Đế quốc Byzantine, còn gọi là Byzantium, là tên gọi phần phía đông của Đế chế La Mã còn tồn tại ngót 1000 năm sau khi nửa phía tây sụp đổ.
Đế quốc Byzantine đóng đô tại Constantinople (Istanbul ngày nay). Vào thời kỳ đỉnh cao nó kiểm soát một lãnh thổ trải rộng từ Tây Ban Nha đến Syria.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, người Byzantine ít khi kiểm soát Rome, và họ nói chủ yếu là tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, họ vẫn xưng mình là “người La Mã”, Tymothy Gregory, giáo sư Sử học tại Đại học bang Ohio, viết trong cuốn sách nhan đề “A History of Byzantium” (NXB Wiley-Blckwell, 2010). Byzantine vẫn được xem là đế quốc La Mã dù không kiểm soát thành Rome.
Không như nửa phía tây, đế quốc Byzantine phát triển rực rỡ dưới thời trị vì của hoàng đế Justinian (527-565). Lãnh thổ trong thời kỳ này mở rộng sang phần tây Âu. Vương cung thánh đường Hagia Sophia còn tồn tại tới ngày nay được xây dựng trong thời gian này, tuy nay đã trở thành đền thờ Hồi giáo.
Sau khi vua Justinian băng, đế quốc Byzantine suy yếu và mất dần lãnh thổ. Năm 1204, kênh qua các cuộc Thập tự chinh, người Byzantine bị phản bội khi quân thập tự từ phía tây tàn phá thành phố để cướp bóc của cải.
Đế quốc Byzantine sụp đổ vào năm 1453 dưới tay đế quốc Ottoman sau một trận vây thành kéo dài.
Nguồn gốc đế quốc Byzantine
Đầu thế kỷ thứ 4, Đế chế La Mã cai quản một lãnh thổ mênh mông từ bắc Anh đến tận Syria. Vì quá rộng lớn nên rất khó kiểm soát, nhiều vấn đề phát sinh. Nên vào năm 293, hoàng đế Diocletian áp dụng một cơ chế mới gọi là tứ đầu chế. Đế chế được phân làm bốn vùng – hai trong số đó thuộc quyền cai quản của các hoàng đế (augustus), và hai phần còn lại giao vào tay hai người kế vị của họ (ceasar). Constantius (250-306) được chỉ định là một trong hai người kế vị, và sau đó lên ngôi hoàng đế của nửa phía tây. Khi ông băng năm 306, quân đội phò con trai ông là Constantine lên ngôi.
Constantine chiếm quyền kiểm soát phía tây đế quốc La Mã sau khi đánh bại Maxentius, một người cạnh tranh ngôi vương với ông, trong trận đánh quyết định tại Cầu Milvian, năm 312. Truyền thuyết kể rằng vào đêm trước trận chiến Constantine đã nhìn thấy một dấu lạ có tác động sâu sắc đến niềm tin tôn giáo của ông sau này. Đó là hình ảnh một cây thánh giá, kèm dòng chữ “theo dấu này ngươi sẽ chiến thắng”.
Năm 324, Constantine lên ngôi hoàng đế của toàn đế quốc La Mã sau khi đánh bại Licinius, hoàng đế phía đông, tại Trận Chrysopolis, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Sau khi nhất thống giang sơn, Constantine đã thực thi một số thay đổi quan trọng đặt nền móng cho đế quốc Byzantine sau này.
“Thay đổi quan trọng nhất là ông đưa Kitô giáo lên hàng quốc giáo, và thiết lập thành phố Constantinope là trung tâm mới của đế quốc trên bờ vịnh Bosphorus, trung điểm của mọi đường biên giới đế quốc La Mã.” Gregory cho hay.
Thành phố Constantiople được xây dựng trên vùng đất Byzantium, một đô thị có lịch sử lâu đời trước đó. Sozomen, một nhà văn sống vào thế kỷ thứ 5, khẳng định rằng Constantine chọn vùng đất này là theo ý Chúa – vì chính Chúa đã hiện ra và chỉ dẫn cho ông xây một thành phố ở đây.
Gregory viết rằng Constantine được rửa tội không lâu trước khi mất năm 337. Cái chết của ông dẫn tới cuộc tranh giành ngôi vị của những người kế thừa. Theodosius I là hoàng đế duy nhất cuối cùng của đế quốc La Mã. Sau khi ông vua này băng năm 395, đế chế bị phân làm hai nửa – đông và tây.
