thức do các thầy tu thực hiện.
Về mặt thực tiễn, những người chỉ trích Ấn Độ giáo chính thống cho rằng tôn giáo này không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Kinh Vệ Đà được cho là truyền trực tiếp từ vũ trụ và không thể bị nghi ngờ, nhưng những kinh sách này đều bằng tiếng Phạn – thứ ngôn ngữ mà người dân không hiểu. Các thầy tu lợi dụng điều này để thuyết phục con chiên chấp nhận số phận của họ – dù có khó khăn hay nghèo khổ đến đâu – trong khi chính họ lại sống sung túc nhờ lễ vật dâng cúng.
Trên phương diện học thuật, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi về toàn bộ cấu trúc của Ấn Độ giáo. Ấn Độ giáo dạy rằng có một đấng tối cao, Phạm Thiên (Brahman), người không chỉ tạo ra vũ trụ mà còn chính là vũ trụ. Phạm Thiên thiết lập trật tự thần thánh, duy trì trật tự này và ban kinh Vệ Đà để con người có thể tiếp cận và thấu hiểu trật tự đó.
Người ta tin rằng linh hồn con người là bất tử và mục đích của cuộc sống là thực hiện nghiệp (karma) của mình theo đúng bổn phận (dharma) để thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử (samsara) và hiệp nhất với linh hồn vũ trụ (atman). Linh hồn cũng sẽ liên tục được tái sinh vào các thể xác khác nhau cho đến khi cuối cùng đạt được sự giải thoát này.
Các thầy tu Ấn Độ giáo thời đó bảo vệ đức tin của họ, bao gồm cả hệ thống đẳng cấp, vì coi đó là một phần của trật tự thần thánh. Nhưng khi những tư tưởng mới bắt đầu lan truyền, ngày càng nhiều người hỏi liệu trật tự đó có thực sự thiêng liêng hay không khi tất cả những gì họ thấy chỉ là vòng luân hồi khổ đau bất tận. Học giả John M. Koller nhận xét:
“Về mặt tôn giáo, các đức tin và nghi thức mới đã thách thức trực tiếp tôn giáo Vệ Đà vốn có. Mối quan tâm chính chi phối tư tưởng và thực hành tôn giáo vào thời Đức Phật là vấn đề khổ và chết. Nỗi sợ cái chết càng trở nên gay gắt, vì cái chết được coi là chuỗi tử sinh bất tận. Dù giải pháp của Đức Phật cho vấn đề này là độc nhất vô nhị, nhưng hầu hết những người tìm đường tôn giáo vào thời điểm này đều đang tìm cách thoát khỏi khổ đau và chuỗi tử sinh luân hồi.” (46)
Nhiều trường phái tư tưởng ra đời vào thời điểm này để đáp ứng nhu cầu trên. Những trường phái ủng hộ tư tưởng Ấn Độ giáo chính thống được gọi là astika (“có tồn tại”), còn những trường phái bác bỏ kinh Vệ Đà và cơ cấu Ấn Độ giáo được gọi là nastika (“không tồn tại”). Trong số các trường phái nastika tồn tại và phát triển có Charvaka, Kỳ Na giáo và Phật giáo.
Từ Hoàng Tử Đến Giác Ngộ
Siddhartha Gautama lớn lên trong thời kỳ chuyển giao và cải cách, nhưng theo truyền thuyết nổi tiếng của Phật giáo kể về tuổi trẻ của ngài, ngài hoàn toàn không hề hay biết về những biến động đó. Khi chào đời, một lời tiên tri cho rằng ngài sẽ trở thành một vị vua vĩ đại hoặc một nhà lãnh đạo tâm linh lỗi lạc. Cha của ngài, với hy vọng con trai sẽ trở thành vị vua ấy, đã che giấu Siddhartha khỏi mọi thứ có thể gây khổ đau phiền não. Mẹ của Siddhartha qua đời sau khi ngài ra đời một tuần, nhưng mọi người giấu kín chuyện này, và cha ngài không muốn Siddhartha trải qua bất kỳ điều gì có thể khiến ngài lựa chọn con đường tâm linh.

Siddhartha sống sung túc trong cung điện, kết hôn, có con trai, và với tư cách là người thừa kế của cha mình, ngài không thiếu bất cứ thứ gì cho đến khi tận mắt chứng kiến Tứ Diệu Đế. Bất kể câu chuyện kể rằng ngài thấy một ông lão, một người bệnh, một người chết và một nhà tu hành xuất hiện liên tiếp trong một chuyến du ngoạn duy nhất bằng xe ngựa (hoặc xe chiến mã, tùy theo dị bản), hay trải nghiệm trong bốn ngày khác nhau, thì cốt lõi là ở chỗ: trước ba hiện tượng đầu tiên, Siddhartha hỏi người đánh xe: “Ta có phải chịu cảnh này như họ không?” Người đánh xe đáp lại, nói với ngài rằng mọi người đều già đi, đều bị bệnh tật, và mọi người đều chết.
