Mao Trạch Đông là một nhà cách mạng, chính trị gia, và cha đẻ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông giữ vai trò trọng tâm trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và lãnh đạo đất nước qua hàng loạt chuyển biến xã hội và chính trị to lớn. Nhưng tất cả bắt đầu từ đâu, và Mao Trạch Đông đã leo lên nấc thang quyền lực như thế nào?
Mao Trạch Đông: Thiếu thời và trưởng thành
Mao Trạch Đông sinh ngày 26 tháng 12 năm 1893 tại Hồ Nam, Trung Quốc. Ông là con trai của một trong những nông dân giàu có nhất ở làng Thiều Sơn. Dù không phải chịu khổ sở vật chất như đa số người dân Trung Quốc thời bấy giờ, Mao và hai người anh trai (Trạch Dân, Trạch Dân) cùng cô em gái nuôi (Trạch Kiến) thường bị đánh đập tàn nhẫn bởi người cha nghiêm khắc, Mao Di Xương. Tuy nhiên, mẹ của họ, Ôn Thất Muội, đã cố gắng dung hòa tính khí của chồng hết mức có thể, phần nào nhờ vào đức tin Phật giáo của bà. Mao cũng theo đạo Phật từ mẹ nhưng nhanh chóng từ bỏ nó khi còn ở tuổi thiếu niên. Năm 13 tuổi, Mao bị ép cưới một cô gái địa phương 17 tuổi tên La Di Tú, về cơ bản đó chỉ là một kiểu thỏa thuận kinh doanh của cha ông. Phong tục hôn nhân sắp đặt này sau đó bị chính Mao lên án, và Di Tú qua đời vào năm 1910 ở tuổi 22, chịu tiếng xấu ở địa phương.
Trong những năm đầu làm việc trên nông trại của cha, Mao say sưa tìm hiểu những tư liệu tri thức. Ông đặc biệt hứng thú với các tác giả như Aldous Huxley, Jean-Jacques Rousseau, Charles Darwin, và Adam Smith. Cũng trong thời gian này, có lẽ báo hiệu năng lực quân sự của mình trong Nội chiến sau này, Mao bị cuốn hút bởi tài năng chiến trận và tinh thần dân tộc mạnh mẽ của George Washington và Napoleon Bonaparte.
Năm 1911, Mao bắt đầu đi học ở Trường Sa, một ổ cách mạng sôi sục thời đó. Không khí ở thành phố này cổ súy cho một tương lai cộng hòa, và do đó, muốn chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế của hoàng đế Phổ Nghi. Nhân vật tiêu biểu cho phe Cộng hòa là Tôn Trung Sơn, người được Mao đề xuất làm tổng thống trong một bài luận ở trường học. Mao chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tờ báo cách mạng của Tôn Trung Sơn, tờ Dân Quốc. Cùng năm Mao nhập học tại Trường Sa cũng chính là lúc Cách mạng Tân Hợi bùng nổ.
Khi viên quan cai trị Trường Sa bỏ chạy, Mao gia nhập quân đội nổi dậy của Tôn Trung Sơn. Tuy nhiên, Tôn Trung Sơn lại nhận danh hiệu “tổng thống lâm thời” và chọn cách tránh nội chiến với phe bảo hoàng. Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, và tướng quân chủ nghĩa Viên Thế Khải trở thành tổng thống trong một thỏa hiệp với phong trào cách mạng dân tộc của Tôn Trung Sơn. Mao không tham chiến trong giai đoạn này, và sau sáu tháng làm lính, ông rời quân ngũ vào năm 1912.
Sau biến cố đó, Mao thử sức ở nhiều lĩnh vực như cảnh sát, luật, và kinh tế trong lúc tự học ở thư viện. Đến nước này, sự theo đuổi tri thức của Mao khiến cha ông bực bội vì không thấy tương lai nào trong đó. Cha của Mao cắt mọi trợ cấp, khiến ông rơi vào cảnh nghèo túng, ở trong ký túc xá. Mao buộc phải đi ăn xin và bán các tập sách tri thức để có cái ăn.
Sau khi đăng ký học tại Trường Sư phạm số 4 Trường Sa, được nhiều người tin là trường tốt nhất Hồ Nam, Mao công bố bài viết đầu tiên của mình trên tờ Tân Thanh Niên, một tờ báo cách mạng. Trong bài viết, ông kêu gọi bạn đọc rèn luyện thể chất để phục vụ cách mạng. Mao cũng tham gia thành lập Hội Nghiên cứu Cải cách Nhân dân vào năm 1918. Nhóm này tập trung bàn luận các tư tưởng của Trần Độc Tú, một trưởng khoa ở Đại học Bắc Kinh, người cũng mong muốn thay đổi mạnh mẽ trong xã hội Trung Quốc. Nhóm quy tụ được 7 8 chục thành viên, đa số đều gia nhập Đảng Cộng Sản như Mao. Tháng 06/1919, Mao tốt nghiệp, đứng hạng ba toàn niên khóa.
