Blog Lịch Sử

Nhật Bản ở Mãn Châu và nguyên nhân mâu thuẫn Mỹ – Nhật 1905-1930

Vùng Mãn Châu gồm 3 tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh hấp dẫn Nhật bởi vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên.

quan he my nhat truoc the chien 2

ThS. Trần Thiện Thanh

Vùng Mãn Châu gồm 3 tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh từ lâu đã hấp dẫn giới tư bản độc quyền Nhật bởi vị trí chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Về mặt chiến lược, Mãn Châu là một bàn đạp quan trọng để tấn công Mông Cổ, Nga và xâm lược toàn Trung Quốc. Về mặt tài nguyên thiên nhiên, đây là nơi có nhiều mỏ sắt, than, dầu mỏ… rất cần thiết cho sự phát triển của nền công nghiệp Nhật Bản – một nước vốn nghèo khoáng sản. Vì vậy, ngay từ giữa thế kỷ XIX, ý tưởng xâm chiếm Mãn Châu đã hình thành trong giới cầm quyền Nhật Bản. Tiêu biểu trong số đó là quan điểm của Yoshida Shòin – môn đồ của Sakura Shòzan, thành viên trong chính quyền Tokugawa. Yoshida cho rằng: “Việc bảo vệ đất nước không chỉ là ngăn chặn để không mất đi những vị trí đang chiếm giữ mà còn phải làm tăng thêm những vị trí mà đất nước sẽ chiếm giữ”. Đồng thời, cũng nói rõ rằng “để tạo lợi thế về mặt cơ hội, chúng ta sẽ chiếm Mãn Châu, theo cách đó sẽ đối đầu với Nga; tiến hành thu hồi Triều Tiên để trông chừng Trung Quốc; chiếm các hòn đảo phía Nam để tiến vào Ấn Độ.

Trên thực tế, Nhật Bản đã bước đầu thực hiện mục tiêu này khi tiến hành cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1894-1895. Theo Hiệp ước Mã Quan (Simonoseki) tháng 4 năm 1895, Trung Quốc tuyên bố rút bỏ quyền bảo hộ đối với Triều Tiên, cắt nhượng cho Nhật Bản đảo Liêu Đông, Đài Loan cùng các đảo lân cận và quần đảo Bành Hồ, bồi thường 200 triệu lạng bạc và trao cho Nhật quyền xây dựng công xưởng tại các cửa khẩu thông thương của Trung Quốc (Sa Thị, Trùng Khánh, Tô Châu và Hàng Châu). Nhưng, việc khai thác Triều Tiên và các vùng khác ở Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các ngành công nghiệp đặc biệt là công nghiệp nặng ở Nhật Bản, nhất là sau khi Nhật buộc phải trao trả Liêu Đông cho nhà Thanh dưới sức ép của Nga, Đức và Pháp. Vì vậy, việc chiếm được nguồn tài nguyên phong phú ở Mãn Châu chính là cơ sở cần thiết tiếp theo để Nhật Bản chuyển từ giai đoạn công nghiệp lần thứ nhất (với nền tảng là công nghiệp nhẹ) sang giai đoạn công nghiệp lần thứ hai (với nền tảng là công nghiệp nặng). Với tầm quan trọng này cùng vị trí chiến lược sẵn có, đến đầu thế kỷ XX, Mãn Châu đã trở thành mục tiêu tranh chấp giữa Nhật Bản với các nước đế quốc khác. Khi cuộc chiến tranh 1904-1905 giữa Nhật Bản và Nga kết thúc, theo hòa ước Postsmouth tháng 9-1905, Nhật được hưởng mọi quyền lợi của Nga ở Liêu Đông, được quyền kinh doanh tuyến đường sắt từ Lữ Thuận đến Trường Xuân (đường sắt Nam Mãn Châu), vùng Nam đảo Sakhalin và được toàn quyền hành động đối với Triều Tiên. Thắng lợi đó không những đưa Nhật Bản lên vị trí một trong các cường quốc thế giới, mà còn làm thay đổi cán cân quyền lực ở Viễn Đông, theo đó mâu thuẫn đối kháng đã chuyển từ Nhật Bản – Nga sang Nhật Bản – Mỹ. Một trong những biểu hiện tập trung của mâu thuẫn này là các sự kiện diễn ra ở Mãn Châu (Đông Bắc Trung Quốc).

