Ai Cập Cổ Đại

Bàn về 10 Tai ương giáng xuống Ai Cập trong Kinh Thánh

10 tai ương trình bày trong sách Sáng Thế có ý nghĩa thần học quan trọng với người Do Thái, và cả Ki-tô giáo. Chúng đã xảy ra thế nào?

10 tai uong ai cap trong kinh thanh

Sách Xuất Hành, cuốn sách thứ hai của bộ Ngũ Thư thuộc Kinh Thánh, trình bày một biến cố trọng đại: Đức Chúa dùng quyền năng của Ngài để giải thoát dân Ítrael khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, bằng cách giáng mười tai ương khủng khiếp xuống trên xứ sở này. Đối với Ítrael, biến cố Xuất hành là trung tâm điểm của lịch sử, theo nghĩa tất cả những gì diễn ra trước và sau đó đều được giải thích dựa trên bối cảnh của những gì Đức Chúa đã làm cho dân trong dịp này. Ta sẽ thử cùng nhau xác định mạch văn và phê bình đôi chút về bản văn của câu chuyện khá nổi tiếng này trong Kinh Thánh, trước khi đi vào việc tìm hiểu bối cảnh thực tế khả dĩ của trình thuật Mười tai ương, cuối cùng là thử phác thảo một vài nét ý nghĩa của nó.

(Một vài tên riêng trong bài viết được phiên âm theo một cách đọc quen thuộc hiện nay trong tiếng Việt: Ai Cập, Ítrael, Môsê, Pharaô…)

Tóm lược bối cảnh

Trong phần sau của sách Sáng Thế, chúng ta đã đọc thấy câu chuyện Giuse nổi lên nắm quyền ở Ai Cập và sự đón tiếp thân tình người Ai Cập dành cho cả gia tộc Giacóp tại vùng châu thổ sông Nile trong suốt thời gian nạn đói xảy ra. Phần dẫn nhập của sách Xuất Hành thuật lại việc làm sao mười hai người con của Ítrael và gia quyến của họ lại lớn mạnh về mặt dân số đến nỗi người Ai Cập bắt đầu lo sợ cho an ninh của chính họ, nhất là khi mà Giuse đã qua đời và gia tộc Giacóp đang bị thất sủng ở Ai Cập. Kết quả là người Ítrael bị cưỡng chế làm nô lệ và bị đầy ải bằng các công việc nặng nhọc như xây dựng các thành cất chứa lương thực Pithom và Rameses trong vùng châu thổ sông Nile. Không chỉ như vậy, Pharaô còn ra lệnh tàn sát tất cả các con trai của Ítrael ngay từ lúc mới sinh.

Tuy nhiên, điều lạ lùng là một trong số các con trai đó, là Môsê, đã được con gái Pharaô cứu sống, và một cách khôi hài, đã được nuôi dưỡng ngay trong chính cung điện Ai Cập. Khi lớn lên, Môsê đã không quên gốc tích của mình, ông thường xuyên thăm viếng dân tộc mình, những người đang bị đối xử như nô lệ. Sau một lần giết chết một người Ai Cập khi tên này đang hành hạ một người Ítrael, Môsê đã phải chạy trốn khỏi Ai Cập và lánh nạn trong vùng sa mạc Mađian tại bán đảo Sinai.

Sau nhiều năm lập gia đình và sống cuộc đời đạm bạc với nghề chăn cừu, một hôm Môsê được Thiên Chúa, Đức Chúa của của Abraham, của Ixaác, của Giacóp hiện ra trong hình lửa đang bao phủ bụi gai nhưng không làm bụi gai bị thiêu huỷ. Đức Chúa kêu gọi Môsê và trao cho ông sứ mệnh quay lại Ai Cập để dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi kiếp nô lệ. Môsê đã từ chối nhiều lần, nhưng cuối cùng ông cũng đón nhận sứ mạng. Nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của ông khi trở lại Ai Cập lần này là phải làm sao thuyết phục được Pharaô trao trả tự do cho dân Israel và để cho họ ra khỏi Ai Cập. Hẳn nhiên là Pharaô từ chối. Và đó là chính là thời điểm mà Thiên Chúa thực hiện lời hứa với ông Môsê: “Ta thừa biết rằng vua Ai-cập sẽ không cho các ngươi đi, trừ phi là có một bàn tay mạnh mẽ can thiệp. Ta sẽ ra tay, sẽ làm mọi thứ phép lạ giữa dân Ai-cập để đánh nó, và sau đó vua ấy sẽ cho các ngươi đi”(Xh 3, 19-20).

Trước khi đi vào phân tích về tính lịch sử và giá trị thần học của Mười tai ương giáng xuống đất Ai Cập, ta hãy thử cùng nhau điểm qua một vài nét về bản văn của trình thuật này.

Phê bình bản văn

Như thường lệ, các nhà phê bình không đồng thuận với nhau về các nguồn văn cấu thành trình thuật Mười tai ương (Xh 7-12). Tựu trung, các nhà phê bình xác định hiện diện trong bản văn có ba nguồn tư liệu: J, E, và P. Tất cả được tổng hợp thành hình thức sau cùng nhờ soạn giả Tư tế (P), là người phối kết nguồn J và E tạo nên hình thái tổng thể của câu chuyện. Nguồn J (Tv 78) đề cập đến 7 tai ương, trong khi ấn phẩm P đầy đủ nói đến con số 10 tai ương, như trong Tv 105. Ấn bản sau cùng (P) có thêm 3 tai ương: ruồi nhặng (Xh 8:16-19), ung nhọt trên thân thể con người và loài vật (Xh 9:8-12), và cảnh tối tăm (Xh 10:21-29).

Khi nghiên cứu các truyền thống gần hơn, chúng ta sẽ thấy những khác biệt về nội dung và văn phong trở nên hiển nhiên hơn. Ví dụ: trong J, Môsê là nhân vật chính trước sự hiện diện của Pharaô, trong khi Aaron, nếu được nhắc đến đi nữa, thì cũng đứng yên lặng. Tuy nhiên, trong ấn bản sau cùng của P, Aaron – vị thượng tế và là tổ tiên lớn nhất của các tư tế Giêrusalem – luôn theo sát Môsê và hành động như là phát ngôn viên của Môsê trong những lúc đàm phán với Pharaô. Ngoài ra, dường như P muốn trình bày các tai ương như một cuộc ganh đua giữa những kẻ trung gian, đặc biệt là Aaron, đại diện cho tư tế Ítrael, với những phù thuỷ Ai Cập là những vị, theo cái nhìn của Ai Cập, vừa là tư tế vừa là những kẻ kiểm soát sự tiến gần đến thế giới thần thiêng.

