PGS. Nguyễn Gia Phu
Trích trong sách Một số chuyên đề lịch sử thế giới
Các trường pháp tư tưởng của Trung Quốc thời Chiến Quốc
Thời Xuân Thu (770-475 TCN) nhất là thời Chiến Quốc (475-221 TCN), xã hội Trung Quốc có nhiều biến đổi lớn:
– Về chính trị, uy quyền của thiên tử nhà Chu ngày càng giảm sút, trái lại, thế lực của các chư hầu ngày càng phát triển. Để tranh giành quyền bá chủ, các chư hầu đã tiến hành rất nhiều cuộc chiến tranh để tiêu diệt lẫn nhau làm cho xã hội Trung Quốc rơi vào tình trạng loạn ly suốt 5 thế kỷ.
– Về kinh tế xã hội, các ngành nông, công, thương nghiệp đều phát triển nhanh chóng, ruộng tư bắt đầu có mầm mống từ thời Xuân Thu đến thời Chiến Quốc đã trở thành hình thức sở hữu ruộng đất chiếm địa vị chủ yếu. Do sự phát triển về các ngành kinh tế và sự thay đổi về quyền sở hữu ruộng đất, cơ cấu giai cấp trong xã hội cũng thay đổi: tầng lớp địa chủ mới, tầng lớp thương nhân giàu có và tầng lớp thợ thủ công tự do ra đời và ngày càng phát triển.
– Về văn hóa giáo dục, thời Tây Chu, ở Trung Quốc chỉ có nền giáo dục quốc lập, đến thời Xuân Thu, giáo dục tư thục mới ra đời và đến thời Chiến Quốc thì phát triển phổ biến, do đó đã đào tạo được một tầng lớp trí thức đông đảo.
Trong khi đó, lịch sử Trung Quốc đặt ra một vấn đề là làm thế nào để đất nước được thái bình ổn định? Trước tình hình ấy, các nhà trí thức đã đưa ra những chủ trương khác nhau. Để tiến thân, họ thường đi đến các nước tìm cách yết kiến các vua chư hầu để trình bày chủ trương và đường lối trị nước của mình, do đó đã nở rộ một phong trào mà sử sách Trung Quốc gọi là “bách gia tranh minh”, ta quen dịch là phong trào “trăm nhà đua tiếng”.
Trong số những người du thuyết ấy, có một số được các vua chư hầu giao cho quyền cao chức trọng, nhưng cũng có một số chủ trương của họ không được chấp nhận. Những người này thường mở trường dạy học, do vậy, học thuyết của họ được truyền lại cho đồ đệ hết thế hệ này đến thế hệ khác, lập thành những trường phái riêng biệt.
Đến đời Tây Hán (206 TCN – 8 TCN), Tư Mã Đàm (phụ thân của Tư Mã. Thiên) đã sắp xếp các nhà tư tưởng Trung Quốc trước thời Tần thành sáu phái gọi là “lục gia”. Đó là Nho gia, Mặc gia, Danh gia, Pháp gia, Âm Dương gia, Đạo gia. Đến cuối đời Tây Hán, Lưu Hâm cùng với cha mình là Lưu Hướng đã viết một tác phẩm nhan đề là “Tất lược”, trong đó xếp các nhà tư tưởng trước thời Tần thành 10 phái (“Thập gia”). Ngoài 6 phái do Tư Mã Đàm nêu ra, họ còn thêm vào 4 phái là Nông gia, Tung Hoành gia, Tạp gia, Tiểu thuyết gia. Tuy vậy, họ lại nói phái Tiểu thuyết không quan trọng mấy nên bỏ đi, do đó chỉ còn 9 phái, gọi là “cửu lưu”.
Sự thực thì 3 phái: Nông gia, Tung Hoành gia và Tạp gia mà cha con Lưu Hâm thêm vào cũng không quan trọng mấy, vì vậy, có vai trò đáng kể trong lịch sử Trung Quốc là 6 phái mà Tư Mã Đàm đã nêu ra.
Trong 6 phái ấy, các phái Nho, Đạo, Mặc, Pháp… đã được sử sách bàn luận rất nhiều, riêng phái Danh gia, một mặt bản thân nó là một phái khá độc đáo, mặt khác, sử sách đề cập đến phái này còn rất ít, vì vậy, chúng tôi muốn qua bài viết này giới thiệu đôi điều về trường phái ấy.
