Sử Trung Quốc

Chiến tranh nha phiến ở Trung Hoa thế kỷ 19

Chiến tranh Nha Phiến ở Trung Hoa thế kỷ 19 đẩy Trung Hoa vào cảnh loạn lạc và một loạt hệ quả tồi tệ sau đó

chien tranh nha phien trung quoc the ky 19

Chiến tranh nha phiến (hay Chiến tranh thuốc phiện) đã khiến cho triều đình nhà Thanh hai lần chịu nhục… Hồng Kông trở thành thuộc địa của Anh, Thượng Hải hoàn toàn “Tây hóa”, và nước Nga Sa hoàng “bỗng dưng” có thêm phần lãnh thổ cực lớn ở vùng Viễn Đông.

Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất: Người Anh gây nghiện cho toàn thể Trung Hoa

Giai đoạn giữa thế kỷ 19 đã đi vào lịch sử Trung Quốc như thời kỳ của các cuộc Chiến tranh nha phiến tàn khốc. Đây là một loại xung đột hoàn toàn mới – con người đánh nhau không phải vì lãnh thổ và tài nguyên, mà vì thị trường.

Vào thế kỷ 19, châu Âu đã phụ thuộc rất nhiều vào hàng hóa Trung Quốc. Người Anh thuộc tầng lớp trung lưu không thể tưởng tượng cuộc sống của mình mà không có một tách trà; những người giàu có hơn lại thích chiếc tách này được làm bằng sứ Trung Quốc. Tơ lụa và nhiều đồ vật lạ của phương Đông được mang đến từ châu Á: quạt, cuộn chữ tượng hình, tranh thủy mặc vẽ trên giấy lụa, bình phong và đồ gốm sứ. Trong thế giới phương Tây lúc bấy giờ rất thịnh hành cái gọi là “chủ nghĩa phương Đông”. Cụm từ “made in China” đồng nghĩa với chất lượng cao.

Nhưng các thương nhân người Anh lại lo lắng về sự mất cân bằng thương mại. Để thương mại thành công, xuất khẩu phải chiếm ưu thế hơn nhập khẩu, nhưng họ lại không có gì để xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ năm 1780, Hoàng đế Càn Long của nhà Thanh đã viết cho Vua George III của Anh: “Chúng tôi có mọi thứ mà người ta mong muốn, và chúng tôi không cần hàng hóa của những kẻ mọi rợ”. Chỉ có lông thú và đồng hồ lên dây cót của Nga là được dân Trung Hoa ưa chuộng, nhưng rõ ràng là bạn không thể kiếm được nhiều tiền từ việcchỉ bán hai mặt hàng này. Người châu Âu cần một sản phẩm có thể chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Trung Quốc.

Người Trung Quốc thể kỷ 19 rơi vào một đại dịch nghiện hút
Người Trung Quốc thể kỷ 19 rơi vào một đại dịch nghiện hút

Cao ngạo Thanh triều

Nhưng giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn không chỉ vì nhu cầu thấp. Vào thế kỷ 17, người Mãn Châu lên nắm quyền ở Trung Quốc, lập triều đại nhà Thanh, tuyên bố mình là người thống trị toàn thế giới, và theo họ, tất cả các quốc gia đều phải tỏ lòng kính trọng đối với Thanh triều, phải triều cống định kỳ. Quốc gia nào không cống nạp thì bị nhà Thanh coi là những kẻ man rợ hoang dã, không biết gì về sức mạnh của nhà Đại Thanh. Trung Quốc không có mối quan hệ ngoại giao lâu dài với bất kỳ quốc gia nào và cũng không có ý định thiết lập. Cuối chiếu chỉ gửi những nhà cai trị các thuộcquốc, sau khi khuyến dụ phải biết thượng tôn thiên triều, các hoàng đế nhà Thanh hạ bút: “Khâm thử!” (nghĩa là “Cứ theo đó mà làm!”).