1. Hoạt động của Nhật Bản ở Mãn Châu

Có thể nói, hòa ước Postsmouth đã tạo điều kiện cho Nhật Bản xâm nhập mạnh mẽ vào 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Ngoài những lý do sâu xa kể trên, Nhật Bản còn có một lý do quan trọng khác củng cố quyết tâm biến Mãn Châu thành thị trường mở phục vụ lợi ích của Nhật. Đó là việc giải quyết vấn đề nợ nước ngoài. Trong những năm đầu thế kỷ XX, mặc dù nguồn thu nhập từ thuế của Nhật Bản tăng lên đáng kể, nhưng để trang trải cho cuộc chiến tranh với Nga, Nhật đã phải vay những khoản tiền lớn từ nước ngoài. Cuối năm 1903, khoản nợ nước ngoài của Nhật mới là 98 triệu yên. Nhưng, đến năm 1904, con số đó đã tăng lên 312 triệu yên và cuối năm 1905 là 1.142 triệu yên. Phần lớn trong số đó là vay từ thị trường tiền tệ ở London và New York. Dĩ nhiên, để có được những khoản vay đó, Nhật Bản cần phải có sự thông qua hay ít nhất là đồng ý ngầm của chính phủ Anh và Mỹ. Đổi lại, thông qua Bộ trưởng Ngoại giao Komura, chính phủ Nhật Bản đã phải cam kết với chính phủ hai nước này là nếu Nhật giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh với đế quốc Nga, Nhật sẽ chia sẻ việc khai thác Mãn Châu với các cường quốc đang có quan hệ thương mại với vùng đất này trên nguyên tắc cơ hội đồng đều và chính quyền ở đây vẫn sẽ nằm trong tay người Trung Quốc. Nhưng, những hành động của Nhật Bản ở Mãn Châu sau Hòa ước Postsmouth cho thấy, Nhật Bản quyết tâm biến vùng này thành thuộc địa của mình, qua đó tạo chỗ dựa cho cuộc xâm lược Trung Quốc về sau.

Về mặt kinh tế, cùng với việc vươn từ vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng đầu tư của các nước vào thị trường Trung Quốc vào năm 1902 lên vị trí thứ 4 vào năm 1914 và đến năm 1931 là vị trí thứ 2 – chỉ kém nước dẫn đầu là Anh 1,6%, số vốn đầu tư của Nhật vào Mãn Châu đã tăng lên đáng kể và chiếm tỉ trọng lớn hơn so với các vùng khác ở Trung Quốc. Theo tính toán của Hou Chi-ming, năm 1914, Nhật Bản dành 69% trong tổng số vốn đầu tư 220 triệu USD vào Mãn Châu. Đến năm 1931, con số này có giảm chút ít, nhưng vẫn chiếm tới 63%(2). Với các vùng khác ngoài Mãn Châu, Higuchi Hiroshi đưa ra các con số 53% cho Thượng Hải (Shanghai) và Hán Khẩu (Hankow), 24% cho Quảng Đông (Shantung), 15% cho Bắc Kinh và Thiên Tân (Tientsin)(3). So với Triều Tiên hay Đài Loan, vốn đầu tư của Nhật vào Mãn Châu cũng lớn hơn rất nhiều. Theo Yosuke Matsuoka, năm 1929, Nhật Bản đã đầu tư vào Mãn Châu trên 1,5 tỉ yên vàng, trong khi đó con số này ở Đài Loan là 355 triệu yên, ở Triều Tiên là 804 triệu yên.

Sự gia tăng vốn đầu tư vào Trung Quốc nói chung và Mãn Châu nói riêng một mặt phản ánh sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản, mặt khác cũng thể hiện nhu cầu của các ngành công nghiệp Nhật Bản trong thời kỳ này. Một trong những biểu hiện của sự phát triển kinh tế là sự gia tăng sản lượng công nghiệp. Chẳng hạn, trong ngành sản xuất bông và vải bông, sản lượng sợi trung bình hàng năm đã tăng từ 79.650.000kg trong những năm 1894-1898 lên 461.700.000kg vào những năm 1929. Trong ngành chế biến sắt và thép cũng vậy. Năm 1906, Nhật Bản mới sản xuất được 145.000 tấn quặng sắt, 69.000 tấn thép thành phẩm. Năm 1929, sản lượng đó đã tăng lên tương ứng là xấp xỉ 2 triệu tấn và 1,1 triệu tấn. Nhìn một cách tổng quát, nếu coi chỉ số sản xuất công nghiệp của Nhật Bản trong thời kỳ 1910-1914 là 100 thì chỉ số đó đã tăng từ 69 trong những năm 1905-1909 lên 313 vào những năm 1925-1929. Nhờ đó, phần của Nhật trong sản xuất công nghiệp thế giới cũng tăng từ 1% vào những năm 1896-1900 lên 3% vào 3 năm cuối thập kỷ 20 (1926-1929), trong khi phần của Anh giảm từ 20% xuống còn 9% và Nga từ 5% xuống 4%.

Để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho nền công nghiệp đang phát triển đó, bên cạnh các vùng khác ở Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Đông…, Mãn Châu đã trở thành nơi tập trung đầu tư và khai thác của giới tư bản Nhật. Tuy nhiên, việc khai thác Mãn Châu có điểm khác biệt so với các vùng khác. Cụ thể là, ở vùng phía Bắc Trường Thành, không có các doanh nghiệp lớn đại diện cho chính phủ Nhật Bản mà chỉ có sự hiện diện của các zaibatsu thông qua hoạt động tín dụng đặc biệt hoặc cho vay với lãi suất thấp để thúc đẩy việc kinh doanh. Ở vùng phía Bắc và Trung Trung Quốc, phần lớn các cơ sở sản xuất đều ở quy mô nhỏ và tập trung sản xuất các mặt hàng dệt và sản phẩm tiêu dùng. Trong khi đó, Mãn Châu là nơi duy nhất có sự hiện diện của một công ty lớn đại diện cho chính phủ Nhật Bản trong việc khai thác vùng đất này. Đó là Công ty đường sắt Nam Mãn Châu (South Manchuria Railway Company, viết tắt là Công ty SMR; trong tiếng Nhật là Mantetsu).

