Sử Việt Nam

Cuộc Khởi Nghĩa của Bà Triệu chống Bắc Thuộc

Người Việt luôn duy trì tinh thần bất phục tùng trước phương Bắc đô hộ, và có lúc bùng lên kháng chiến mạnh mẽ như bà Triệu

tao hinh ba trieu

Bà Triệu Chống Nhau Với Đông Ngô  

Thời cuộc của các vương triều Trung Quốc bấy giờ luôn luôn có ảnh hưởng đến Giao Châu. Trên đây đã nói nhà Đông Hán đổ thì Trung Quốc chia ra làm ba nước Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô, Giao Châu thuộc vào khu vực của nhà Đông Ngô. Tuy rằng Sĩ Nhiếp lúc sinh thời rất khôn ngoan, chịu lệ thuộc vào Ngô chủ nhưng tình thế Giao Châu dưới con mắt người Đông Ngô chỉ có thể coi là chuyện tạm thời, bởi khi đó chính quyền của Đông Ngô chưa được củng cố đầy đủ. Khi thế của Đông Ngô hầu vững thì triều đình Đông Ngô không chịu để kéo dài chế độ tự trị của Giao Châu nữa. Đông Ngô cũng muốn đặt một chế độ trực trị tại đây vì xét có lợi hơn hoặc dễ nắm chặt dân bị trị hơn. Lúc này, Sĩ Nhiếp đã qua đời (năm Bính Ngọ, 226 sau Công Lịch), con là Sĩ Huy tự động lên thay quyền Thái Thú. Đông Ngô liền xếp đặt lại mọi việc. Về đất đai, Đông Ngô chia đất giao Châu từ Hợp Phố về Bắc đặt tên là Quảng Châu, cử Lữ Đại làm Thái Sử. Từ Hợp Phố vào Nam là Giao Châu, đặt Đái Lương làm Thái Sử. Còn quận Giao Chỉ về miền Bắc Việt bấy giờ phái Trần Thì làm Thái Thú thay con cháu Sĩ Nhiếp. Như vậy quan niệm và chính trị Đông Ngô không khác gì Đông Hán trước đó.

Thật là một cuộc thay đổi lớn lao và đột ngột. Sĩ Huy chống lại sự thay đổi đó, nhưng thấy binh lực của Lữ Đại mạnh nhiều, sau năm anh em Sĩ Huy phải thuận theo lời chiêu dụ. Lữ Đại liền bắt chém hết anh em Sĩ Huy và đưa đầu về Đông Ngô. Quảng Châu và Giao Châu sáp nhập, Trong lúc này quận Cửu Chân cũng rối ren. Lữ Đại lại một phen nữa đem quân đánh dẹp giết hại hàng vạn người rồi phái các chức Tòng Sử Sự tới tuyên truyền đức hóa của vua Ngô. Các nước Lâm Ấp, Phù Nam, đều cho sứ sang cống, Ngô chủ phong thêm cho y chức Trấn Nam Tướng Quân.

Dưới chế độ của Hán triều, dân Giao Chỉ đã đau khổ lầm than. Cuộc thay đổi mới này với Đông Ngô cũng không cải thiện được đời sống của Giao Chỉ phần nào. Tóm lại chế độ trực trị của Trung Quốc bao giờ cũng tàn ác, do sự tham bạo vô lái của các quan lại Tàu, vì vậy lửa loạn lại âm ỉ trong tâm hồn người Giao Chỉ.

Năm Mậu Thìn (248), tức là năm thứ 11 nhà Đông Ngô, khi Lục Dận sang làm Thái Sử Giao Châu, non sông Việt Nam lại sản xuất một vị nữ kiệt, rồi một phen nữa, ngọn cờ nương tử được phất lên tại quận Cửu Chân theo gương hai chị em bà Trưng trước đó hai thế kỷ. Lần này, người khởi cuộc cách mạng năm Mậu Thìn cũng là một phụ nữ sinh trưởng tại huyện Nông Cống (thuộc tỉnh Thanh Hóa) mới trên 20 xuân xanh tên Triệu Thị Trinh, cũng thuộc giòng quý tộc, và chưa có chồng (có sách chép là Triệu Nguyên). Người Tàu căm hận đặt tên là Triệu Ẩu. Chữ Ẩu có nghĩa là “mụ”.

Bà Triệu (người Việt tôn là Bà để tỏ lòng sùng kính hơn), trong cuộc cách mạng Mậu Thìn đã biểu dương sự phẫn uất của quý tộc và dân chúng Giao Châu, mặc dầu lực lượng của mình đối với quân xâm lăng rõ rệt quá sút kém. Bà mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ nên phải ở với anh là Triệu Quốc Đạt. Bà gặp người chị dâu cay nghiệt và tầm thường nên không chịu được tính tình hiên ngang khác người của bà. Quả vậy, cô gái thơ ấy có một thể chất cương cường, một tinh thần bất khuất ngay cả nam nhi cũng ít sánh kịp. Có lẽ vì các dị tính đó mà bà Triệu đã giết chị dâu để khỏi có sự cản trở trên con đường tranh đấu của mình cho dân, cho nước. Không những bà có chí khí anh hùng, bà lại có sức mạnh và mưu lược nên hàng ngàn chiến sĩ đã xin theo chiến đấu dưới cờ và cùng vào rừng núi để rèn binh luyện võ.