Thanh triều có thái độ hống hách và khắt khe đối với các thương gia châu Âu. Họ bị cấm sống ở Trung Quốc và thậm chí cấm học tiếng Trung Quốc. Chỉ có một cảng được mở cho người châu Âu ở tỉnh Quảng Đông phía nam, và họ không thể định cư ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh, hoặc mở lãnh sự quán hay văn phòng đại diện ở đó. Vì vậy, nhiều thương nhân phải sống ở khu vực cảng hoặc trên tàu của mình.

Nghiện thuốc phiện thời nhà Thanh
Nghiện thuốc phiện thời nhà Thanh

Đại diện chính quyền nhà Thanh luôn nắm thế thượng phong khi trao đổi hàng hóa với những kẻ mà họ coi là man di mọi rợ. Người Trung hoa tự quyết định giá cả và đặt ra các mức thuế quan có lợi nhất cho mình.

Đồng thời, nước Anh cũng bắt đầu gặp vấn đề trong thương mại ở Nam Á. Ấn Độ tràn ngập vải bông giá rẻ từ Mỹ; có quá nhiều vải đến nỗi việc trồng bông ở chính Ấn Độ trở nên không có lãi. Kết quả là Ấn Độ càng trở nên phụ thuộc kinh tế hơn vào Anh vì rất cần ngoại tệ để trả cho Anh tiền xây dựng đường sắt và hàng hóa thành phẩm. Và rồi người Anh quyết định một mũi tên trúng hai con chim: giải quyết vấn đề với Ấn Độ và chinh phục thị trường Trung Quốc.

Thú vui nguy hiểm

Tại tỉnh Bengal của Ấn Độ, cây thuốc phiện đã được trồng từ lâu và được sử dụng làm ma túy cho mục đích nghi lễ. Người Anh được biết đến thuốc phiện vào năm 1683, khi nó được đưa đến Anh trên những con tàu chuyên chở trà của Công ty Đông Ấn. Trong một thời gian dài, chính phủ Anh không quan tâm trực tiếp đến việc buôn bán thuốc phiện – cho đến khi cần phải “mở cửa” một thị trường Trung Hoa ngoan cố.

Ban đầu, Công ty Đông Ấn của Anh thành lập cái gọi là “Sứ mệnh nội địa Trung Quốc”, có nhiệm vụ tích cực tuyên truyền thuốc phiện khiến cho nông dân Trung Quốc mắc phải thói nghiện hút. Chẳng bao lâu, các ổ hút thuốc phiện lan rộng khắp đất nước như châu chấu, dần dần tiêu diệt dân số. Chỉ riêng ở Thượng Hải, từ năm 1791 đến năm 1794, số lượng các “động tiên nâu” đã tăng từ 87 lên 663.

Đối với Trung Quốc, thú vui nguy hiểm này đã gây ra hậu quả tai hại. Hút thuốc phiện ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và làm suy giảm mức độ trí tuệ con người. Ma túy được sử dụng hàng ngày, cả làng như bị đánh thuốc mê, người dân bỏ việc, thậm chí nhiều quan chức cấp cao cũng ghé thăm các “động” mỗi tuần đôi ba lần. Ngay cả các tướng sĩ trong quân đội cũng có rất nhiều người trở thành con nghiện kinh niên.

Cuộc chiến chống lại mafia ma túy

Triều đình nhà Thanh nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình khi đã rất muộn. Lệnh cấm nhập khẩu thuốc phiện vào năm 1800 không ngăn được các thương nhân người Anh tiếp tục tuồn thứ hàng hóa độc hại này vào nội địa. Những quan chức “cứng đầu” chống thuốc phiện thì một số bị mua chuộc, số khác bị giết. Kết quả cuộc điều tra của triều đình năm 1831 đã khiến cho Hoàng đế Đạo Quang chết sững: hàng triệu người hút thuốc phiện, ruộng vườn làng mạc bị bỏ hoang, quan chức tham nhũng hoàn toàn. Khoảng 150-200 tàu buôn Anh quốc chở thuốc phiện chạy dọc vùng biển ven bờ của tỉnh Quảng Đông, và các nhân viên quan thuế ăn no hối lộ đã cho phép các chủ tàu buôn bán an toàn số hàng hóa chết người này. Do sự cạnh tranh cao giữa những người buôn thuốc phiện nên giá thuốc chỉ giảm chứ không tăng.