Công ty SMR được thành lập vào tháng 6-1906. Đây là bước đi thứ hai trong chương trình hành động của Nhật tại Mãn Châu dựa trên kết quả điều tra kỹ lưỡng và những khuyến nghị của Ủy ban kinh doanh sau chiến tranh ở Mãn Châu (Manchuria Post-Bellum Enterprise Commission). Về hình thức, đây là công ty cổ phần, nhưng ½ trong tổng số 200 triệu yên vốn ban đầu là do chính phủ Nhật đóng góp. Số còn lại một phần là công trái, phần còn lại là vốn của hai ngân hàng Yokohama Specie Bank và Industrial Bank. Tuy nhiên, vai trò của chính phủ Nhật Bản không chỉ dừng lại ở việc góp vốn và đàm phán với chính quyền Trung Quốc để tăng thêm đặc quyền cho công ty này mà còn thể hiện ở quyền phủ quyết các quyết định của công ty và điều chỉnh cước phí chuyên chở hàng hóa trên các tuyến đường sắt do công ty này quản lý. Bá tước Goto Shinpei, giám đốc công ty SMR cũng do chính phủ Nhật Bản đề cử. Và khi nhậm chức, Goto đã nhận được chỉ thị trực tiếp từ Thủ tướng Katsura, trong đó nói rõ rằng Mantetsu cùng với hai ngân hàng Yokohama Specie Bank và Industrial Bank sẽ là những công cụ kinh tế quan trọng nhất của Nhật Bản ở Mãn Châu.

Trên thực tế, công ty này không những được toàn quyền kinh doanh 7 tuyến đường xe lửa ở Mãn Châu trong đó chủ yếu là tuyến Đại Liên Trường Xuân và Thẩm Dương-An Đông, mà còn kinh doanh cả mỏ than Phủ Thuận, Diên Đài, nhà máy thép An Sơn. Với những quyền đó, công ty SMR đã nhanh chóng vươn lên vị trí nhà đầu tư lớn nhất của Nhật Bản ở Mãn Châu. Chỉ tính riêng năm 1914, công ty này chiếm 4/5 tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản tại đây, đồng thời chiếm 55% tổng số vốn đầu tư của Nhật trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của công ty này là xây dựng và khai thác đường sắt. Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ đạo của Bá tước Goto Shinpei, công ty SMR đã nhanh chóng bắt tay vào việc mở rộng mạng lưới đường sắt, đồng thời khuyến khích người Trung Quốc tham gia vào hoạt động này. Trong tổng số gần 645 triệu yên vàng đầu tư trực tiếp vào Mãn Châu, công ty SMR đã dành trên 248 triệu yên cho xây dựng đường sắt. Hoạt động đó luôn nhận được sự ủng hộ của chính phủ Nhật. Sự ủng hộ này thường diễn ra dưới hình thức cử đến đây những chuyên gia làm đường sắt giàu kinh nghiệm hoặc giành quyền đối với các tuyến đường sắt thông qua việc ký hiệp ước với chính phủ Trung Quốc hay cho chính phủ Trung Quốc vay tiền để đầu tư vào Mãn Châu. Số tiền trong năm 1929 cũng lên đến gần 99 triệu yên vàng. Kết quả là, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều tuyến đường mới đã được hoàn thành, nâng tổng chiều dài đường sắt từ 3382,4km vào năm 1908 lên 5515,2km vào năm 1928 (Xem thêm bảng dưới đây).

Sự mở rộng mạng lưới đường sắt này không những đem đến cho công ty SMR những khoản lợi nhuận to lớn, đặc biệt là từ việc vận chuyển đậu nành và than đá với con số ước tính đạt 7 triệu yên trong tổng doanh số 81 triệu yên vào năm 1914, mà còn tác động mạnh tới tình hình sản xuất nông nghiệp của 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất là sự gia tăng đáng kể các đợt di cư của người Trung Quốc từ các vùng khác tới đây và sự mở rộng diện tích trồng cây nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu thu mua nông phẩm của Nhật và của thị trường. Năm 1908, tổng diện tích trồng cây nông nghiệp của 3 tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh là 79.818,08km². Chưa đầy 20 năm sau, con số này đã tăng lên thành 130.751,67km², tức là tăng 63%.

Cùng với việc mở rộng và tăng cường khai thác mạng lưới đường sắt, Nhật Bản cũng không ngừng củng cố địa vị kinh tế ở 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Tiêu biểu là:

– Giành quyền tham gia khai thác gỗ: Ngày 14-5 và 11-9-1908, Nhật Bản ký thỏa thuận với Trung Quốc, theo đó Nhật Bản sẽ có cổ phần trong các công ty liên doanh Nhật Bản – Trung Quốc sắp được thành lập. Những công ty này được quyền khai thác gỗ dọc sông Áp Lục (Yalu).