Suy ngẫm về điều này, Siddhartha nhận ra rằng tất cả những người ngài yêu thương, mọi vật quý giá, mọi bộ quần áo sang trọng, ngựa, đồ trang sức đều sẽ rời xa ngài một ngày nào đó – có thể mất đi bất cứ lúc nào – bởi vì giống như bao người khác, ngài cũng phải chịu quy luật già, bệnh, chết. Ý tưởng về sự mất mát to lớn như vậy khiến ngài không thể chịu đựng nổi. Nhưng rồi, ngài để ý thấy vị tu sĩ kia – người cũng phải trải qua số phận như bao người khác – trông lại thanh thản lạ thường. Thế là ngài hỏi vì sao vị tu sĩ có thể bình an đến thế. Vị tu sĩ nói với ngài rằng ông đang theo đuổi con đường tu tập và buông bỏ, ông nhận ra thế giới và những sự phù hoa vật chất đều là ảo ảnh, và do đó không lo lắng về những mất mát vì ngài đã từ bỏ tất cả mọi thứ.
Siddhartha biết rằng vua cha sẽ không bao giờ cho phép ngài đi theo con đường này, và hơn nữa, ngài còn có vợ con, những người cũng sẽ cố gắng ngăn cản ngài. Nhưng đồng thời, suy nghĩ về việc chấp nhận một cuộc sống mà ngài biết chắc chắn mình sẽ mất tất cả và chịu nhiều đau khổ cũng làm ngài không thể chịu đựng nổi. Một đêm nọ, sau khi nhìn ngắm tất cả những món đồ quý giá mà mình gắn bó, nhìn vợ và con trai đang say ngủ, ngài rời khỏi cung điện, để lại quần áo sang trọng, khoác lên mình chiếc áo cà sa của một nhà tu hành và đi vào rừng. Trong một số phiên bản của câu chuyện, ngài được các thế lực siêu nhiên trợ giúp, trong khi ở những dị bản khác, ngài âm thầm rời cung điện một mình.
Chuyến Đi Bí Mật Của Thái Tử Siddhartha: Sự Thật Hay Truyền Thuyết?
Câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật thường gây tranh cãi với chi tiết Thái tử Siddhartha mãi đến năm 29 tuổi mới nhìn thấy người bệnh, người già, hay người chết. Nhiều học giả giải thích điều này theo hai hướng:
- Câu chuyện mang tính biểu tượng cho những yếu tố gây ra/giải thoát khổ đau
- Câu chuyện được thêm thắt để tạo nên một quá khứ giàu ý nghĩa cho đạo Phật
Koller bàn về ý đầu tiên khi viết:
“Gần như chắc chắn, sự thật ẩn sau truyền thuyết về bốn điềm báo mang tính biểu tượng hơn là dựa trên chuyện có thật. Trước hết, các điềm báo tượng trưng cho những khủng hoảng hiện sinh trong cuộc đời của Siddhartha khi đối mặt với bệnh tật, tuổi già, cái chết và sự buông bỏ trần tục. Quan trọng hơn, bốn điềm báo là biểu hiện cho sự thấu hiểu sâu sắc của ngài về thực tại của bệnh tật, tuổi già, cái chết cũng như sự an yên – niềm tin rằng an vui vẫn hiện hữu dù ai cũng phải trải qua già yếu, bệnh tật hay cái chết. ” (49)

Các học giả Robert E. Buswell Jr. và Donald S. Lopez Jr. nhắc đến ý thứ hai khi cho rằng câu chuyện về Bốn Điềm Báo được viết hơn 100 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Họ cho rằng những người theo đạo Phật thời kỳ đầu “hành động một phần bởi nhu cầu chứng minh giáo lý của Đức Phật không phải là suy nghĩ của một cá nhân mà là sự tái khám phá một chân lý vĩnh hằng.” Điều này giúp đạo Phật có được tuyên bố tương tự về nguồn gốc cổ xưa và thiêng liêng như Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo (149).