Về cấu trúc các tai ương, hầu hết chúng bắt đầu với sự đòi hỏi của Môsê và Aaron gởi đến Pharaô, là hãy để dân Ítrael ra đi tự do thờ phượng Đức Chúa. Theo sau đòi hỏi là một phác hoạ của chính tai ương và sự đáp trả của Pharaô. Đôi khi Pharaô xin Môsê cầu nguyện với Đức Chúa chấm dứt tai ương (8:8.29; 9:28), và trong một vài lần (tai ương 9 và 10) Pharaô đồng ý, ít là một phần, với sự đòi hỏi của Môsê. Về khung cảnh các tai ương, chúng ta thấy chúng được chia làm ba nhóm lặp lại đều đặn: (1)-Pharaô được tiếp cận vào lúc sáng sớm, ngoài cung điện (tai ương 1,4,7); (2)-Pharaô được tiếp cận tại cung điện (tai ương 2,5,8); (3)-Pharaô không được tiếp cận gì cả (tai ương 3,6,9,10). Về tác nhân của các tai ương, Thiên Chúa chỉ hành động một cách rõ rệt và trực tiếp trong 3 tai ương (4,5,10). Môsê và Aaron hành động trong các tai ương 6,7,8,9 (Moses) và 1,2,3 (Aaron), như những tác nhân của Thiên Chúa (Xh 7:1). Điều này gợi ý rằng cả hai, Môsê và Aaron sẽ không có năng lực nếu không có quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong và qua các ông; và Thiên Chúa “tuỳ thuộc” vào hai ông để hành động trong thế giới. Cả Thiên Chúa (3:8-10) lẫn Ítrael (14:31) đều nhận ra tác nhân kép này.

Sau khi tìm hiểu sơ lược về những nét đáng chú ý về nguồn văn và cấu trúc của bản văn, ta sẽ thử cùng nhau đi sâu vào phân tích trình thuật Mười tai ương, để xem liệu rằng chúng thực ra có phải là bản tường thuật của những hiện tượng thiên nhiên đôi khi xảy ra ở xứ sở Ai Cập, hay chúng còn chuyển tải một ý nghĩa hay thông điệp nào khác nữa?

Mười tai ương – Thảm họa tự nhiên hay điềm thiêng dấu lạ

Nhiều học giả Thánh Kinh lưu ý rằng, trình thuật Thánh Kinh nói chung và câu chuyện Xuất Hành nói riêng, không nhằm chủ đích ghi lại chính xác những gì diễn ra theo kiểu “tường thuật trực tiếp”, và hẳn nhiên, không tránh khỏi lối giải thích thiên vị. Tuy thế, chúng ta cũng không nên vội vàng đi tới kết luận rằng toàn bộ trình thuật là tưởng tượng hoặc hư cấu. Quả vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu nghiêm túc bản văn Thánh Kinh, với tâm thái giải thích và phê bình tích cực, đồng thời cố gắng tránh lối kiến giải bảo thủ hoặc chủ nghĩa duy lý thuần túy. Vậy, những câu hỏi thích hợp nên được đặt ra ở đây là: những gì đã xảy ra ở Ai Cập vào thời điểm đó? và làm thế nào những sự kiện này biểu thị hành động cứu chuộc của Thiên Chúa?

Hầu hết các học giả ghi nhận, hầu như không có gì là thần thoại hay siêu nhiên ở chín tai ương đầu. Tất cả tai ương đều có thể giải thích trong bối cảnh của những quy luật biến động bình thường trong thiên nhiên, vốn tác động lúc này lúc kia đến thung lũng sông Nile và các vùng phụ cận. Nổi bật trong số họ, học giả Greta Hort đã đề xuất giả thuyết “chuỗi quan hệ nhân quả trực tiếp” để giải thích bản chất và trình tự diễn tiến của đa phần các tai hoạ này, và ông cũng tạm hạn định thời gian diễn ra của chúng là trong khoảng mười hai tháng. Ngoài ra, người ta cũng đã tình cờ phát hiện nhiều bản văn của nền văn chương Cận Đông cổ cũng đề cập đến một số loại tai ương tương tự như trong Thánh Kinh.

Cuộc gặp gỡ Pharaô và Môsê/Aaron trong Xh 7:8-13 được nhìn nhận là lời mở đầu cho Mười tai ương, tạo nên khung cảnh biến chuyển theo sau và cung ứng một số đầu mối giải thích. Trước hết, Pharaô yêu cầu “dấu chỉ” như là bằng chứng từ Môsê/Aaron. Và mặc dù nhìn thấy cây gậy của Aaron nuốt chửng cây gậy của các phù thủy pháp sư, Pharaô vẫn từ chối thẳng thừng, không chịu theo yêu sách của Môsê. Trình thuật viết rằng “gậy của ông Aaron nuốt gậy của người Ai Cập” (7:12), có ý nhấn mạnh rằng chủ quyền của Thiên Chúa vượt trên Pharaô. Động từ Do Thái “bala‘ = nuốt ở đây ám chỉ đến sự kiện biển đã nuốt người Ai Cập xuống đáy, và quả thực động từ này chỉ được sử dụng thêm một lần nữa trong sách Xuất hành trong biến cố Vượt qua Biển Đỏ. Chúng ta nên lưu tâm những khía cạnh tinh tế kiểu như thế này khi đọc trình thuật các tai ương.

Ngay bây giờ, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua Mười tai ương, bắt đầu với việc sông Nile bị biến thành một con sông máu.

1. Nước hóa thành máu

“Ông Mô-sê và ông A-ha-ron làm như ĐỨC CHÚA đã truyền. Ông A-ha-ron giơ gậy lên và đập nước sông, trước mặt Pha-ra-ô và bề tôi của nhà vua. Tất cả nước sông liền biến thành máu. Cá dưới sông bị chết, sông ra hôi thối, và người Ai-cập không thể uống nước sông được nữa ; trong cả nước Ai-cập, chỗ nào cũng có máu. Nhưng các phù thuỷ Ai-cập cũng dùng phù phép của mình mà làm như vậy. Lòng Pha-ra-ô vẫn chai đá, vua không nghe hai ông, như ĐỨC CHÚA đã nói trước. Pha-ra-ô trở về cung điện và cả đến chuyện đó vua cũng không thèm bận tâm. Tất cả người Ai-cập đào đất ở gần sông để tìm nước uống, vì không thể uống nước sông.” (Xh 7, 20-24)

Minh họa nước biến thành máu của James Tissot
Minh họa nước biến thành máu của James Tissot

Vì nước sông Nile có vai trò hết sức quan trọng đối với sự thịnh vượng của người Ai Cập, cho nên tai ương đầu tiên hoá sông Nile thành một dòng sông máu đã truyền một sứ điệp mạnh mẽ tới Pharaô. Tuy nhiên, sự chuyển đổi nước hoá thành máu trong trình thuật cũng đã được các nhà phù thủy Ai Cập thực hiện với bí thuật của họ.

Cho đến nay, nguồn tham khảo sớm nhất về loại tai ương này được tìm thấy trong truyện thần thoại của Sumer có tên “Sự khờ dại và người làm vườn”. Theo thần thoại này, Nữ hoàng thiên đình trừng phạt con người bằng các tai ương; tai ương đầu tiên là bằng máu. Nữ thần lấy máu đổ đầy mọi giếng nước trên mặt đất. Những người nô lệ thu lượm củi đóm không uống gì khác ngoài máu, những nữ nô lệ đi múc nước cũng không múc gì ngoài máu. Ngoài ra, trong một cuốn sách Ai Cập Cổ với niên đại vào khoảng thế kỷ 22 đến 21BC có tên là “Lời khuyên của vị hiền nhân Ai Cập”, được các học giả nhìn nhận là bản tường trình về thực trạng xã hội, kinh tế và chính trị rối ren của Ai Cập. Trong cuốn sách đó, tác giả tuyên bố rằng sông Nile hóa máu, và ông ấy cố gắng uống nước tiểu của chính mình một cách không ngần ngại khi phải đối mặt với cơn khát cùng cực.