– Giành quyền trong lĩnh vực thông tin liên lạc: Theo Hiệp định về đường cáp ngầm dưới biển ký ngày 12-10-1908, Nhật Bản sẽ chuyển cho Trung Quốc tất cả điện báo trên mặt đất trong phạm vi Mãn Châu (trừ Quan Đông và khu vực xung quanh đường sắt) với điều kiện Trung Quốc phải trả cho Nhật 50.000 yên; đổi lại Nhật có quyền sử dụng 2 tuyến đường điện báo quan trọng từ An Đông (Antung), Yingkow, Liêu Dương (Liaoyang), Thẩm Dương (Mukden), Teihling và Trường Xuân (Changchun) đến các khu vực dọc đường sắt trong vòng 15 năm sau đó sẽ chuyển lại cho Trung Quốc (nội dung này tiếp tục được đưa vào bản phụ lục của hiệp định ký ngày 7-11-1908 giữa Nhật Bản và Trung Quốc). Ngoài ra, hai hiệp định này cũng nêu rõ tới từng chi tiết về hoạt động của công ty liên doanh Nhật – Trung trong việc truyền tín hiệu bằng đường cáp ngầm dưới biển từ Quan Đông tới Chefoo.

– Giành quyền khai mỏ: Trước hết, để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động này, ngày 4-9-1909, Nhật Bản ký thỏa thuận với Trung Quốc, trong đó nêu rõ Nhật có quyền khai thác các mỏ than ở Phủ Thuận (Fushun) và Diên Đài (Yentai). Bên cạnh đó, theo thỏa thuận ký ngày 22-5-1910, những mỏ than ở Penhsihu cũng được nhượng lại cho công ty Omura and Company khai thác. Cùng với việc tăng cường vốn đầu tư và ứng dụng công nghệ sản xuất mới, sản lượng khai thác ở những mỏ than này trong những năm 1914-1930 đã tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng mỏ Phú Thuận (Fushun), sản lượng bình quân đã tăng từ 2 triệu tấn năm 1914 lên 7 triệu tấn năm 1929.

Đồng thời với việc tăng cường xâm nhập và hợp thức hóa vị thế kinh tế thông qua việc ký các bản thỏa thuận về quyền lợi ở Mãn Châu, Nhật Bản còn tìm cách giành quyền hành chính ở vùng đất này. Bằng chứng là, ngày 30-7-1906, Nhật hoàng Mushuhito ra sắc lệnh thành lập Phủ toàn quyền ở Quan Đông (Kwantung) – vùng đất Nhật thuê của Trung Quốc. Viên Toàn quyền này được giao những quyền lực hành chính và dân sự như bất cứ người đứng đầu đơn vị hành chính nào khác, nghĩa là có quyền ra những quyết định liên quan đến các sự vụ hành chính và dân sự trong phạm vi khu vực quản lý, chỉ trừ những trường hợp khẩn cấp hay những sắc lệnh đặc biệt sẽ phải có sự phê chuẩn của Nhật hoàng. Ngoài ra, Toàn quyền Quan Đông cũng đồng thời là chỉ huy quân đồn trú của Nhật tại khu vực này và chịu trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng và Chỉ huy trưởng Bộ Tham mưu Nhật Bản về việc bảo vệ và giám sát hoạt động trên các tuyến đường sắt ở Nam Mãn Châu. Phủ toàn quyền Quan Đông đã đảm nhiệm chức năng kép này tới 13 năm, cho đến khi Nhật hoàng ban hành sắc lệnh ngày 12-4-1919 về việc lập Phủ Quan Đông đứng đầu là một viên thống đốc dân sự, còn quyền lực quân sự được trao cho Tổng chỉ huy quân đội Quan Đông.

Ngoài việc nắm quyền hành chính và quân sự tại vùng lãnh thổ thuê của Trung Quốc, Nhật còn đòi cho mình cứ 15km dọc theo đường sắt được đặt một đồn trú với 15 lính Nhật. Điều đó có nghĩa là Nhật muốn giành cả quyền hành chính trong những vùng dọc theo đường sắt và trên thực tế những vùng dọc theo đường sắt coi như là thuộc địa của Nhật.

Như vậy, có thể nói, với việc xâm nhập mạnh mẽ về kinh tế vào Mãn Châu, nắm quyền hành chính và quân sự tại Quan Đông, đồng thời tiến tới giành quyền hành chính ở những vùng dọc theo đường sắt, Nhật Bản đã chứng tỏ quyết tâm biến ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc thành thuộc địa của mình và như vậy là đã đi ngược lại lời cam kết với Anh và Mỹ.

Đọc thêm:
Chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden được thực hiện như thế nào?
Hòa ước Brest-Litovsk giữa Nga Xô Viết và Đức
Từ dịch Cúm Tây Ban Nha 1918 đến Covid 2019

2. Mâu thuẫn Mỹ – Nhật Bản

So với việc thôn tính Triều Tiên, những hành động của Nhật Bản ở Mãn Châu gây tiếng vang lớn hơn và cũng ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tới mối quan hệ với các cường quốc khác. Lý do là, tuy Triều Tiên cũng phải ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng với Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức, Nga, Pháp… nhưng đây chưa phải là nơi tập trung những xung đột về lợi ích kinh tế giữa các cường quốc. Còn Mãn Châu, với vị trí là một phần lãnh thổ Trung Quốc – mục tiêu chính trong cuộc phân chia thị trường ở Viễn Đông, đồng thời là vùng đất hấp dẫn bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí chiến lược lợi hại của nó, nên sự xâm nhập trên quy mô lớn của Nhật Bản vào đây đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyền lợi của các nước đế quốc khác theo những hiệp ước đã ký, do đó nó mang một khía cạnh quốc tế quan trọng hơn.

