Sử Việt Nam

Người Việt tiếp thu chữ Hán trong thời Bắc Thuộc

Văn minh Trung Quốc, bằng nhiề ngả đường, bắt đầu đi vào đời sống tinh thần người Việt từ thời nhà Hán, thông qua cửa ngõ là chữ Hán

nguoi viet hoc chu han thoi bac thuoc

Sau một thời gian dài đô hộ, dưới thời nhà Hán, cùng với chính sách đồng hóa dân tộc bản địa của phương Bắc, người Việt cũng dần dần tiếp thu văn minh của Trung Hoa, mà chữ viết chính là cửa ngõ dẫn lối vào. Tuy vẫn giữ bản sắc và tinh thần độc lập, nhưng không thể phủ nhận ảnh hưởng sâu rộng của văn minh Trung Quốc trong đời sống tinh thần của người Việt, nhất là ở tầng lớp trí thức.

Việc Truyền Bá Hán Học

Hồi Hán thuộc, người Việt Nam học chữ Hán, cũng thi cử, cũng đỗ đạt. Có thể nói rằng tính hiếu học của người Việt là một điều đặc biệt, ai ai cũng thán phục. Đối với cái gì gọi là văn minh tư tưởng cho đến cả tôn giáo, người Việt rất hoan nghênh chỉ trừ chính sách đô hộ, thực dân, đế quốc thì ở vào tình thế nào người Việt cũng chống lại.

Có tiếng trong đám người theo đuổi Hán học thuở xưa là: Lý Tiến, người Cao Hưng, đất Giao Chỉ, do tài học đã giữ được chức Thái Sử, khoảng niên hiệu Trung Bình đời Hán Linh Đế (183-189). Lý Cầm người Giao Châu làm túc vệ trong triều Hán (205 trước T.C-219) sau giữ chức Tư Lệ Hiệu Úy. Hai ông này đã tranh đấu để các người trí thức Giao Châu được trọng dụng vào các địa vị ngang hàng với người Tàu. Trương Trọng, người Hợp Phố có tài biện bác và nhanh trí khôn cũng làm một chức hầu cận vua Hán, sau làm Thái Thú Kim Thành đã biết giữ gìn thể diện quốc gia trong khi ứng đối với vua Hán. (Vua Hán một hôm có hỏi: Dân Nhật Nam đều hướng về phương Bắc, chầu mặt trời phải không? Trương Trọng trả lời: tên quận cũng có nơi gọi là Vân Trung hoặc Kim Thành, nhưng sự thật có thế đâu. Quận Nhật Nam mặt trời cũng mọc ở đằng Đông… còn chỗ ở của quan cũng tùy tiện về phương hướng hoặc Đông hoặc Tây, hoặc Nam hay Bắc… chớ không nhất định về phía nào).

Tinh Thiều cũng là một nhà văn học thuở nhà Lương (505-543) cai trị Giao Châu. Ông không thèm nhận chức Quảng Dương Môn Lang do Sài Tiến thượng thư triều Lương đề nghị. Ông lui về quê hương rồi giúp Ông Lý Bôn (Lý Bí) năm 544 đánh đuổi Thái Sử Tiêu Tư lập ra nước Vạn Xuân. Khương Công Phụ đậu tiến sĩ dưới đời Đường Đức Tông (789-804) làm quan đến chức Bình Chương (An Nam Chí Nguyên)

Chúng tôi giới thiệu đây mấy nhà khoa mục và văn học thời Bắc thuộc để các bạn hiểu sự truyền bá văn học của Sĩ Nhiếp. Nhậm Diên, Tích Quang đã tạo nên những đệ tử sau này đến bực nào. Nhưng chắc chắn muốn học đến trình độ cao cả thì học sinh người Việt phải sang tận Trung Quốc mới thành đạt lớn được. Dầu sao ta cũng có thể nói rằng được ăn học đầy đủ, khả năng của trí thức Giao Chỉ chẳng kém gì trí thức Trung Quốc. Chứng cớ là nhiều người Việt đã từng giữ chức Thái Thú, Thái Sử và Tiết Độ Sứ, do chính người Tàu đặt ra thì rõ người Giao Châu đã làm cho các vương triều Trung Quốc kiêng nể e ngại là phải. Và Lý Tiến, Lý Cầm dâng thư lên vua Hán để đòi được đãi ngang với người Hán đã chỉ căn cứ vào thực tại của những trí thức Giao Chỉ bấy giờ.

