Châu Âu Trung Cổ

Khai Sáng: Thời Đại của Lý Trí

Thời kỳ Khai Sáng (hay còn gọi là Thời đại của Lý trí) tạo nên một cuộc cách mạng về tư tưởng ở Châu Âu và Bắc Mỹ kéo dài từ cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18. Các triết gia Khai Sáng đề cao triết học, khoa học và chính trị với…

lich su ky khai sang chau au

Thời kỳ Khai Sáng (hay còn gọi là Thời đại của Lý trí) tạo nên một cuộc cách mạng về tư tưởng ở Châu Âu và Bắc Mỹ kéo dài từ cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18. Các triết gia Khai Sáng đề cao triết học, khoa học và chính trị với một hướng tiếp cận hoàn toàn mới mẻ. Trên hết, họ tôn sùng lý trí – tin rằng khả năng lập luận suy xét của con người là chìa khóa vạn năng mở ra tri thức, đảm bảo tự do cá nhân, và đem lại hạnh phúc.

Thời kỳ Khai Sáng thường được tính từ phần tư cuối cùng của thế kỷ 17 cho đến khoảng cuối thế kỷ 18. Khởi nguồn của Khai Sáng nằm trong phong trào Phục Hưng (thế kỷ 14-16) khi giới trí thức và nghệ sĩ tìm về các giá trị của thời cổ đại. Từ đó, phong trào Nhân Văn phát triển với mục tiêu nuôi dưỡng các phẩm chất công dân – lý tưởng giúp một cá nhân phát huy tiềm năng, có ích cho cả bản thân và cộng đồng.

Triết lý Khai Sáng chính là kết quả của quá trình phát triển lâu dài đó, trở nên cực thịnh nhờ vào các sự kiện như Cải Cách Kháng Nghị (1517-1648), làm suy yếu quyền lực thường nhật của Giáo Hội Cơ Đốc. Hầu hết các nhà tư tưởng Khai Sáng không có ý định loại bỏ hoàn toàn nhà thờ, mà chỉ mong muốn xã hội chấp nhận tự do tín ngưỡng ở mức độ rộng hơn.

Khai Sáng mang hàm ý đem “ánh sáng” xua tan “bóng tối” của thời Trung Cổ. Ngày nay ta hiểu rằng Trung Cổ có lẽ không hẳn là quá đen tối như người ta từng nghĩ, nhưng không thể phủ nhận rằng tôn giáo, mê tín dị đoan, và sự phục tùng các hệ thống quyền lực đã thực sự chi phối cuộc sống con người trước khi các nhà triết học của thế kỷ 17 nỗ lực phản bác. Không còn chuyện dễ dàng tin những gì “người xưa dạy” chỉ vì đã hàng trăm năm không ai dám đặt câu hỏi.

Trong bầu không khí tự do trí tuệ mới mẻ này, lý trí bắt đầu thách thức niềm tin truyền thống. Cũng như giới khoa học thực thi các thí nghiệm để khám phá quy luật tự nhiên, các nhà tư tưởng cũng muốn áp dụng công cụ tuyệt vời – lý trí – để giải quyết các câu hỏi có từ ngàn xưa: Ta nên sống trong xã hội như thế nào? Làm sao để có đức hạnh? Đâu là chính quyền lý tưởng? Bí mật của hạnh phúc là gì? Cuộc chiến giữa lý trí với cảm xúc, mê tín, và sợ hãi đã bắt đầu. Vũ khí của các nhà tư tưởng là niềm tin lạc quan về tương lai, quyền đặt câu hỏi trước mọi vấn đề, và ý chí theo đuổi tự do. Các triết gia Khai Sáng không phải ngẫu nhiên mà có biệt danh là những “nhà tư tưởng tự do”.