Về phía Mỹ, ngay trong thời gian chiến tranh Nga – Nhật, các công ty độc quyền Mỹ đã định gây dựng cơ sở ở Mãn Châu sau khi đưa ra phương án biến đường sắt Nam Mãn Châu thành đường sắt quốc tế. Khi chiến tranh sắp kết thúc, tổng thống Mỹ đã đứng ra làm trung gian giải quyết xung đột giữa Nga và Nhật Bản, đổi lại Nhật phải thi hành chính sách “mở cửa” đối với Mãn Châu và Trung Quốc, thừa nhận Mỹ có quyền len chân vào Đông Bắc Trung Quốc.

Năm 1905, vua đường sắt Mỹ Edward H. Harriman đã đến Nhật và đặt lại vấn đề xây dựng đường sắt vòng quanh thế giới qua Mãn Châu, Siberia và châu Âu thuộc Nga. Trước khi quay về Mỹ, H. Harriman đã ký một bản ghi nhớ với Thủ tướng Nhật Bản Katsura vào ngày 12-11-1905. Theo đó, các nghiệp đoàn Mỹ sẽ có quyền bình đẳng với Nhật Bản trong việc sở hữu các tuyến đường sắt và những tài sản gắn với việc sở hữu các tuyến đường này, cũng như quyền khai thác các mỏ khoáng sản ở Mãn Châu. Bản ghi nhớ này cho thấy, tại thời điểm cuối năm 1905, chính phủ Nhật Bản vẫn tỏ thái độ sẵn sàng chia sẻ những “thành quả” thu được từ cuộc chiến tranh với Nga, với các công ty Mỹ, đúng như lời hứa trước đây với Mỹ. Nhưng, điểm đáng lưu ý là, Bộ trưởng Ngoại giao Komura, người thay mặt chính phủ Nhật cam kết điều này với Mỹ, không hề có mặt trong lễ ký bản ghi nhớ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hai nước ở Đông Bắc Trung Quốc.

Trên thực tế, về phía Nhật Bản, giá trị của bản ghi nhớ Katsura Harriman chỉ dừng lại ở mức “ghi” chứ không được “nhớ” để thực hiện. Còn đối với Mỹ, do sự thay đổi trong chính sách của Nhật nhằm độc chiếm Mãn Châu, cộng thêm cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 1907 và cái chết đột ngột của H. Harriman đã làm tiêu tan hoàn toàn kế hoạch xây dựng tuyến đường quốc tế qua Mãn Châu. Nhưng, William Straight – cựu Tổng lãnh sự Mỹ ở Thẩm Dương, Trưởng ban Viễn Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ trong vài tháng từ 1908-1909 đồng thời cũng là người có mối quan hệ thân thiết với H. Harriman và giới tư bản tài chính ở New York, không từ bỏ kế hoạch này. W. Straight xem việc đầu tư vào Trung Quốc không chỉ với con mắt của một nhà đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận mà hơn thế là với con mắt của một chính khách theo đuổi những mục đích cao hơn. W. Straight tin tưởng rằng Mỹ chỉ có thể ngăn chặn kế hoạch của Nhật Bản nhằm thao túng Nam Mãn Châu và có lẽ cả những phần đất khác của đất nước Trung Quốc đang chao đảo trong những năm cuối triều Mãn Thanh bằng cách “bám giữ thật chắc đất nước này”.