Hành trình của Mao trong Đảng Cộng Sản
Năm 1917, Mao rời quê nhà để đến Bắc Kinh theo chân Lý Đại Chiêu, một trong những người sáng lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Lý Đại Chiêu say mê với cuộc Cách mạng của lãnh tụ Lê-nin tại Nga, ảnh hướng khiến Mao nhanh chóng ngã theo con đường Mác-xít vào mùa đông cùng năm. Là một trợ lý thư viện, đồng lương Mao nhận được khá bèo bọt, buộc ông phải chia sẻ căn phòng chật hẹp với bảy sinh viên khác. Tuy nhiên, với Mao, vẻ đẹp của Bắc Kinh đã “đền bù” cho sự bất tiện này. Cũng như Stalin bị xem thường trong giới trí thức vì xuất thân Gruzia, Mao cũng chịu cảnh bị kỳ thị vì chất giọng Hồ Nam quê mùa của mình. Ông dành nhiều thời gian ở Thượng Hải và Bắc Kinh, mãi sau này mới chịu về thăm lại làng quê Thiều Sơn. Mẹ của ông qua đời tại quê nhà năm 1919, không lâu sau đó cha ông cũng mất vào đầu năm 1920.
Mao cho ra đời tờ tạp chí cấp tiến mang tên Tương Giang Bình Luận, sử dụng ngôn ngữ bình dân để bài viết tiếp cận được nhiều độc giả hơn là chỉ nhắm vào tầng lớp trí thức. Ông cổ vũ cho “Đại Liên Minh của Quần Chúng Nhân Dân”, đồng thời bênh vực cho nữ quyền và sự giải phóng phụ nữ trên khắp đất nước Trung Hoa – ý tưởng này chịu ảnh hưởng bởi cuộc hôn nhân cưỡng ép mà ông phải trải qua từ nhỏ.
Vào tháng 6 năm 1920, Mao cùng với Tưởng Giới Thạch (khi ấy còn là thành viên Quốc Dân Đảng) và tướng Đàm Diên Khải lật đổ tỉnh trưởng Hồ Nam, ông Trương. Mao đã giúp tổ chức sinh viên ở Trường Sa, thành công này mang lại cho ông công việc có mức lương cao đầu tiên: hiệu trưởng tại địa phương. Cùng với nguồn thu nhập mới, Mao kết hôn với người vợ thứ hai, Dương Khai Tuệ, vào mùa đông cùng năm.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc được thành lập vào năm 1921, ban đầu chỉ là một mạng lưới rời rạc. Hội nghị đầu tiên của đảng được tổ chức tại Thượng Hải không lâu sau đó với 13 đại biểu tham dự, trong đó có Mao. Ông nhanh chóng trở thành thư ký Đảng tại tỉnh Hồ Nam và nỗ lực xây dựng nền tảng ủng hộ cho Đảng thông qua nhiều chiến thuật khác nhau.
Ông thành lập các phong trào xóa nạn mù chữ, đồng thời biên soạn sách giáo khoa lồng ghép tư tưởng cách mạng. Tuy nhiên, thành tích nổi bật nhất của ông gắn với các cuộc đình công của thợ mỏ Anyuan (An Nguyên). Mao thành lập trường học và hợp tác xã, vợ ông cũng tham gia vào quá trình này, giải quyết các vấn đề về nữ quyền và giúp tăng tỷ lệ người biết chữ trong cộng đồng nông dân. Thành công tại Anyuan đã giúp Mao được bổ nhiệm vào Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản.
Vào tháng 7 năm 1922, Đảng Cộng sản thiết lập liên minh với Quốc Dân Đảng, lúc này vẫn do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Mao nhiệt tình ủng hộ sự hợp tác này và trở thành trưởng ban tuyên truyền của Quốc Dân Đảng. Trong thời gian này, Mao lần đầu trở về quê nhà Thiều Sơn và nhận ra nông dân đã chiếm một số đất từ địa chủ để lập công xã. Hành động của họ đã truyền cảm hứng cho Mao, ông nhận thấy tiềm năng to lớn trong lực lượng nông dân khổng lồ này. Đến năm 1925, Mao buộc phải chạy trốn đến Quảng Châu do hoạt động cách mạng bị nghi ngờ. Tại đây, ông đã huấn luyện nông dân như những người lính và giảng giải cho họ những kiến thức cơ bản về Chủ nghĩa cánh tả.