Những nhà tư tưởng tiền-Khai Sáng

Triết học Ánh Sáng được thúc đẩy bởi các nhà triết học, nhưng xét họ cũng sáng tạo ra những tác phẩm phi triết học hay dấn thân vào chính trường, danh xưng “trí thức” ngày nay có thể phù hợp hơn với họ. Những tư tưởng gia này thách thức tri thức đương thời, và cũng thách thức lẫn nhau. Điều đáng nhấn mạnh là chưa bao giờ có sự đồng thuận cho những câu hỏi mà mọi người cố gắng giải đáp. Rõ ràng, quá trình kiến tạo kiến thức này kéo dài, và có nhiều luồng tư duy khác nhau ở những nơi khác nhau. Với tầm nhìn lịch sử, ngày nay ta có thể xâu chuỗi lại các ý tưởng để gọi chung là Triết học Ánh Sáng, nhưng những nhân vật thời điểm ấy chỉ nhận thức được rằng họ đang tham gia vào một trào lưu tư tưởng mới.

Bìa sách Leviathan
Bìa sách Leviathan

Có một nhóm các nhà tư tưởng thường được gọi là các nhà triết học “tiền Ánh Sáng” vì họ đã đặt nền móng chính cho sự phát triển của triết học Ánh Sáng. Nhóm này bao gồm Francis Bacon (1561-1626), Thomas Hobbes (1588-1679), René Descartes (1596-1650), Baruch Spinoza (1632-1677) và John Locke (1632-1704).

Bacon nhấn mạnh sự cần thiết cho một phương pháp mới kết hợp giữa thí nghiệm thực chứng (chú trọng quan sát và trải nghiệm) và chia sẻ dữ liệu, để nhân loại cuối cùng cũng có thể khám phá tất cả bí ẩn của tự nhiên và tự hoàn thiện mình. Nhiều triết gia Ánh Sáng đã tiếp thu cách tiếp cận này. Suy nghĩ của Bacon về việc chúng ta cần kiểm tra kiến thức xem nó có đúng không, cũng như niềm tin rằng chúng ta có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn khi chung sức, cũng có tầm ảnh hưởng.

Hobbes, một chính trị gia và nhà tư tưởng người Anh, đề xuất một ý tưởng về trạng thái tự nhiên (natural state), một sự tồn tại tàn bạo trước khi con người hội tụ thành xã hội. Hobbes tin rằng công dân phải hy sinh một số quyền tự do để có được sự an toàn trong xã hội, và họ cam kết điều này thông qua khế ước xã hội, nghĩa là cam kết cùng tuân thủ một số quy tắc ứng xử. Ông cũng tin, bởi quan điểm bi quan về bản chất con người vốn chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, nên cần một thể chế chính trị mạnh mẽ, một Leviathan (quái vật biển trong kinh thánh). Những ý tưởng này và nỗ lực tách rời triết học, đạo đức và chính trị khỏi tôn giáo của Hobbes đều truyền cảm hứng cho các nhà tư tưởng Ánh Sáng, họ hoặc đồng thuận hoặc phát triển các mô hình thay thế.

Descartes, một nhà triết học duy lý người Pháp, cho rằng mọi kiến thức phải được đặt nghi vấn vì giác quan của chúng ta không đáng tin cậy, chúng ta có thể đang mơ, hoặc đang sống ảo tưởng do một ác quỷ nào đó tạo ra. Kết luận “Tôi tư duy nên tôi tồn tại” (Cogito, ergo sum) nổi tiếng chính là nguyên tắc nền tảng cho tư duy của Descartes sau khi áp dụng nghi vấn cho mọi thứ. Từ đó, phát triển thành thuyết Nhị nguyên Descartes, cho rằng tâm trí và thân xác (vật chất) là hai thứ tách biệt, nhưng bằng cách nào đó mà các nhà tư tưởng vẫn đang truy tìm, chúng tương tác với nhau. Dù bị một số nhà phê bình chỉ ra rằng tư duy nghi ngờ triệt để của Descartes có thể dẫn đến những điều phi lý và chủ nghĩa hoài nghi toàn diện, nhưng bản thân tư duy đó vẫn quan trọng với thời đại Ánh Sáng, vì nó nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt câu hỏi với mọi thứ, thay vì tiếp nhận trực tiếp những kiến thức truyền đời – vốn có khi chỉ là niềm tin chứ không hẳn là tri thức.