Buổi đầu, ông Triệu Quốc Đạt không tán thành công cuộc của bà và lấy những lời lẽ thông thường để khuyên can, nhưng sau ông chịu theo ý kiến của em gái, xét cuộc đấu tranh dù thành hay bại cũng là điều hữu ích. Bà Triệu trong cuộc luận với anh, đã để lại sau này trong lịch sử những lời khảng khái bất hủ:

“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người ta”.

Triệu Quốc Đại cùng em khởi binh đánh quận Cửu Chân. Trong chiến trận, bà tỏ ra can đảm phi thường nên được tôn làm chủ tướng. Bà mặc áo giáp vàng, cỡi voi xông ra trước quân địch như đi vào chỗ không người. Tiếng “Nhụy Kiều Tướng Quân” một thời đã vang lừng cõi Giao Châu và từng làm khiếp đảm quân Ngô trong sáu tháng. Sau cuộc chiến đấu vì quân ít, thế cô nên bất lợi dần, Bà lui binh đến xã Bồ Điền (ngày nay đổi tên là Phủ Diễn thuộc huyện Mỹ Hòa, Thanh Hóa) rồi tự tử. Để kỷ công người nữ chiến sĩ đã hy sinh vì nền Tự Do của dân tộc, vua Nam Đế nhà Tiền Lý cho dựng miếu thờ và phong là “Bật Chính Anh Liệt Hùng Tài Trinh Nhất Phu Nhân”

Cuộc cách mạng Mậu Thìn (248) bị dập tắt thì 16 năm sau (năm Giáp Thân 264) đất đai Giao Châu lại chịu thêm một cuộc phân chia khác. Nhà Ngô hợp đất Nam Hải và Uất Lâm lại thành Quảng Châu, đặt châu trị ở Phiên Ngung. Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam thành Giao Châu, châu trị đóng ở Long Biên. Xét như vậy đất Nam Việt của Bà Triệu xưa kia do cuộc phân chia này thành Giao Châu và Quảng Châu bấy giờ. Việc này có tính cách tập trung để tiện việc cai trị.

Trung Quốc từ khi có cuộc tam phân Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô, lại mở màn cho nhiều cuộc biến loạn liên miên. Sau nhà Tấn phá được nhà Ngụy rồi đem binh chiếm Giao Châu. Nhà Ngô phái tướng Đào Hoàng sang dành lại. Sau đó, Đào Hoàng được phong thành Giao Châu mục cho đến năm 280, Ngô mất thì Đào Hoàng đem Giao Châu nộp cho nhà Tấn. Họ Đào được giữ nguyên địa vị.

Cu ộc tập trung đất đai trên đây của nhà Đông Ngô để dễ điều khiển guồng máy cai trị không đạt được mục đích. Bọn quan lại Trung Quốc trước tình trạng đại loạn, loạn từ chính quốc sang tới thuộc quốc, tất nhiên thấy địa vị của mình luôn luôn bất trắc, nên chỉ lo vơ vét cho đầy túi tham, huống hồ từ bao nhiêu lâu họ bị nhiễm cái bệnh phong kiến hay sinh trưởng ở cái huyết thống phong kiến sẵn chất tham tàn. Còn dân Giao Châu từ hai cuộc cách mạng Trưng Triệu bắt đầu đứng trước cái đà đã mở, hoàn cảnh chính trị khắc khe lại luôn luôn thúc bách nên họ không sao ngừng đấu tranh. Đến đời nhà Tấn lại không có sự thay đổi tốt đẹp nào, lại tệ hơn là khác. Tấn dựng được cơ nghiệp xong trên đất Trung Hoa liền phong cho bà con thân thuộc trấn giữ các nơi để làm vây cánh. Bọn này tranh nhau quyền lợi đem quân đánh phá lẫn nhau, chính họ đã thác sinh ra một phần lớn sự biến loạn ngoài những hành động nhũng lạm. Từ Ngô qua Tấn, dân Giao Châu thường nổi lên giết bọn Thái Thú. Trong nước mấy khi có sự yên ổn hẳn.

Bà Triệu

Cao một trượng, cả một vừng,
Bỏ tóc ngang lưng, vú chấm sừng,
Họp chúng rừng xanh oai náo nức,
Cỡi đầu voi trắng, tiếng vang lừng,
Mác dài trỏ vẫy tan đàn giặc,
Ngôi cả lăm le học họ Trưng, V
í có anh hùng duyên định mấy,
Thời chi Đông Hán dám lung lăng.