Quan điểm đó cũng phản ánh “Chính sách ngoại giao đô la” mà Tổng thống Mỹ W.H. Taft và Ngoại trưởng Philander C. Knox thực hiện ở Trung Quốc trong thời gian này. Với chủ trương thông qua quan hệ thương mại và khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ cho nước ngoài vay, qua đó mở rộng lợi ích của Mỹ ra bên ngoài. Tháng 7-1909, W.H. Taft đã làm một việc chưa hề có tiền lệ trước đó là gửi thư cho Triều đình Mãn Thanh yêu cầu để các ngân hàng Mỹ được cùng ngân hàng các nước Anh, Pháp và Đức tham gia vào việc xây dựng các tuyến đường sắt ở miền Trung và Nam Trung Quốc. Ba tháng sau, Ngoại trưởng C. Knox đưa ra kế hoạch đòi quyền mua và sau đó “trung lập hóa” các tuyến đường sắt thuộc sở hữu của Nga và Nhật Bản ở Mãn Châu cho các nhà băng Mỹ và châu Âu. Thực chất của kế hoạch này là nhằm xâm nhập sâu hơn vào Mãn Châu, thách thức bá quyền kinh tế của Nhật Bản và quyền lợi của Nga. Kế hoạch này không những không thực hiện được do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nhật và Nga, mà lại dẫn đến hai hệ quả nằm ngoài ý muốn của Mỹ. Một là, khẳng định những nghi ngờ của Nhật Bản về việc Mỹ đang cố gắng tước đoạt những thành quả mà Nhật đạt được sau chiến tranh Nga – Nhật. Hai là, đẩy Nhật Bản và Nga lại gần nhau hơn. Bằng chứng là, ngày 4-10-1910, hai nước Nga và Nhật đã ký hiệp ước tái khẳng định khu vực ảnh hưởng của Nga hoàng ở Bắc Mãn Châu và Ngoại Mông Cổ, và của Nhật là ở Nam Mãn Châu và Nội Mông Cổ theo nội dung của hiệp định ngày 30-7-1907. Sự hợp tác của hai đối thủ này hiển nhiên đã gây ảnh hưởng bất lợi tới quyền lợi của Mỹ ở đây. Chính vì vậy, mặc dù đã ký Hiệp ước Root-Takahira ngày 30-11-1908 tạm thời chia sẻ quyền lợi với Nhật Bản, nhưng Mỹ vẫn kiên trì thực hiện ý đồ xâm nhập mạnh vào Mãn Châu. Năm 1910, Mỹ lôi kéo Anh, Đức và Pháp chống lại Nhật Bản và cùng những nước này ký Thỏa ước 4 bên lập nên “Nhóm ngân hàng 4 cường quốc” với mục đích cho chính phủ Trung Quốc vay tiền và hy vọng việc cho vay này sẽ giúp đẩy Nhật Bản và Nga ra khỏi Mãn Châu. Thỏa ước cho vay đầu tiên giữa nhóm ngân hàng này với chính quyền Bắc Kinh được ký ngày 15-4-1911. Theo đó, ngân hàng 4 nước sẽ cho Trung Quốc vay số tiền không vượt quá 10 triệu bảng Anh với lãi suất 5% để đẩy mạnh cuộc cải cách tiền tệ ở Trung Quốc và ước tính khoảng 400.000 bảng Anh cho việc khuyếch trương công nghiệp ở Mãn Châu.

Ngay lập tức, Nhật Bản cùng với Nga gây áp lực với chính phủ những nước này để được cùng tham gia vào “Nhóm ngân hàng 4 cường quốc”. Kết quả là, ngày 18-6-1912, một thỏa ước mới giữa các cường quốc được ký tại Paris, theo đó “Tổ hợp ngân hàng 6 cường quốc” được thành lập thay cho “Nhóm ngân hàng 4 cường quốc trước đây” và cho chính phủ Viên Thế Khải vay 28 triệu bảng Anh với những điều khoản bất bình đẳng. Nhưng, sau đó Mỹ tuyên bố rút khỏi tổ chức ngân hàng này.

Thực tế là, Viên Thế Khải đã đảm bảo vùng ảnh hưởng của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc, Nga ở Mông Cổ và Anh ở Tây Tạng. Còn với Mỹ, nhân cơ hội các nước đế quốc đang mâu thuẫn gay gắt và chuẩn bị chiến tranh ở châu Âu, Mỹ đã gây áp lực và buộc Viên Thế Khải công nhận đặc quyền cho vay để kiến thiết vùng sông Hoài, quyền tìm và khai thác dầu ở Hoa Bắc, Thiểm Tây và Nhiệt Hà.

Khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu tháng 8-1914, cả Mỹ và Nhật Bản đều muốn lợi dụng chiến tranh để củng cố và mở rộng địa vị của mình ở Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Mãn Châu. Về phía Nhật, biểu hiện rõ rệt nhất của ý đồ này là hành động tuyên chiến với Đức tháng 8-1914 và chiếm toàn bộ thuộc địa của Đức ở Sơn Đông. Tiếp đó, tháng 1-1915, Nhật gửi bản “Yêu sách 21 điểm” (Twenty-One Demands) cho chính phủ Viên Thế Khải. Bản yêu sách này gồm những nội dung chính sau:

  • Chính phủ Trung Quốc phải đồng ý với tất cả những thỏa thuận giữa chính phủ Nhật và Đức liên quan đến các quyền, lợi ích và sự nhượng quyền mà Đức đang được hưởng theo các hiệp ước đã ký với Trung Quốc về Sơn Đông.
  • Trung Quốc phải ngay lập tức ngừng việc cho các nước khác thuê các vùng đất thuộc tỉnh Sơn Đông hoặc các vùng đất dọc theo bờ biển thuộc tỉnh này.
  • Trung Quốc phải chấp nhận để Nhật nắm quyền kiểm soát toàn bộ vùng Mãn Châu và tỉnh Sơn Đông, trong đó yêu sách được kéo dài quyền thu tô ở Lữ Thuận, Đại Liên cũng như quyền lợi của Nhật đối với đường sắt Nam Mãn Châu và An Đông – Thẩm Dương thêm 99 năm, được bàn giao quyền kiểm soát và khai thác tuyến đường sắt Cát Lâm – Trường Xuân trong 99 năm kể từ ngày Trung Quốc chấp thuận bản yêu sách, đồng thời phải đặt phần phía Đông Nội Mông và Nam Mãn Châu dưới ảnh hưởng của Nhật.
  • Trung Quốc phải mời người Nhật làm cố vấn chính trị.