Nhà triết học Hà Lan Spinoza chỉ trích mạnh mẽ những mê tín dị đoan và thách thức vai trò truyền thống của Chúa trong đời sống con người. Ông cho rằng Chúa không can thiệp vào những vấn đề thường nhật của chúng ta. Với sự kết hợp giữa chủ nghĩa duy lý và siêu hình học, Spinoza dành sự say mê cho khoa học. Ông tin rằng sự vận dụng lý trí và nghiên cứu về tự nhiên sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân và cả thế giới tâm linh. Spinoza cũng kêu gọi sự khoan dung và vị tha hơn trong các vấn đề tôn giáo.

Nhà tư tưởng người Anh Locke đặt ra giới hạn quyền lực chính quyền nhằm bảo vệ những quyền tự do nhất định, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, thứ ông xem là quyền tự nhiên (nghĩa là không phải do chính phủ hay pháp luật quy định). Chính phủ lý tưởng trong lý thuyết của Locke có sự phân quyền, và chỉ có thể hoạt động với sự đồng thuận của người dân. Thêm nữa, công dân có quyền lật đổ chính phủ nếu nó không thực hiện tốt chức năng bảo vệ các quyền của họ. Locke tin rằng con người có thể chung tay vì một lợi ích chung. Ông cho rằng cá nhân quan trọng hơn các thiết chế như chế độ quân chủ chuyên chế hay Giáo hội. Ông tin toàn thể công dân đều bình đẳng và nhà nước nên hướng đến giáo dục công dân trở nên lý trí và có tinh thần vị tha. Hơn bất cứ nhà tư tưởng nào khác, có lẽ chính các ý niệm của Locke không chỉ truyền cảm hứng cho giới học giả mà còn có ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới thực.

Rất nhiều nhà tư tưởng khác cũng có ảnh hưởng tới phong trào Khai Sáng, nhưng thật khó để đề cập hết trong phạm vi này. Có thể kể đến nhà bác học người Đức Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716), người tin rằng mọi tri thức đều liên kết chặt chẽ với nhau. Nói tóm lại, rất nhiều nhà tư tưởng tầm cỡ quốc tế đã hình thành nên những viên gạch đầu tiên của nền tư tưởng Khai Sáng trước cả khi phong trào chính thức bắt đầu. Những triết gia về sau này đã sắp xếp lại, chọn lọc hoặc loại bỏ một số ý tưởng khi tìm kiếm con đường đưa nhân loại đến cách sống và đạt được tri thức tối ưu.

10 nhà tư tưởng then chốt của Thời Kỳ Khai Sáng

Với nền tảng tư tưởng vững chắc vừa được đặt ra, một làn sóng các nhà tư tưởng mới đã bắt tay vào xây dựng nên đại sảnh tri thức mới cho phương Tây. Dẫu vẫn có những điểm bất đồng, các nhà tư tưởng đều hướng đến mục tiêu chung là tìm kiếm một thế giới đáng sống hơn cho nhân loại.

Principia Mathematica của Isaac Newton (Ảnh: Bản sao Principia của Newton - Andrew Dunn - Public Domain)
Principia Mathematica của Isaac Newton (Ảnh: Bản sao Principia của Newton – Andrew Dunn – Public Domain)

Một trong những tác phẩm tiêu biểu mở màn cho Thời kỳ Khai sáng là Principia Mathematica (1687) của Isaac Newton (1642-1727). Cuốn sách của Newton tổng kết thành tựu của cuộc Cách mạng Khoa học, với quan điểm cho rằng thế giới xung quanh ta có thể được thấu hiểu, và công cụ hiệu quả nhất cho mục đích đó chính là khoa học, đặc biệt là toán học. Với khám phá về lực hấp dẫn (và nhiều thành tựu khác), Newton đã chứng minh rằng chủ nghĩa kinh nghiệm đi cùng diễn dịch chính là phương pháp tối ưu để nâng cao tri thức. Các nhà triết học của Thời kỳ Khai sáng đã áp dụng cách tiếp cận tương tự vào nghiên cứu của họ. Newton còn khẳng định sự hài hòa và trật tự tồn tại trong tự nhiên – đây cũng là thứ mà các triết gia theo đuổi kiến tạo trong xã hội loài người.