Ở tai ương đầu tiên này, theo học giả Hort, lượng mưa lớn bất thường ở cao nguyên Đông Phi, cao nguyên vùng Ethiopia, và các phần phía Nam thung lũng sông Nile chính là nguyên nhân. Hệ quả kéo theo của biến động thời tiết này là mực nước của con sông có thể dâng rất cao vào tháng 7 và đạt đến đỉnh điểm vào giữa tháng 9, mang lại thảm hoạ thay vì phước lành như thường lệ. Mưa quá nhiều có thể đã làm tăng đột biến lượng trầm tích màu đỏ vùng Ethiopia, làm chuyển hóa toàn bộ sông Nile thành màu đỏ máu và giết chết một số loài cá. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi màu nước “trong cả nước Ai Cập”. Đây là một cách lý giải thích khả dĩ về tai ương đầu tiên.

Việc máu phủ khắp xứ sở ở cuối trình thuật tai ương này cho thấy rằng đối với Pharaô và với toàn dân Ai cập, nước trở thành máu đỏ là một dấu chỉ biểu trưng cho chính TỘI ÁC MÁU LẠNH của họ khi giết chết các bé trai Ítrael. Hơn thế nữa, phản ứng của Pharaô “trở về cung điện và cả đến chuyện đó vua cũng không thèm bận tâm”, trong khi “tất cả người Ai Cập đào đất ở gần sông để tìm nước uống”, cho thấy sự tàn nhẫn của chính ông đối với dân chúng của đất nước mình.

2. Ếch nhái

“Ông A-ha-ron giơ tay trên mặt nước của Ai-cập và ếch nhái ngoi lên, lan tràn khắp đất Ai-cập. Các phù thuỷ dùng phù phép của mình cũng làm được như thế: họ làm cho ếch nhái ngoi lên trên đất Ai-cập. Pha-ra-ô mới triệu ông Mô-sê và ông A-ha-ron đến và bảo : “Hãy cầu xin ĐỨC CHÚA đuổi ếch nhái đi xa ta và dân ta, rồi ta sẽ thả dân ra để chúng đi tế lễ ĐỨC CHÚA.” Ông Mô-sê thưa với Pha-ra-ô : “Xin cho tôi được hân hạnh biết khi nào tôi phải cầu xin cho bệ hạ, cho bề tôi và dân của bệ hạ, để ếch nhái rời khỏi bệ hạ và cung điện, mà chỉ còn ở lại trong sông Nin.” Vua trả lời : “Ngày mai.” Ông Mô-sê nói : “Sẽ xảy ra như lời bệ hạ xin, để bệ hạ biết là chẳng có ai bằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi.”(Xh 8, 2-6).

Minh họa tai ương thứ hai giáng xuống Ai Cập
Minh họa tai ương thứ hai giáng xuống Ai Cập

Bức tranh của thảm hoạ này vừa khó chịu vừa khôi hài: ếch nhái ở khắp mọi nơi, nhảy vào cung điện, nhảy lên giường, nhảy vào nồi niêu bếp núc… Như dấu chỉ nước hoá thành máu, hiện tượng này không nhằm gây tổn thương hoặc giết người, nhưng nhằm làm cho cuộc sống của dân Ai Cập TRỞ NÊN KHÓ CHỊU THỰC SỰ. Pharaô có cơ hội tránh khỏi mớ lộn xộn nhưng ông đã khước từ. Trớ trêu thay, trong tai ương này, các phù thủy Ai Cập lặp lại những gì Aaron đã làm, khiến cho tình cảnh khó chịu thêm tệ hơn, bởi lẽ các bề tôi của vua đã làm ếch nhái ra nhiều thêm mà lại không thể tống khứ chúng đi được.

Theo học giả Hort, khoảng một tuần sau khi những cơn lũ đất đỏ khiến con sông như hoá ra máu vào tháng 9, những con ếch bị nhiễm trực khuẩn than Bacillus anthracis (một dạng vi khuẩn hình thành nha bào với đề kháng rất caovà được phát tán nhờ côn trùng) sẽ di chuyển vào đất liền để tránh sông Nile bị ô nhiễm do đầy ứ cá chết. Số lượng lớn cá chết tạo nên môi trường vô cùng thuận lợi để lây truyền căn bệnh này, đây có thể tiếp tục là nguyên nhân cái chết của hàng loạt ếch nhái tiếp liền sau đó.

Ở tai ương này, lần đầu tiên trình thuật các tai ương đề cập đến một vài đổi thay trong con người Pharaô. Pharaô đã nhờ Môsê cầu nguyện với Đức Chúa, lần đầu tiên dùng danh xưng Đức Chúa. Môsê đồng ý với thời gian Pharaô ấn định để ếch nhái rời bỏ, nhưng vẫn nhắc nhở Pharaô rằng “chẳng có ai bằng ĐỨC CHÚA”. Thông điệp ở đây là chủ quyền của Đức Chúa vượt thời gian và mạnh hơn quyền uy của Pharaô.

3. Tai ương muỗi

Ông A-ha-ron giơ tay cầm gậy lên, rồi đập xuống bụi dưới đất ; liền có muỗi trên thân thể người ta và thú vật ; tất cả bụi dưới đất biến thành muỗi trong khắp đất Ai-cập. Các phù thuỷ dùng phù phép của mình cũng làm như thế để bắt muỗi phải ra khỏi đất Ai-cập, nhưng không được. Muỗi cứ ở lại trên thân thể người ta và thú vật. Các phù thuỷ thưa với Pha-ra-ô : “Đó là ngón tay của Thiên Chúa !” (Xh 8, 13-15).

Tai ương muỗi
Tai ương muỗi

Đây là dấu chỉ đầu tiên trong ba dấu chỉ không theo lời thỉnh cầu của Pharaô và không có cảnh báo cho ông ta. Điều này cho thấy đây là một phản ứng trực tiếp trước việc Pharaô thất tín không để cho dân ra đi. Aaaron được phán bảo cầm cây gậy “đập xuống bụi dưới đất”. Khi ông làm như vậy, “tất cả bụi dưới đất biến thành muỗi trong khắp đất Ai Cập”. Một lần nữa, tai ương này là một vấn đề khó chịu. Và sự khó chịu trở thành một dấu chỉ.

Tai ương thứ ba được học giả Hort xác định là muỗi, những côn trùng hút máu người xuất hiện khá nhiều ở Ai Cập vào thời điểm tháng 10-11. Lũ lụt bất thường của sông Nile sẽ làm tăng triển hiện tượng này. Những côn trùng này sinh sản rất nhanh. Một lần nữa, như mong đợi, tai ương đã kết thúc, nhưng không đột ngột mà giảm dần dần.

Các phù thủy Ai Cập có khả năng hóa nước thành máu giống như Môsê và cũng phù phép làm xuất hiện được ếch, tuy nhiên lại không có khả năng tống khứ chúng, và lần này, họ đã không có khả năng đẩy lùi những con muỗi. Thay vào đó, họ thú nhận rằng “NGÓN TAY CỦA THIÊN CHÚA” đang hoạt động. Như vậy, người biên soạn trình thuật cho thấy rõ giữa Môsê và các phù thuỷ Ai Câp, ai mới là tôi tớ thực sự của thần linh.

