Hy Lạp Cổ Đại

Hướng dẫn tham quan thành cổ Athens (Hy Lạp)

Athens là thành phố giàu lịch sử bậc nhất thế giới, nhất là những công trình từ thời cổ đại, khi văn minh Hy Lạp rực rỡ

Parthenon ở Acropolis, Athens. Nguồn: UNESCO

Athens thường được nhớ đến bởi quá khứ cổ đại huy hoàng, hơn là giai đoạn đầy biến động của hai trăm năm trở lại đây. Dạo bước trong trung tâm thành phố rực rỡ ánh sáng, khách du lịch có thể dễ dàng bắt gặp giao thoa của hai nền văn minh Hy Lạp. Di tích cổ đại nằm ở khắp mọi ngóc ngách. Chỉ cần lang thang vô định trong các con hẻm nhỏ của khu phố cổ, bạn sẽ bắt gặp những chi tiết vẽ nên bức tranh về một đô thị cổ đại từng vô cùng thịnh vượng. Mặt khác, lịch sử hiện đại của Athens đã tạo ra một nền văn hóa phản ánh hai thế kỷ độc lập và phát triển của Hy Lạp, toát lên sự tinh tế đầy cao quý.

Đền Parthenon [Nhìn Từ Phía Sau
Đền Parthenon [Nhìn Từ Phía Sau]- Spyros Kamilalis (CC BY-NC-SA)]

Mặc dù Athens là một thành phố rộng lớn, khu trung tâm lịch sử của nó vẫn khá nhỏ gọn, giúp du khách dễ dàng tận hưởng mọi thứ. Tôi đã dành một chuyến đi ba ngày đến thành phố này, trong đó chỉ có hai ngày trọn vẹn để tham quan tất cả những gì mình mong muốn; một nhiệm vụ đầy thách thức nhưng hoàn toàn có thể thực hiện.

ODEON của Herodes Atticus

Chuyến ghé thăm của tôi chẳng thể bắt đầu ở đâu khác ngoài Acropolis – biểu tượng lừng danh của Athens. Vào một sáng thứ bảy đầy nắng, tôi đã chiêm ngưỡng mặt sau của nhà hát Herodes Atticus. Nếu bạn không chắc mình đang nhìn thấy gì, thì công trình này trông hơi giống các cống dẫn nước La Mã. Không khó để hiểu tại sao nhiều người nhầm lẫn thế, vì Athens từng là một phần của đế chế La Mã và nằm trong trung tâm cai trị của Hoàng đế Hadrian. Dĩ nhiên, đây không phải là cống dẫn nước, mà là khu vực hậu trường cho các nhà viết kịch, diễn viên hài, và diễn viên hoạt động chuẩn bị.

Các Vòm Cung, Nhà Hát Herod Atticus
Các Vòm Cung, Nhà Hát Herod Atticus

Cạnh nhà hát có một cụm cây bụi, ẩn giấu những bí mật nho nhỏ: hệ thống cấp thoát nước, bể chứa, đường ống ngầm dẫn đến khu dân cư cổ đại. Ta có thể nhận ra các vật liệu khác nhau mà kiến trúc sư sử dụng. Hầu hết các cấu trúc đều bằng đá cẩm thạch – thứ có trữ lượng dồi dào ở Hy Lạp, đặc biệt trên các hòn đảo và ở miền bắc. Hệ thống đường ống cũng như bể nước chủ yếu được làm từ gốm cho phần ống, kết hợp với các tấm gốm và đá cho phần bể chứa. Kiểu xây dựng bể nước đặc biệt phổ biến trong thời La Mã, khi Hadrian nỗ lực nâng cấp và duy trì thành phố. Người ta từng nói một nửa Athens được xây dựng bởi Pericles, nửa còn lại bởi Hadrian.

Hệ Thống Cấp Nước Tại Acropolis
Hệ Thống Cấp Nước Tại Acropolis

Tiếp tục di chuyển, tôi theo con đường dốc dẫn lên đỉnh của nhà hát Herod the Attic. Công trình đồ sộ đúng như tôi tưởng tượng, với ít nhất bốn tầng lầu. Một lối đi bộ nhỏ hình bán nguyệt phân chia bậc ghế thứ nhất và thứ hai. Cung đường này uốn theo hình dạng giảng đường và dẫn đến tòa nhà “hậu trường” chính. Tôi có thể nhìn thấy các căn phòng bên trong, và dễ dàng hình dung ra cảnh các diễn viên chuẩn bị bước lên sân khấu. Chắc chắn chiều cao của công trình sẽ khiến khán giả choáng ngợp, một hiệu ứng mà các đạo diễn cố tình tạo ra. Thêm vào đó ánh trăng mùa hè rực rỡ, hẳn bạn có thể gần như cảm nhận được Apollo và các nàng thơ của ông thì thầm xuyên qua năm tháng.