Quan chức Trung Quốc tuan tra kiểm soát thuốc phiện
Quan chức Trung Quốc tuan tra kiểm soát thuốc phiện

Để đối phó và chống triệt để ma túy, Tổng đốc lưỡng Hồ (hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc) Lâm Tắc Từ, một trọng thần tài giỏi, được bổ nhiệm đặc trách tỉnh Quảng Đông. Vào ngày 10/3/1839, các vụ bắt bớ, tịch thu thuốc phiện bắt đầu được thực hiện ở Quảng Châu. Các tàu buôn cố gắng chạy trốn cùng với hàng hóa nhưng đã bị chặn lại và các thương gia nước ngoài bị bắt giam. Quân lính thuộc hạ của Lâm Tắc Từ đã phải làm việc cật lực suốt 22 ngày đêm để đốt bỏ và nhấn chìm xuống biển số thuốc phiện tịch thu được.

Tuy nhiên, mặt khác, Lâm Tắc Từ cũng là một nhà ngoại giao mềm dẻo. Ông đề nghị bồi thường hàng hóa bị mất bằng trà, loại trà có giá trị cao ở châu Âu. Tuy nhiên, đặc ân này chỉ dành cho những thương gia dám lấy mạng sống của mình để thề sẽ không buôn bán thuốc phiện nữa. Nhiều thương gia đồng ý. Nhưng làm như vậy là đi ngược lại lợi ích quốc gia – không thể không buôn bán thuốc phiện cho người Trung Hoa để thu về nguồn tích lũy tư bản quan trọng cho Đế quốc Anh!

“Người da trắng man rợ”

Lúc này, Lâm Tắc Từ không chỉ phải chiến đấu với mafia thuốc phiện mà còn với cả các phe phái trong triều đình. Một bộ phận giới quý tộc Trung Quốc nhận được lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán thuốc phiện nên đã rốt ráo cầu xin hoàng đế bãi bỏ những chỉ dụ khắt khe chống ma túy không thương tiếc và phế truất Lâm Tắc Từ. Những người có tư tưởng bảo thủ thì ngược lại, chỉ mong ném tất cả người nước ngoài ra khỏi đất nước và đóng cửa hoàn toàn đế chế đối với “những kẻ man rợ da trắng”. Hoàng đế Đạo Quang lần lượt hạ các chiếu chỉ có lợi cho phe này hoặc phe kia, trong khi đó thì Lâm Tắc Từ không thể thực hiện việc đền bồi bằng trà như đã hứa với các thương gia bị tịch thu tài sản thuốc phiện.

Cuối cùng, phe chống tham nhũng đã thành công trong việc “giật dây” hoàng đế khiến ông quyết định giải quyết vấn đề “những kẻ man rợ”. Vào tháng 12/1839, Trung Quốc tuyên bố đóng cửa hoàn toàn với người nước ngoài – tất cả thương nhân người Anh đều bị đưa ra khỏi Quảng Châu. Nhưng nước Anh lại coi việc “đóng cửa thị trường” là một cái cớ thuận lợi để gây hấn.

Một hạm đội gồm 40 tàu và 4.000 binh sĩ được cử đến để giúp ​​các thương nhân người Anh khắc phục tổn thất”. Quân đội nhà Thanh lúc đó có 800.000 binh sĩ, nhưng bị phân tán khắp cả nước, và khả năng tác chiến của binh lính bị suy yếu do sử dụng thuốc phiện.

Để tiếp tục làm tan rã quân Trung Quốc, ban đêm người Anh dùng thuyền nhỏ len lỏi vào để bán thuốc phiện cho binh sì đối phương với chỉ bằng 1/3 so với bình thường. Kết quả là toàn bộ quân đội, ngay cả những đơn vị Mãn Châu tinh nhuệ nhất, cũng chẳng còn chút nhuệ khí nào để có thể kháng cự. Hơn nữa, Trung Quốc lúc đó gần như hoàn toàn không có hải quân! Người Anh dễ dàng chiếm được một số thương cảng lớn, trong đó có Quảng Châu và Thượng Hải.

