Người Aztec là một dân tộc từng nói tiếng Nahuatl, họ cai trị một đế chế rộng lớn ở khu vực miền trung và miền nam Mexico ngày nay vào thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16. Cái tên Aztec bắt nguồn từ Aztlán (với những cách dịch khác nhau như “Vùng đất trắng”, “Vùng đất của những con cò trắng” hoặc “Nơi của những con cò”), ám chỉ nguồn gốc của họ, có thể là từ phía Tây Bắc Mexico.
Người Aztec từng tự xưng là Tenochca (theo một vị tổ tiên tên là Tenoch), và Mexica (có thể từ Metzliapán – “Hồ Mặt trăng” – tên gọi huyền ảo của Hồ Texcoco). Tên của thành phố vĩ đại Tenochtitlán được đặt theo dòng dõi Tenochca. Thành phố được xây dựng trên một hòn đảo ở Hồ Texcoco, Thung lũng Mexico.
Cái tên Mexica cũng chính là nguồn gốc tên gọi thủ đô kế nhiệm của người Aztec, thung lũng nơi thành phố tọa lạc, và sau này được dùng làm tên cho cả đất nước Mexico. Người Aztec còn gọi chính họ là Culhua-Mexica để kết nối bản thân với Colhuacán, một trung tâm văn minh ở Thung lũng Mexico.
Nguồn gốc bí ẩn của người Aztec
Người Aztec đến từ đâu thì chưa thật sự rõ ràng. Nhưng truyền thuyết của họ kể rằng họ từng là một bộ tộc săn bắn hái lượm ở cao nguyên phía bắc Mexico, trước khi xuất hiện ở Trung Mỹ (Mesoamerica) vào khoảng thế kỷ thứ 12 sau Công nguyên. Tuy nhiên, vùng đất Aztlán – quê hương của họ, lại chỉ là một nơi mang tính huyền thoại. Có thể quá trình di cư về phía nam của người Aztec trùng với giai đoạn suy tàn (hoặc họ góp phần khiến nó suy tàn) của nền văn minh Toltec phát triển rực rỡ. Toltec tập trung ở miền trung Mexico với thủ phủ là Tula – một thành phố tráng lệ với những kim tự tháp, đền thờ, công trình công cộng và cả tượng đài.
Vào đầu thế kỷ 12, Tula bị tấn công và tàn phá, các trung tâm quan trọng khác của nền văn minh Toltec cũng không khá hơn. Đây chính là lúc các bộ lạc săn bắn hái lượm, trong đó có nhóm người Chichimec dẫn đầu bởi Xólotl, lợi dụng tình hình để tiến từ những vùng cao nguyên khô cằn phía bắc xuống khu vực màu mỡ và đông đúc ở trung tâm.
Người Chichimec của Xólotl chung tay với tàn dư của người Toltec, mang lại giai đoạn hòa bình và tiến bộ văn hóa cho Thung lũng Mexico. Cũng trong thời gian này, người Aztec – theo truyền thuyết là bộ tộc đang lang thang tìm vùng đất mới – tạm trú gần tàn tích của Tula. Tại đây họ trau dồi các kỹ thuật nông nghiệp và thu nạp thêm nhiều kiến thức khác.
Nhưng họ không ở lại lâu. Người Aztec tin rằng vị thần tối cao Huitzilopochtli đã ra lệnh cho họ lên đường một lần nữa để tìm nơi ở ổn định. Dấu hiệu phân định vùng đất đó sẽ là một con đại bàng đậu trên cây xương rồng nopal, miệng ngậm con rắn (hình ảnh này được khắc họa trên quốc kỳ của Mexico ngày nay). Người Aztec hành hương trong thời gian dài, và vào năm 1325, chuyến đi chấm dứt tại một hòn đảo nhỏ trên Hồ Texcoco. Tương truyền các bô lão đã nhìn thấy đại bàng, xương rồng và con rắn ngay trên hòn đảo này. Ngôi đền được xây, và những ngôi nhà đầu tiên mọc lên xung quanh, đánh dấu sự ra đời của thành phố Tenochtitlán hùng mạnh sau này.
Đế Quốc Aztec
Dưới triều đại của nhà cai trị Itzcóatl (1428–40), kinh thành Tenochtitlán liên minh chặt chẽ với các quốc gia láng giềng Texcoco và Tlacopan. Nhờ đó, Tenochtitlán dần trở thành thế lực thống trị toàn miền trung Mexico. Sau nhiều năm chinh phạt và buôn bán, đế quốc Tenochtitlá kiểm soát khoảng 400 đến 500 tiểu quốc. Đến năm 1519, đất nước họ trải dài hơn 207.200 km vuông, với dân số từ 5 đến 6 triệu người.