Danh gia
Trong triết học cổ điển Trung Quốc, mọi sự vật đều được quan niệm có hai phạm trù, đó là “danh” và “thực”. “Danh” là tên gọi, là khái niệm, “thực” là sự vật cụ thể. Về mối quan hệ giữa hai phạm trù ấy, nhiều trường phái triết học đã đề cập tới và tùy theo cách nhìn nhận của họ về vấn đề “danh” và “thực” mà tư tưởng của họ có yếu tố duy vật hay duy tâm. Trong số các trường phái tư tưởng ấy, có một trường phái tuy cũng bàn đến “danh” và “thực” nhưng chủ yếu không chú ý đến thực mà chỉ chú ý đến “danh”, đến khái niệm và dùng hình thức suy luận chặt chẽ để đi đến kết luận. Trường phái ấy được gọi là “Danh gia”, “Hình danh gia”, còn gọi là phái “Biện giả”.
Cũng như các trường phái khác trong “Bách gia”, phái Danh gia đến thời Chiến Quốc mới xuất hiện, nhưng từ thời Xuân Thu trong xã hội Trung Quốc đã có những biện giả có thể coi là những bậc tiền bối của phái Danh gia sau này, trong đó người được biết rõ tên tuổi, sớm nhất và tương đối tiêu biểu là Đặng Tích.
Đặng Tích (545-501 TCN) là một đại phu nước Trịnh. Năm 536 TCN, Tướng quốc của nước Trịnh là Tử Sản (?-522 TCN) ban hành một bộ luật và đúc trên đỉnh đồng để công bố cho dân chúng biết. Đặng Tích thường giải thích xuyên tạc nội dung các điều luật để biện hộ cho những người khiếu kiện làm cho pháp luật của nước Trịnh bị rối loạn. Sách “Lã Thị Xuân Thu” chép: “Tử Sản cai trị nước Trịnh, Đặng Tích muốn gây khó khăn cho ông ta, bèn nói với một số người có việc kiện cáo rằng: vụ kiện lớn thì một cái áo dài, vụ kiện nhỏ thì một cái áo ngắn và một cái quần. Dân đem áo đến cho ông để học cách kiện tụng không kể hết. Ông thường lấy sai làm đúng, đúng làm sai, đúng sai không có chuẩn mực, cho nên có thể và không thể thay đổi hằng ngày. Việc muốn thắng thì cho thắng, việc muốn kết tội thì kết tội. Nước Trịnh rối loạn, nhân dân kêu ca, Tử Sản lo lắng bèn giết ông” (Thiên “Ly vi”).
Về cái chết của Đặng Tích, sách “Tả truyện” chép: Năm Lỗ Định Công thứ 9 (501 TCN), nhà cầm quyền của nước Trịnh là Tứ Chuyên giết Đặng Tích.
Trong hai thuyết này, chắc ý kiến của “Tả truyện” đúng, do vậy, ngày nay sử sách đều ghi Đặng Tích chết năm 501 TCN, còn Tử Sản thì đã chết năm 522 TCN. Đặng Tích cũng có soạn một bộ luật viết trên thẻ tre, gọi là “Trúc hình”. Sau khi giết Đặng Tích, Tứ Chuyên vẫn dùng bộ luật của ông.
“Lã Thị Xuân Thu” còn chép lại một câu chuyện thể hiện phương pháp tư duy và biện luận của các nhà biện giả thời Xuân Thu như sau:
“Tề và Tấn đánh nhau. Dư Tử ở Bình A trong khi chiến đấu bị mất cái kích của mình nhưng nhặt được cái mâu. Anh ta ra về mà lòng cứ băn khoăn, bèn hỏi một người đi đường: “Mất kích được mâu có thể trở về không?”. Người đi đường nói: “Kích là binh khí, mâu cũng là binh khí. Mất binh khí nhưng nhặt được binh khí, vì sao lại không trở về?”.