Ngoài ra, ta lại nhớ rằng các nhà trí thức trên đây đã dự một phần quan trọng trong việc truyền bá Hán học. Thân thế và sự nghiệp của họ cũng là một điều đã có ảnh hưởng cho phong trào Hán học dưới thời Hán thuộc rất nhiều. Có người cho rằng bọn người này chỉ là tay sai cho các đế quốc đời bấy giờ thì dù sao mọi hoạt động của họ cũng không đáng kể. Xét lời phê bình quá nghiệt ngã và quá câu chấp, vì ta nên nhìn nhận ảnh hưởng của họ nếu quả họ đã gây được một ảnh hưởng nào khả quan; vả chăng trong khi chưa đủ sức chống lại kẻ mạnh thì phải học đòi cái tài giỏi của kẻ mạnh đâu có phải là chuyện vô ích. Còn việc khôi phục độc lập, mưu đồ phú cường phải chờ thời, tùy thế, chẳng hơn cứ đóng cửa, ngồi nhà cứ ôm lấy sự u tối sao? Mà thái độ cố chấp tiêu cực có phải là một lợi khí, một phương tiện tranh đấu bao giờ đâu!

Ảnh Hưởng Của Phật Đồ Với Nền Văn Học Của Chúng Ta  

Đạo Phật lan vào đất Việt qua đường Ấn Độ Dương, và do các nhà cai trị Trung Quốc. Tôn giáo này, du nhập vào xứ sở chúng ta trong thời Bắc thuộc qua ba thời kỳ:

A) Từ đầu thế kỷ III đến thế kỷ VI. Ban đầu, Khang Tăng Hội (Sogdien Seng Houei — 280), thứ đến Khương Lương Lâu Chí (Indoscythe Kaliyanaruci — 255 hoặc 256) rồi tới các thầy tu Ấn Độ Ma La Kỳ Vực (Ksudra — 294) là những nhà truyền giáo Phật Giáo trước nhất. Sau là Mâu Bắc (Meou Po), người Tàu, vì nghiên cứu Phật Giáo mà tới Bắc Việt.

B) Sư Ti Ni Da Lưu Chi (Vinitaruci) từ năm 580 Bắc Việt giảng dạy tại chùa Dâu về Thiền Tông và lập một tông phái ở Bắc Ninh lấy danh hiệu là xứ đó.

C) Vô Ngôn Thông (họ Trịnh) sang trú ở chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiêu Du, tỉnh Bắc Ninh hồi tháng 9 năm Đường Nguyên Hòa thứ 15 (820) tu theo lối “Bích Quan” của Đạt Ma (Bodhi dharma) và lập ở chùa đó một thiền tông mới.

Các Phật Đồ kể trên đây trong khi truyền giáo đã gián tiếp giúp rất nhiều cho nền văn học của chúng ta buổi đầu tiên suốt 700 năm. Rồi sau Vô Ngôn Thông, nhiều tăng ni ra đời. Bọn người này đã phải dùng Hán học làm cái chìa khóa để mở cửa Phật và khi giảng dạy kinh kệ, nếu không thâm thúy về Hán học đâu có thể cắt nghĩa được về các điều mầu nhiệm, xa xôi của Phật Giáo. Ta còn nên nhớ rằng dưới triều Đường có bốn vị cao tăng (Vô Ngãi tu ở chùa Thiên Tỉnh, hạt Cửu Châu, Phụng Đình, Duy Giám…) đã sang cả bên Trung Quốc giảng kinh trong cung nhà vua và khi già mới trở về nước.

Ngoài ra, tăng giới Việt Nam sau thời Bắc thuộc cũng sản xuất được nhiều vị khác nữa dự vào văn học và chính giới, đóng những vai trò rất quan trọng. Chúng tôi xin kể ở những trang sau.

