Bàn về gốc tích dân tộc Việt Nam, những nhà làm sử của chúng ta và các học giả ngoại quốc thường không đồng ý kiến. Nguyên do dân tộc vn là một dân tộc rất cố cựu trong khi khoa học chưa phát minh, các nhà nhânchủng học chưa ra đời, địa dư và sử học cũng còn là chuyện rất lờ mờ. Thêm vào, dtvn từ bốn ngàn nam lập quốc trải qua bao nhiêu cuộc biến thiên của lịch sử sống một cuộc đời bất định từ lưu vực sông Nhị Hà, sông Mà cho tới ngày nay ngững hẳn bên bờ biển Tiêm La.
Nhiều nhà bác học Pháp cho rằng người vn phát tích ở miền núi Tây Tạng cũng như người Thái, qua các triều đại di cư dần xuống Bắc Việt rồi tràn xuống phía Đông Nam và lập ra nước Việt Nam ngày nay. Còn người Thái theo sông Cửu Long (Mekong) tạo ra nước Tiêm La và Mên, Lào. Như vậy, dtvn là một trong nhiều dt đã do các miền Tây Bắc Trung Hoa là nguồn gốc. Đồng thời một vài dân tộc khác ở các quần đảo đông nam di cư lên như dân Mã Lai, dân Phù Nam, dân Chiêm Thành cùng tập hợp trên bán đảo Đông Dương.
Có thuyết cho rằng người Việt thuộc giống Indonesian, bị giống Aryan đánh bạt ra khỏi Ấn Độ phải chạy qua bán đảo Indochina tiêu diệt đám thổ dân ở quần đảo Nam Dương. Ở mạn Bắc, ta hòa giống với người Mông Cổ, chịu ảnh hương văn minh tq. Ở mạn Nam giống Indonesian họp thành giống Cao Miên và Chiêm Thành chịu văn hóa Ấn Độ, ngay nghành ở mạn Bắc cũng chia ra 2 chi phái: một sinh tụ ở Trung châu sông Nhị Hà và các miền duyên hải nhờ có đất cát phì nhiêu lại chịu nhiều cuộc biến chuyển lịch sử mà tiếp xúc được với van hóa tq nên tiến bộ mau lẹ. Một chiếm đóng các vùng cao nguyên sống với rừng núi chịu ảnh hưởng của giống Thái ở lân cận, tuy vẫn giữ được nền nếp cũ là các tổ chức và thể chế phong kiến. Các người Mường hiện cư trú tại Hòa Bình và Nghệ An ngày nay là di tích của chi phái này.
Ông Léonard Aurousseau căn cứ vào sách Tàu cho rằng người vn thuộc giòng giõi nước Việt đời Xuân Thu, tức là thuộc quyền quốc vương Câu Tiễn thời đó (cuối tk 6 TCN, đóng đô ở thành Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang ngày nay. Năm 333 TCN nước Việt bị Sở đánh bại, đất đai bị thôn tính cho đến tả ngạn sông Chiết, tức sông Hàng Châu ngày nay, người Việt chạy lùi thêm xuống miền nam, chia ra làm bốn phái:
1 – Đông Âu, hay Việt Đông Hải, thuộc miền Ôn Châu (phía nam tỉnh Chiết Giang).
2 – Mân Việt, tụ tập tại Phúc Châu, tức Phúc Kiến
3 – Nam Việt, thuộc Quảng Đông và phía bắc Quảng Tây.
4 – Lạc Việt, hay Tây Âu Lạc, ở phía nam Quảng Tây và miền bắc Việt Nam ngày nay.
Chúng ta thuộc thị tộc nào?
Xin coi dưới đây các tài liệu rút ở Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Đại Việt tạp chí, Revue Indochinoise của các ông Đào Duy Anh, Lê Chí Thiệp, Charles Patris. Các vị này cũng không đừng ngoài thuyết của L. Aurousseau, Henri Maspéro.
Theo Kinh Thi, vào thời thái cổ từ Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, người Hán còn ở quanh quẩn lưu vực sông Hoàng Hà vùng Hà Nam, Thiểm Tây, nam Sơn Tây, nam Trực Lệ, và một phần tỉnh Sơn Đông ngày nay, rải rác tới lưu vực sông Vị Thủy. Giải Tần Lĩnh và những ngọn núi nối tiếp về phía đông là giới hạn của họ về phía nam, và về phía bắc người Hán gần như lẫn lộn với các rợ Nhung. Sự trạng này kéo dài tới đời Chu là thời Xuân Thu Chiến Quốc. Trong lúc này tại lưu vực sông Dương Tử, sông Hán, và sông Hoài, có những giống người văn hóa khác hẳn văn hóa Hán tộc.