Nửa phía tây sụp đổ vào thế kỷ thứ 5 sau khi bị các sắc dân “mọi rợ” xâm lược và nội bộ chém giết lẫn nhau. Năm 476, hoàng đế cuối cùng của nửa bên này thoái vị.
Trong khi đó thì đế quốc phía đông vẫn tồn tại và phát triển, trở thành cái mà chúng ta gọi là “Đế quốc Byzantine”. Nhưng bản thân họ thì vẫn coi mình là “người La Mã”
Vua Justinian I
Justinian I lên ngôi năm 527. Ông vừa là cháu vừa là con nuôi của vua Justin I, vốn là cận vệ trước cuộc đổi ngôi năm 518. Tuy nhiều sử gia nói rằng đời Justinian là thời hoàng kim của Byzantium, nhưng khởi đầu của ông không mấy hứa hẹn.
Khi mới lên ngôi, Justinian tăng cường ủng hộ Kitô giáo, đưa lên hàng quốc giáo của toàn đế quốc. Song song với đó các loại hình tín ngưỡng dân gian truyền thống bị cấm tiệt. Ông cho thiết lập một trường triết học tại Athens năm 529 cho sinh viên nghiên cứu các triết gia cổ đại Hy Lạp, như Plato.
Năm 532, sau 5 năm tại vị, Constantinople bị quân phiến loạn Nika tấn công. Nhà văn đương thời Procopius (sống khoảng thế kỷ thứ 6) viết rằng Constantinople, cùng các thành phố giàu có khác, bị chia làm hai phe – phe Xanh Dương và phe Xanh Lục – kình chống nhau tại các cuộc đua ngựa và mọi sự kiện khác. Các hội đua ngựa bấy giờ là trò giải trí thịnh hành, được nhà nước đỡ đầu hẳn hoi. Bản thân vua Justinian theo phe Xanh Dương.
Trước khi xảy ra bạo loạn, chính quyền Byzantine đã bắt bớ nhiều người ở cả hai phe mang đi xử tử, khiến cho những người ủng hộ cả hai bên, vốn đã bất mãn vì sưu cao thuế nặng, bị kích động. Khi yêu sách thả người bị từ chối, họ bắt tay nhau nhằm lật đổ hoàng đế.
Procopius viết: “thành viên hai phe thỏa thuận đình chiến, bắt bớ tù nhân, rồi cùng nhau kéo thẳng đến nhà ngục phóng thích cho tất cả những thành viên đang bị cầm tù… Họ phóng hỏa đốt thành phố như thể kẻ thù…”
Bạo loạn kéo dài nhiều ngày, buộc vua Justinian phải điều động quân đội dẹp loạn. (Theo Procopius thì 30,000 người bị giết). Quân phiến loạn gây tàn phá nghiêm trọng, nhưng Justinian lợi dụng ngay việc đó để quy hoạch lại cả thành phố. Tại vị trí đổ nát của giáo đường Hagia Sophia, ông lệnh xây một cái mới nguy nga hơn, tráng lệ hơn.
Helen Gardner, sử gia về nghệ thuật, và Fred Kleiner, giáo sử lịch sử nghệ thuật tại Đại học Boston, viết trong cuốn sách “Gardner’s Art Through the Ages: A Global History” (Cengage Learning, 2015) rằng: “Kích thước của giáo đường Hagia Sophia thật khó tin đối với một công trình không sử dụng cốt thép.” Giáo đường mới “dài 82m, rộng 73m. Mái vòm có đường kính 33m, và vương miện đội bên trên cao tới 55m so với mặt đường.”
Sau khi xây xong vào khoảng năm 537, Justinian thốt lên rằng: “Ôi Solomon, tôi đã vượt qua ngài.” Nhưng câu này là do các sử gia hàng thế kỷ sau đó thuật lại, nên không chắc có thật. Gần đây các nhà khảo cồ đã khai quật được hầm rửa tội của giáo đường, nơi đã làm phép thanh tẩy cho nhiều vị hoàng đế Byzantine.
Ngoài tòa giáo đường đồ sộ này, Justinian còn chứng kiến đế quốc mở rộng lãnh thổ, chiếm đất ở Bắc Phi, Italy, và nhiều phần khác ở Tây Âu.