Vô danh (Thơ đời Hồng Đức)

Lâm Ấp Quấy Phá Giao Châu

Trên đây chúng ta thấy dưới đời nhà Tấn dân Giao Châu có phần cơ cực hơn bao giờ hết. Họ bị lôi cuốn vào cuộc đánh phá lẫn nhau của thân vương khi đó giữ quyền ở các phiên trấn, ngoài cái nạn bóc lột đã từ lâu thành một sự trạng thường xuyên. Sự đói khổ trong nhân gian cũng là một mầm biến loạn nữa. Thêm vào đó là sự quấy nhiễu của nước Lâm Ấp. Vị trí của nước này bắt đầu từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị vào đến lục tỉnh Nam Việt ngày nay. Người ta phỏng đoán cội rễ người Lâm Ấp thuộc giống Mã Lai, theo văn minh Ấn Độ và giống Mã Lai tức giống Anh Đô Nê Dieng (Indonesien) xưa kia bị giống Aryens đánh bật ra khỏi Ấn Độ rồi lan tràn sang bán đảo Hoa Ấn. Họ đồng hóa với giống Cao Miên và giống Chiêm Thành trong khi một chi phái của họ hợp với giống Mông Cổ làm thành dân tộc Việt Nam hấp thụ văn minh Trung Quốc.

Văn hóa của Lâm Ấp là văn hóa của Ấn Độ. Người Lâm Ấp đã hùng cường kể từ đệ nhị thế kỷ. Họ thường đem quân quấy nhiễu địa phận Nhật Nam là một địa phận giáp giới. Khi dân Giao Chỉ ta còn thuộc nhà Đông Hán, tại địa điểm này có quan cai trị Tàu trọng nhậm để phòng sự đánh phá của Lâm Ấp. Qua các triều đại sau như đời Tam Quốc, đời Đông Tấn sự rối loạn ở Nhật Nam luôn luôn tiếp diễn.

Năm Quý Sửu (353) dưới đời vua Mục Đế nhà Đông Tấn thái tử Giao Châu là Nguyên Phu đánh vua Lâm Ấp, phá được 50 đồn lũy thì năm 399 Lâm Ấp cướp được hai quận Nhật Nam và Cửu Chân rồi định tràn tới Giao Châu. Thái thú Giao Châu là Đỗ Viện ngăn được và lấy lại cả hai châu đã mất, sau được phong là Giao Châu Thái Sử. Từ năm Quý Sửu (413) đến năm Canh Thân (420) cứ luôn luôn có cuộc xung đột giữa Lâm Ấp và Giao Châu, nhưng từ năm Canh Thân, Giao Châu đại thắng chém giết người Lâm Ấp vô cùng tàn hại, sự quấy rối của Lâm Ấp mới tạm yên ít lâu và hàng năm Lâm Ấp phải cống hiến voi, vàng bạc, đồ mồi v.v…

Dưới thời Nam Bắc Triều (420-588), khi Tấn đổ, nhà Tống hưng khởi ở phương Nam và Ngụy thâu được Lương, Yên, Hạ lập nên Nam Bắc Triều. Trung Quốc lại trở về với cái cảnh tam phân ngũ liệt gần như dưới đời Đông Chu: một lực lượng cát cứ miền Hoa Bắc, một lực lượng cát cứ miền Hoa Nam. Các ngai vàng luôn luôn thay đổi. Do vị trí của nó, Giao Châu thuộc về Nam Triều. Lâm Ấp muốn nhân cơ hội biến loạn ở Trung Quốc cho sứ sang điều đình với Tống Triều cho “bao thầu” đất Giao Châu, nhưng đề nghị của họ không được chấp thuận.

Trái lại năm 468 tháng ba, mùa hạ, triều Tống cử Đàn Hòa Chi sang làm Thái Sử Giao Châu và cầm tướng lệnh đi đánh Lâm Ấp. Vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại hoảng sợ xin trả lại các người dân Nhật Nam bị Lâm Ấp bắt trước đây và xin nạp một vạn lạng vàng và mười vạn lạng bạc để tạ tội.

Đàn Hòa Chi dâng biểu về Tàu xin ý kiến; trong khi này nội bộ Lâm Ấp kẻ chủ hòa, kẻ chủ chiến nên sứ giả đến nói chuyện của người Tống bị giữ lại. Tức thì quân Tống hãm ngay thành Khu Lật. Tướng Lâm Ấp giữ thành này là Phù Long bị giết. Phạm Dương Mại ở tình thế chẳng đặng đừng, phải đứng ra chống Tống cứu thành cũng bị bại rồi mang vợ con đi trốn. Quân Tống vào thành tha hồ vơ vét vàng bạc.

Sử không ghi rằng sau cuộc thắng trận này nhà Tống có lập nền đô hộ Lâm Ấp không, có lẽ họ đã cho Lâm Ấp đầu hàng và hàng năm nộp cống.

5/5 - (2 votes)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s