4. Tai ương ruồi nhặng

“ĐỨC CHÚA phán thế này : Hãy thả dân Ta ra, để chúng đi thờ phượng Ta. Nếu ngươi không thả cho dân Ta đi, thì này Ta sẽ thả ruồi nhặng xuống trên ngươi và bề tôi ngươi, trên dân và cung điện của ngươi. Nhà cửa Ai-cập sẽ đầy ruồi nhặng, ngay cả đất đai nơi chúng ở cũng thế. Nhưng trong ngày ấy, Ta sẽ chừa ra đất Gô-sen là nơi dân Ta đang ở, để nơi đó không có ruồi nhặng, và để ngươi biết rằng Ta là ĐỨC CHÚA, Ta ngự giữa đất này. Ta sẽ phân biệt dân của Ta với dân của ngươi, nội ngày mai sẽ có dấu lạ đó” ( Xh 8, 16-19).

Minh họa tai ương ruồi nhặng trong một bản thảo thời Trung Cổ
Minh họa tai ương ruồi nhặng trong một bản thảo thời Trung Cổ

Tai ương này làm cho tình cảnh khó chịu nhiều hơn nữa. Mọi người và mọi nơi trong lãnh thổ đều chịu ảnh hưởng, ngoại trừ Gôsen, nơi người Do Thái sinh sống. Điều này rõ ràng diễn tả Ítrael không gánh chịu tác động của các dấu chỉ. Nó bày tỏ ở một mức độ nào đó AI LÀ NGƯỜI BỊ BUỘC TỘI trong tình cảnh này. Thật vậy, câu chuyện một lần nữa nhấn mạnh đến chủ quyền của Đức Chúa, “để ngươi biết rằng Ta là ĐỨC CHÚA, Ta ngự giữa đất này”. Văn bản trình bày, “cả đất ấy bị ruồi nhặng tàn phá”. Cụm từ “đất đã ra hư hỏng” được sử dụng trong St 6:11 để mô tả sự hư hỏng của nhân loại trước trận Lụt Hồng Thủy. Cũng như Thiên Chúa dùng Lụt Hồng Thủy để trừng phạt nhân loại, Ngài đang dùng những tai ương để trừng phạt Ai Cập vì những hành vi xấu xa của họ.

Tai ương thứ tư (những đàn ruồi), được Hort nối kết với đàn ruồi Stomexys calcitrans (ruồi chuồng ngựa), một loại côn trùng hút máu nguy hiểm. Số lượng chúng có thể tăng lên đột ngột và biến mất cũng đầy bất ngờ ở các vùng nhiệt đới. Điều này giải thích cho việc tại sao chúng chỉ xuất hiện ở phía nam Ai Cập mà không xuất hiện ở Gôsen, lý do là bởi khí hậu của Gôsen không phải là nhiệt đới nhưng khí hậu cận nhiệt đới Địa Trung Hải.

Đối mặt với thảm họa sắp xảy ra, lập trường của Pharaô mền dịu hẳn đi và ông nói với Môsê và Aaron rằng: hãy tế lễ Thiên Chúa “ngay trong đất này”. Môsê không đồng ý bằng cách trưng dẫn lý do rằng lễ tế Đức Chúa được họ cử hành có thể sẽ gây khó chịu cho người Ai Cập. Vì vậy, ông cương quyết đòi phải được tế lễ trong sa mạc. Môsê thành công trong việc thuyết phục Pharaô thuận theo ý của ông. Môsê khẩn cầu, một lần nữa Thiên Chúa lại “làm theo lời ông Môsê xin”. Không còn một con ruồi nhặng nào. Nhưng Pharaô một lần nữa trở nên cứng lòng và không để cho dân ra đi.

5. Tai ương ôn dịch

“Và ĐỨC CHÚA ấn định thời gian, Người phán : “Ngày mai, ĐỨC CHÚA sẽ làm điều ấy trong xứ. Ngay hôm sau, ĐỨC CHÚA làm điều ấy : tất cả súc vật của người Ai-cập đều chết, còn trong đàn súc vật của con cái Ít-ra-en, thì không con nào chết cả. Pha-ra-ô sai người đi xem, thì này trong đàn súc vật của Ít-ra-en, không con nào chết cả. Nhưng lòng Pha-ra-ô đã ra nặng nề cứng cỏi ; vua không thả cho dân đi” (Xh 9, 6-7).

Minh họa tai ương ôn dịch được tạo bởi AI Dall-E
Minh họa tai ương ôn dịch được tạo bởi AI Dall-E

Tai ương thứ năm nhấn mạnh ôn dịch giáng xuống trên gia súc ở ngoài đồng, nhưng không xảy đến ở Gôsen. Pharaô được cho một ngày để suy xét. Điều này khơi mở Pharaô được phép thấy trước những điều xấu sẽ xảy ra với đất nước của ông; nhưng ông ta từ chối hành động theo “dấu chỉ thời đại”. Một lần nữa, tai ương loại Ítrael khỏi tầm ảnh hưởng của nó; gia súc của họ sẽ không chết.

Tai ương này tiến một bước vượt ra ngoài cấp độ phiền toái: giết chết tất cả súc vật của người Ai Cập. Như vậy, đã bắt đầu có thiệt hai chứ không còn chỉ là những nỗi khó chịu. Học giả Hort cho rằng bệnh than có thể vẫn còn lưu ngụ nơi các đống xác ếch chết sót lại trên mặt đất hoặc trong những con ruồi của tai ương thứ tư. Ôn dịch hẳn diễn ra vào đầu tháng 1, khi mực nước sông giảm xuống cho phép chăn thả một số gia súc ngoài đồng. Nguyên nhân của tai ương có thể là do vi khuẩn Bacillus anthracis như đã đề cập ở trên. Gia súc của người Do Thái chăn thả ở vùng châu thổ sông Nile, nơi đây thời gian ngập nước lâu hơn thông thường, do đó không cho phép chăn thả ngoài đồng, nên đã được an toàn. Ngoài ra, các trận mưa bão Địa Trung Hải cũng có thể là nguyên nhân cuốn trôi các trực khuẩn trên bề mặt đất đai vùng đất người Ítrael sinh sống.

Bởi vì một số động vật có liên quan đến các vị thần đặc thù được thờ cúng ở Ai Cập, nên tai ương thứ năm này hầu chắc giáng một đòn MẠNH MẼ ĐẢ KÍCH TÔN GIÁO AI CẬP. Nếu đúng như vậy, lập luận của Môsê đề xuất người dân Ítrael nên tế lễ trong sa mạc, nếu không họ sẽ xúc phạm người Ai Cập, đã được chứng minh là đúng. Bởi lẽ, các vị thần Ai Cập thường được mô tả là mang hình dáng các con vật, như thần Apis là con bò đực thiêng của Ptah, vị thần nổi tiếng của nghề thủ công, và Hathor, nữ thần của niềm vui, được mô tả là đôi tai của con bò. Nhưng không có vị thần nào có thể cứu các súc vật của người Ai Cập ra khỏi tai hoạ khủng khiếp mà Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítrael, giáng phạt.