Vào tháng 8/1840, quân đội Anh tiến đến Thiên Tân, tức là gần sát cửa ngõ Bắc Kinh. Nhà Thanh phải đầu hàng và một hiệp ước hòa bình được ký kết vào năm 1842.

Hòa ước Nam Kinh

Vào tháng 8 năm 1842, Hòa ước Nam Kinh đáng xấu hổ được ký kết – đây là văn kiện đầu tiên trong một loạt các hiệp ước được coi là “bất bình đẳng”, trao cho các thương gia và quân nhân nước ngoài toàn quyền tung tác ở Trung Hoa.

Ký kết Hòa Ước Nam Kinh, một hòa ước tủi nhục cho Trung Hoa
Ký kết Hòa Ước Nam Kinh, một hòa ước tủi nhục cho Trung Hoa

5 cảng được mở cho thương mại của Anh: Quảng Châu, Ninh Ba, Hạ Môn, Phúc Châu và Thượng Hải. Trung Quốc cam kết trả 21 triệu nguyên (元 – đơn vị tiền tệ nhà Thanh) quy ra bạc. Hơn nữa, hiệp ước hòa bình có các điều khoản về thủ tục lãnh sự – người nước ngoài và người Trung Quốc làm việc cho họ được loại bỏ khỏi phạm vi điều chỉnh của luật pháp Trung Quốc. Trên thực tế, điều này đã hoàn toàn giải phóng họ khỏi quyền kiểm soát của chính quyền sở tại trên toàn lãnh thổ Trung Hoa. Bây giờ người Anh có thể định cư ở Quảng Châu, và một cơ quan đại diện chính thức của Anh đã được mở tại thành phố này.

Chẳng bao lâu sau, Pháp và Mỹ đã nhận được những nhượng bộ tương tự thông qua ngoại giao hoặc vũ lực. Tuy nhiên, chỉ người Anh có được đặc quyền và vị thế “quốc gia được ưu đãi nhất về thương mại”. Nhưng quan trọng nhất, sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất, Vương quốc Anh nhận được quyền quản lý Hồng Kông, và trong nhiều năm danh tiếng của kinh đô buôn bán thuốc phiện đã được khẳng định.

Chiến tranh nha phiến lần thứ hai: Cuộc chiến làm thay đổi đất nước Trung Hoa

Cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất bị người Trung Quốc coi là một cuộc “đột kích dã man”. Và quả thực: người Anh đã đến với lực lượng tối thiểu, đánh phá các khu vực biên giới, không chiếm được thành phố trọng điểm nào và không đánh bại quân Trung Quốc trong các trận chiến lớn. Ngoài ra, nhà Thanh đã đạt được thỏa thuận với họ về những điều khoản có vẻ dễ dàng. Tuy nhiên, hậu quả của cuộc chiến này sớm làm rung chuyển toàn bộ Trung Quốc và dẫn đến Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai nghiêm trọng hơn nhiều, trong đó những trận chiến hoành tráng diễn ra và những kẻ xâm lược đã tiến đến tận chân tường thành Bắc Kinh. Ngoài ra, cuộc chiến này còn làm tăng mức độ ảnh hưởng của nước Nga.

Cuộc nổi loạn Thái Bình thiên quốc

Do việc buôn bán thuốc phiện, Trung Quốc phải chịu cảnh “chảy máu bạc” ồ ạt, khiến giá bạc tăng cao. Nông dân sử dụng những đồng xu nhỏ (được đúc bằng đồng) trong đời sống hàng ngày, đổi đồng lấy bạc để nộp thuế. Bạc hiện đã tăng giá, nhưng thu nhập của nông dân tính bằng tiền đồng không thay đổi. Điều này dẫn đến tình trạng nợ thuế, bần cùng hóa và kích động sự bất mãn của nông dân. Và chẳng bao lâu sau, xuất hiện một nhân vật rất phù hợp để sẵn sàng lãnh đạo phong trào bất mãn này.