Sân khấu nhà hát Herod Atticus
Sân khấu nhà hát Herod Atticus

Propylaea – Cổng vào Acropolis

Cổng Propylaea, lối vào chính của Acropolis, mang đậm dấu ấn lịch sử. Acropolis của Athens mà chúng ta thấy ngày nay không phải lúc nào cũng đẹp lung linh như vậy. Trong cuộc chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư, Athens đã bị chiếm đóng và các ngôi đền trên Acropolis bị thiêu rụi. Chính Pericles là người ủy thác việc xây dựng lại Acropolis, sử dụng những kiến trúc sư và nhà điêu khắc vĩ đại nhất thời bấy giờ. Dự án này được dẫn dắt bởi Phidias, trong khi chính Parthenon được thiết kế và xây dựng bởi các kiến trúc sư Ictinos và Kallicrates.

Propylaea - Lối vào Acropolis
Propylaea – Lối vào Acropolis

Cổng Propylaea được xây dựng bằng đá cẩm thạch Pentelic từ những ngọn đồi ở Athens. Kiến trúc của nó tương tự như phần còn lại của Acropolis, và mang nét đặc trưng của các công trình Hy Lạp cổ đại cùng loại. Nhiều năm sau, Propylaea trở thành nguồn cảm hứng để xây dựng Cổng Brandenburg ở Berlin và Propylaea ở Munich.

Đền thờ nữ thần Athena Nike
Đền thờ nữ thần Athena Nike

Đứng trên bậc thềm của Propylaea, ánh nhìn của du khách chỉ có thể bị thu hút bởi vẻ đẹp kiêu hãnh hướng lên phía trên – những công trình nguy nga của Propylaea và đền thờ Athena Nike (có nghĩa là Athena Chiến thắng). Đền thờ Athena Nike dù nhỏ nhưng vẫn ấn tượng và là một trong những công trình được bảo tồn tốt nhất. Trong tiếng Hy Lạp, từ “Propylaea” có nghĩa là “trước cổng”. Một khi du khách đi qua cánh cổng của Acropolis và vào khu vực trung tâm, hai ngôi đền nổi tiếng nhất sẽ hiện ra: Parthenon, ngôi đền chính của Athena, và Erechteion, một ngôi đền dành riêng cho cả Athena và Poseidon. Tôi quyết định để dành Parthenon đến cuối cùng vì sự nổi tiếng của nó, nhưng cũng bởi vì mặc dù kích thước đồ sộ, nó lại có cấu trúc đơn giản hơn nhiều.

Erechteion

Cái tên Erechteion nghe có vẻ khá kỳ lạ, ngay cả theo tiêu chuẩn của người Hy Lạp. Những cây cột hình thiếu nữ của nó – the Caryatids – mang một ý nghĩa gắn liền với nguồn gốc của cái tên này. Caryatids nghĩa là “các thiếu nữ của Karyai”, một thị trấn nhỏ ở Peloponnese có một ngôi đền thờ nữ thần Artemis, và Caryatids chính là những người hầu của nữ thần. Erechteion bao gồm hai khu vực: đền chính và một gian phòng nhỏ hơn gọi là Kekropion. Truyền thuyết kể rằng những vị vua bán thần thoại thời kỳ đồ đồng cổ đại của Athens, Erechtheus và Cecrops, được chôn cất bên dưới ngôi đền, mỗi người trong một căn phòng được xây dựng riêng. Cụ thể hơn, cấu trúc hình hộp nhô ra, nơi đặt các Caryatids, thực ra nằm ngay trên ngôi mộ của Vua Erechtheus.

Erechtheion - Acropolis
Erechtheion – Acropolis

Erechteion đã có nhiều công năng sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử, đó là lý do tại sao nó được bảo tồn tương đối tốt. Được xây dựng vào năm 421 trước Công nguyên, ban đầu nó là một ngôi đền, như đã đề cập trước đây. Sau khi Cơ đốc giáo được Hoàng đế La Mã Constantine Đại đế công nhận là quốc giáo, Erechteion trở thành một nhà thờ Cơ đốc giáo. Mãi đến khi Constantinople thất thủ vào năm 1453, nó mới được sử dụng làm nơi ở của chỉ huy Ottoman ở Athens và dàn thê thiếp của ông ta cho đến năm 1830.

Tất nhiên, không thể có một di tích Hy Lạp mà không có một chút tranh cãi. Vụ việc bắt đầu vào năm 1801 khi một nhà quý tộc người Anh, Lord Elgin, đã lấy đi một trong số các Caryatids cùng với một số phần của đầu hồi của Parthenon, để trang trí cho biệt thự của ông ở Scotland. Sau đó, thuộc hạ của Elgin đã bán các mảnh vỡ này cho Bảo tàng Anh, nơi chúng được trưng bày cho đến ngày nay. Cuộc tranh luận về Elgin Marbles là chủ đề gây tranh cãi dữ dội giữa Hy Lạp và Anh.