Giao Chỉ
Trong thư tịch của người Trung Hoa, bọn người đó được mệnh danh là man-di. Họ quy tụ bên các bờ sông, bờ biển, đầm hồ, và trong rừng hoang. Sinh hoạt bằng nghề chài lưới săn bắn. Họ có tục đặc biệt là xăm mình, để tóc ngắn. Để giải thích phong tục đó người ta nói rằng người man-di hàng ngày lặn lội dưới sông, biển thường bị giống giao long làm hại nên xăm mình thành hình trạng giao long, để giao long tưởng là vật cùng giống mà không giết hại.
Từ đời nghiêu, Thuấn, một dân tộc khai hóa rất sớm là người Giao Chỉ đã giao thiệp với ngời Hán tộc. Đem đối chiếu những điều thư tịch thì Giao Chỉ ở về miền Hồ Nam ngày nay, gần hồ Động Đình và núi Lĩnh Nam.
Người Hán tộc gọi nhóm man-di đó là Giao Chỉ. Ban đầu người Giao Chỉ xăm mình để thành hình trạng giao lòng, rồi dần dần chính họ phát sinh mối tin tưởng mình là đồng chủng của giống giao long. Quan niệm totem bắt nguồn từ chỗ này. Người Hán thấyhọ có hình trạng giao long, thờ gl làm vật tổ nên gọi nơi họ ở là Giao Chỉ, tức miền đất của giống người gl.
Vì đâu có danh từ Giao Chỉ?
Có người nói chữ Giao Chỉ có nghĩa là hai ngón chân cái giao nhau. Nhưng theo bác sĩ P. Huard và A. Bigot trong Bulletin de la Société Médico-chirurgicale de L’Indochine, Quyển XV, số 5, tháng 5, năm 1937, trang 489-506 dưới tiêu đề Les Giao Chỉ, thì không riêng người Giao Chỉ mới có hai ngón chân cái giao nhau, tức là nhiều dân tộc khác ở Á đông cũng có hình tích này.
Bộ từ nguyên (quyển tí, trang 141) chép: theo nghĩa củ bảo hai ngón chân cái giao nhau là Giao Chỉ, nhưng xét đời cổ bên Hy Lạp có tiếng đối trụ, lân trụ để gọi loài người trên thế giới (đối trụ là phía nam đối phía bắc, lân trụ là phía đông nối liền phía tây). Sở dĩ có tên Giao Chỉ là hợp với nghĩa đối trụ, vì dân tộc phương Bắc gọi dân phương Nam đối nhau không phải là chân người giao nhau. (Chữ Giao Chỉ chép ở sử Tàu trước nhất vào đời Thần Nông).
Ngoài nghề đánh cá là nghề căn bản, người Giao Chỉ thuở đó đã biết trồng trọt và làm rượng. Trong lúc này ở khoảng giữa Động Đình hồ và hồ Phiên Dương, từ đời Nghiêu-Thuấn có giống người Tam Miêu cũng đã biết nghề canh nông rồi, và người Giao Chỉ đã ở trên một phần đất của người Tam Miêu. Căn cứ vào nghề đánh cá, nghề nông cùng chế độ vật tổ là đặc tính của xã hội thị tộc, người ta cho rằng người Giao Chỉ bấy giờ ít nhất cũng ở dưới đời đồ đá cũ và đầu đời đá mới (đá đẽo và đá mài), tuy chưa tìm được di tích sinh hoạt gì của ở dưới đất. Còn về đời Nghiêu-Thuấn, những đồ làm ruộng toàn bằng đá cả, xét các di vật đào được ở Ngưỡng Thiều tỉnh Hà Nam, ở lưu vực sông Hoàng Hà. Họ làm nhà bằng những cành cây hay bằng tre, có lẽ như nhà sàn của người thượng du ngày nay trên các đầm hồ, hay khe núi (Theo thiên Vũ Công, ở miền đất Châu Kinh có nhiều tre).
Cuộc giao hiếu của Giao Chỉ đối với Hán tộc thế nào?
Theo các cổ sử, các vua nhà Hồng Bàng là con cháu Thần nông, thuở đó làm chúa tể Trung Quốc, Lộc tục là ông vua đầu tiên của phương nam, hẳn là có liên lạc về thị tộc nên có sự thần phục phương bắc. Dưới nhà Chu, sự giao hảo giữa phương bắc và các dị tộc rất là tốt đẹp. Chu Công nói với sứ giả phương nam rằng: Kẻ hiền giả không ham vật chất. Chúng ta không phải là chủ các người vì đã là hiền giả thì không mong ai làm tôi tớ của mình.