Để kết luận, vấn đề văn học thời Bắc thuộc chúng ta có thể tóm tắt nhờ việc người Trung Hoa đặt chủ quyền trên đất Giao Chỉ, Hán học đã ảnh hưởng lớn lao đến đời sống dân tộc và quốc gia của chúng ta. Dân ta trở nên một quốc gia văn hiến, có nhiều thuần phong mỹ tục. Đó là một điều lợi ích vĩ đại chẳng nên chối cãi. Đem sự đau khổ dưới ách thống trị của ngoại bang mà đổi lấy một nền văn hóa sáng sủa tốt đẹp, người Việt thức thời chúng ta hẳn không phàn nàn, đã đành rằng người Việt học chữ Hán chỉ biết đại khái về văn tử từ chương mà thôi, chớ chưa thật đã đi sâu vào cõi học thuật và tư tưởng của Trung Quốc, huống hồ vào đời Tần Thủy Hoàng các việc đốt sách Nho, chôn học trò (246- 208 tr. C.L.) tất nhiên sách vở đưa sang đây không đầy đủ được. Người Việt xưa kia hẳn chỉ bước tới cái bậc từ chương mà thôi nhưng trong giới văn học bấy giờ cũng có nhiều người tỏ ra thông minh lỗi lạc chẳng kém gì các danh sĩ Trung Quốc, cứ xem việc xướng họa và ngoại giao dưới đời Lê Đại Hành với Bắc triều sau này đủ rõ. Và sử chép rằng vì bài thơ tiễn sứ (tiễn Lý Giác) mà Giao Chỉ là một nước mới mẻ, non nớt đã nổi tiếng là văn hiến đối với người Tống.

Phật Giáo  

Ngoài ảnh hưởng của Phật Đồ đối với văn học sơ khai thuở ấy, ta còn nên tìm hiểu qua một vài nét chính của tôn giáo này và sự phát triển của nó trên đất Trung Quốc trước khi qua Việt Nam.

Phật Giáo do đức Thích Ca Mâu Ni xướng lên, chủ trương giải thoát con người ra khỏi điều khổ não là: sinh, lão, bệnh, tử. Ngoài bốn điều này đã do Tạo Hóa gây nên trong khi cấu tạo con người cũng như khi xây dựng vũ trụ. Tạo hóa còn đặt ra những định luật khắc khe là có sinh phải có diệt, có hình hài thì phải chịu sự hủy hoại, suy vong, lại còn bao nhiêu điều đau khổ khác phát sinh bởi lòng dục. Lòng dục của con người là những sự ham mê danh lợi, phú quí, sắc đẹp… nó là những nghiệp báo, những căn nguyên của mọi sự đe dọa, trụy lạc. Đạo Phật quan niệm rằng muốn tránh được các điều nghiệp báo, oan gia thì cởi bỏ lòng dục, thi hành việc thiện ích cho đời, cho đồng loại, cho muôn vật. Những hành động có thiên lương ở kiếp này sẽ ảnh hưởng tốt đẹp cho kiếp sau. Đó là luật nhân quả. Trái lại, nếu con người cứ đắm chìm trong dục vọng sẽ phải luẩn quẩn mãi mãi trong vòng luân hồi. Ngoài ra, cắt bỏ được lòng dục đầy tội lỗi không những người ta tránh được các điều hệ lụy của kiếp này mà còn được hưởng thụ nhiều về kiếp sau hay sẽ được lên cõi Niết Bàn và thành Phật. Khi đó sẽ không còn vấn đề sinh diệt nữa.

Không tham danh lợi khỏi ưu phiền,
Niệm chí từ bi dứt nghiệp duyên,
Vớt kẻ trầm luân nơi khổ ải,
Noi theo tôn chỉ hội quần tiên.

Phê bình đạo Phật về phương diện thực hành người ta cho rằng đối với cuộc cạnh tranh và đời thực tế nhất là trong kỷ nguyên nguyên tử này, chủ trương nhập thế và xuất thế của Phật Giáo không thích hợp với nhân sinh, thế sự. Loài người lúc này chỉ tôn thờ sức mạnh, không có triết lý nào hơn là sức mạnh và quyền lợi thì một tôn giáo xây dựng trên căn bản đạo đức thuần túy không thể nào giải quyết được mọi vấn đề hạnh phúc và hòa bình trên thế giới. Ít nhất mọi dân tộc trên thế giới cùng chấp thuận một quan niệm tôn giáo và hòa bình theo Phật Giáo thì mới có kết quả được.

Cội rễ của đạo Phật là đạo Bà La Môn (Brahmane) nhưng tôn chỉ của đạo Phật lại chống với đạo này rồi hai tôn giáo đã mâu thuẫn nhau trong một khoảng thời gian khá dài. Sau ba bốn thế kỷ, đức Thích Ca mất đi rồi, đạo Phật mới hưng khởi ở Ấn Độ.