“21 yêu sách” này thực ra là biện pháp cụ thể để Nhật có thể nắm chắc Trung Quốc, biến thành thuộc địa. Trước sức ép của Nhật, cũng như muốn được Nhật thừa nhận để lên ngôi vua, Viên Thế Khải đã chấp nhận bản yêu sách này vào ngày 8-5-1915.

Trước hành động đó của Nhật, Mỹ định dùng áp lực tập thể của 3 nước thành viên khối Hiệp ước là Anh, Pháp và Nga cùng với Mỹ chống Nhật, nhưng những nước này cho rằng trước khi chiến tranh kết thúc không thể làm cho quan hệ với Nhật phức tạp thêm. Nhờ vậy, Nhật củng cố được địa vị ở Trung Quốc và mâu thuẫn giữa Mỹ và Nhật ngày càng sâu sắc thêm. Tuy nhiên, trong điều kiện Nhật chưa thể dùng vũ lực để chiếm toàn bộ Trung Quốc, còn Mỹ bận tham gia chiến tranh (sau tháng 4-1917), Mỹ và Nhật đã tạm hòa hoãn với nhau. Ngày 2-11-1917, thông qua Đặc phái viên của Nhật Ishii và Ngoại trưởng Mỹ Lansing, chính phủ hai nước đã trao đổi công hàm liên quan đến quyền lợi của Mỹ và Nhật ở Trung Quốc. Công hàm nêu rõ: “Chính phủ Mỹ và Nhật Bản công nhận rằng sự gần gũi về mặt lãnh thổ tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa các nước… Theo đó, chính phủ Mỹ công nhận những quyền lợi đặc biệt của Nhật Bản ở Trung Quốc, đặc biệt là ở những khu vực cận kề với lãnh thổ Nhật Bản”. Và “Chính phủ Nhật Bản và Mỹ không thừa nhận có những hành động, dù dưới bất kỳ hình thức nào, vi phạm nền độc lập hay sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và tuyên bố luôn tuân thủ nguyên tắc mở cửa hay cơ hội đồng đều về thương mại và công nghiệp ở Trung Quốc.

Mặc dù, nghị định thư bí mật trước đó đã nói rõ rằng: “Chính phủ hai nước cam kết sẽ không lợi dụng tình thế hiện thời để mưu cầu những lợi ích đặc biệt ở Trung Quốc mà điều đó sẽ gây tổn hại tới quyền lợi của công dân các nước anh em khác”, nhưng việc Mỹ công nhận “những quyền lợi đặc biệt” của Nhật ở Trung Quốc vẫn thể hiện một bước lùi rõ ràng về phía Mỹ. Điều đó có thể giải thích một phần bởi lý do là việc Nhật Bản ký các hiệp ước đồng minh với Anh vào các năm 1902, 1905, 1911 và mong muốn được tham gia vào đồng minh này của Pháp và Nga vào năm 1914 tuy không đi đến kết quả nhưng cũng dẫn tới việc ký hiệp ước Nhật – Nga tháng 7-1916, cũng như việc Nhật Bản được mời tham gia Tuyên bố London tháng 9-1915 khiến Nhật nghiễm nhiên trở thành một thành viên của “nhóm 5 ông lớn” có vai trò quan trọng trong cuộc hòa đàm kết thúc chiến tranh sau này như một lời nhắc nhở bóng gió rằng nếu Nhật không được “đối xử một cách hào phóng” thì Nhật sẽ rút ra khỏi những liên minh này và quay sang hợp tác với Đức. Điều đó có nghĩa là đặt Mỹ vào vị trí mâu thuẫn với Anh, Pháp và Nga.

Song, sự hòa hoãn này đã chấm dứt cùng với cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong khi các nước tư bản châu Âu sau chiến tranh kể cả những nước thắng trận đều suy yếu, thì nước Mỹ ngày càng lớn mạnh nhờ việc làm giàu trong chiến tranh. Ý thức được sức mạnh của mình, giới tư bản độc quyền Mỹ muốn vươn lên làm bá chủ thế giới. Điều đó phản ánh rõ qua chương trình 14 điểm của Tổng thống Mỹ Wilson. Về hình thức, mục đích của chương trình này là lập lại hòa bình và đề cao dân chủ, nhưng thực chất là nhằm tổ chức lại thế giới sau chiến tranh theo đường lối của Mỹ. Chính Tổng thống Wilson cũng từng tuyên bố: “Mỹ đã trưởng thành và cần phải đảm nhiệm lấy nhiệm vụ nặng nề là lãnh đạo thế giới”. Mỹ đã bước đầu thực hiện nhiệm vụ này khi giữ được vai trò lãnh đạo ở Hội nghị Washington để ký kết những hiệp ước có lợi cho Mỹ, sau đó hội đàm với chính phủ Nhật tuyên bố xóa bỏ thỏa thuận Lansing-Ishii (4-1923), giành và củng cố thêm vị trí ở Trung Quốc bằng cách giúp cho Tưởng Giới Thạch tiến hành đảo chính và công nhận chính phủ của Tưởng Giới Thạch là chính phủ của toàn thể nước Trung Hoa (năm 1927).