Câu chuyện có thể đúng hoặc không, nhưng không mấy quan trọng bởi nó đã được chấp nhận như một sự thật. Câu chuyện xuất hiện lần đầu tiên trong bộ kinh Lalitavistara Sutra (khoảng thế kỷ 3 sau Công nguyên), và rất có thể đã trải qua nhiều chỉnh sửa từ truyền miệng trước khi được ghi lại. Ý nghĩa biểu tượng khá rõ ràng, và việc bổ sung chi tiết để tôn cao vị thế của đạo Phật – khi phải cạnh tranh với Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo để có thêm tín đồ – dường như cũng rất hợp lý.
Hành Trình Giác Ngộ Của Đức Phật
Ban đầu, Siddhartha tìm đến vị đạo sư nổi tiếng Arada Kalama và học cho đến khi thông thạo tất cả những gì Kamala biết. Nhưng dù đạt được cảnh giới “vô ngã”, Ngài vẫn không thể thoát khỏi khổ đau. Sau đó, Siddhartha trở thành môn sinh của đạo sư Udraka Ramaputra, người dạy Ngài cách chế ngự ham muốn và đạt đến trạng thái “không ý thức cũng không vô thức”. Nhưng điều này vẫn không giúp gì, vì cũng không giải quyết được vấn đề khổ đau. Cuối cùng, Ngài áp dụng những khổ hạnh khắc nghiệt nhất, có lẽ theo mô hình của Kỳ Na giáo, thậm chí có ngày chỉ ăn một hạt gạo. Thế nhưng, Ngài vẫn không tìm thấy điều mình đang tìm kiếm.
Theo một dị bản, khi sức cùng lực kiệt, Siddhartha lảo đảo ngã xuống dòng sông và gần như không thể ngoi đầu lên được. Lúc ấy, Ngài nghe được lời chỉ dẫn từ một giọng nói trong gió. Còn trong dị bản phổ biến hơn, Ngài được một cô gái vắt sữa tên là Sujata tìm thấy trong rừng. Do thân thể quá gầy guộc, Sujata tưởng nhầm Ngài là một vị thần cây và dâng cho Ngài một ít sữa gạo. Nhờ vậy, Ngài lấy lại sức, chấm dứt khổ hạnh, và đến ngôi làng Bodh Gaya gần đó. Tại đây, Ngài ngồi thiền dưới bóng cây Bồ Đề và thề rằng sẽ không rời khỏi cho đến khi hiểu được cách sống mà không khổ đau.

Trong trạng thái thiền định sâu lắng, Siddhartha quán chiếu cuộc đời và trải nghiệm bản thân. Ngài suy ngẫm về bản chất của khổ đau và nhận ra rằng gốc rễ của nó đến từ sự bám víu. Cuối cùng, trong khoảnh khắc giác ngộ, Ngài hiểu rằng khổ đau là do ta cố chấp về sự vĩnh hằng trong một thế giới vô thường. Tất cả những gì ta có, ta cho rằng ta sở hữu, hay tham muốn có được, đều luôn thay đổi không ngừng. Ta khổ đau bởi ta không biết rằng cuộc đời vốn dĩ là sự thay đổi. Nhận được chân lý này, ta có thể chấm dứt khổ đau. Vì sự thật là vậy, bám víu vào bất cứ thứ gì tin rằng nó trường tồn chính là một sai lầm khiến ta mắc kẹt trong vòng luân hồi bất tận của tham ái, tranh đấu, sinh tử. Khoảnh khắc ấy, giác ngộ viên mãn, Siddhartha Gautama trở thành Đức Phật, một người đã thức tỉnh.
Giảng dạy
Đức Phật đạt được giác ngộ, và với sự hiểu biết này, lẽ ra Ngài có thể sống an yên, làm bất cứ điều gì ngài muốn. Thế nhưng, thay vào đó, Đức Phật lại chọn con đường giúp những người khác tìm thấy sự giải thoát khỏi khổ đau bằng cách khai mở sự hiểu biết, chấm dứt tham ái trong họ. Ngài thuyết bài giảng đầu tiên tại vườn Lộc Uyển ở Sarnath, hướng dẫn cho mọi người về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo của Ngài. Tứ Diệu Đế chính là:
- Đời là bể khổ
- Tham ái là nguồn gốc của khổ
- Chấm dứt tham ái cũng là chấm dứt khổ đau
- Bát Chánh Đạo chính là con đường thoát khổ
Hiểu về Bát Chánh Đạo có thể giúp chúng ta sống không bị ràng buộc, dẫn đến khổ đau. Bát Chánh Đạo bao gồm:
- Chánh kiến (Nhìn nhận vấn đề đúng đắn)
- Chánh tư duy (Suy nghĩ đúng đắn)
- Chánh ngữ (Lời nói đúng đắn)
- Chánh nghiệp (Hành động đúng đắn)
- Chánh mạng (Nghề nghiệp đúng đắn)
- Chánh tinh tấn (Nỗ lực đúng đắn)
- Chánh niệm (Tỉnh thức đúng đắn)
- Chánh định (Thiền định đúng đắn)
Khi hiểu biết về Tứ Diệu Đế và làm theo Bát Chánh Đạo, ta sẽ thoát khỏi “Vòng Luân Hồi”, một hình ảnh tượng trưng cho vòng tròn sinh tử liên tục. Trung tâm của vòng tròn là vô minh, tham ái, và sân giận. Giữa tâm và vòng ngoài là sáu cõi sống: người, súc sinh, ngạ quỷ, thần, a-tu-la và địa ngục. Và trên rìa ngoài là nguyên nhân của khổ đau như thân-tâm, ý thức, cảm giác, khao khát,… khiến chúng ta ràng buộc và luẩn quẩn mãi trong dòng sinh tử.