Thành tựu tri thức thời Justinian cũng rất nổi bật, dù rằng ông không phải là một quân vương quan tâm lắm về khoản này. Gregory cho hay “Văn học nghệ thuật nở rộng dưới triều đại của ông, quan chức thi hành xuyên suốt hệ thống luật La Mã, bộ luật nền tảng cho hệ thống pháp lý của phần lớn châu Âu cho tới ngày nay.”
“Triều đại kéo dài của hoàng đế Justinian (527-565) chứng kiến sự ra đời của nhiều nhà thơ, luật gia, kiến trúc sư, và sử gia lỗi lạc. Nhưng sự đài thọ trực tiếp của Justinian trong lĩnh vực văn chương là rất giới hạn,” Pontani, giáo sư đại học Ca’ Foscari tại Venice cho hay.
Năm 541-542 xảy ra một trận đại dịch kinh hoàng càn quét thành phố. Bản thân nhà vua cũng nhiễm bệnh, may sao sau đó thì khỏi. Nhưng “nhiều con dân của ông thì không. Một số học giả cho rằng khoảng 1/3 dân số Constantinople thiệt mạng,” Greogry viết, nói thêm rằng dịch bệnh này cứ 15 năm lại xảy ra một lần kể từ thời điểm đó cho tới tận thế kỷ thứ 7.
Thiếu thốn lương thực, đi kèm thời tiết lạnh giá đã khiến tình hình thêm trầm trọng. Nghiên cứu cho thấy một mảnh sao chổi Halley đã va vào Trái Đất năm 536, thổi một lượng bụi khổng lồ vào khí quyển khiến nhiệt độ tụt xuống đáng kể. Cũng có người cho rằng núi lửa phun trào tại El Salvador đã góp phần vào thời tiết lạnh giá bất thường khi ấy.
Thời kỳ đen tối của đế quốc Byzantine
Vua Justinian I băng năm 565. Byzantine rơi vào thời kỳ đen tối kéo dài hàng thế kỷ với một chuỗi các tai họa giáng xuống đế quốc này.
Ở phía tây, đế quốc mất hầu hết đất đai vua Justinian chiếm được, trong đó có Ai Cập bị các nước Ả Rập chiếm, đặc biệt là hai nhà Rashidun và Umayyad. Sự kiện này làm vị thế Byzantine suy yếu nghiêm trọng. Tình thế biến chuyển này, cộng với sự quấy nhiễu không ngừng của các nước Ả Rập trên các vùng đất còn lại của Byzantine, và sự xâm lấn của người Slav và các sắc dân khác đến từ Trung Âu, đã đẩy nhanh sự chuyển dịch vai trò của các thành phố phía đông Địa Trung Hải vốn đã và đang diễn ra bấy lâu.
Cuối thế kỷ thứ bảy, nhiều thành phố đã để mất đi tầm quan trọng về văn hóa xã hội, chỉ còn là những pháo đài và thị trường tiêu thụ. Ngay cả thành Constantinople cũng sống lay lắt. Bằng chứng khảo cổ còn chỉ ra ngay cả dịch vụ thu gom rác cũng bị đình chỉ tại một số thành phố Byzantine.
Thời buổi khó khăn này có lẽ góp phần vào phong trào đập phá thánh tượng xảy ra hồi thế kỷ thứ 8 và thứ 9. Trong thời gian đó hầu hết các tác phẩm nghệ thuật của Byzantine bị phá hủy.
Byzantine trở lại
Byzantine không bao giờ lấy lại được thời hoàng kim như dưới thời vua Justinian. Tuy nhiên, quân đôi đã giúp ổn định xã hội vào thế kỷ thứ 9, đến thế kỷ 11, Byzantium lấy lại được phần lớn lãnh thổ đã mất.
Khi hoàng đế Basil II mất năm 1025, sau 50 năm cai trị, Byzantium là một thế lực thống trị tại vùng Balkan và Trung Đông, với biên giới chạy dọc sông Danube, trên các bình nguyên Armenia, và bên kia sông Euphrate. Byzantine cũng góp phần mang Ki-tô giáo đến Nga.
Tuy nhiên, sự trở lại này khá mong manh. Năm mươi năm sau, Byzantine phải vật lộn để sinh tồn. Tất cả các ngả biên giới đều bị xâm phạm. Các bộ tộc du mục tấn công từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và các tỉnh dọc sông Danube, còn người Norman chiếm các vũng lãnh thổ Ý thuộc Byzantine.