Còn Nhật Bản, sau một thời gian phát triển mạnh mẽ về công thương nghiệp, đến đầu những năm 1920, trong khi Mỹ đạt tới thời kỳ hưng thịnh thì Nhật Bản lại lâm vào khủng hoảng. Giới tài phiệt Nhật Bản cố gắng ổn định tình hình kinh tế bằng cách bành trướng thế lực ra bên ngoài. Nhật Bản đã nhân nhượng Mỹ ở Hội nghị Washington thể hiện tập trung trong 3 bản hiệp định quan trọng nhất là Hiệp ước 4 nước (Mỹ, Anh, Nhật, Pháp) ngày 3-12-1921, Hiệp ước 9 nước (Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Quốc) ngày 6-2-1922 và Hiệp ước 5 năm nước (Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Italia) ngày 6-2-1922, theo đó Nhật phải từ bỏ một phần khá lớn ưu thế đã giành được trong Chiến tranh thế giới thứ nhất ở Trung Quốc, nhưng vẫn cố gắng phát triển kinh tế ở Mãn Châu và tiếp tục nhòm ngó thị trường Trung Quốc. Nhưng, đến cuối những năm 20 của thế kỷ XX, việc thực hiện chính sách bành trướng ra bên ngoài một cách mềm dẻo vẫn không giúp Nhật giải quyết được những khó khăn cố hữu về nguyên liệu và vốn cho sự phát triển công nghiệp cũng như những khó khăn mới nảy sinh do thị trường xuất khẩu hàng hóa bị Mỹ và Anh chèn ép và hàng hóa xuất khẩu bị nhân dân Trung Quốc tẩy chay. Thực tế đó cùng với việc viên tướng quân phiệt Tanaka thành lập chính phủ mới vào đầu năm 1927 đã mở đầu một giai đoạn mới trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Đối với Trung Quốc, chính sách mềm dẻo bị thay thế bằng chính sách bành trướng bằng vũ lực.

Trong bản “Tấu thỉnh” trình lên Nhật hoàng, Tanaka đã trình bày toàn bộ kế hoạch xâm lược tiến đến bá chủ thế giới. Trong đó, việc giành quyền khống chế Mãn Châu và Mông Cổ được xác định là bước quan trọng đầu tiên để thực hiện kế hoạch này.

Như vậy, Nhật Bản “tất phải có ngày khai chiến với Mỹ”.

(Trích từ sách Một số chuyên đề lịch sử thế giới)

Tài liệu tham khảo

1. Akagi, Hidemichi, Japan’s foreign relations 1542-1936, A short story, The Hokuseido Press, Tokyo, 1936.

2. Bailey, Thomas A; Kenedy, David M.; Cohen, Elizabeth, The American pageant – A History of the Republic, Houghton Mifflin Company, New York, 1998.

3. Barnhart, Michael A., Japan prepares for total war The search for economic security, 1919-1941, Cornell University Press, New York, 1987.

5. 4. Beasley, W.G., Japanese Imperialism 1894-1945, Clarendon Press, Oxford, 1991. Beaud, Michel, Lịch sử chủ nghĩa tư bản từ 1500 đến 2000, Nxb Thế giới, H, 2002.

6. Burner, David; Genovese, Elizabeth Fox, Genovese, Eugene D; McDonald Forest, An American portrait – A History of the United States, Charles Scribner’s Sons, New York, 1985. 6.

7. Cincotta, Howard, Khái quát về lịch sử nước Mỹ, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000. Degregorio, William A, Bốn mươi hai đời tổng thống Hoa Kỳ, Nxb CTQG, H, 1998.

8. Cincotta, Howard, Khái quát về lịch sử nước Mỹ, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000. Degregorio, William A, Bốn mươi hai đời tổng thống Hoa Kỳ, Nxb CTQG, H, 1998.

9. Frieden, Jeff, “Sectoral conflict and foreign economic policy, 1914 – 1940”, International Organization, Vol.42, No.1, The State and American Foreign Economic Policy, 1988.

10. Lafeber, Walter, The American age – US foreign policy at home and abroad. W.W.Norton & Company, New York, 1994.

11. May, Ernest R, “American Policy and Japan’s Entrance into World War I”. The Mississippi Valley Historical Review, Vol.40. No.2, 1953.

12. Matsuoka, Yosuke, “Economic Co-operation of Japan and China in Manchuria and Mongolia, Its motives and basic significance”, Pacific Affair, Vol 2, No 12, 1929.

13. Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, Nxb Giáo dục, H, 1998. 14. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Lịch sử quan hệ quốc tế, Tập I, Nxb Giáo dục, H, 2006.

15. Paterson, Thomas G (Edited), Major problems in American foreign policy, D.C.Health & Company, Massachusetts, 1978.

16. Pôlianxki, Fla, Lịch sử kinh tế các nước (ngoài Liên Xô) – Thời kỳ đế quốc chủ nghĩa (những năm 1870-1917), Nxb KHXH, H, 1978.

17. Schulzinger, Robert D. (Edited), A companion to American foreign relations, Blackwell Publishing, Oxford, 2003.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s