6. Tai ương ung nhọt

“Các ông Mô-sê và A-ha-ron lấy mồ hóng trong lò, rồi đến đứng trước mặt Pha-ra-ô. Ông Mô-sê tung lên trời và mồ hóng biến thành ung nhọt rồi mưng mủ nơi thân thể người ta và thú vật. Các phù thuỷ không đứng nổi trước mặt ông Mô-sê được, vì ung nhọt mọc đầy mình các phù thuỷ cũng như mọi người Ai-cập. Nhưng ĐỨC CHÚA làm cho lòng Pha-ra-ô ra chai đá, nên vua ấy không nghe lời các ông như ĐỨC CHÚA đã nói trước với ông Mô-sê” (Xh 9,10-12).

Minh họa tai ương ung nhọt trong quyển Thánh kinh Toggenburg, thế kỷ 15
Minh họa tai ương ung nhọt trong quyển Thánh kinh Toggenburg, thế kỷ 15

Tai ương thứ sáu này (thân thể hoặc da mắc chứng bệnh nhiệt than), theo Hort, có thể bị lan truyền từ các trực khuẩn than Stomoxyscủa tai ương thứ tư (ruồi nhặng). Ở đây, một lần nữa, Gôsen vẫn không bị ảnh hưởng.

Tai ương ung nhọt này, là lần đầu tiên các tai ương TRỰC TIẾP ẢNH HƯỞNG ĐẾN CON NGƯỜI. Bệnh ung nhọt này cực kỳ đau đớn và đặc biệt ảnh hưởng đến đầu gối và đùi (Đnl 28:35), làm cho các nhà phù thủy “không đứng nổi trước mặt Môsê”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Các vết loét trên khắp thân thể có khả năng thu hút sự chú ý của ai đó. Nó đóng vai trò như một lời nhắc nhở sống động về tình trạng thê thảm của con người.

7. Tai ương mưa đá

“Sở dĩ Ta còn cho ngươi sống, là để ngươi nhìn thấy sức mạnh của Ta, và để thiên hạ loan truyền danh Ta trên khắp mặt đất. Nếu ngươi cứ chống lại dân Ta, không thả cho chúng đi, thì đây, ngày mai, vào giờ này, Ta sẽ cho mưa đá rất nặng, như chưa từng có ở Ai-cập từ ngày dựng nước cho đến bây giờ. Vậy ngay bây giờ, ngươi hãy sai người dẫn vào nơi trú ẩn : súc vật của ngươi và tất cả những gì thuộc về ngươi đang ở ngoài đồng. Bất cứ người hay thú vật nào ở ngoài đồng mà không đem vào nhà, thì mưa đá rơi xuống, người ấy, vật ấy sẽ chết”(Xh 9, 16-19).

Bóng tối bao phủ Ai Cập
Bóng tối bao phủ Ai Cập

Tai ương thứ bảy là một cơn mưa đá và sấm sét với sức tàn phá dị thường. Trình thuật về tai ương này chính là trình thuật dài nhất trong các tai ương. Điều này cho thấy tầm mức mãnh liệt của cuộc tranh tài giữa Pharaô và Môsê.

Nhiều học giả Thánh Kinh đã nhận ra những lý giải mang ý nghĩa thần học về tai ương mưa đá này. Thứ nhất, Thiên Chúa đã để cho Pharaô sống nhằm tỏ ra cho ông ta thấy sức mạnh của Ngài và công bố vinh quang của Ngài trên khắp mặt đất. Thứ hai, tai ương này được Môsê loan báo công khai với hai phương án khác nhau CHO NGƯỜI AI CẬP LỰA CHỌN. Những ai lắng nghe có thể cứu nô bộc và gia súc của họ bằng cách dẫn họ đến chỗ trú ẩn, còn những kẻ lòng chai dạ đá sẽ phải hứng chịu toàn bộ hậu quả khủng khiếp của tai ương. Thứ ba, ký sự gia miêu tả sự tương phản ngày càng gia tăng đang diễn tiến bên trong người Ai Cập. Những ai kính sợ lời Đức Chúa được tha khỏi tai ương, còn những ai không quan tâm đến cảnh báo sẽ nhận chịu hậu quả của cơn mưa đá. Thứ tư, phản ứng của Pharaô sau trận mưa đá dường như biểu lộ ông đã bị tác động mạnh và sẵn sàng đàm phán nghiêm túc, ông nói: “Lần này, chính ta có tội. ĐỨC CHÚA là Đấng công chính, còn ta và dân ta đều lầm lỗi”. Lần thứ ba, Pharaô khẩn xin Môsê chuyển cầu giúp. Và cũng lần thứ ba ông hứa sẽ cho phép Ítrael ra đi. Môsê sẽ cầu thay nguyện giúp với Thiên Chúa vì lợi ích của Pharaô, cho dù Môsê biết rằng lời tuyên xưng của Pharaô là không chân thật. Thực tế cho thấy, khi mưa đá và sấm sét đã ngưng lại, Pharaô đã bội tín lời hứa cho phép người Do Thái tự do ra đi.

Mưa đá và sấm sét còn có thể xem là dấu chỉ báo hiệu cuộc thần hiện tại núi Sinai (xem Xh 19:16) và cũng diễn tả hình ảnh Thiên Chúa đến giáng phạt. Quả vậy, cảm nghiệm về một biến cố uy lực khủng khiếp như vậy sẽ có chức năng như là dấu chỉ cho bất cứ ai biết lắng nghe.

8. Tai ương châu chấu

“Ông Mô-sê giơ gậy lên trên đất Ai-cập, và ĐỨC CHÚA cho một luồng gió đông thổi vào đất này suốt ngày hôm đó và suốt đêm ; đến sáng, thì gió đông đã đưa châu chấu vào rồi. Châu chấu bay lên trên khắp đất Ai-cập ; chúng đậu trên khắp cả lãnh thổ Ai-cập, đông vô kể. Trước kia chưa bao giờ có nhiều châu chấu như thế, và sau này cũng chẳng có như vậy. Chúng che kín cả mặt đất, làm đen nghịt cả mặt đất. Châu chấu ăn sạch cỏ cây trong xứ và mọi trái cây mà mưa đá còn để sót lại ; không còn một chút xanh tươi nào trên cây, trên cỏ ngoài đồng, trong khắp đất Ai-cập. Pha-ra-ô vội triệu ông Mô-sê và ông A-ha-ron đến và nói : “Ta đắc tội với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, và với các ngươi. Vậy giờ đây, xin xá tội cho ta lần này nữa thôi, và hãy khẩn nài ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, ít ra là đẩy xa ta cái tai hoạ chết người này.” Ông Mô-sê ra khỏi cung điện Pha-ra-ô và khẩn nài ĐỨC CHÚA. ĐỨC CHÚA cho gió biển nổi lên rất mạnh, cuốn châu chấu đi và đẩy xuống Biển Sậy ; không còn sót một con châu chấu nào trên toàn lãnh thổ Ai-cập nữa” (Xh 10, 13-19).

minh hoa tai uong chau chau ai cap
Minh họa tai ương châu chấu

Pharaô khước từ thỉnh cầu của Môsê và Aaron và cáo buộc họ có những ý định xấu xa. Ông ta sẽ chỉ cho phép những người đàn ông ra đi; họ phải bỏ lại đằng sau phụ nữ và trẻ em, để đảm bảo rằng họ sẽ phải quay trở lại Ai Cập. Để tỏ rõ quyết tâm của mình, Pharaô đuổi Môsê và Aaron đi cho khuất mắt ông. Đáp trả của Đức Chúa là tai ương châu chấu.