Đức Thích Ca Mâu Ni, thủy tổ của Phật Giáo đã áp dụng lý thuyết của Ngài trước hết (sau cái quan niệm: đời là sông mê, bể khổ…), Ngài thuộc dòng vương tộc ở Ấn Độ, có vợ có con. Ngài đã bỏ lầu son gác tía đi tìm đạo, mục đích dìu dắt người đời ra khỏi cảnh trầm luân đày đọa. Theo đạo phái miền Bắc Ấn Độ, Ngài sinh năm 1028 (trước Thiên Chúa) vào đời Chu Chiêu vương. Đạo phái miền Nam cho rằng Ngài sinh khoảng 624. Nhưng theo các nhà bác học ngày nay thì Ngài đồng thời với Khổng Phu Tử nghĩa là Ngài xuất thế vào năm 558 hay 520.

Đời vua Hán Vũ Đế (140-86 trước CL), quân đội nhà Hán đánh hung nô lấy được tượng kim nhân và thấy người Hung Nô thắp nhang thờ phật, đến đời vua Ai Đế là Công lịch năm thứ hai, vua Hán cho Tần Cảnh Hiến sang xứ rợ Nhục Chi học truyền khẩu các kinh phật. Người ta thấy tôn giáo này có nhiều tốt đẹp và cũng muốn vãn hồi nhân tâm, thế tục nên nhập cảng Phật Giáo vào Trung Quốc. Có thể vãn hồi nhân tâm thế tục không phải chỉ là phục hưng tinh thần đạo đức trong đám dân chúng mà còn ở cả trong giai cấp phong kiến, quí tộc từ ngàn năm trước đã vì cuộc tranh giành quyền vị mà gây nên bao nhiêu cuộc đảo lộn xã hội, thảm cảnh máu đổ thịt rơi. Các nhà chính trị xưa hoặc nay đều thường nhìn các tôn giáo vào điểm này trước hết, còn những người thường chỉ lưu ý vào triết lý và luân lý của nó.

Rồi Phật Giáo mỗi ngày một đi rộng trên đất Tàu qua các triều đại. Vua Minh Đế nhà Đông Hán phái Ban Siêu đi sứ các nước Tây Vực, Hán sử báo cáo tình hình Phật Giáo thịnh hành ở đây nên sau đó nhà vua cử Thái Am sang Tây Trúc mời các thầy tăng Ấn Độ về nước để thuyết giáo tại Trung Quốc. Thái Am mang về được 42 chương kinh. Đến đời Tam Quốc mới có người giữ việc truyền bá đạo Phật. Việc sưu tầm kinh kệ càng ngày càng mạnh rồi các kinh kệ được dịch ra chữ Tàu để phổ biến khắp dân gian. Đến đời nhà Đường (630) nhà sư Huyền Trang (tục gọi là Đường Tam Tạng) cũng qua Ấn Độ với sứ mạng là khảo cứu Phật Giáo và đem về Tàu được 650 bộ kinh. Bốn mươi hai năm sau, dưới đời Đường Cao Tông, ông Nghĩa Tĩnh rước về được 400 bộ nữa.

Một Vài Điều Sai Lầm về Sĩ Nhiếp  

Chép thân thế và sự nghiệp của Sĩ Nhiếp, một lương lại có tiếng thời Bắc thuộc, trọng nhậm ở nước ta giữ buổi loạn ly, nhiều nhà chép sử đã đề cao một cách quá đáng vị quan cai trị này: người ta tôn Sĩ Nhiếp lên bậc Vương; có người tặng Sĩ Nhiếp một sự nghiệp vĩ đại hơn nữa: “Nam Bang Học Tổ”. Người ta còn gọi thời Sĩ Nhiếp cai trị đất Giao Chỉ là một Kỷ: “Sĩ Vương Kỷ”!

