Nhà Ngô ra đời năm Kỷ Hợi (939) sau khi đã làm nhiều việc lớn lao hiển hách: bên trong dẹp được nghịch thần, bên ngoài đuổi bọn cường địch và chấm dứt cái nạn vong quốc đầy tủi nhục dài trên 11 thế kỷ (1146 năm). Nói rằng nhà Ngô đã có công lớn trong việc mở đường dọn lối cho các triều đại tự chủ sau này là Đinh, Lê, Lý, Trần tưởng không phải là ngoa vậy.
Ngô Quyền xưng vương và thành Cổ Loa (Phúc Yên) lại một phen nữa thành kinh đô cho một triều đại. Ngô Vương tổ chức triều nghi đặt các phẩm tước, định việc phục sắc, chỉnh đốn mọi việc chính trị quy mô đế vương kể đã đầy đủ. Ông muốn gây một sự nghiệp lâu dài nhưng tiếc rằng số mệnh quá ngắn ngủi. Ông ở ngôi đựơc 6 năm và qua đời năm Giáp Thìn (944), thọ được 47 tuổi.
Dương Tam Kha
Ngô Vương trước khi chết ký thác việc lập tự cho Dương Tam Kha là em vợ (Dương Hậu, con gái Dương Đình Nghệ). Họ Dương đáng lẽ phải tôn phù Ngô Xương Ngập theo lời di chúc nhưng lợi dụng cơ hội. tự đặt mình lên ngôi xưng là Bình Vương (945 950). Ngô Xương Ngập biết rằng ở bên cạnh Dương Tam Kha có thể nguy đến tính mạng, liền bỏ trốn sang Nam Sách (Hải Dương) và được Phạm Lệnh Công ở làng Trà Hương, huyện Kim Thành giúp đỡ. Tam Kha sai quân đuổi bắt vì e hậu họa, nhưng Ngô Xương Ngập được họ Phạm dấu trong núi.
Ngô Xương Ngập còn một người em là Ngô Xương Văn, Dương Tam Kha nuôi làm con nuôi. Sau này tại Sơn Tây có loạn (ở hai thôn Thái Bình) Ngô Xương Văn và các tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc được cử đi đánh dẹp.
Hậu Ngô vương
Thời bấy giờ từ sĩ phu đến dân chúng không ai phục Tam Kha nên “nổi lên như ong” chiếm các huyện ấp. Nhận thấy lòng người chống lại họ Dương, các tướng cùng Ngô Xương Văn lợi dụng quân lực trong tay trở lại kinh sư gây cuộc đảo chánh. Dương Tam Kha bị bắt. Ngô Xương Văn lên ngôi xưng là Nam Tấn Vương. Nghĩ tình cậu cháu, Xương Văn không nỡ làm tội Tam Kha, chỉ giáng xuống làm Trương Dương công và cấp cho thái ấp để hưởng lộc. Bấy giờ ở gần nước ta, Nam Hán đang cường thịnh. Nam Tấn Vương xin lệ thuộc và Hán chúa Lưu Thanh phong Ngô Vương làm Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ Kiêm Đô Hộ (Khâm Định Việt Sử quyển 5 tờ 25a và b).
Nạn Dương Tam Kha trừ xong, Ngô Xương Văn cho người đi tìm anh ở Trà Hương về cùng chia ngôi vị. Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương. Sử gọi là Hậu Ngô Vương. Sau ít lâu, Thiên Sách Vương ỷ mình là trưởng nắm hết quyền chính, nhưng đến năm Giáp Dần thì mất.
Việc chính trị dưới thời Hậu Ngô Vương mỗi ngày một suy kém. Nam Tấn Vương cũng không tỏ gì là xuất sắc.
Trong n ước vẫn xảy ra biến loạn ở nhiều nơi. Lên ngôi vừa xong tức là ngay năm thứ nhứt, Xương Văn đem quân đi đánh Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư không thâu lượm được kết quả nào đáng kể. Sau này Nam Tấn Vương đi dẹp Chu Thái, thũ lĩnh loạn quân ở hai thôn Thái Bình (thuộc Sơn Tây), vì khinh địch và bất cẩn bị trúng tên chết ngay tại Đại Bản Doanh. Xét ra Nam Tấn Vương ở ngôi được 15 năm (950-965), không có người kế tự.