Sau Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, mối liên hệ giữa người dân địa phương và người châu Âu tăng lên đáng kể, với các cảng mới mở cửa thông thương ra thế giới và thông qua đó, không chỉ thuốc phiện mà còn nhiều tư tưởng khác nhau, chẳng hạn như Cơ đốc giáo, đã xâm nhập vào Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo vừa được nhắc tới là Hồng Tú Toàn, một chàng trai đầy triển vọng xuất thân từ một gia đình khá giả nhưng lại thiếu may mắn – thi trượt hết lần này đến lần khác. Hết hy vọng tiến thân bằng quan lộ, thất vọng về Nho giáo truyền thống và việc tiếp cận với Cơ đốc giáo đã khiến trong đầu người đàn ông này nảy sinh những ý tưởng mới về việc tái thiết Trung Quốc.

Ông thành lập phong trào, tập hợp những người ủng hộ và sau khi rao giảng thành công, vào năm 1851, ông tổ chức một cuộc nổi dậy, mục tiêu là tạo ra một “Vương quốc Thiên đường” công bằng trên trái đất, có tên gọi Thái Bình thiên quốc. Cuộc nổi dậy ban đầu được hàng nghìn người ủng hộ, sau đó là hàng trăm nghìn người; họ được gọi là Thái bình nhân.

Cuộc nổi dậy lan rộng nhanh chóng, và được “noi gương” ở các nơi, nhiều cuộc nổi dậy khác bùng lên trên khắp đất nước: Hội Tam Hoàng nổi dậy ở Thượng Hải hay khởi nghĩa Niệp quân ở 8 tỉnh phía bắc sông Dương Tử.

Cuộc chiến chống lại những cuộc nổi dậy này tiêu tốn số tiền khổng lồ, kho bạc không nhận đủ thuế, trong khi triều đình phải cử lực lượng quân sự tốt nhất đi đánh dẹp quân nổi loạn. Trong một thời gian dài, đồng bằng châu thổ sông Dương Tử từ vựa lương thực khổng lồ của đất nước trở thành bãi chiến trường đẫm máu.

Người nước ngoài đã lợi dụng tình hình để bán vũ khí cho cả hai bên tham chiến, mặc dù chủ yếu bán những mẫu cũ không còn được sử dụng ở châu Âu.

Điều kiện tiên quyết cho cuộc chiến

Lợi dụng sự suy yếu đáng kinh ngạc của Trung Quốc, người Anh giờ đây không quan tâm mấy đến việc buôn bán thuốc phiện mà quan tâm chủ yếu đến việc Trung Quốc phải mở cửa hoàn toàn cho thương mại, đưa nước này vào hệ thống tư bản thế giới.

Vào ngày 8/10/1856, chính quyền Trung Quốc ở vùng lân cận Quảng Châu đã bắt giữ chiếc tàu Arrow treo cờ Anh. Thủy thủ đoàn của con tàu này là người Trung Quốc và việc chủ tàu cho phép sử dụng cờ Anh đã hết hạn từ lâu. Tuy nhiên, người Anh cho rằng đây là một lý do đầy đủ để bắt đầu tuyên chiến.

Người Anh tìm kiếm đồng minh

Khi bắt đầu chiến tranh, người Anh phải đối mặt với những vấn đề tương tự như trước – họ có quá ít lực lượng. Kết quả là người Anh dù đã bắn phá các pháo đài xung quanh Quảng Châu và đánh chìm một số tàu chiến của thủy binh nhà Thanh, nhưng không thể chiếm được các thành phố lớn hoặc tạo ra được một trận chiến thực địa nghiêm túc. Ngoài ra, cuộc nổi dậy Sepoy (lực lượng mộ binh địa phương) nổ ra ở Ấn Độ đã góp phần ngăn cản việc chuyển giao các đơn vị mới của Anh sang Trung Quốc.

Do đó, người Anh bắt đầu phải tìm kiếm đồng minh. Người Mỹ đã từ chối, vì Hoa Kỳ lúc đó có lực lượng vũ trang rất nhỏ và quan hệ với người Anh không mấy tốt đẹp; ngoài ra, bản thân Hoa Kỳ cũng đang dần hướng tới cuộc nội chiến của chính mình.