Sau trận mưa đá, nền kinh tế Ai Cập đã suy yếu trầm trọng, và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn nữa với sự tấn công dữ dội của đàn châu chấu. Tuy đây là một hiện tượng khá phổ biến ở Ai Cập, nhưng lần này là những đàn châu chấu cực kỳ bất thường. Điều này có thể được giải thích theo học giả Hort như sau. Vào tháng hai-tháng ba, những con châu chấu non mới nở sau những tháng mùa đông thường di chuyển đến Paléttinh và Ai Cập, tùy thuộc vào hướng gió thổi vào thời điểm này. “Cơn gió đông” mạnh mẽ sẽ thực sự mang những con châu chấu đến vùng đất Ai Cập. Chúng hoành hành khắp đất Ai Cập từ tháng 3 đến đầu tháng 5. Châu chấu ăn sạch mọi thứ màu xanh còn sót lại sau trận mưa đá, và tràn ngập khắp lãnh thổ Ai Cập đến mức tổ tiên của họ cũng chưa bao giờ từng thấy trước đây. Giống như mưa đá và sấm sét, châu chấu là MỘT BIỂU TƯỢNG VỀ ÁN PHẠT CỦA THIÊN CHÚA.

Một lần nữa, Pharaô thay đổi thái độ với cung giọng ăn năn hối lỗi. Ông nói rằng ông đã phạm tội với Đức Chúa, Thiên Chúa của Môsê và Aaron, cùng với Môsê và Aaron. Một lưu ý mới là ông thỉnh xin tha thứ. Và lần thứ tư ông cậy nhờ Môsê và xin ông cầu nguyện với Thiên Chúa để loại bỏ căn nguyên của sự tàn phá. Thêm lần nữa, Môsê lại cầu nguyện cho Pharaô, và một lần nữa Thiên Chúa đáp trả một cách tích cực, cho gió tây cuốn châu chấu đi. “Gió tây” mạnh có thể là một cơn bão khởi từ Địa Trung Hải và thổi đàn châu chấu ra khỏi thung lũng sông Nile dạt về phía tây nam ra đến biển Sậy. Chính tại biển Sậy, trong tương lai gần, quân đội Ai Cập sẽ bị vùi lấp vào lòng biển. Như vậy, dấu chỉ được hiển hiện ngay khi Thiên Chúa cho tai ương diễn ra lẫn khi Ngài loại bỏ tai ương.

9. Tai ương bóng tối

“ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê : “Hãy giơ tay lên trời, cho bóng tối bao trùm đất Ai-cập, bóng tối như sờ thấy được.” Ông Mô-sê giơ tay lên trời, và bóng tối dày đặc bao trùm cả đất Ai-cập trong ba ngày. Trong ba ngày, người ta không nhìn thấy nhau và không ai rời chỗ mình được. Nhưng tất cả con cái Ít-ra-en đều có ánh sáng tại nơi họ ở” (Xh 10, 21-23).

Bóng tối bao phủ Ai Cập

Tương tự như tai ương 3 và 6, tai ương thứ chín, cảnh tối tăm bao trùm toàn vùng trong ba ngày, bắt đầu với chỉ thị trực tiếp từ Thiên Chúa. Pharaô nhanh chóng trả lời, nhưng một lần nữa, ông ta lại chấp nhận để dân ra đi nhưng với một điều kiện oái ăm khác: phải bỏ lại súc vật để đảm bảo rằng họ sẽ phải quay trở lại. Môsê không đồng ý, vì vật nuôi là tế phẩm cần thiết để tế lễ. Cả Pharaô lẫn Môsê đều nhận hiểu sự tự do hoàn toàn của người Do Thái đang được đem ra đặt cược. Tức giận, Pharaô ra lệnh đuổi Môsê đi cho khuất mắt ông và đe dọa Môsê rằng nếu để ông nhìn thấy Môsê lần nữa, Môsê sẽ phải chết. Môsê cứng rắn đáp lại: “Đúng như bệ hạ nói! Tôi sẽ không bao giờ đến trước mặt bệ hạ nữa!”

Bóng tối đặc biệt trong tai ương thứ chín được miêu tả là “bóng tối như sờ thấy được”. Giải thích theo hướng thảm hoạ thiên nhiên của Hort lý giải sự kiện này là do gió Nam nóng bức từ sa mạc Sahara, được gọi là khamsin,thổi cát và bụi tràn vào Ai Cập. Hiện tượng tự nhiên này càn quét miền đất dọc sông Nile mỗi năm vào khoảng đầu tháng 3 dương lịch. Bầu không khí trong những ngày gió khamsin diễn ra đều trở nên u ám và ngạt thở. Nó kéo dài trong vài ngày và giữ chân mọi người ở trong nhà. Tuy vây, người Ítrael lại sinh sống chủ yếu ở Gôsen, nên họ ít chịu ảnh hưởng từ bão khamsin ở phía nam, bởi vì khu vực Gôsen nằm ở góc phải của thung lũng sông Nile.

Ở những nơi khác trong Thánh Kinh, bóng tối dày đặc liên quan đến cảnh khốn khổ, sự cằn cỗi và trừng phạt. Có lẽ đây là lối nói được sử dụng nhằm diễn tả sự trừng phạt cách rõ ràng nhất; đó là dấu chỉ đáng lo ngại cho Pharaô. Bởi sự bướng bỉnh của mình, chính Pharaô và cùng với thần dân của ông đã có TRẢI NGHIỆM VỀ SỰ HỖN ĐỘN CỦA THẾ GIỚI trước Sáng tạo (St 1,2).

10. Tru diệt con đầu lòng Ai Cập

TRÌNH THUẬT VỀ CÁC TAI ƯƠNG LÊN ĐẾN ĐỈNH ĐIỂM KHI ĐỨC CHÚA PHÁN VỚI MÔSÊ: “TA SẼ GIÁNG MỘT TAI ƯƠNG NỮA XUỐNG PHA-RA-Ô VÀ AI-CẬP. SAU ĐÓ, VUA ẤY SẼ THẢ CÁC NGƯƠI RA KHỎI ĐÂY. HƠN NỮA, THAY VÌ THẢ CÁC NGƯƠI, VUA ẤY LẠI CÒN ĐUỔI HẲN CÁC NGƯƠI ĐI LÀ ĐÀNG KHÁC” (XH 11,1)KHÔNG CÒN ĐÀM PHÁN, VÀ CŨNG KHÔNG CÒN CHỖ CHO NHỮNG LỪA DỐI VÀ THỦ ĐOẠN NỮA. MỘT BẢN ÁN CHUNG QUYẾT ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN, VÀ NÓ SẼ SỚM GIÁNG XUỐNG PHARAÔ VÀ AI CẬP.

Toàn bộ con trai đầu lòng của người Ai Cập, kể cả thái tử, đều phải chết
Toàn bộ con trai đầu lòng của người Ai Cập, kể cả thái tử, đều phải chết

“Vào nửa đêm, ĐỨC CHÚA sát hại mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ con đầu lòng của vị Pha-ra-ô đang ngồi trên ngai báu, đến con đầu lòng của người tù đang ở trong ngục và mọi con đầu lòng của loài vật. Đêm ấy, Pha-ra-ô thức dậy, cùng với tất cả bề tôi và mọi người Ai-cập, và tại Ai-cập vang lên tiếng kêu la, vì không có nhà nào mà không có người chết”(Xh 12, 29-33).