Dư Tử tiếp tục đi nhưng trong lòng vẫn băn khoăn. Gặp Thúc Vô Tôn, một quý tộc ở Cao Đường bèn chặn ngựa của ông ấy để hỏi: “Nay trong khi chiến đấu, bị mất cái kích nhưng được cái mâu, có thể trở về không?”. Thúc Vô Tôn nói: “Mâu không phải là kích, kích không phải là mâu, làm sao có thể trốn tránh được trách nhiệm?”.
Dư Tử ở Bình A nói “Ừ nhỉ!”. Bèn quay lại để chiến đấu. Vừa đến nơi thì chiến đấu mà chết (“Ly Tục”).
Trong câu chuyện trên, “người đi đường” cho rằng sự khác nhau giữa “kích” và “mâu” chỉ là tương đối vì “kích và mâu” cùng là binh khí, tức cùng một loại; còn Thúc Vô Tôn thì cho rằng sự khác nhau giữa “kích” và “mâu” là tuyệt đối, giữa “kích” và “mâu” không có gì giống nhau. Hai cách lập luận ấy thể hiện hai khuynh hướng tư tưởng của phái Danh gia sau này.
Đến thời Chiến Quốc, phái Danh gia có hai nhân vật chủ yếu tiêu biểu cho hai khuynh hướng: chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa tuyệt đối, đó là Huệ Thi và Cao Tôn Long.
Huệ Thi (370-310 TCN), là người nước Tống, bạn của Trang Tử, từng làm tướng quốc nước Ngụy. Ông là một người có học vấn uyên bác, tương truyền rằng ở phương Nam có dị nhân tên là Hoàng Liễu đã nêu ra những câu hỏi như: Vì sao trời không sập, vì sao đất không lún xuống, vì sao có gió mưa, sấm sét, Huệ Thi đều trả lời được cả. Huệ Thi viết năm xe sách, trong đó có tác phẩm nhan đề là “Vạn vật thuyết”, nhưng tất cả đều thất truyền. Tài liệu để tìm hiểu tư tưởng của Huệ Thi là “Huệ Thi thập sự” (10 luận điểm của Huệ Thi) chép trong sách Trang Tử.
Tư tưởng chủ yếu của Huệ Thi là “hợp đồng dị” (hợp những cái khác nhau của vạn vật), cho rằng những cái khác nhau của sự vật chỉ là tương đối. Những điểm nổi bật trong “Huệ Thi thập sự” là:
- Không có bề dày thì không có thể tích, nhưng có bề rộng đến nghìn dặm. Không có bề dày không có thể tích là nhỏ, có bề mặt rộng đến nghìn dặm là lớn. Như vậy, nói lớn thì cũng lớn, nói nhỏ thì cũng nhỏ, ở đây lớn nhỏ chỉ tương đối mà thôi.
- Trời và đất thấp như nhau, núi và hồ ngang bằng nhau. Theo Huệ Thi, nhìn ra phía xa thì trời đất liền nhau, như thế là trời đất thấp như nhau; hồ ở trên núi có thể cao bằng núi ở đồng bằng, như thế là núi và hồ ngang nhau. Như vậy, cao thấp cũng chỉ là tương đối.
- Phương Nam vô hạn mà hữu hạn. Thời bấy giờ các nước Sở Việt không ngừng mở rộng xuống phía Nam mà chưa tới chỗ tột cùng, nhưng phương Nam cũng có biển. Như vậy, vô hạn và hữu hạn chỉ là tương đối.
- Hôm nay đi nước Việt mà hôm qua đã tới rồi. Đó là vì ngày hôm nay gọi là ngày hôm qua thì hôm qua gọi là hôm nay, hôm nay gọi là hôm nay thì ngày mai sẽ gọi là hôm qua. Sự phân biệt hôm nay và hôm qua chỉ là tương đối.
Tóm lại, Huệ Thi vì muốn chứng minh quan điểm “hợp đồng dị” của mình đã quá nhấn mạnh tính đồng nhất của sự vật, nên bất chấp sự thật khách quan, cho rằng mọi sự khác biệt chỉ là tương đối, do đó, Huệ Thi là một nhà ngụy biện theo chủ nghĩa tương đối.
Khác với Huệ Thi, Công Tôn Long là một đại biểu của phái Danh gia theo chủ nghĩa tuyệt đối.