Cuộc đại ly giáo năm 1054
Ngày 16/06/1064, sứ thần tòa thánh (người đại diện giáo hoàng) là Humber xứ Silva Candida dứt phép thông công đối với Michael I Cerularius, Trưởng lão Constantinople. Thời điểm đó, Giáo hoàng Leo IX vừa băng hà, và giáo hoàng mới chưa được bầu. Trưởng lão từ chối thoái vị và ra vạ tuyệt thông đáp trả dành cho Humbert. Sự kiện này dẫn đến cuộc ly giáo lớn giữa Giáo hội Constantine và Giáo hội La Mã.
Nguyên nhân ban đầu là do trước đó Trưởng lão Michael I Cerularius tuyên bố mọi giáo hội địa phương tại Constantinople phải theo truyền thống Hy Lạp, ngay cả những giáo hội có các thành viên đến từ tây Âu. Giáo hoàng Leo IX rất phật ý về tuyên bố này. Ngài cử một đoàn sứ thần do Humbert cầm đầu mang tông thư phản đối đến Constantinople. Cerularius từ chối gặp mặt. Sau khi Giáo hoàng Leo IX mất, Humbert ra vạ tuyệt thông đối với vị trưởng lão.
Qua nhiều thế kỷ đã hình thành một số khác biệt giữa các giáo hội phương tây và giáo hội Hy Lạp. Chẳng hạn giáo hội La Mã sử dụng bánh không men, còn giáo hội Hy Lạp sử dụng bánh có men. Cũng có khác biệt về cách đọc Kinh Tin Kính, về luật độc thân tu sĩ. Giáo hội Hy Lạp cho phép tu sĩ cưới vợ.
Cuộc Thập tự chinh thứ tư
Năm 1204, một đạo quân thập tự đến từ phía tây đã tàn phá thành phố Constantinople, dựng lên một loạt các ông vua chóng vánh.
Việc một đạo quân thập tự tiến đánh một thành phố theo Ki-tô giáo như vậy là rất lạ lùng thời Trung Cổ. Nhưng có một số lý do dẫn đến chuyện này. Cuộc Đại Ly Giáo năm 1054 và các thế thập niên chia rẽ sau đó giữa Giáo hội chính thống và Giáo hội La Mã là lý do chính. Một yếu tố quan trọng khác là nhiều người phương tây bị tàn sát tại Constantinople năm 1182.
Vậy nên vào năm 1203, có nhiều quân thập tự túng tiền đang tìm cách kiếm tài trợ cho cuộc viễn chính Ai Cập đã nhiệt tình đáp lời kêu gọi của Alexius Angelos, một người đang muốn chiếm ngôi vua Byzantine, hành quân tới Constantinople.
Angelos hứa với quân thập tự rằng nếu ông ta giành được ngai vàng sẽ trả thù lao 200,000 mark, và cung cấp mọi quân nhu cần thiết cho hơn 10,000 lính. Giáo hội chính thống Hy Lạp cũng sẽ được trao lại cho giáo hoàng.
Quân đội Byzantine lúc này khá rệu rã. Cái chết của hoàng đế Manuel Comnenus (1143-80) kéo theo một chuỗi các cuộc tranh đoạt quyền lực, đảo chính. Trong khoảng 1180 đến 1204 có tới hơn 50 cuộc biến loạn trên khắp đế quốc.
Quân thập tự chiếm được thành Constantinople năm 1204. Họ tàn phá thành phố và dựng lên một dòng dõi các ông vua “La Tinh” đến từ phương tây. Các ông vua này bị hạ bệ khi một tướng Hy Lạp là Michael Palaeologus chiếm lại Constantinople năm 1261, rồi tự mình lên làm vua.
Hồi kết của đế quốc Byzantine
Tuy trở lại tay của một vua Hy Lạp, nhưng đế quốc Byzantine đã như ngọn đèn hết dầu. Các hoàng đế tiếp theo của họ không giữ được quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo tôn giáo.
Năm 1453, đế quốc Ottoman mới nổi, vốn đã tỉa dần lãnh thổ của Byzantine từ thế kỷ 14, tiến hành vây hãm và chiếm thành Constantinople, đặt dấu chấm hết cho đế quốc gần 1000 năm tuổi này.