Lãnh đạo Quốc Dân Đảng, ông Tôn Trung Sơn qua đời vào ngày 12 tháng 3 năm 1925. Người kế nhiệm, Tưởng Giới Thạch, lại đối nghịch với Đảng Cộng Sản. Năm 1926, Quân Cách mạng Quốc gia của Tưởng Giới Thạch bắt đầu chiến dịch “Bắc phạt” chống lại các lãnh chúa Trung Quốc, một phong trào được Mao ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng vào năm 1927, Tưởng Giới Thạch đã quay sang đàn áp lực lượng Cộng Sản đang ngày càng lớn mạnh.
Bài liên quan:
Mao Trạch Đông và Nội Chiến Trung Quốc
Tưởng Giới Thạch tàn sát hàng ngàn người Cộng Sản; 15.000 trong số 25.000 đảng viên thiệt mạng, bao gồm 19 lãnh đạo quan trọng ở Bắc Kinh. Mao quyết định đặt hy vọng vào lực lượng dân quân nông dân của mình và thành lập “Hồng Quân Công Nông Trung Hoa” – cái tên dân gian quen thuộc hơn. Mao được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh Hồng quân và lãnh đạo bốn trung đoàn chống lại Quốc Dân Đảng (KMT) trong “Khởi nghĩa mùa thu.” Trung đoàn thứ tư của ông sau đó đào ngũ sang KMT và tấn công chính quân đội của mình vào ngày 9 tháng 9. Đến ngày 15, Mao buộc phải thừa nhận thất bại và rút khỏi Trường Sa về Giang Tây với chỉ một ngàn người sống sót. Chính tại đó, ông đã xây dựng căn cứ địa mới.
Mao bị những người Cộng sản chính thống chế giễu vì mục tiêu huy động nông dân, nhưng sau thất bại, ông đã thành công trong việc tạo ra một đội quân khác gồm hai nghìn người trong lãnh thổ mới giành được xung quanh vùng núi. Năm 1928, Mao kết hôn với một nhà cách mạng mười tám tuổi tên là Hạ Tử Trân – hai người sẽ có sáu người con trong những năm sau đó. Hai năm sau, người vợ thứ hai của ông, Dương Khai Tuệ, bị một tướng lĩnh KMT chặt đầu.
Trong thời gian này, Nhật Bản liên tục gây căng thẳng cho quân KMT, và điều này đã tạo thời cơ cho Hồng quân mở rộng vùng ảnh hưởng với ba triệu dân. Chính điều này đã dẫn đến sự kiện quan trọng nhất giúp Mao giành quyền lực tối cao: “Vạn lý trường chinh”. Vào tháng 10 năm 1934, lực lượng Cộng sản gồm 100.000 người đã đột phá vòng vây của KMT, và đến tháng 1 năm 1935, Mao được bầu làm Chủ tịch Bộ Chính trị, nắm quyền lãnh đạo cả quân đội và đảng. Stalin đã ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử này.
Cuộc hành quân của Mao hướng về phía bắc tới căn cứ Xô viết Thiểm Tây. Ông hy vọng sẽ đến được một khu vực nơi ông có thể trực tiếp chiến đấu chống lại quân Nhật. Ý tưởng của Mao là tranh thủ sự tin tưởng của người dân Trung Quốc bằng cách chống lại quân xâm lược và khiến Trung Quốc quay lưng với KMT. Trong cuộc hành quân lịch sử đó, lực lượng của Mao đã chống trả quân KMT, kỵ binh Hồi giáo và các bộ lạc Mãn Châu. Cuối cùng, Mao đã đến Xô viết Thiểm Tây cùng 7.000 chiến sĩ còn sống sót. Thành tựu này đã dẫn đến việc ông được bổ nhiệm làm chủ tịch ủy ban quân sự vào tháng 11 năm 1935 và trở thành nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của Đảng Cộng sản.
Trong 15 năm tiếp theo, Mao đã thành lập mặt trận chống Nhật thống nhất giữa quân Cộng Sản và KMT, đẩy lùi quân Nhật. Đến năm 1949, ông chuyển hướng tấn công KMT, cuối cùng đánh đuổi Tưởng Giới Thạch và những người còn sống sót chạy sang Đài Loan. Vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao tự hào tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nói với nhân dân: “Nhân dân Trung Quốc đã đứng lên!”
Kim Lưu dịch từ The Collector