Nhưng người Anh đã may mắn với người Pháp. Hoàng đế Napoléon III, người lãnh đạo nước Pháp, theo đuổi một chính sách đối ngoại cực kỳ phiêu lưu. Ông ta đã chiến đấu trên khắp thế giới, vướng vào nhiều cuộc xung đột cục bộ, cố gắng giống như tiền nhân vĩ đại của mình là Napoléon Bonaparte. Pháp không buôn bán thuốc phiện và không có lợi ích thương mại đặc biệt ở Trung Quốc, nhưng điều này không ngăn được Napoléon III quyết định dây máu ăn phần, lấy cớ là chính quyền Thanh triều đã hành quyết nhà truyền giáo người Pháp Auguste Chapdelaine. Thực ra, nhà truyền giáo này bị xử tử do nhầm lẫn với một Thái bình nhân, nhưng đối với người Pháp đang tìm cớ thì điều này không thành vấn đề.

Đặc biệt, trước đó không lâu, người Pháp đã liên minh với người Anh chiến đấu chống lại Nga trong Chiến tranh Krym. Theo đó, sự tương tác chất lượng cao đã được thiết lập giữa quân đội Anh và Pháp và có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động chung.

Đoạt thành Quảng Châu

Vào ngày 29/12/1857, lực lượng Anh-Pháp, với 600 lính đổ bộ, đã chiếm được Quảng Châu, chỉ có 110 người thiệt mạng và bị thương. Tổng đốc Diệp Danh Sâm bị đưa đến Calcutta làm tù nhân, và quyền lực của những người cộng tác với Trung Quốc được thiết lập ở Quảng Châu. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh không có phản ứng gì về điều này, vì Quảng Châu vẫn bị phiến quân Thái Bình thiên quốc cắt đứt khỏi lãnh thổ chính của đất nước. Các lực lượng ngoại bang cũng không thể uy hiếp triều đình nhà Thanh như trong Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, vì bị quân Thái Bình cản trở. Như vậy, giải pháp duy nhất còn lại để người châu Âu tấn công Trung Quốc là… trực chỉ Bắc Kinh.

Công phá Bắc Kinh lần thứ nhất

Liên quân Anh-Pháp đã đến cửa sông Bạch Hà. Ngày 20/5/1858, họ chiếm được pháo đài Đại Cô Khẩu nằm ở đây. Pháo binh hải quân mạnh mẽ và súng trường nòng dài của lính bộ binh đã phát huy tối đa tác dụng khiến cuộc hành quân này khá dễ dàng. Vào ngày 26/5, họ đến Thiên Tân, cảng và thành phố lớn nhất gần sát Bắc Kinh. Người Trung Quốc không ngờ diễn biến như vậy và không chuẩn bị phòng thủ nên phải chấp nhận yêu cầu của những kẻ can thiệp: mở thêm cảng thông thương và bồi thường 222 tấn bạc. Lợi dụng thời cơ, Nga cũng đưa ra yêu cầu – nhượng lại vùng Amur. Nhà Thanh đành phải nhượng bộ, vì cũng không còn đủ sức để chống lại Nga.

Chiến tranh lại tiếp tục

Ngay sau khi những kẻ can thiệp rời khỏi bức tường thành Thiên Tân, người Trung Quốc đã quyết định từ chối thực hiện hiệp ước. Các đại sứ châu Âu đến phê chuẩn hiệp ước đã nhìn thấy những pháo đài mới được xây dựng lại ở Đại Cô Khẩu kiên cố hơn trước.

Phía Trung Quốc không hoàn toàn từ bỏ các điều kiện hòa bình mà muốn nắn chúng về hướng có lợi cho mình. Ngoài ra, họ không muốn cho phép các đại sứ châu Âu tiếp cận Bắc Kinh, đồng thời đề nghị mọi cuộc đàm phán nên diễn ra ở bờ biển. Người Anh và người Pháp không chấp nhận, quyết định mở đường tới kinh đô nhà Thanh bằng vũ lực.