Nhà triết học Pháp Montesquieu (1689-1757) đau đáu với vấn đề ngăn chặn mầm mống của nhà nước độc tài. Vượt qua những tư tưởng của John Locke, ông đã nghiên cứu lịch sử chính trị – về cơ bản đặt nền móng cho ngành khoa học chính trị – đề xuất thuyết tam quyền phân lập giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Montesquieu cũng là người ủng hộ bảo vệ tự do cá nhân thông qua luật pháp, cấm chính phủ can thiệp vào đời tư, và đề cao sự khoan dung. Để bạn hình dung về cuộc chiến chống lại hệ thống bảo thủ đương thời mà nhiều nhà tư tưởng Khai sáng đã phải đối mặt, tác phẩm Tinh Thần Luật Pháp của Montesquieu bị đưa vào Danh mục Sách Cấm của Giáo hội Công giáo vào năm 1751.

Nhà văn người Pháp Voltaire (1694-1778) “hơn bất kỳ ai khác, chính là biểu tượng của Thời kỳ Khai sáng với những người cùng thời” (Chisick, 430). Không tập trung nhiều vào việc đề xuất triết lý gốc mà chủ yếu phá bỏ những tư tưởng lỗi thời, Voltaire chỉ trích mạnh mẽ quyền lực của Giáo hội Công giáo, kêu gọi tự do cá nhân và sự khoan dung tôn giáo, đồng thời đấu tranh cho lý trí và năng lực hành xử đạo đức bẩm sinh của con người. Voltaire cũng không ngại phê bình việc nhiều triết gia chỉ lý thuyết suông mà không đưa ra giải pháp thiết thực cho các vấn đề xã hội.

David Hume (1711-1776), triết gia người Scotland, trình bày một cái nhìn tích cực về bản chất con người – tất cả chúng ta đều sở hữu khả năng thấu cảm và một ý thức đạo đức tự nhiên – nhưng lại rất hoài nghi vai trò của tôn giáo. Hume tin tưởng rằng tri thức chỉ đến từ kinh nghiệm và quan sát, tuy nhiên ông cũng thừa nhận có những điều chúng ta không bao giờ hiểu được, chẳng hạn như tại sao cái ác lại tồn tại trên thế giới? Hume còn mở rộng khái niệm về ‘lý trí’ để bao hàm cả cảm xúc.

Nhà tư tưởng người Thụy Sĩ Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) pha trộn triết lý của Hobbes và Locke để đi đến kết luận rằng con người khi sống trong trạng thái tự nhiên vốn tự do, bình đẳng, và có hai bản năng cơ bản: tính tự vệ và lòng thương cảm. Trong xã hội, Rousseau cho rằng con người nên tập hợp theo tinh thần đồng thuận, với mục tiêu hướng đến lợi ích chung. Với ông, ý chí chung là một thỏa hiệp – nơi các cá nhân phải đánh đổi sự tự do tuyệt đối để hướng đến một lựa chọn tốt hơn: hạn chế tự do để tránh rơi vào tình trạng hoàn toàn mất tự do. Dù ý chí chung có là gì, Rousseau tin rằng đó chắc chắn là điều đúng đắn. Ông cũng công nhận sự cần thiết của một hệ thống luật pháp và chính quyền vững mạnh để dẫn dắt ý chí chung của người dân, bảo vệ tài sản – một sản phẩm không mấy tích cực của tiến trình phát triển xã hội. Rousseau mong muốn xã hội xóa bỏ những bất bình đẳng bằng cách khuyến khích, thông qua giáo dục, lối sống cộng đồng bớt vị kỷ.

Triết lý của Denis Diderot (1713-1784) có thể được tóm tắt bằng niềm tin vào tính tự chủ của cá nhân. Ông cổ vũ cho việc sử dụng các luận điểm hiện đại, phi tôn giáo, và có cơ sở khoa học để phản biện những tri thức cũ kỹ xây dựng hoàn toàn trên đức tin và sự mê tín. Diderot là tổng biên tập của cuốn Bách khoa toàn thư (Encyclopédie) nhiều tập – cuốn sách được xem như “Kinh Thánh của Kỷ Ánh Sáng”. Vị triết gia này từng cố vấn cho cả Nữ hoàng Catherine II của Nga (cai trị 1762-1796) và vua Frederick II của Phổ (cai trị 1712-1786) – những vị vua theo đuổi mô hình “chuyên chế khai sáng”.