Công Tôn Long (320-250 TCN) là người nước Triệu, từng làm môn khách của Bình Nguyên Quân(1) là một biện giả nổi tiếng thời bấy giờ. Ông có soạn một tác phẩm nhan đề là “Công Tôn Long Tử” gồm 14 thiên, nay chỉ còn lại 6 thiên. Luận điểm của ông thể hiện ở 2 vấn đề, đó là “ngựa trắng không phải là ngựa” (bạch mã phi mã) và “tách rời cứng và trắng”(ly kiên bạch).
Vấn đề “ngựa trắng không phải là ngựa”, Công Tôn Long nêu ra 3 căn cứ:
- Khi nói ngựa là nói đến hình dáng, khi nói trắng là nói đến màu sắc. Màu sắc không phải là hình dáng, vì vậy, ngựa trắng không phải là ngựa.
- Nếu cần ngựa thì ngựa vàng, ngựa đen đều được, nếu cần ngựa trắng thì ngựa vàng ngựa đen đều không được. Đó là vì cần ngựa là chưa xác định về màu sắc, còn cần ngựa trắng là xác định về màu sắc. Chưa có sự xác định về màu sắc và có sự xác định về màu sắc là khác nhau, vì vậy, ngựa trắng không phải là ngựa.
- Ngựa trắng là ngựa nói chung cộng thêm màu trắng. Ngựa nói chung và ngựa cộng thêm màu trắng là khác nhau. Vì vậy ngựa trắng không phải là ngựa.
Vấn đề thứ hai là vấn đề “tách rời cứng và trắng” tức là nói tách rời yếu tố cứng và yếu tố trắng trong hòn đá trắng.
Công Tôn Long cho rằng, trong hòn đá trắng có 3 yếu tố là “cứng”, “trắng” và “đá”, nhưng người ta không thể đồng thời nhận thức được cả 3 yếu tố ấy, vì khi chỉ nhìn không thể thấy được tính chất cứng của đá mà chỉ thấy màu trắng của nó; khi sờ thì không thể thấy màu trắng của đá mà chỉ biết được tính chất cứng của nó. Do vậy, cứng và trắng tách rời nhau.
Trong cả hai vấn đề nói trên, phương pháp lập luận của Công Tồn Long là nêu ra những tiền đề sai và sự suy luận sai nhưng có vẻ hợp lý làm người nghe tưởng như có lý. Ví dụ: Không thể có con ngựa chưa có màu sắc, sau đó thêm màu trắng vào thì thành ngựa trắng: hoặc từ tiền đề “màu sắc không phải là hình dáng” thì chỉ có thể suy ra “màu trắng không phải là ngựa” chứ không thể suy thành “ngựa trắng không phải là ngựa”. Hoặc trong vấn đề thứ hai, tại sao người ta không thể đồng thời vừa nhìn bằng mắt vừa sờ bằng tay để đồng thời nhận thức cả hai tính chất cứng và trắng của đá?
Tóm lại, Công Tôn Long cũng bất chấp sự thật khách quan, chỉ thuần túy dựa vào lý luận, đồng thời, quá nhấn mạnh sự khác biệt giữa các mặt trong cùng một sự vật, phủ nhận tính thống nhất của nó, do vậy, Công Tôn Long là một nhà ngụy biện theo chủ nghĩa tuyệt đối.
Kết
Đánh giá phái Danh gia, Tuân Tử, một học giả thời Chiến Quốc nói: “Không học tập các vua đời trước, không theo lễ nghĩa giải thích mà nêu ra những thuyết kỳ quái, thích dùng chữ lạ, tỉ mỉ nhưng không có ích, hùng biện mà vô dụng, không thể dùng để chỉnh đốn kỷ cương. Tuy vậy, lập luận của họ có căn cứ, lời nói của họ có lý lẽ đủ để đánh lừa những kẻ ngu. Huệ Thi, Đặng Tích là như vậy đó” (Phi thập nhị tử).
Mặc dầu Danh gia là phái ngụy biện nhưng phải thừa nhận sự xuất hiện của phái này đã làm phong phú thêm lịch sử tư tưởng Trung Quốc, chứng tỏ khả năng trừu tượng của người Trung Quốc phát triển rất sớm. Đồng thời, phái Danh gia đã có những đóng góp nhất định vào sự hình thành logic học Trung Quốc.