Sứ đáp: Ba năm nay trời đất thay đổi lệ thường: mưa hòa, gió thuận, sông lặng, bể yên, ắt là thiên triều sinh thánh vì lòng tôn kính chúng tôi tự tìm để triều bái đức hoàng đế, tuy núi sông ngăn cách, đường xá xa xôi.
Vua chúa nhà Hồng Bàng có là con cháu Thần Nông hay không dưới đây chúng tôi sẽ bàn tới. Giao Chỉ dầu có sư bang giao với Hán tộc vẫn là một xứ tự do. Ch. Patris còn chép rằng Giao Chỉ thuở xưa thuộc Dương Châu, là một trong chín châu do vua Vũ mở ra. Vua Vũ lập nên nhà Hạ, ngự trị tq từ 2205 đến 1766 TCN. Rồi cũng có nhiều phen Hán tộc và Giao Chỉ xung đột với nhau nên nhiều sử gia Tàu đã ghi rằng Giao Chỉ là giống có tinh thần bất khuất mà dưới đây chúng tôi sẽ có dịp nhắc tới.
Việt Thường
Bàn về nước Việt Thường, mười năm trở về trước nhiều nhà khảo cổ của ta cũng như ngoại quốc đã phát biểu nhiều ý kiến khác nhau. Việt Thường ở đâu?
Theo Trần tiên sinh trong Việt Nam Sử Lược, Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ. Năm Mậu Thân, tức năm thứ 5 đời vua Đế Nghiêu (2352 TCN), Việt Thường sang cống một con rùa lớn, năm Tân Mão (1109 TCN), đời Chu Thành Vương (là vì vua thứ hai của nhà Chu) đem chim trĩ trắng cống vua nhà Chu, được Chu Công Đản là chú vua Thành vương chế ra xe chỉ nam tiễn sứ về nước. Trong sự tiếp xúc với sứ bộ, nhà Chu phải tìm thông ngôn mới trao đổi được ý tứ.
Ông Lê Văn Hòa trong Việt Sử đính ngoa cho rằng Việt Thường ở vào địa phương tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị, là dải đất dài do Chế Củ nhường cho ta dưới đời Lý Thánh Tôn, tức năm 1069 Việt Thường còn thuộc nước Chiêm Thành.
Ông L. Wíeger nhà Trung Hoa học lại dời vị trí Việt Thường xa hơn nữa. Ông cho Việt Thường là Cao Miên.
Ông Lê Chí Thiệp và Đào Duy Anh cũng như tác giả Việt Nam Sử Lược và các nhà khảo cổ Pháp không đồng ý cho rằng Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ (Giao Chỉ ở lưu vực sông Dương Tử). Ông Lê Chí Thiệp nói rằng xem bản đồ tq thế kỷ 20 TCN còn chia ra nhiều bộ lạc trình độ khác nhau, không hiểu địa dư bao nhiêu thì không thể tin được sứ giả Việt Thường vượt đường bộ từ bắc Việt, hoặc theo hải đạo đến được thành Bình Dương là kinh đô của vua Nghiêu tận tỉnh Sơn Tây, phía bắc sông Hồng Hà, và dưới đời Chu lại đến thành Tây An ở phía nam sông Vị, tỉnh Thiểm Tây bây giờ. Theo lẽ đương nhiên chỉ có gần gũi nhau, chịu ảnh hưởng của nhau mới có sự giao dịch với nhau. Tóm lại Việt Thường là đất tất không xa Hán tộc, có lẽ phía nam Dương Tư, vùng hồ Phiên Dương và sông Dương Tử. Lý luận này theo ý chúng tôi có ý nghĩa hơn cả.