Chúng tôi không phủ nhận sự nghiệp đáng kể của Sĩ Nhiếp trong suốt nửa thế kỷ cai trị ở nước ta, nhưng chúng tôi muốn đính chính những điều gì không được xác thực, bằng những dòng dưới đây:

Năm Quí Mùi (203), là năm thứ ba đời vua Hán Đế, Sĩ Nhiếp bấy giờ làm Thái Thú cùng với Thái Sử Trương Tân xin Hán Đế đổi Giao Chỉ ra Giao Châu. Lúc này Trung Quốc giặc cướp nổi lên lung tung, ở Giao Châu cuộc rối loạn cũng nhóm lác đác ở nhiều nơi. Sĩ Nhiếp đã khéo léo trong việc cai trị, hợp anh em trong nhà, chia nhau giữ các châu quận, nên lại khôi phục trật tự ở Giao Châu. Ngoài ra, ông khôn ngoan đối với Hán triều (ông vẫn giữ lễ tiến cống) nên được phong làm An Viễn Tướng Quân Long Độ Đình Hầu. Sau này, nhà Đông Hán đổ, Trung Quốc lâm vào thành thế chân vạc do sự tranh giành ảnh hưởng của ba nhà: Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô, thì Giao Châu nằm trong khu vực Đông Ngô, Sĩ Nhiếp liền theo Đông Ngô. Ông vẫn giữ được mọi quyền hành như Hán triều xưa kia. Tính ra tuy không là Thái Sử nhưng ông đã làm được một sự nghiệp đáng kể ở Giao Châu suốt 40 năm ròng. Chính trị của ông rất khéo léo ở chỗ ông biết an dân, trọng đãi trí thức, được toàn thể nhân dân ủng hộ và tôn sùng nên địa vị mới bền vững được lâu dài như vậy. Còn đối với các Vương triều Trung Quốc, gió chiều nào ông che chiều ấy. Về việc người ta xưng ông là học tổ Nam Bang, đó là theo trong lệnh chỉ của Trịnh Tạc (1657-1682) và của Trịnh Sâm (1767-1782) chép trong quyển Sĩ Vương Sự Tích trang đầu, bản sao của trường Bác Cổ số A 426 tờ 41b và 46a — Trong bia đá làng Tam Á và làng Lung Khê phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Hoán, đỗ Thám Hoa, khoa Kỷ Dậu (1659) cũng ghi như vậy.

Sự thực trong chính sử không thấy chép Sĩ Nhiếp đem chữ Nho sang Việt Nam, ngoài câu: “Nước ta thông thi thư, tập lễ nhạc, gọi là văn hiến bắt đầu từ Sĩ Vương” bởi văn hóa Trung Quốc nhập cảng vào Giao Châu đã có từ ba thế kỷ trước khi có Sĩ Nhiếp. Tới khi Sĩ Nhiếp cầm quyền ở nước ta người Giao Châu đã có một số đỗ Hiếu Liêm và Mậu Tài rồi. Có chỗ tôn thời Sĩ Nhiếp là thờ Sĩ Vương Kỷ, có lẽ sử thần giận trong khoảng 100 năm quan lại Tàu không có người chính thống trong sạch, nay gặp một nhân quan như Sĩ Nhiếp, dân được yên vui hơn 40 năm cho nên đã tôn Sĩ Nhiếp là Vương.

Sĩ Nhiếp tuy có tiếng là quan cai trị cả 7 quận nhưng thực ra ông chưa hề nắm được toàn cõi Giao Châu bao giờ. Trong đời Sĩ Nhiếp, chính Trương Tân mới là người được vua Hán Hiến Đế phong làm Thái Sử Giao Châu. Ta nên nhớ châu cai trị quận. Còn về ảnh hưởng thì lấy sự công bằng Đào Hoàng bốn đời, Đỗ Viện ba đời làm Thái Sử, độc quyền cả Giao Châu còn nhiều ơn ích hơn Sĩ Nhiếp.

So sánh với các lương lại kể trên đã lấy việc lễ nghi, điều nhân nghĩa dạy cho dân Giao Chỉ và Cửu Chân để người ta biết đạo vợ chồng, nghĩa cha con, tình thầy trò, bằng hữu biết thương yêu kính mến nhau, sự nghiệp của Sĩ Nhiếp chưa dễ đã hơn, vậy mà họ chưa được chép riêng ra một kỷ.

Còn điều Sĩ Nhiếp được gọi là Sĩ Vương, là do triều Trần phong ông làm Đại Vương theo lệ phong tặng bách thần, sau Ngô Sĩ Liêm dưới đời Lê đã nhân tước Đại Vương mà chép là Sĩ Vương. Dù sao chúng ta cũng phải nhận rằng việc tôn kính Sĩ Nhiếp như thế cũng có một vài phần đích đáng, do ông đã dựng chính sách nhân nghĩa đối với dân ta xưa kia. Còn chuyện ông đã đem chữ Nho sang dạy ta đầu tiên thì không có bằng chứng. Đây là ý kiến của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s