Adam Smith (1723-1790) là nhà triết học kiêm kinh tế học người Scotland. Ông tin rằng kinh tế là một môn khoa học, tuân thủ những quy luật nhất định. Những quy luật này có thể được khám phá thông qua việc sử dụng lý trí, mà ông gọi là “Bàn Tay Vô Hình”. Smith ủng hộ tự do thương mại và hạn chế sự can thiệp của chính phủ vào thị trường. Cuốn sách Quốc Phú Luận (The Wealth of Nations) của ông được coi là nền tảng của kinh tế học.

Nhà triết học người Đức Immanuel Kant (1724-1804) đặt ra thách thức lớn cho các trường phái triết học kinh nghiệm và triết học duy lý đang thống trị tư duy Kỷ Ánh Sáng. Ông tin rằng một số tri thức không hề phụ thuộc vào trải nghiệm của giác quan— ví dụ như khái niệm về thời gian và không gian. Đây được gọi là tri thức tiên nghiệm (a priori). Kant đã đưa triết học sang bước ngoặt mới, tập trung nghiên cứu vào những khái niệm và phạm trù phổ quát. Trong đạo đức học, Kant cho rằng luân lý của con người xuất phát từ ý định chứ không phải kết quả của hành vi – vốn có thể ngẫu nhiên xảy ra. Các hành động đạo đức có được nhờ việc tuân thủ những “mệnh lệnh tuyệt đối” không có ngoại lệ, ví dụ như “không bao giờ nói dối”. Kant cũng nhấn mạnh vào sự khoan dung, giáo dục, và tinh thần hợp tác giữa các quốc gia.

Triết giá Emmanuel Kant
Triết giá Emmanuel Kant

Edmund Burke (1729-1797) cho rằng bất kỳ quốc gia nào và các định chế của nó, kể cả tôn giáo, đều là sản phẩm của một lịch sử lâu dài và phong phú. Do đó, một thế hệ không nên chỉ đơn giản vứt bỏ những giá trị ​​đã được thử thách qua thời gian, vốn bảo vệ sự an toàn và tự do của chúng ta. Burke cũng nghĩ rằng trực giác và trí tưởng tượng cũng là những công cụ quan trọng ngang với lý trí trong việc tìm hiểu thế giới của chúng ta.

Thomas Paine (1737-1809), trong cuốn sách nhỏ “Lẽ Thường Tình” (Common Sense) nổi tiếng, kêu gọi các thuộc địa Mỹ nổi dậy chống lại sự cai trị của Anh. Paine lên án chế độ nô lệ, phản đối mọi hình thức đặc quyền, tin rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và nên có quyền bầu cử, kêu gọi một hệ thống thuế lũy tiến có thể tài trợ cho một xã hội công bằng hơn.

Ở đây chúng ta mới chỉ đề cập đến mười nhà tư tưởng thời Khai sáng, nhưng dĩ nhiên còn có nhiều người khác nữa, đáng tiếc là không gian không cho phép đề cập đến họ. Xu hướng áp dụng tư duy Khai sáng vào các vấn đề thực tiễn hàng ngày vẫn tiếp tục. Cesare Beccaria (1738-1794) kêu gọi cải cách nhà tù và chấm dứt các hình phạt quá mức đối với tội phạm. Mary Wollstonecraft (1759-1797) kêu gọi cơ hội giáo dục bình đẳng cho nam và nữ đồng thời nhấn mạnh những lợi ích cho xã hội khi cải thiện vị thế của phụ nữ. Jeremy Bentham (1748-1832) đã đưa ra một cách để đánh giá sự thành công của các luật mới với chủ nghĩa vị lợi của ông và nguyên tắc “hạnh phúc lớn nhất cho số đông”. Suy nghĩ về một thế giới tốt đẹp hơn là ưu tiên của thời kỳ Khai sáng, nhưng khi thế kỷ 18 dần trôi qua, việc thực sự tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn đã trở thành ưu tiên mới.