Con Thiên Sách Vương là Ngô Xương Xí lên thay nhưng cũng không hơn gì cha và chú nên các giai cấp quí tộc, phong kiến không phục rồi nạn Thập Nhị Sứ Quân bùng ra. Ngô Xương Xí đóng ở đất Bình Kiều bấy giờ cũng chỉ là một trong 12 sứ quân mà thôi. Thời Thập Nhị Sứ Quân ở nước ta là một thời đại loạn, là một cuộc tranh giành xâu xé vì quyền lợi giữa các lực lượng địa phương luôn 22 năm ròng.
Đọc thêm
Nguyên nhân xa xôi của loạn 12 sứ quân
Nếu chúng ta theo dõi lịch sử Việt Nam, ta thấy rằng loạn sứ quân không phải một ngày mà có. Hoàn cảnh xã hội Giao Châu trong thời Bắc thuộc luôn luôn thay đổi, thăng trầm với cảnh hưng vong của Trung Quốc. Quan lại Trung Quốc và các đẳng cấp quý tộc mới kế tiếp các giai cấp phong kiến thuần túy Giao Châu trước, đến giờ phút đó luôn luôn nghĩ đến sự tự tạo cho mình một địa vị để đề phòng tình thế bất trắc, hoặc trông chờ những cơ hội thuận tiện để tranh vương đồ bá.
Đầu thế kỷ thứ 10, nhà Đường sắp đổ đã gây nên trạng thái tâm lý này. Qua đời Ngũ Quý, tâm lý Giao Châu càng bị xúc động thêm. Rồi họ Khúc, họ Dương, họ Ngô dấy nghiệp. Trong khi xây dựng cơ đồ các họ trên đây không thể không lấy các phần tử phong kiến làm vây cánh, vì vậy mầm phong kiến nảy nở càng thêm xanh tốt.
Sau này nhà Ngô đã thiết lập hẳn một vương triều để thống nhất đất đai và chính trị, quyền hành của phong kiến bị thu hẹp dần và mối mâu thuẩn bắt đầu phát động. Trong thời họ Khúc, họ Dương và Ngô cầm quyền, phong kiến nằm yên ngủ kỹ, không dám cựa quậy, vì các vị lãnh đạo quốc gia bấy giờ được nhân dân hoàn toàn cảm phục. Họ Khúc nổi tiếng về đức độ và lòng ái quốc. Họ Dương, họ Ngô là những anh hùng giải phóng dân tộc. Dân chúng đâu có chịu vì những kẻ mưu đồ quyền lợi riêng tư để chống lại với các thũ lĩnh uy danh sáng ngời đó. Các quý tộc biết vậy nên đã không dám đi ngược với lòng dân. Nhưng khi Ngô qua đời Dương Tam Kha phụ lời ủy ký, mối biến loạn đã có sẵn nay mới có cơ hội để bột phát. Ngay từ lúc Dương Tam Kha tiếm vị của cháu, tại hai thôn Thái Bình thuộc Sơn Tây đã náo động, rồi cuộc biến loạn lan tràn khắp mọi nơi trước sự bất tài của anh em Ngô Xương Văn và con cháu. Mối loạn đó tất nhiên ta thấy rõ đã do các lĩnh tụ 12 địa phương rải rác trên toàn cõi Giao Châu gây ra. Họ đều thuộc đẳng cấp quý tộc tất cả.
Mười hai sứ quân dưới thời Hậu Ngô Vương là:
- Ngô Xương Xí (nay là làng Bình Kiều, phủ Khoái Châu, Hưng Yên).
- Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang (huyện Thanh Oai, Hà Đông).
- Trần Lãm xưng Trần Minh Công giữ Bố Hải Khẩu (tỉnh Thái Bình)
- Kiều Công Hãn xưng là Kiều Tam Chế giữ Phong Châu (huyện Bạch Hạc tỉnh Vĩnh Yên).
- Nguyễn Khoan xưng là Nguyễn Thái Bình giữ Tam Đái (phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên).
- Ngô Nh ật Khánh xưng là Ngô Lãm Công giữ Đường Lâm (Phúc Thọ – Sơn Tây).
- Lý Khuê xưng Lý Lãng Công giữ Siêu Loại (phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh).
- Nguyễn Thủ Tiệp xưng là Nguyễn Lịnh Công giữ Tiên Du (Bắc Ninh).