Thời kỳ hoàng kim, riêng diện tích Tenochtitlán đã hơn 13 km vuông với hơn 140.000 cư dân, cho thấy mật độ dân số đông đúc nhất trong lịch sử nền văn minh Trung bộ châu Mỹ. Xét trên toàn Tân Thế Giới (châu Mỹ), đế chế Aztec xây dựng chỉ xếp sau người Inca ở Peru. Nền văn minh rực rỡ này phát triển ngang ngửa với các nền văn hóa cổ đại vĩ đại khác trên khắp Mỹ Châu và Cựu Thế Giới (Á-Âu-Phi).
Thực dân Tây Ban Nha và hồi kết của đế quốc Aztec
Đế chế Aztec vẫn đang trên đà mở rộng lãnh thổ và phát triển xã hội thì tiến trình của họ bị chặn lại vào năm 1519 bởi sự xuất hiện của các nhà thám hiểm Tây Ban Nha. Hernán Cortés dẫn đầu một lực lượng gồm khoảng 500 lính châu Âu tiến vào trung tâm Mexico, và bắt giam hoàng đế thứ chín, Montezuma II (trị vì 1502-1520), người đã qua đời trong khi bị giam giữ.
Một trong những lý do dẫn đến cuộc chinh phục đế chế Aztec của Tây Ban Nha là do Montezuma, ít nhất là ban đầu, nghi ngờ Cortés là một vị thần giáng thế. Cortés tuy là một nhà lãnh đạo tài ba, nhưng ông cũng được hưởng lợi từ lực lượng khi sở hữu vũ khí vượt trội hơn (nỏ, súng hỏa mai, kiếm thép và áo giáp), cùng với ngựa và chó được huấn luyện cho trận chiến.
Những căn bệnh chết người từ châu Âu mà người Aztec không có khả năng miễn dịch cũng gây thiệt hại nặng nề. Cuối cùng, người Tây Ban Nha tận dụng tối đa lòng căm thù mà các bộ lạc bị người Aztec chinh phục dành cho kẻ thống trị họ. Hàng ngàn chiến binh người Mỹ bản địa đã tham gia vào cuộc xâm lược của Tây Ban Nha, và cuộc xâm lược này có thể sẽ không thành công nếu không có sự tham gia của họ.
Những người kế vị của Montezuma, Cuitláhuac và Cuauhtémoc, đã không thể cầm cự trước Cortés và quân đội của ông. Sau một chiến dịch tàn bạo kéo dài hai năm, đến ngày 13 tháng 8 năm 1521, người Tây Ban Nha đã kiểm soát được Tenochtitlán. Với sự thất thủ đó, đế chế Aztec đi đến hồi kết.
Nền Tảng Nông Nghiệp “Chinampas” Độc Đáo Của Đế Chế Aztec
Thành công của đế chế Aztec trong việc gây dựng một cường quốc vĩ đại chủ yếu nhờ vào hệ thống nông nghiệp đáng kinh ngạc của họ. Năng suất nông nghiệp cao của người Aztec đã góp phần tạo nên một đất nước giàu có và đông dân. Phương thức canh tác của người Aztec nổi tiếng với việc tận dụng triệt để ruộng đất, kết hợp với hệ thống thủy lợi tinh vi, và hệ thống đầm lầy đất nổi được gọi là “chinampas” (có nghĩa là “những khu vườn nổi”). Họ lấy lớp đất màu mỡ dưới lòng hồ đắp thành luống nằm giữa những rãnh nước hoặc kênh đào. Nhờ khí hậu ôn hòa và nguồn nước tưới tiêu dồi dào của Thung lũng Mexico, chinampas cho phép thu hoạch nhiều vụ mỗi năm.
Hệ thống hồ nước (Texcoco, Chalco, Xochimilco, Xaltoca, and Zumpango) được kết nối tự nhiên và nhân tạo đóng góp vai trò chiến lược quan trọng đối với Thung lũng Mexico. Chúng cung cấp các tuyến đường thủy rộng khắp, góp phần thúc đẩy quá trình thống nhất kinh tế và chính trị tại đây.
Đọc thêm:
- Đế Quốc La Mã Thần Thánh
- 8 cuộc chiến tranh đẫm máu nhất thế kỷ 21
- Người La Mã tiến hành chiến tranh thế nào?
Tổ chức xã hội
Đế chế Aztec nổi tiếng với cấu trúc xã hội – chính trị vô cùng phức tạp, đến nay vẫn là chủ đề tranh luận của nhiều nhà nhân chủng học. Có người cho rằng việc bộ tộc chia thành các “calpulli” (những dạng như gia tộc) tại kinh đô Tenochtitlán cho thấy đó là xã hội bình đẳng. Ngược lại, một số khác khẳng định rằng tầng lớp xã hội ở đây là rất rõ ràng. Sự tồn tại của tầng lớp quý tộc cha truyền con nối đặt ra giả thiết xã hội Aztec mang yếu tố “phong kiến”. Thế nhưng, mối quan hệ giữa giới quý tộc, nhà vua Aztec, hệ thống phân chia đất đai, và toàn xã hội hoàn toàn khác với chủ nghĩa phong kiến của Cựu Thế Giới (châu Âu), đặc biệt là do nhà vua Aztec có quyền lực tuyệt đối hơn.