Ý nghĩa thần học của 10 tai ương

Như chúng ta đã thấy, câu chuyện các tai ương rất có thể đã phản ánh các hiện tượng tự nhiên có ở vùng đất Ai Cập, cũng như nhiều yếu tố văn hóa dân gian phổ thông đường thời. Tuy nhiên, hầu như là câu chuyện đã được kể, được nhắc nhớ lại, mở rộng, và cuối cùng được ghi chép lại, với mục đích chính yếu là nhằm kiện cường đức tin của người Ítrael. Quả vậy, toàn bộ trình thuật các tai ương ở Ai Cập hướng về chủ đích giảng dạy và mang tính thần học hơn là một bản tường thuật lịch sử, và như ta sẽ thấy, có khá nhiều sứ điệp thần học hàm chứa trong trình thuật về Mười tai ương.

Chủ quyền của Thiên Chúa

Các tai ương được hiểu là những án phạt Thiên Chúa giáng xuống các vị thần Ai Cập và người Ai Cập. Theo từ ngữ của Xh 12:12, Đức Chúa phán rằng: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai Cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ TRỊ TỘI CHƯ THẦN AI CẬP: vì Ta là ĐỨC CHÚA”. Dựa vào nhiều khám phá khảo cổ học, các học giả nhận định rằng một số tai ương đã thực sự hướng đến việc đả kích các vị thần cụ thể của Ai cập nhằm tỏ bày sự bất lực của họ. Ví dụ, người Ai Cập tôn thờ sông Nile như thần Hopi, người kiểm soát dòng chảy của sông Nile, tạo nên sự phì nhiêu cho đất. Tai ương nước hóa máu được xem như là một sự thu nhỏ sức mạnh của vị thần này. Dịch bệnh trên gia súc có thể là một sự phản đối trực tiếp đả kích các vị thần bò Apis và Mnevis cũng như vị thần cừu đực Khnum.

Tai ương thứ chín, “bóng tối dày đặc bao trùm cả đất Ai Cập”, có thể liên hệ với một vị chủ thần Ai Cập là Re, thần mặt trời. Với người Ai Cập, Mặt trời là vị vua đầu tiên của mặt đất, và tất cả các Pharaô được hạ sinh từ vị thần này. Họ được nhìn nhận là người kế nhiệm của vị thần này trên mặt đất, và vai trò của họ là hình ảnh đại diện của vương quốc mặt trời. Do đó, tai ương của cảnh tối tăm có thể được coi là sự nhục nhã của thần mặt trời. Ở một khía cạnh khác, Pharaô tự cho mình là một vị thần, đối tượng tôn thờ của thần dân Ai Cập. Các thể chế tôn giáo và chính trị của nhà nước Ai Cập duy trì đạo lý về thần tính của ông. Vì thế, các tai ương được nhìn nhận như là một sự thất bại lớn lao của một vị vua-thần của người Ai Cập trước Đức Chúa, Thiên Chúa quyền uy chí tôn vô thượng của dân Ítrael.

Đức tin của Israel

Chính trong trình thuật Mười tai ương, chúng ta nhận thấy một sự phát triển mới trong tôn giáo của Ítrael. Sách Sáng thế trước đó đã lặng lẽ bỏ qua chủ đề cuộc chiến chống lại thói sùng bái ngẫu tượng, do các ký sự gia về tổ phụ không muốn gây căng thẳng giữa tôn giáo thờ ĐỨC CHÚA và tôn giáo của các quốc gia liên hệ với các tổ phụ. Quả vậy, ý niệm về cuộc chiến chống lại đa thần giáo lần đầu tiên hiển lộ trong trình thuật Xuất Hành, và từ nay trở đi, nó trở thành một chủ đề chính yếu của Thánh Kinh.

Ngoài những phát biểu rõ ràng ở Xh 12:12 và Ds 33:4, và bản chất của một số tai ương, ý niệm chống lại đa thần giáo cũng tìm thấy ở những diễn tả tinh tế theo những cách thể khác nhau trong trình thuật các tai ương. Ví dụ, giới hạn khả năng của các thầy phù thủy trong việc thực hiện các tai ương (8:14; 9:11), quyền năng siêu việt của Đức Chúa trong việc điều khiển thiên nhiên nhằm thực hiện mục đích của Ngài, sự bảo vệ tránh khỏi tầm ảnh hưởng những tai họa mà Ngài ban cho Ítrael. Tất cả những điều trên không những được kể ra nhằm làm suy yếu niềm tin vào những gì mà người Ai Cập tôn sùng là thần linh, nhưng còn nhằm tuyên xưng niềm tin của dân Ítrael vào vị Thiên Chúa Độc Nhất. Không nghi ngờ gì, độc thần giáo là mặc khải Đức Chúa thông tri cho Môsê (Xh 3:14), nó sẽ được truyền lại cho người Do Thái thông qua các bằng chứng của tai ương.

Thần học về sáng tạo

Là thảm họa thiên nhiên, những tai ương này được nhìn nhận là “dấu chỉ” và “điềm lạ” do Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítrael, kiểm soát. Chính Ngài trực tiếp hoặc qua trung gian Môsê và Aaron, ra lệnh hoặc ngăn chặn các tai ương vào thời điểm và nơi chốn Ngài muốn.

Thái độ phản sự sống của Pharaô tương tự với thái độ của con người được mô tả trước trận Lụt Hồng Thủy, “Đất đã ra hư hỏng trước nhan Thiên Chúa và đầy bạo lực” (St 6:11). Trong trường hợp của Lụt Hồng Thủy, hư hỏng và bạo lực của toàn mặt đất kích động Thiên Chúa can thiệp để tái thiết trật tự sáng tạo, còn trong trường hợp của Pharaô, sự bất công, bạo lực, và hành động phản sự sống chống lại dân Thiên Chúa là những nguyên nhân làm Thiên Chúa can thiệp. Các tai ương giáng xuống Ai Cập xuất hiện dưới dạng biến cố siêu nhiên: nước không còn là nước nữa, côn trùng và động vật lưỡng cư ùn ùn vượt tầm kiểm soát, dịch bệnh tàn hại súc vật và con người, mưa đá và sấm sét kinh hoàng … Các tai ương đi đến đỉnh điểm trong cảnh tối tăm, tức là sự trở lại tình trạng tiền Sáng tạo của ngày đầu tiên trong vũ trụ.

Trật tự luân lý

Các chủ đề bất công, áp bức, tội lỗi nhìn thấy rõ ràng trong sách Xuất Hành. Trong trình thuật về Mười tai ương, trật tự luân lý được hiểu là do Thiên Chúa thiết định vì công lý và hạnh phúc của mọi người trên thế giới. Ngược lại, các hành động của Pharaô là sự chống đối và phủ nhận chủ định linh thánh của Thiên Chúa về một thế giới mọi người sống hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau. Do đó, Pharaô trở thành đối tượng sự trừng phạt của Thiên Chúa.