Cuộc tấn công mới vào pháo đài Đại Cô Khẩu

Vào ngày 25/6/1859, những kẻ can thiệp đã cố gắng chiếm lại cụm pháo đài Đại Cô Khẩu, nhưng lần này súng của Trung Quốc được giấu rất kỹ, lực lượng đồn trú được tăng cường và các công sự được xây dựng lại chắc chắn hơn. Kết quả là các tàu châu Âu không thể trấn áp pháo binh của đối phương, đồng thời bản thân cũng nhận nhiều thiệt hại và tổn thất về thủy thủ đoàn. Để xoay chuyển tình thế, liên quân quyết định đổ bộ, nhưng binh sĩ mắc kẹt trong bùn, phơi thân dưới làn đạn từ các bức tường pháo đài. Quân Thanh bắn phá điên cuồng bằng cung tên và súng hỏa mai, khiến liên quân phải lui binh với nhiều tổn thất, tháo chạy về Thượng Hải. Trong khi đó, ở vùng lân cận Quảng Châu, tình hình xung đột giữa quân triều đình và quân Thái Bình Thiên Quốc đang diễn ra vô cùng căng thẳng. Trước tình thế cần phải khẩn trương hành động, người châu Âu quyết định tấn công cụm pháo đài Đại Cô Khẩu một lần nữa và sau đó tiến đến Bắc Kinh.

Đường đến Bắc Kinh

Năm 1860, liên quân Anh-Pháp với lực lượng đổ bộ hùng hậu trên tàu lại lên đường tham gia chiến dịch. Lần này quân Đồng minh đã cử một đội quân thực sự gồm 120 tàu chiến và 230 tàu phụ trợ chống lại quân nhà Thanh. Một lượng lớn lương thực và đạn dược đã được chuẩn bị sẵn.

Lần này người châu Âu không tấn công pháo đài từ hướng sông. Họ đổ bộ quân mình ở một khoảng cách xa pháo đài và sau đó bắt đầu tiến trên đất liền về phía mục tiêu. Cuộc tấn công được hỗ trợ bởi lực lượng lớn pháo binh. Vào ngày 21 tháng 8, một trong những pháo đài đã thất thủ sau một trận chiến nảy lửa, sau đó những pháo đài còn lại đồng ý đầu hàng.

Vào ngày 25 tháng 8, quân Đồng minh chiếm Thiên Tân. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán bắt đầu từ đây với các sứ thần của triều đình đã không có kết quả – người Trung Quốc từ chối trả tiền bồi thường và không cho phép các đại sứ châu Âu vào Bắc Kinh. Liên quân quyết định vượt qua sự ngoan cố của người Trung Hoa bằng vũ lực.

Quân đội Anh-Pháp tiến về phía Bắc Kinh, gần thị trấn Thông Châu thì bị chặn lại bởi đội quân của Tăng Cách Lâm Thấm (một dũng tướng nhà Thanh, người gốc Mông Cổ, là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn). Vào ngày 18 tháng 9, trận chiến bắt đầu: quân Trung Quốc tấn công quân Anh bằng kỵ binh, nhưng bị đẩy lui; quân châu Âu, dưới sự yểm trợ của pháo binh, đã đánh bật được quân Thanh.

Vào ngày 21 tháng 9, quân Thanh lại chặn đường liên quân Anh-Pháp để phục thù. Lần này lực lượng chính của kỵ binh Mông Cổ và Mãn Châu tấn công quân châu Âu, nhưng quân Anh-Pháp đã đáp trả bằng các loại hỏa khí mạnh và phản công bằng lực lượng kỵ binh của chính mình. Sau đó, cuộc chiến chống lại bộ binh và pháo binh Trung Quốc bắt đầu. Tuy nhiên, pháo binh châu Âu mạnh hơn và lính pháo binh được huấn luyện tốt hơn, kết quả là quân Thanh triều lại bị đánh tan tác.

Từng cứu được kinh đô khỏi loạn Thái Bình Thiên Quốc nhưng vị tướng tài Tăng Cách Lâm Thấm vẫn không thể làm gì với quân đội châu Âu đã được huấn luyện tốt và vũ khí hiện đại của họ.