Khi hiểu được Tứ Diệu Đế và làm theo Bát Chánh Đạo, chúng ta vẫn sẽ gặp mất mát, đau khổ và thất vọng, nhưng đó không phải là “khổ đau bất tận” (dukkha). Mà đau khổ đó đến từ sự thiếu hiểu biết của mỗi chúng ta về bản chất thật của cuộc sống. Đi theo đạo Phật, ta vẫn tận hưởng được mọi thứ trong đời, chỉ cần nhìn nhận rằng chúng không tồn tại vĩnh viễn, bởi chẳng có gì là mãi mãi.
Giáo lý nhà Phật thường dùng tiệc tối để ví von cho điều này. Sau khi dùng bữa xong, ta cảm ơn chủ nhà về khoảng thời gian vui vẻ và đi về; chứ đâu có gào khóc, tiếc nuối khi buổi tiệc kết thúc. Một buổi tiệc tối có bắt đầu thì sẽ có kết thúc, đó là tự nhiên, vạn vật trong vũ trụ cũng vậy. Thay vì mãi buồn rầu vì sự mất mát – những thứ vốn dĩ ta chẳng thể giữ lại – sao ta không học cách trân trọng và biết ơn những trải nghiệm dù chỉ trong khoảnh khắc?
Kết
Đức Phật gọi giáo lý của ngài là Dharma (Pháp), có nghĩa là “quy luật vũ trụ”. Pháp của Đức Phật hoàn toàn dựa trên nguyên lý về những hệ quả không thể chối bỏ của suy nghĩ, niềm tin, từ đó hình thành nên thực tại và chi phối hành động của mỗi người. Như kinh Pháp Cú (Dhammapada) viết:
“Tâm tạo tác cuộc đời; ta trở thành những gì ta nghĩ. Khổ đau bám theo ý nghĩ xấu xa, như bánh xe lăn theo chân con vật kéo. Niềm vui bám theo ý nghĩ trong lành, như chiếc bóng không rời hình”.
Mỗi người chịu trách nhiệm cho mức độ khổ đau của chính mình, vì bất cứ lúc nào, ta cũng có thể chọn thoát khỏi những ràng buộc, tư duy tiêu cực vốn là nguyên nhân gây đau khổ. Đức Phật tiếp tục truyền bá thông điệp của ngài cho đến cuối đời, trước khi nhập Niết Bàn ở Kushinagar. Theo Phật tử, tại đây, Người đã thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Trước khi mất vì kiết lỵ, Người yêu cầu hỏa táng và đặt xá lợi tại một giao lộ. Tuy nhiên, các đệ tử đã chia xá lợi của Phật và xây tám (hoặc mười) bảo tháp ở những nơi quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật. Khi vua Ashoka cải sang Phật giáo, ông đã cho khai quật các xá lợi và sau đó chia lại để xây 84.000 bảo tháp trên khắp Ấn Độ.
Vua Ashoka cũng cử các nhà sư đi truyền bá thông điệp của Đức Phật đến các nước khác. Phật giáo được đón nhận nồng nhiệt đến mức nó trở nên phổ biến hơn ở các quốc gia như Sri Lanka, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc so với chính tại Ấn Độ. Triết lý Phật giáo tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau đó. Ngày nay, những nỗ lực của Đức Phật được các Phật tử trên toàn thế giới trân trọng. Họ noi gương Người, sống tỉnh thức và trân trọng vẻ đẹp của cuộc sống mà không bị ràng buộc khổ đau.