Từ chìa khóa trong trình thuật Mười tai ương là shepeth, hành động trừng phạt (6:6, 7:4, 12:12, xem Ds 33:4; Ed 30:14). Pharaô đã phá đổ công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, vì vậy, các hệ quả xảy đến là sự áp bức lan tràn, những cảnh huống thương tâm, tình trạng nhân phẩm bị tổn thương sâu sắc; tất cả là do tội lỗi của Ai Cập đối với Ítrael và đất đai. Thiên Chúa nhận thấy tội lỗi của Pharaô đã phá vỡ trật tự luân lý Ngài thiết định; do đó Ngài can thiệp để tái lập nó, bằng cách giáng xuống Ai Cập Mười tai ương. Công bằng làm sao khi được thấy sự tương xứng giữa tội lỗi mà người Ai Cập đã gây ra và hậu quả khủng khiếp của những tội lỗi đó.

Tuy nhiên, lược đồ tội lỗi-hậu quả không được hiểu theo nghĩa cơ học vật lý, như thể tất cả những hệ quả này là không thể tránh khỏi và đã được lập trình để xảy ra bên trong một khung thời gian nhất định và bám cứng theo luật nhân quả. Thực ra, có một “sự đan kết nhân quả lỏng lẻo” trong trật tự luân lý, nói cách khác, có chỗ cho “tự do nhân bản” thể hiện vai trò của nó. Quả thật, Pharaô đã được trao cơ hội thay đổi cục diện và định hướng tương lai, nhưng ông đã lật lọng, đã bội tín hết lần này đến lần khác, nhất quyết không chọn thay đổi theo hướng phục thiện. Như vậy, chính tấm lòng cứng cỏi của Pharaô đã khiến Thiên Chúa buộc lòng phải cứng rắn hơn nữa, mạnh tay hơn nữa trong các tai ương tiếp theo.

Loan báo Cánh Chung

Vào ngày chung cuộc được trình bày trong sách Khải Huyền (đặc biệt trong ch.8 và 16), điều đáng chú ý là sự phán xét đôi khi được mô tả tương tự như Mười tai ương của Ai Cập. Chương 8 của sách Khải Huyền mô tả một phần ba biển hóa thành máu (câu 8 ), và một phần ba mặt trời trở nên tối (c.12). Thêm vào đó, các biến cố trong sách Khải huyền khi mở ấn thứ bảy vào ngày phán xét là: mặt nước sôi, nước hóa thành máu, cái chết của các loài thụ tạo sống dưới biển, sức nóng dữ dội, bóng tối, các hiện tượng khó chịu như ếch nhái, ánh chớp, sấm sét và động đất. Bên cạnh đó, việc lặp đi lặp lại cụm từ “họ không chịu hối cải và tôn vinh Người” trong Khải huyền (16: 9.11) phản ánh kiểu mẫu của Pharaô trong Xuất Hành.

Trong Xuất Hành, trình thuật mô tả cuộc chiến vĩ đại giữa Thiên Chúa và Pharaô về chủ quyền trên dân Ítrael, trong sách Khải huyền, chủ đề trở thành một cuộc chiến vũ trụ quan và cánh chung giữa Thiên Chúa và Sa tan. Cuộc chiến với sự dữ giờ đây mang lấy một chiều kích mới của nỗi thống khổ và kinh hoàng. Dân mới của Thiên Chúa được gọi mời tham gia trận chiến cho đến chết. Có niềm hy vọng đầy hứa hẹn ở đây: người công chính sẽ được giải cứu tựa như cuộc Xuất Hành cuối cùng thoát khỏi ách giam cầm của một thế giới tội lỗi. Các thế lực Satan sẽ bị đánh bại một cách triệt để như Pharaô và đội quân của ông ta.

Kết

Như đã đề cập ở trên, trình thuật Thánh Kinh nói chung và câu chuyện Xuất Hành nói riêng, không nhằm chủ đích ghi lại chính xác lịch sử theo cách hiểu từ “lịch sử” ở thời hiện đại, và cũng khó tránh khỏi lối giải thích thiên vị. Thay vào đó, họ làm chứng về các sự kiện được nhìn với con mắt đức tin như là “dấu chỉ” và “điềm lạ” và được ghi chép lại cho những người có đức tin, để nuôi dưỡng đức tin cá nhân và dân tộc. Dưới cái nhìn đức tin đó, thì Mười tai ương giáng xuống Ai Cập được dân Israel tin như là hành động cứu vớt của Thiên Chúa đối với dân Ngài, và là minh chứng hiển nhiên cho quyền năng, lòng trung tín và tình yêu thương vô cùng của Ngài.

Sách Xuất Hành, cuốn sách thứ hai của bộ Ngũ Thư, mà trình thuật nổi tiếng nhất cuả nó chính là Mười tai ương, là một “chìa khoá” giúp mở ra toàn bộ Cựu Ước và hé lộ một phần ý nghĩa Tân Ước. Thật vậy, biến cố Xuất hành đã khai sinh ra Ítrael, để chính từ đó, Ítrael đã tìm về cội nguồn của mình trong sách Sáng Thế và đã mô tả sự lớn mạnh của dân tộc mình trong các sách kế tiếp. Và đối với Ítrael, nếu biến cố Xuất hành được nhìn nhận là trung tâm điểm của lịch sử thế nào, thì với những người Kitô giáo, biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô không những cũng mang những nét ý nghĩa trọng đại tương đương, mà thực sự còn kì vĩ và viên mãn hơn thế nữa.

Lạc Vũ Thái Bình

Huế, 7-2022

Bài viết tóm lược các trang 194-241 cuốn “Tìm hiểu Ngũ Thư” của tác giả Phạm Hữu Quang.

5/5 - (1 vote)

KHÁM PHÁ


Ảnh Việt Nam Xưa

  • Một gia đình người Việt giầu có vào năm 1870 (ảnh đã được phục chế màu)
  • Những nhạc công người Việt đang biểu diễn - Sài Gòn 1866
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một ngôi miếu ở làng quê Bắc bộ từ những năm 1910s
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Lễ hội Phủ Dầy - Nam Định xưa, cách đây hơn 100 năm
  • Một vị chức sắc làng Xa La, tỉnh Hà Đông cũ - Ảnh năm 1915
  • Ảnh chụp cụ đồ Nho từ đầu thế kỷ XX
  • Hai vợ chồng người nông dân Bắc bộ năm 1910
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Tục ăn trầu của phụ nữ Việt xưa
  • Chân dung phụ nữ Việt Nam trước năm 1915
  • Chân dung một gia đình khá giả ở Miền Bắc
  • Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà
  • Trạm tàu điện bờ hồ (nhìn từ góc Hàng Đào
  • Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my
  • Đoạn trích từ Nhật ký của Nữ hoàng Victoria. Nguồn: Royal Collection Trust, Luân Đôn
  • Chân dung gia đình hoàng gia năm 1846
  • Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim tại Cung điện Buckingham. Nguồn: The New York Times
  • Chân dung Thằng Mõ chụp năm 1902
  • Lính hầu đang khiêng một vị chức sắc cấp huyện đi công vụ, ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX
  • Học sinh đi học những năm cuối thế kỷ XIX
  • Những người bán hàng rong ven đường ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX
  • Không ảnh Hà Nội năm 1926
  • Một vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng và lính cắp gươm, tráp theo hầu - Ảnh từ đầu thế kỷ XX
  • Ngày Tết của một gia đình khá giả ở miền Bắc những năm 1920s