Pha trộn các ý tưởng

Để ý tưởng phát triển và ăn sâu bén rễ, sự tương tác giữa các nhà trí thức là điều hết sức cần thiết. Và ngoài việc gặp gỡ nhau, một vài phương thức mới đã giúp điều này diễn ra thuận lợi hơn. Máy in ra đời không chỉ cho phép sách báo được phát hành với giá thành phải chăng, mà còn cả các loại luận thuyết, sách nhỏ, và tạp chí. Giấy tờ chưa bao giờ được trao tay khắp Châu Âu rầm rộ đến thế. Ý tưởng – hay thậm chí quan trọng hơn – những phản biện, góp ý về các ý tưởng đó, giờ đây lan rộng với tốc độ chóng mặt.

Tranh vẽ một buổi tọa đàm
Tranh vẽ một buổi tọa đàm

Một cách khác để các học giả gặp gỡ nhau là thông qua các học viện và hội nhóm. Nơi đây, mọi người sẽ chia sẻ nghiên cứu qua các tập san nội bộ, tổ chức thảo luận hay tranh biện. Quán cà phê cũng trở thành địa điểm mọi người hẹn nhau bàn luận về những ý tưởng thời đại. Thêm một hình thức trao đổi tư tưởng cũng rất thịnh hành nữa, nhất là ở Paris, đó chính là các buổi ‘salon’, hay tọa đàm. Mặc dù sớm lan rộng khắp nơi, các buổi gặp mặt này thường do phụ nữ đứng ra tổ chức. ‘Salon’ giúp thúc đẩy trao đổi không chỉ giữa các triết gia, mà còn giữa những thành phần khác nhau trong xã hội. Lần đầu tiên, có lẽ, các nhà tư tưởng, nghệ sĩ, chính khách, doanh nhân có thể ngồi lại cùng nhau một cách thoải mái. Thậm chí, ‘salon’ còn giúp xóa nhòa phần nào khoảng cách giai tầng, khi giới trí thức và nghệ sĩ có cơ hội gặp gỡ các quý tộc và người giàu có. Từ những cuộc gặp như vậy, biết đâu những ý tưởng mới lại nảy mầm nhờ sự bảo trợ.

Tác động của Kỷ Khai Sáng

Niềm tin cốt lõi của các nhà tư tưởng Khai Sáng chính là: sự tồn tại của con người có thể được cải thiện thông qua nỗ lực. Tiến bộ về khoa học, công nghệ hay lý luận chính trị tiến bộ mở ra cơ hội nâng cao mức sống cho tất cả mọi người. Các cuộc cải cách xã hội ra đời nhắm đến việc thu hẹp bất bình đẳng, giảm thiểu tác hại của đói nghèo, dịch bệnh… Người Khai Sáng kêu gọi thay đổi lớn trong giáo dục, để nhiều trẻ em được đến trường và trở thành công dân tốt hơn thông qua phát huy khả năng tư duy. Cũng như quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của cá nhân được chú trọng trong nền chính trị tự do mới, tư tưởng kinh tế “laissez-faire” (ít can thiệp) cũng phát triển, nhằm thúc đẩy kinh tế theo xu hướng thị trường. Nền dân chủ tự do hiện đại chính là kế thừa tư tưởng Khai Sáng – xã hội tránh can thiệp vào những lĩnh vực riêng tư của con người – một sự khác biệt rõ rệt so với xã hội thời Trung Cổ.

Ngoài những ảnh hưởng Khai Sáng ở mức độ tư tưởng, ta cũng thấy được nhiều thay đổi mang tính thực tế. Như chuyên gia nghiên cứu Khai Sáng N.Hampson từng nhận xét, khi chỉ nghiên cứu khía cạnh tri thức, ta rất dễ đi đến kết luận “Khai sáng là tổng hợp mơ hồ của mọi thứ” (Cameron, 296). Một vài thay đổi thực tiễn có thể kể đến như: kết thúc thời kỳ săn lùng phù thủy, chấm dứt hình thức xử tử bằng thiêu sống, nông nô thoát cảnh tôi đòi, tra tấn bị loại bỏ khỏi hệ thống tố tụng… Phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ, án tử hình cũng rầm rộ thời kỳ này. Nhà thờ chính thức tách biệt khỏi Nhà nước ở vài nơi, nổi bật là Pháp. Nhiều trường đại học, thư viện được thành lập. Hệ thống bầu cử cũng trở nên công bằng hơn.