Sau khi biết tin quân mình thất bại ở ngoại ô Bắc Kinh, hoàng đế Hàm Phong đã chạy trốn đến Nhiệt Hà, nhưng vẫn mạnh miệng tuyên bố rằng hành động này không phải là một cuộc rút lui mà là “sự tham gia trực tiếp của hoàng đế vào chiến dịch”. Ông để em trai mình là Cung Thân vương Dịch Hânlo việc đàm phán và quản lý kinh đô.

Sau khi đã sắp xếp quân đội và mang theo các đoàn xe chở đầy đạn dược, vào ngày 5 tháng 10, những kẻ can thiệp lên đường tới Bắc Kinh. Đội quân tám nghìn người của họ không đủ để chiếm toàn bộ thành phố Bắc Kinh rộng lớn, vì vậy những kẻ can thiệp tập trung tấn công Viên Minh Viên, cung điện mùa hè của hoàng đế. Cung điện bị quân đội bỏ mặc và người châu Âu chỉ phải giao tranh với một số ít lính canh cung điện. Sau đó, binh lính và sĩ quan liên quân bắt đầu thực hiện hành động cướp phá kho báu trong cung điện, vơ vét hầu hết mọi thứ có giá trị. Lúc đầu, họ cố gắng thực hiện vụ cướp một cách có tổ chức, nhưng chẳng bao lâu sau mọi thứ đã vượt quá tầm kiểm soát. Cuối cùng, họ đã đốt cháy ra tro cung điện hoành tráng này.

Vãn hồi hoà bình

Liên quân Anh-Pháp khẩn trương bố trí các đơn vị tấn công nhắm vào những bức tường thành Bắc Kinh. Trước mối đe dọa pháo kích vào Bắc Kinh và các cuộc tấn công vào các cung điện khác trong vùng lân cận thành phố, Cung thân vương Dịch Hân đã chấp nhận một thỏa ước hòa bình. Vào ngày 24 tháng 10, ông ký hòa ước với người Anh và vào ngày 25 tháng 10 với người Pháp. Hiệp ước mới còn tai hại hơn nhiều so với yêu cầu ban đầu của người châu Âu – lúc này số tiền bồi thường là 618 tấn bạc và người Anh được gia tăng củng cố quyền lực của mình ở Hồng Kông.

Ngoài ra còn có những sáng kiến ​​​​cá nhân. Viên thông dịch người Pháp là nhà truyền giáo Delamard đã bổ sung vào nội dung hiệp ước việc cho phép xây dựng các nhà thờ Thiên chúa giáo và các hoạt động truyền giáo ở Trung Quốc. Chính quyền nước ông không mấy quan tâm đến việc này, nhưng bản thân vị linh mục này cũng không thể cưỡng lại cơ hội thúc đẩy lợi ích của nhà thờ.

Nga cũng được hưởng lợi khi một lần nữa khi đề nghị Trung Quốc nhượng lại lãnh thổ, lần này là vùng Duyên hải Viễn Đông. Nhà Thanh bạc nhược đã phải đồng ý. Như vậy, Nga dù không trực tiếp tham chiến nhưng đã có thể lợi dụng tình thế để mở rộng đáng kể lãnh thổ của mình mà không cần tốn một viên đạn nào.

Kết cục của cuộc chiến

Cuộc chiến với người châu Âu đã kết thúc, nhà Thanh bị suy yếu nhiều nhưng vẫn phải chiến đấu với những kẻ nổi dậy trong nước suốt một thời gian dài, đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa.

Kết quả của cuộc chiến này là các hoạt động truyền giáo và buôn bán với người châu Âu ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Các “cố vấn quân sự” châu Âu và nguồn cung cấp vũ khí đã giúp Trung Quốc trấn áp các cuộc nổi dậy đang hoành hành trên khắp đất nước.

Cái gọi là “bức màn tre” cuối cùng đã bị phá vỡ, Hồng Kông được mở rộng và Thượng Hải trở thành một thương cảng quan trọng.

Đánh giá post

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s