Ngoài ra ta còn thấy Kinh Thi chép đất Dương có nhiều giống chim lạ, đất Kinh có nhiều rùa lớn thì Việt Thường phải ở vào khu hồ Phiên Dương và hồ Động Đình, như vậy ta càng thấy có sự đối hợp với việc cống chim trĩ và rùa lớn. Thêm vào đó, Tư Mã Thiên nói vùng hồ Phiên Dương có đất Việt Chương, vua Sở Hùng Cừ (887 TCN) phong cho con út là Chấp Tỳ làm vua ở đấy, Việt Thường và Việt Chương có lẽ là hai tên dùng lẫn cho nhau để phiên âm cho một tên bản thổ như Cao Miên, Cao Man, Lào, Lèo. Ông Lê Chí Thiệp định vị trí Việt Thường ở ngay chỗ thành Nam Xương bấy giờ, căn cứ vào việc năm 508 TCN vua nước Ngô (vùng Chiết-Giang-Tô) có thắng đạo binh Sở ở đất Dự Chương mà sử nói là thành Nam Xương. Người Tàu đọc chữ Dự Chương như Việt Chương. Trước khi đề kết Giao Chỉ ở trên, Việt Thường ở dưới thì Việt Thường hẳn không giáp Chiêm Thành hay miền Nam bán đảo Đông Dương được.
Nước Việt Thường ra đời có lẽ đã lâu lắm, từ đầu đời nhà Chu ở trên địa bàn cũ của nước Tam Miêu, giữa hồ Động Đình và hồ Phiên Dương, bắt đầu suy từ khi có nước Sở thành lập ở miền Hồ Nam, Hồ Bắc sau những cuộc lấn đất về miền Tây của Việt Thường, qua đến đời Hùng Cừ đất Việt Chương ở miền hồ Phiên Dương mất nốt. Người Việt Thường cũng sinh hoạt bằng nghề đánh cá như người Giao Chỉ, có lẽ cũng có tục xăm minh nhưng họ thông thạo nghề nông hơn.
Theo thiên Vũ Cống thì miền Châu Kinh và Châu dương có những sản vật như vàng, bạc, gỗ quý để làm nhà, các thứ trúc để làm nỏ, lông chim, da bò, ngà voi, da tê ngưu, vải gai v.v. Dân Việt Thường còn biết chế đồ đồng đỏ. Trình độ kỹ thuật đã tới tới trình độ đá mới. Họ sống theo chế độ thị tộc và cũng có tín ngưỡng totem như người Giao Chỉ.
Mối quan hệ giữa người Giao Chỉ và Việt Thường thế nào đến nay vẫn chưa được rõ rệt, chỉ biết rằng khi Việt Thường xuất hiện thì tên Giao Chỉ không còn nữa. Và địa bàn ức đoán của người Việt Thường choán địa bàn ức đoán của người Giao Chỉ một phần về phía đông nam.
Ngoài ra Việt Thường với Giao Chỉ đều là người man-di thuộc về Việt tộc, là giống người đã sinh tụ ở khắp lưu vực sông Dương Tử, từ miền Vạn Huyện (đời Chu, nước Quý Việt) tỉnh Tứ Xuyên ra tới biển, nghĩa là vùng châu Kinh, châu Dương trong Vũ Cống.
Cứ những điều chúng ta biết về đặc tính văn hóa thì Việt tộc vào thời đó có lẽ chưa chịu ảnh hưởng của chủng tộc Mongolia như Hán, tuy chưa thể nói quyết rằng họ thuộc chủng tộc Indonesian nhưng chúng ta thấy tục xăm mình là tục đặc biệt của các dân tộc thuộc giống Indonesian ở miền Nam và tây nam Á Châu: Miêu Tử, Lô Lô, Man, Lái, Lê, Dao, Xá, Đảng, Đông cho đến người Dayak ở đạo Borneo. Những giống người này đều là di duệ của người man-di.
Theo các nhà nhân chủng học họ chia ra hai giống Tạng-Miến (Tibéto-birman và Indonesian). Nhưng họ không khác biệt nhau mấy cả về đặc tính kỹ thuật. Theo nhà bác học Leroy, Gourban và nhân loại học người Indonesian và giống Tạng-Miến gần nhau quá, nếu có khác nhau thì sự khác biệt đó cũng hết sức mong manh, có lẽ vì pha trộn, tức là lai giống. Hai đám dân tộc này đã sống gần gũi nhau chăng nên có sự trạng này, hay là đã cùng thoát thai ở một gốc? Và chúng tôi nghĩa rằng cái gốc người ta đề cập đó có lẽ là Việt tộc. Các nhà tiền sử học và ngôn ngữ học phát biểu rằng suốt từ miền A-Xam ở bắc Ấn Độ trải qua nam bộ Trung Hoa xuống tới Nam Dương quần đảo có một thứ văn hóa hiện nay còn di tích trong các dân tộc Indonesia. Chúng ta có thể ngờ rằng người Việt tộc xưa có lẽ là một nhánh của chủng tộc Indonesian mà trong thời thái cổ ta thấy đã có mặt ở hầu khắp miền Đông Nam Á chăng.