Tất nhiên, tiến bộ khoa học cũng góp phần đưa đến Cách mạng Công Nghiệp Anh (1760-1840), cũng như các phong trào tương tự trên thế giới. Nhiều nhà Khai Sáng cũng sớm dự đoán mặt tối của ‘tiến bộ’ – Chủ nghĩa cá nhân quá đà đi ngược lại lợi ích chung, hay sự phát triển công nghệ do thiểu số kiểm soát có thể cô lập nhiều nhóm người và tàn phá môi trường.

Hình ảnh ẩn dụ Cách Mạng Pháp
Hình ảnh ẩn dụ Cách Mạng Pháp (Tranh: Nicolas Henri Jeaurat de Bertry)

Không chỉ có giới học giả tin rằng họ có thể tạo ra tương lai tốt đẹp hơn. Những ý tưởng lớn từ họ, dù mất thời gian, cũng dần dà thấm nhuần xuống tầng lớp thấp hơn. Rồi đến lúc mọi người, không kể giai cấp, bắt đầu nghĩ đến hành động nhằm cải thiện chất lượng sống cũng như hệ thống chính trị xung quanh họ. Hai ví dụ điển hình nhất chính là Cách Mạng Pháp và Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Các nhà cách mạng tham gia hai sự kiện này chịu ảnh hưởng sâu sắc (thậm chí trích dẫn) các tác phẩm của triết gia Khai Sáng. Những văn kiện nổi bật như Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp, hay Tuyên ngôn Độc lập Mỹ đều chứa đựng tư tưởng “quyền bất khả xâm phạm” hay “mưu cầu hạnh phúc” vốn là ngôn ngữ của các học giả Khai Sáng.

Phê bình

Trong một số lĩnh vực như nghệ thuật, đã xuất hiện phản ứng đối với trào lưu Khai Sáng – nơi đề cao sức mạnh tối thượng của lý trí. Phản ứng này được thể hiện rõ nét nhất trong phong trào mà chúng ta gọi là Lãng mạn (1775-1830). Văn học và hội họa Lãng mạn chú trọng vào những hình thức bộc lộ cảm xúc mới, mang tính tự phát và giàu cảm tính.

Một số nhà phê bình cho rằng Khai Sáng đã tạo nên những kết quả trái ngược nhau, ví dụ như việc đề cao chủ nghĩa cá nhân nhưng đồng thời cũng thúc đẩy một nhà nước hùng mạnh. Họ cho rằng Khai Sáng chối bỏ các truyền thống văn hóa, làm giảm giá trị của đức tin và tín ngưỡng. Thế nên, dù những “tiến bộ” về mặt kinh tế, khoa học và công nghệ ra sao thì xét riêng về góc độ nhân văn, đó thực ra là sự “thoái trào”. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng tư tưởng Khai Sáng với trọng tâm là châu Âu đã bỏ qua những khác biệt căn bản giữa con người ở các vùng đất (và đôi khi ngay trong cùng một khu vực). Tóm lại, thời kỳ Khai Sáng bị quy kết là nguồn cơn của mọi vấn đề hiện đại, từ thảm họa diệt chủng cho đến nạn phá rừng Amazon. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học đã phản bác lại, bởi những lời chỉ trích nặng nề như vậy chỉ đúng nếu chúng ta xem Khai Sáng là một khối tư tưởng hoàn toàn đồng nhất, điều mà hy vọng bài viết này đã phần nào giúp làm sáng tỏ.

Bước sang thế kỷ 21, những thành tựu của Khai Sáng, đặc biệt là tự do cá nhân, tự do tư tưởng và lòng khoan dung, vẫn tồn tại ở nhiều nơi, nhưng chắc chắn không phải là ở khắp mọi nơi. Như sử gia H. Chisick chỉ ra, các giá trị này luôn đối mặt với nguy cơ bị đe dọa bởi những hiểm họa như nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa cực đoan chính trị và cuồng tín tôn giáo:

Có vẻ như những giá trị cốt lõi của thời kỳ Khai Sáng không phải là thứ đạt được một lần là xong. Ngược lại, chúng cần được mỗi thế hệ và mỗi nền văn hóa tiếp nhận, gìn giữ, nếu không sẽ bị nhấn chìm và lụi tàn.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s