Đền Parthenon

Parthenon ở Acropolis, Athens. Nguồn: UNESCO
Đền Parthenon trên đồi Acropolis, Athens. Nguồn: UNESCO

Bước tới đền Parthenon, mình không khỏi có chút xót xa. Mặc dù vẫn giữ được nét vĩ đại, hoành tráng vốn có, nhưng ngôi đền này thực sự không còn nguyên vẹn. Những hư hại mà nó phải hứng chịu qua bao thế kỷ quả thật khó mà diễn tả hết thành lời. Câu chuyện về những tàn tích nơi đây bắt đầu từ Chiến tranh Độc lập Hy Lạp trong những năm 1820. Quân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây Athens – lúc đó đang nằm trong tay của các chiến binh Hy Lạp – với những cuộc pháo kích liên tiếp, khiến Parthenon bị phá hủy nặng nề. Thật đáng tiếc khi ngôi đền phải lâm vào tình cảnh này, và có lẽ ai cũng không khỏi tò mò rằng đền Parthenon sẽ ra sao nếu được phục dựng lại hoàn toàn, kể cả khi phải dùng vật liệu hiện đại để thay cho những phần đã bị phá hủy.

Một điều thú vị về kết cấu của Parthenon là việc sử dụng những thanh gia cố bên trong mỗi cột trụ. Các khối đá cẩm thạch hình tròn tạo nên các cột trụ không hề đặc ruột mà được thiết kế như những chiếc vòng khổng lồ. Mỗi phần như vậy đều có lỗ ở giữa, từng dùng để chứa các thanh chì nhằm gia cố kết cấu, tăng khả năng chịu tải trọng của đền. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc chống chọi lại với các trận động đất vốn xảy ra thường xuyên ở Hy Lạp.

Ngoài các đền thờ có từ thời hoàng kim của Athens, trên đồi Acropolis, du khách còn có thể chiêm ngưỡng những gì còn lại của bàn thờ Octavian Augustus; một lễ vật dâng lên vị hoàng đế La Mã đầu tiên này nằm trong khuôn viên một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của thế giới cổ đại.

Nhà hát Dionysus

Nhà hát Dionysus trên đồi Acropolis, Athens
Nhà hát Dionysus trên đồi Acropolis, Athens

Sau khi kết thúc chuyến tham quan đồi Acropolis, mình bước ra khỏi cổng Propylaea và đi xuống khu tàn tích Đền thờ Themis và Nhà hát Dionysus. Dọc đường đi có rất nhiều khối đá đã được khắc chữ, thế là mình lại có dịp thử tài nhớ tiếng Hy Lạp cổ đại bằng cách giải nghĩa các dòng chữ này. Dù không hiểu trọn vẹn hết, nhưng cảm giác nhận ra được chút ít cũng đã khá thú vị rồi. Những dòng chữ này đã được khắc cách đây 2500 năm, quả là một minh chứng đáng kinh ngạc về một ngôn ngữ vẫn đang sống và không ngừng phát triển.

Tiếp tục đi, mình đến Nhà hát Dionysus. Nổi bật nhất là những chiếc ghế “VIP” với tên của chủ nhân được khắc ngay trên ghế.

Bảo tàng Acropolis

Bảo tàng Acropolis
Bảo tàng Acropolis

Chỉ vài bước chân từ Nhà hát Dionysus là lối vào Bảo tàng Acropolis mới – nơi mình đã nghe rất nhiều lời khen ngợi. Có ba thứ ở bảo tàng này thực sự thu hút sự chú ý của mình. Đầu tiên là các bức tượng Caryatid bản gốc, được đặt trên một ban công trong nhà, nơi du khách có thể ngắm nhìn ở khoảng cách cực gần (gần đến mức có thể chạm vào luôn).

Thứ hai là gian triển lãm ở tầng trên cùng. Những gì được trưng bày ở đây chính là toàn bộ phần đầu hồi của đền Parthenon, khắc họa lại các trận đánh với người Titan (Titanomachy) với từng chi tiết đầy sống động. Mình đã phải bỏ ra kha khá thời gian để “ngâm cứu” từng mảnh vỡ và hiểu được câu chuyện mà chúng tái hiện, tuy nhiên trải nghiệm này thực sự rất khó quên, đặc biệt khi bạn tưởng tượng chúng từng được sơn màu rực rỡ như thế nào. Cuối cùng, điểm cộng to lớn của bảo tàng này là khung cảnh từ tầng cao nhất. Ngay qua ô cửa sổ khổng lồ, bạn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của đồi Acropolis, một cảnh tượng khiến ai cũng phải trầm trồ.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s