Tài liệu còn sót lại từ thời vua Montezuma II ghi chép đế chế được tổ chức theo tỉnh và thu thuế dựa trên sản lượng của từng vùng. Một bộ máy hành chính khổng lồ quản lý chính trị, quân sự, tôn giáo cũng được thiết lập chặt chẽ, với hệ thống quan chức, thu thuế, tòa án, đồn lính, dịch vụ thư tín,…
Tôn giáo Aztec
Tôn giáo của người Aztec tiếp thu rất nhiều yếu tố từ các nền văn hóa Trung Bộ Châu Mỹ (Mesoamerica) khác. Về cơ bản, họ kế thừa nhiều niềm tin về vũ trụ từ những dân tộc đi trước, đặc biệt là người Maya, ví dụ như Trái Đất này là thế giới cuối cùng trong một chuỗi liên tục được tạo ra hay ý niệm về 13 tầng trời và 9 tầng âm phủ.
Thần chiến tranh Huitzilopochtli, thần mặt trời Tonatiuh, thần mưa Tlaloc, và thần rắn có lông Quetzalcóatl – nửa thần nửa anh hùng văn hóa – là những vị thần tiêu biểu trong hệ thống thần linh Aztec. Hiến tế người, đặc biệt là dâng tim nạn nhân cho Tonatiuh, và tục tự nhỏ máu dâng thần rất phổ biến. Người Aztec, những “con dân của mặt trời”, tin rằng họ phải nuôi dưỡng thần Huitzilopochtli bằng máu người nếu muốn đảm bảo sự tồn vong của nhân loại. Vì thế, chí ít về mặt ý thức hệ, chiến tranh là một nghĩa vụ tôn giáo để mang về tù nhân hiến tế cho thần mặt trời. Dĩ nhiên, mục đích thế tục hơn vẫn song hành, và sẽ là sai lầm khi coi chiến trận của người Aztec chủ yếu phục vụ cho tôn giáo. Dù vậy, khi đế chế hùng mạnh dần, người Aztec nghi lễ sát hại tù nhân từ khắp nơi của nước Mexico ngày nay ngay tại thành Tenochtitlan.
Lịch Aztec chi phối chặt chẽ tín ngưỡng; các nghi lễ cầu kỳ được thực hiện bởi một tầng lớp tăng lữ quy củ (mỗi đền đài và mỗi vị thần đều có hàng ngũ tăng lữ riêng). Khá nhiều nghi lễ là công khai, người dân trong vai trò khán giả. Các nghi lễ này có các thành tố tương tự nhau: tắm gội thanh tẩy để chuẩn bị cho tăng lữ giao tiếp với thần linh, dâng cúng và hiến tế để lấy lòng thần; hay các màn kịch với mặt nạ miêu tả truyền thuyết dưới dạng nhảy múa, hát ca, và diễu hành. Lịch Aztec là hệ lịch thông dụng ở nhiều vùng Trung Bộ Châu Mỹ, bao gồm một năm dương lịch 365 ngày và một năm thánh 260 ngày. Hai chu kỳ này song hành tạo nên một vòng tuần hoàn lớn hơn gồm 52 năm.
Tiếng Nahuatl – Ngôn ngữ của Đế chế Aztec
Người Aztec nói tiếng Nahuatl hay còn được biết đến với tên gọi tiếng Aztec. Đây là một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Uto-Aztec. Thời kỳ đầu khi người châu Âu khám phá ra châu Mỹ, ngôn ngữ này có tầm ảnh hưởng rộng lớn, từ tận sông Yellowstone ở phía bắc cho đến Panama ở phía nam. Tiếng Nahuatl là ngôn ngữ của hai nền văn minh Toltec và Aztec, đồng thời cũng là ngôn ngữ quan trọng nhất trong ngữ hệ Uto-Aztec. Sau khi đạt được quyền lực chính trị, đế chế Aztec đã biến Nahuatl thành ngôn ngữ chung cho gần như toàn bộ lãnh thổ Mexico rộng lớn ngày nay.
Nhiều tác phẩm văn học tiếng Nahuatl đã được người Aztec tạo ra từ thế kỷ 16 và được lưu giữ đến tận ngày hôm nay. Chúng được ghi chép lại bằng cách sử dụng bảng chữ cái do các linh mục Tây Ban Nha cải biên dựa trên chính hệ thống chữ cái tiếng Tây Ban Nha. Tiếng Nahuatl cổ điển (thế kỷ 16) có khoảng 15 phụ âm, bốn nguyên âm ngắn và dài. Một số điểm đáng chú ý trong ngôn ngữ này là âm “tl” (phát âm như một phụ âm đơn) và sự xuất hiện của dấu thanh hầu.