- Lữ Dương xưng là Lữ Tá Công giữ Tế Giang (Vân Giang Bắc Ninh).
- Nguyễn Siêu xưng là Nguyễn Hữu Công giữ Tây Phủ Liệt (Thanh Trì Hà Đông).
- Kiều Thuận xưng Kiều Lịnh Công giữ Hồi Hồ (Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ).
- Phạm Bạch Hổ xưng là Phạm Phòng Át giữ Đằng Châu (Hưng Yên).
Dân chúng Giao Châu đối với vấn đề sứ quân thế nào? Lẽ tất nhiên họ không tán thành phong trào qua phân, nó là căn bệnh thường xuyên của phong kiến. Họ đã thấy mọi sự đau khổ đều do nơi phong kiến mà ra. Sau thời Bắc thuộc, kinh tế nông nghiệp đã phát đạt, dân số tăng lên rất nhiều, lĩnh thổ quốc gia toàn vẹn, người dân chỉ muốn an cư lạc nghiệp. Do xu hướng thống nhất chính trị và ham chuộng hòa bình dân chúng đã ủng hộ ông Đinh Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình lên nắm chính quyền.
Loạn Thập nhị Sứ Quân khởi đầu từ năm 945 đến 967 cáo chung. Họ Đinh đánh dẹp xong thì quốc gia Việt Nam trở nên lành mạnh.
Phê Bình 12 Sứ Quân
Gần đây có nhà làm sử chữ nho bình phẩm mười hai sứ quân như sau:
“Xem cuộc đời 12 sứ quân tranh nhau thì biết nghĩa hợp quần là khó nhưng cũng biết cái trí não dân tộc ta về hồi ấy đã đến trình độ tiến hóa. Lúc ấy hai vua Ngô tuy mất, Xương Xí là dòng dõi Thiên Hoàng, cũng như Đông Chu quân nhà Chu, Hoài Dương vương nhà Hán, nếu các thổ hào cùng nhau phục tòng hợp hơn mười bọn nhỏ làm một bọn lớn, tôn Ngô Xương Xí làm thiên hạ cộng chủ để nối dòng họ Ngô, mà các bộ sứ quân thời tự trị lấy trong bộ mình, khi quốc gia vô sự thời áo xiêm ngọc bạch như Tần Tấn liên hoàn. Khi quốc gia hữu sự thời môi hở răng lạnh, giữ gìn nhau như Ngu, Quắc kết nghĩa, thế thì Hợp Chủng Quốc ở Bắc Mỹ lợi kiên và hai mươi nhăm liên bang ở Nhật Nhĩ Man há chẳng xuất hiện vào nước ta về thế kỷ thứ 12 rồi ư?
Lại không làm thế, sớm chuông trống, tối giáo mác, mạnh ăn thịt yếu, rút cục bị tiêu ma cả ở dưới ngọn cờ bông lau, há chẳng phải là cái tội quần học bất minh” (không rõ nghĩa hợp quần). Nhưng mà còn có chỗ đáng khen, vì trước hồi ấy mỗi khi gặp một phen biến loạn thì người nước phần nhiều dựa thế người Tàu như Đỗ Hoàng Văn đương khi có bệnh mà gắng đi xe sang nhà Tống. Lý Thúc Hiến đi đường tắt để chầu nhà Tề là mượn thế lực người ngoài để bắt nạt đồng loại, thật đáng bỉ. Lúc bấy giờ các sứ quân mỗi người xưng hùng xưng bá một phương, có Nam Hán là một nhà khôn ngoan, muốn mở rộng đất đai, ở ngay kế nách, thế mà chưa hề nghe có người nào phải nhờ thế lực người ngoài để hại đồng loại vì rằng cái trình độ dân trí của ta bấy giờ đã khá cao cho nên tuy có cái lòng “cá lớn nuốt cá con — giống mạnh ăn thịt giống yếu” mà ai cũng biết “cõng rắn cắn gà nhà”, “Rước voi về giầy mồ” là không hay. Sau này Đinh Tiên Hoàng cả xưng Vạn Thắng thì thế lực không chống nổi, nhưng vẫn là người Nam làm vua nước Nam, tưởng 12 sứ quân có linh thiêng cũng ngậm cười ở nơi chín suối (Đại Việt Sử Ký cải lương A 1146, quyển 1 tờ 63-66b).